Brazil: Ông Jair Bolsonaro đối mặt án tù
Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bị cáo buộc đóng vai trò chủ chốt trong âm mưu gây binh biến lật ngược kết quả thất bại trong cuộc bầu cử năm 2022 trước đối thủ là ông Luiz Inacio Lula da Silva.
Theo báo chí Brazil, một cuộc điều tra của cảnh sát liên bang nước này đã vạch trần cái gọi là “âm mưu giết người nhằm phá hủy hệ thống dân chủ của đất nước bằng một cuộc đảo chính quân sự” trong đó cựu Tổng thống Bolsonaro bị cáo buộc đã đóng vai trò chủ mưu. Ông Bolsonaro đã nhiều lần phủ nhận việc tham gia vào nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.
Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
Tuy nhiên, một báo cáo dài 884 trang của cảnh sát liên bang công bố vào ngày 26/11 đã cáo buộc cựu Tổng thống đóng vai trò chính trong việc lập kế hoạch và tổ chức âm mưu đảo chính và cố gắng thuyết phục các thành viên cấp cao nhất của quân đội tham gia. Một số thành viên cấp cao của lực lượng vũ trang được cho là đã đồng ý, bao gồm cả chỉ huy hải quân, Đô đốc Almir Garnier Santos và chỉ huy các hoạt động trên bộ của quân đội, tướng Estevam Theophilo.
Báo cáo của cảnh sát mô tả cựu Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Walter Braga Netto, là một trong những “kiến trúc sư” chính của âm mưu này, mặc dù ông đã phủ nhận việc từng thảo luận về một cuộc đảo chính. Cảnh sát cho biết ông Bolsonaro cuối cùng đã rút lui khỏi âm mưu kéo dài ba năm này sau khi những người đứng đầu quân đội và không quân là tướng Marco Antônio Freire Gomes và tướng Carlos de Almeida Baptista Júnior từ chối ủng hộ.
“Chúng ta đã suýt có một cuộc đảo chính – đó là một cuộc đảo chính của những kẻ điên rồ”, nhà bình luận chính trị Octavio Guedes nhận định về âm mưu được cho là bao gồm các kế hoạch bắt giữ hoặc ám sát các nhà lãnh đạo cấp cao, kể cả ông Lula Da Silva trước khi chiếm giữ các đài truyền hình và phát thanh để tuyên bố quân đội tiếp quản.
Video đang HOT
Một tài liệu viết tay được phát hiện trong cuộc đột kích vào trụ sở đảng chính trị của ông Bolsonaro đã phác thảo một “chiến dịch” gồm sáu giai đoạn nhằm sử dụng quân đội để ngăn chặn quá trình chuyển giao quyền lực và hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử năm 2022. Văn bản kết thúc bằng cái gọi là “trạng thái chính trị mong muốn” của chiến dịch: ngăn chặn Lula bước vào Dinh Tổng thống để nhậm chức.
“Làm sao họ có thể nghĩ rằng thế giới sẽ chấp nhận điều này” – ông Guedes đặt câu hỏi. Ông này tin rằng áp lực từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đóng một vai trò quan trọng trong việc các chỉ huy quân sự từ chối tham gia nhằm làm thất bại âm mưu đảo chính này.
Khi các chi tiết về âm mưu đảo chính hụt xuất hiện, những người Brazil ủng hộ dân chủ đã ăn mừng vì hệ thống tư pháp của đất nước họ dường như đang siết vòng vây quanh ông Bolsonaro. “Thần tượng” của ông Bolsonaro, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về những tội danh bị nghi ngờ, bao gồm cả việc kích động những người ủng hộ ông xông vào Điện Capitol tháng 1/2021 nhằm lật ngược thất bại của ông trong cuộc bầu cử năm 2020.
Báo cáo của cảnh sát liên bang tuyên bố rằng câu trả lời của Brazil cho vụ tấn công Điện Capitol chính là cuộc bạo loạn cánh hữu ngày 8/1/2023 tại Brasília, khi quốc hội và Dinh Tổng thống bị lục soát, và đó là một phần của âm mưu lâu dài nhằm giúp ông Bolsonaro bám giữ quyền lực. Cảnh sát tuyên bố những kẻ chủ mưu hy vọng cảnh hỗn loạn sau lễ nhậm chức của ông Lula Da Siva ở Brasília có thể tạo ra “sự kiện kích hoạt” – một sự bùng phát của tình trạng hỗn loạn sẽ biện minh cho sự can thiệp của quân đội.
Tuy nhiên, cuối cùng, lực lượng an ninh đã kiềm chế được tình hình bất ổn và chính quyền của ông Lula Da Silva đã tái kiểm soát đất nước. Gần hai năm sau, ông Lula Da Silva vẫn tại vị trong khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng ông Bolsonaro, 69 tuổi, có thể phải đối mặt với án tù hàng thập kỷ nếu bị kết tội là tham gia âm mưu tội phạm nhằm phá hoại nền dân chủ của Brazil.
Phát biểu với các phóng viên tại Brasília vào ngày 26/11, ông Bolsonaro thừa nhận rằng ông có thể bị bắt nhưng tuyên bố ông là nạn nhân của sự đàn áp chính trị và gọi những cáo buộc chống lại ông là “điên rồ”.
Các đồng minh của ông Lula Da Silva đã sử dụng các cáo buộc của cảnh sát để thúc đẩy phe cánh hữu phản đối lệnh ân xá cho hàng trăm người tham gia vào cuộc bạo loạn ngày 8/1 – và thậm chí có thể là cả chính ông Bolsonaro. “Chúng ta đang đối phó với những người rất nguy hiểm… không thể có lệnh ân xá”, Gleisi Hoffmann, Chủ tịch đảng Công nhân (PT) của ông Lula Da Silva, nói với kênh truyền hình CNN Brasil. Đề cập đến âm mưu bị cáo buộc nhằm giết Lula, Hoffmann nói thêm: “Điều này không thể chấp nhận được”.
Ông Guedes cho biết vẫn chưa rõ liệu ông Bolsonaro có phải vào tù hay không, lưu ý rằng: “Lịch sử Brazil là lịch sử của sự miễn trừ, không phải của sự trừng phạt. Đó là lịch sử chính trị đầy rẫy những bước ngoặt bất ngờ”. Ông nhớ lại cách ông Lula Da Silva dường như đã “chết” và bị chôn vùi về mặt chính trị khi ông bị bỏ tù vì tội tham nhũng vào năm 2018, nhưng sau đó đã dàn dựng một sự trở lại ngoạn mục để đánh bại ông Bolsonaro vào năm 2022.
Tiết lộ gây sốc liên quan cáo buộc "đảo chính" của cựu Tổng thống Brazil
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cáo buộc người tiền nhiệm của ông Jair Bolsonaro đã tích cực tham gia lập kế hoạch cho những người ủng hộ ông xông vào các văn phòng chính phủ vào ngày 8-1, ngay sau khi một Thượng nghị sĩ nước này tiết lộ cựu Tổng thống đã tham dự một cuộc họp về âm mưu chống bầu cử.
Cựu Tổng thống Brazil đang bị điều tra liên quan đến vụ bạo loạn ngày 8-1
"Hôm nay tôi đã thấy rõ và sẽ công bố rõ ràng là: công dân đó (cựu Tổng thống Bolsonaro) đã chuẩn bị đảo chính", ông Lula da Silva nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình RedeTV! Hôm 2-2. "Tôi chắc chắn rằng ông Bolsonaro đã tích cực tham gia vào việc đó và vẫn đang cố gắng tham gia", ông Lula nói thêm khi được hỏi về vai trò của người tiền nhiệm trong vụ tấn công hàng loạt trụ sở công quyền một tuần sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Lula da Silva. Cựu Tổng thống không có mặt ở thủ đô vào thời điểm đó và không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.
Các cáo buộc của Tổng thống Lula da Silva chống lại ông Bolsonaro được đưa ra cùng ngày mà Thượng nghị sĩ Marcos do Val cáo buộc cựu Tổng thống tham dự một cuộc họp về cách thức lật lại kết quả bầu cử tổng thống và ngăn chặn việc chuyển giao quyền lực. Đó là một cuộc họp kín do ông Daniel Silveira, khi đó là nghị sĩ đồng minh của ông Bolsonaro, tổ chức vào ngày 9-12.
Theo Thượng nghị sĩ Marcos do Val, ông Silveira đã vạch ra kế hoạch nhằm gây mất uy tín cuộc bầu cử Tổng thống tháng 10-2022. Theo đó, ông ta muốn ông Marcos do Val sắp xếp một cuộc gặp với ông Alexandre de Moraes, thẩm phán Tòa án Tối cao kiêm Chủ tịch Cơ quan bầu cử Brazil, và tìm cách để ông Moraes có bình luận làm dấy lên nghi ngờ về kết quả bầu cử rồi lén ghi âm.
Thẩm phán De Moraes là mục tiêu yêu thích của những người ủng hộ Bolsonaro, những người cho rằng ông đã can thiệp vào cuộc bầu cử để giúp Lula. Ông Bolsonaro "ngồi im lặng" trong lúc nghị sĩ đồng minh Silveria trình bày kế hoạch và không có ý định ngăn cản. "Tôi sẽ hủy bỏ cuộc bầu cử, ông Lula không tuyên thệ nhậm chức, tôi tiếp tục giữ chức vụ Tổng thống và bắt giữ Alexandre de Moraes vì những bình luận của ông ấy", ông do Val dẫn lời cựu Tổng thống Bolsonaro nói. Vị Thượng nghị sĩ cũng công bố ảnh chụp màn hình các tin nhắn với ông Silveira về cuộc họp và kế hoạch.
Thông tin được Thượng nghị sĩ Marcos do Val tiết lộ là lời khai có sức nặng nhất liên quan cáo buộc ông Bolsonaro tìm cách lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống Brazil. Những lời cáo buộc này lập tức trở thành chủ đề nóng nhất của tin tức địa phương và Thẩm phán Moraes đã yêu cầu Thượng nghị sĩ do Val cung cấp lời khai có tuyên thệ với cảnh sát liên bang Brazil trong vòng 5 ngày. Cảnh sát Brazil ngày 2-2 đã bắt nghị sĩ Silveria theo lệnh từ Tòa án Tối cao, với cáo buộc ông này bất tuân phán quyết tòa án và "hoàn toàn thiếu tôn trọng, chế nhạo" cơ quan tư pháp.
Ông Bolsonaro thất bại trước đối thủ Inacio Lula da Silva với chênh lệch tỷ lệ phiếu bầu là 50,9% và 49,1%, khoảng cách sít sao nhất trong lịch sử Brazil hiện đại. Ông Bolsonaro không nhận thua, cũng không cản trở quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Lula nhưng nhiều lần cáo buộc bầu cử có gian lận. Không chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống, hàng nghìn biểu tình ủng hộ ông Bolsonaro hôm 8-1 tuần hành ở Brasilia và xông vào tòa nhà quốc hội Brazil, Tòa án Tối cao và dinh Tổng thống để gây bạo loạn, đập phá.
Trước đó, ông Bolsonaro đã rời Brazil đến bang Florida, Mỹ vào ngày 30-12, hai ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ông được cho là nhập cảnh bằng thị thực dành cho nguyên thủ các nước, hết hạn ngày 31-1 và đã nộp đơn xin cấp thị thực thời hạn 6 tháng lên giới chức Mỹ để có thể tiếp tục ở lại nước này trong thời gian đang bị điều tra với cáo buộc kích động người biểu tình, dẫn đến vụ bạo loạn ngày 8-1.
Brazil và Venezuela thúc đẩy hợp tác chiến lược Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, ngày 1/3, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và người đồng cấp Venezuela Nicolás Maduro đã có cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (Celac) lần thứ VIII diễn ra ở Saint Vincent và Grenadines. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula...