Brazil khôi phục dữ liệu Covid-19 sau phán quyết của tòa án tối cao
Brazil ngày 9/6 đã khôi phục lại dữ liệu chi tiết về dịch Covid-19 sau phán quyết của tòa án tối cao nước này.
Ngày 9/6, Brazil đã khôi phục dữ liệu về Covid-19 trên trang web của chính phủ sau khi vấp phải nhiều phản đối vì loại bỏ số liệu tổng số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh và phán quyết của tòa án tối cao rằng Bộ Y tế nước này phải thiết lập lại đầy đủ dữ liệu hàng ngày về Covid-19.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nói chuyện với Bộ trưởng Y tế lâm thời Eduardo Pazuello tại Cung điện Alvorada ngày 9/6. Ảnh: Reuters.
Trang web chính thức covid.saude.gov.br đã khôi phục lại đầy đủ số liệu về số ca nhiễm virus và tử vong tại Brazil.
Theo số liệu tối ngày 9/6, Brazil ghi nhận thêm 32.091 ca mắc Covid-19 mới và 1.272 ca tử vong do dịch bệnh trong 24 giờ qua. Như vậy, Brazil hiện có 739.503 ca nhiễm virus và 38.406 ca tử vong do Covid-19, cao thứ 3 về số người chết sau Mỹ và Anh.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro liên tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Ông coi Covid-19 chỉ là cúm thông thường đồng thời kêu gọi các thống đốc bang dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đang làm tổn hại tới nền kinh tế đất nước.
Ngày 9/3, ông Bolsonaro cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh mất uy tín trong việc xử lý dịch bệnh và đe dọa Brazil có thể sẽ rút khỏi tổ chức này.
Sở Y tế thành phố Sao Paulo cũng đã báo cáo số người chết vì Covid-19 cao kỷ lục trong một ngày trong bối cảnh thành phố đông dân nhất Brazil này đang mở cửa trở lại nền kinh tế và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Mặc dù số ca nhiễm bệnh và tử vong tại Brazil vẫn tiếp tục tăng, thị trưởng Sao Paulo cho biết, các cửa hàng được phép kinh doanh 4 tiếng/ngày kể từ ngày 10/6 và các trung tâm thương mại có thể hoạt động lại vào ngày 11/6.
Rio de Janeiro, thành phố lớn thứ 2 tại Brazil cũng bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm dịch như cho phép tổ chức các trận bóng đá mà không có khán giả. Tuy nhiên, một thẩm phán của tòa án tối cao ngày 8/6 đã ra lệnh tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch và chỉ cho phép các dịch vụ thiết yếu hoạt động trở lại do số người tử vong do Covid-19 tại thành phố này đã lên tới hơn 7.000.
Cuối tuần qua, Bộ Y tế Brazil bất ngờ xóa toàn bộ dữ liệu về tổng số ca nhiễm và ca tử vong do Covid-19. Trước đó, chính phủ Brazil cũng bị chỉ trích khi lùi giờ cập nhật số liệu Covid-19 hàng ngày xuống tối muộn, quá khung giờ phát sóng các chương trình tin tức tại Brazil.
Các chuyên gia y tế lo ngại rằng, nếu không công bố tổng số ca nhiễm và ca tử vong mà chỉ báo cáo số ca mới trong 24 giờ thì các trường hợp có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi tử vong sẽ không bao giờ được biết đến.
Thẩm phán tòa án tối cao Alexandre de Moraes cho biết trong một tuyên bố trên trang web của tòa án, Bộ Y tế phải phải cung cấp đầy đủ dữ liệu dịch tễ hàng ngày về đại dịch Covid-19, bao gồm trên cả trang web của bộ.
Ông Moraes cho biết hành động này của chính phủ khiến cho các cơ quan không thể theo dõi được sự lây lan của virus để thực hiện các biện pháp phòng dịch phù hợp.
Đại dịch COVID-19 ngày 9/6: Tình hình toàn cầu xấu đi, 700.000 ca nhiễm ở Brazil
Cập nhật đại dịch COVID-19 ngày 9/6: Số ca mắc COVID-19 tại Brazil đã vượt 700.000, trong khi đó WHO cảnh báo tình hình đại dịch toàn cầu đang xấu đi.
Số ca nhiễm tại Brazil vượt 700.000
Brazil, quốc gia bị ảnh hưởng COVID-19 nặng nề nhất Nam Mỹ hiện có 707.412ca mắc bệnh và 37.134 người chết. Số ca bệnh của nước này đã gia tăng liên tục sau khi đạt mốc 500.000 hôm 1/6.
Theo truyền thông Brazil, Bộ Y tế nước này đã cắt giảm dữ liệu về số ca chết người được báo cáo hôm 7/6, do Tổng thống Jair Bolsonaro muốn có ít hơn 1.000 người chết mỗi ngày. Một Thượng nghị sĩ Brazil sau đó kêu gọi điều tra các dữ liệu mâu thuẫn này.
Số ca nhiễm virus corona tại Brazil tiếp tục tăng cao. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Mexico báo cáo 2.999 ca chết người mới hôm 8/6. Số ca bệnh của nước này đang ở mức 120.102, trong đó 14.053 người chết.
WHO cảnh báo đại dịch toàn cầu đang xấu đi
Thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trong ngày cao nhất hôm 8/6, với 136.000 ca. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO cho biết: "Sau hơn 6 tháng xảy ra đại dịch, đây không phải là lúc để bất kỳ quốc gia nào lơ là."
Ông này cho biết, mặc dù tình hình dịch ở châu Âu đang được cải thiện, nhưng trên toàn cầu dịch bệnh đang xấu đi. Gần 75% trong số 136.000 ca nhiễm mới được báo cáo từ 10 quốc gia, chủ yếu ở châu Mỹ và Nam Á.
Video: WHO cho biết, phun khử trùng không phòng được COVID-19
Bác sĩ Mike Ryan, chuyên gia cấp cứu của WHO cho rằng việc tìm hiểu cách ứng phó với dịch bệnh từ những ngày đầu có thể tạm gác sang một bên. " Hiện tại chúng ta cần tập trung vào những gì cần làm để ngăn chặn làn sóng thứ hai."
Ryan cũng cho biết số ca bệnh ở các quốc gia Trung Mỹ bao gồm Guatemala vẫn đang gia tăng và tình hình dịch bệnh tại đây rất phức tạp. " Tôi nghĩ rằng đây là thời điểm rất đáng quan tâm", ông kêu gọi sự lãnh đạo mạnh mẽ của chính phủ và hỗ trợ quốc tế cho khu vực.
Bà Maria van Kerkhove, người đứng đầu về virus của WHO nói rằng cách tiếp cận toàn diện là rất cần thiết ở Nam Mỹ.
Nhiều bang ở Mỹ có số ca mắc COVID-19 tăng
Trong khi các bang trên toàn nước Mỹ tiếp tục dỡ bỏ các hạn chế, có gần một nửa số bang tại nước này đang ghi nhận số ca bệnh tăng lên.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, hơn 1,9 triệu người Mỹ đã bị nhiễm virus corona gây COVID-19 và hơn 110.000 người đã chết chỉ sau hơn 4 tháng.
Trên toàn quốc, khoảng 22 tiểu bang có số ca bệnh tăng, 20 tiểu bang có số ca giảm trong những ngày gần đây và 8 tiểu bang đang có số ca ổn định. Một trong những tiểu bang có số ca tăng đột biến số ca bệnh mới là Florida.
Kinh tế Ấn Độ suy giảm sâu vì Covid-19 Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ giảm xuống còn 4,2% trong năm tài chính 2019-2020 và tiếp tục thu hẹp còn 3,2% trong năm tài chính 2020-2021. Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/6 dự báo, kinh tế Ấn Độ sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 3,2% trong năm tài chính hiện tại. Nguyên nhân được chỉ ra là do những hậu quả...