Brad Pitt biến hóa trong các vai diễn
Từ năm 1995 đến nay, đã có hàng chục bộ phim ghi dấu ấn của chàng lãng tử Brad Pitt. Từ “ Twelve Monkeys” tới “Moneyball”, Brad chưa từng lặp lại chính mình bởi với mỗi nhân vật hóa thân, anh lại tạo một vẻ bề ngoài ấn tượng và hoàn toàn khác biệt.
Brad Pitt giành đề cử giải Oscar cho vai diễn phụ, Jeffrey Goines trong phim “Twelve Monkeys” vào năm 1995.
Vào năm 1997, Brad Pitt vào vai Heinrich Harrer, một vận động viên leo núi người Australia trong phim “Seven Years in Tibet”.
Brad vào vai chính trong bộ phim lãng mạn “Meet Joe Black” năm 1998.
Brad Pitt vào vai Tyler Durden trong bộ phim “Fight Club” của đạo diễn David Fincher.
Trong năm 2000, đạo diễn Guy Ritchie mời Brad vào vai Mickey O”Neil trong “Snatch”.
Video đang HOT
Diễn xuất bên cạnh George Clooney và Matt Damon, Brad Pitt vào vai Rusty Ryan, cánh tay phải của nhân vật mà George hóa thân trong Ocean”s Eleven. Những năm tiếp theo, 2004 và 2007, Brad tiếp tục tham gia Oceans Twelve và Ocean”s Thirteen.
Brad vào vai Achilles trong bộ phim nổi tiếng năm 2004, “ Troy”.
Trên phim trường của “Mr & Mrs. Smith”, Brad Pitt phải lòng bạn diễn Angelina Jolie. Vào thời điểm đó, năm 2005, Brad vẫn còn đang làm chồng Jennifer Aniston.
Brad Pitt trong bộ phim “ Burn After Reading” năm 2008.
Năm 2008, ông bố 6 con thủ vai Benjamin Button. Diễn viên Cate Blanchett vào vai vợ của Brad trong phim “The Curious Case of Benjamin Button”.
Bộ phim “ The Tree of Life” của Brad Pitt được công chiếu và giành giải tại Liên hoan phim Cannes năm nay.
Trong bộ phim được công chiếu vào tháng 9/2011, “Moneyball”, Brad Pitt vào vai Billy Beane, quản lý của đội bóng chày Oakland A.
Theo VN Express
'Cây đời' - 'bài thơ' đẹp được viết bằng điện ảnh
Tác phẩm giành giải Cành cọ vàng tại LHP quốc tế Cannes 2011 cho thấy rằng điện ảnh đôi khi không cần phải hiểu, mà chỉ cần cảm nhận bằng trái tim.
Khi ra mắt lần đầu vào hôm 16/5 tại LHP Cannes 2011, The Tree of Life - tác phẩm thứ 5 của vị đạo diễn có hơn 30 năm trong nghề, Terrence Malick - đã tạo nên hai luồng ý kiến từ khán giả. Một nửa la ó, giận dữ vì tiếc 139 phút mệt mỏi ngồi trong rạp, nửa còn lại thì bàng hoàng, rơi lệ với những xúc cảm mãnh liệt mà The Tree of Life đã đem lại. Một tuần sau, tại đêm bế mạc 22/5 , The Tree of Life được xướng tên Cành cọ vàng và tiếp tục tạo nên làn sóng tranh cãi dữ dội. Nhiều người cho rằng việc trao giải thưởng danh giá nhất cho tác phẩm này đã làm giảm giá trị và uy tín của LHP Cannes, nhưng cũng không ít người công nhận chiến thắng dành cho The Tree of Life là hoàn toàn xứng đáng.
Phim mở đầu với một lời trích dẫn trong sách Kinh thánh của Job: "Người ở đâu khi ta tạo nên Trái Đất? Khi những ngôi sao mai đang ca hát, và những đứa con của Chúa trời cùng hét lên trong niềm vui sướng?". Trong suốt chiều dài phim, rất nhiều câu hỏi cũng được cất lên: "Người đã ở đâu?", "Người hiện hữu trong hình dạng nào?", "Tại sao?", "Chúng con là gì với Người?"... nhưng tuyệt nhiên không có một câu trả lời nào. Những câu hỏi vang lên như những lời thì thầm, dẫn đường cho người xem khám phá thế giới riêng của The Tree of Life, với những hình ảnh ẩn dụ mang đầy tính thơ, những bản nhạc lúc êm đềm, khi dữ dội, những sự ý nghĩa, vô nghĩa của cuộc đời và những xúc cảm giữa con người với vũ trụ.
"The Tree of Life" đã giành giải Cành cọ vàng tại LHP quốc tế Cannes (Pháp) 2011. Ảnh: Fox Searchlight.
Câu chuyện của The Tree of Life đi theo những ký ức của Jack (do Sean Penn thủ vai), một kiến trúc sư tuổi trung niên đang lạc lõng, chênh vênh giữa những tòa nhà chọc trời và lạc lối trong những câu hỏi về chính cuộc đời mình. "Tìm em", một lời thì thầm ở nơi nào đó trong tâm trí đã đưa Jack trở về những năm tháng tuổi thơ ở vùng quê Waco, Texas. Cha của Jack là một cựu binh mang trong mình những ức chế bị dồn nén và trút lên người vợ hiền cùng ba cậu con trai. Mẹ của Jack lại là một người phụ nữ thánh thiện, dịu dàng và luôn yêu thương các con với sự mềm mỏng, vị tha. Khi bắt đầu ý thức được về cuộc sống, Jack - người con trai cả - bị xáo động tâm lý, giằng xé giữa hai hình ảnh mà mình muốn trở thành.
Những mảnh ký ức rời rạc từ khi Jack ra đời, chập chững những bước đi đầu tiên, có em trai, lớn lên, đánh mất niềm tin và sự trong sáng ở cuộc đời, chịu sự giáo dục có phần cực đoan từ người cha, rồi cả bi kịch cậu em trai qua đời ở tuổi 19... được kể không theo trật tự thời gian tuyến tính. Đan xen trong đó là những câu hỏi dành cho "Người", mà câu trả lời nằm ở những hình ảnh đẹp một cách hoàn mỹ, mang đầy tính ẩn dụ về sự hình thành vũ trụ và vạn vật: Dải ngân hà, những mảnh thiên thạch, các vì sao, vụ nổ Big Bang, đại dương, những dòng suối trong mát, khủng long, những con sứa biển, những đám mây xám, ánh hào quang, những bậc cầu thang, con mắt phôi thai, một sinh linh bé bỏng chào đời...
Không đơn thuần nói về những mảnh ký ức và sự trưởng thành trong mỗi con người, đạo diễn Terrence Malick đã nâng ý tưởng của mình thành một đề tài mang tính vĩ mô. Lịch sử loài người, đức tin vào Chúa trời, nhân cách và sự xáo động trong tâm lý mỗi đứa trẻ khi bước lên một bậc thang mới của "cây đời", ý nghĩa và cả sự vô nghĩa mà cuộc sống đã tạo ra... được kết nối qua một lối kể không rành mạch, với nhịp phim chậm rãi, cách chuyển cảnh đột ngột, chóng vánh và những khuôn hình đầy mê hoặc của nhà quay phim Emmanuel Lubezki. Tuy nhiên, The Tree of Life không phải là những bài "giảng đạo" hay "triết lý" của Terrence Malick. Ông chỉ muốn đem tới những cảm xúc chân thật nhất, gần gũi nhất về cuộc đời cho khán giả, nhưng dưới một góc độ nghệ thuật và một thứ ngôn ngữ điện ảnh trừu tượng.
Brad Pitt (vai người bố) và diễn viên nhí Laramie Eppler (vai người con trai thứ R.L.). Ảnh: Fox Searchlight.
Hinh ảnh ông bố và bà mẹ trong The Tree of Life đại diện cho hai thái cực của cuộc đời - khắc nghiệt và hiền hòa. "Có hai cách để đi qua cuộc đời, một cách tự nhiên, và một cách vị tha". Mỗi người sống trên đời đều có một lựa chọn khác nhau. Người bố quan niệm: "Trong thế giới này, rất khó khăn để vượt lên phía trước" và luôn dạy con trai: "Thế giới này đầy rẫy những thủ đoạn nên để thành công, con không được quá tốt bụng". Trong khi bà mẹ luôn có niềm tin: "Những người kính Chúa không bao giờ có một kết cục xấu". Jack và hai em trai lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ. Tình thương của người bố mang màu sắc cực đoan, ông dạy các con phải mạnh mẽ trong cuộc sống. Trong khi đó, tình thương của người mẹ lại dạt dào, dịu êm và chan chứa lòng vị tha.
Jack luôn căm thù cha, thậm chí còn than Chúa tại sao lại sinh ra cha, và muốn ông chết đi. Nhưng càng lớn, cậu lại càng giống cha mình. Sau khi vấp ngã, Jack nhìn cuộc đời với một con mắt khác, không còn trong trẻo, thơ ngây nữa. Khi trưởng thành, nỗi đau của sự mất mát vẫn cào xé tâm can anh. Lạc lõng, bí bách trong những tòa nhà che kín bầu trời, Jack luôn tự hỏi về "cây đời", về ý nghĩa của sự tồn tại mà đối với anh, chúng chỉ là những câu hỏi tu từ. Cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn không ngừng, Jack mải miết đi theo tiếng gọi "tìm em" và lạc lối trong mê cung ký ức thời ấu thơ. Những kỷ niệm đẹp như khi ba anh em vui đùa trên bãi cỏ, cùng nhau nghe mẹ kể chuyện, hay những ký ức buồn như sự tức giận của cha trong bữa ăn, thái độ của ông khi dạy các con "chiến đấu" cứ thế hiện về và tách Jack ra khỏi cuộc sống thực tại.
Dàn diễn viên, từ những tài năng lần đầu đứng trước máy quay, hay những tên tuổi gạo cội đều tỏa sáng trên màn ảnh rộng. Brad Pitt gây xúc động mạnh mẽ khi vào vai một người cha trầm uất, hết lòng yêu thương con nhưng sự độc đoán, tư tưởng của ông luôn tạo khoảng cách với những đứa trẻ. Nhiều người còn cho rằng đây là vai diễn hay nhất của Brad Pitt từ trước đến nay. Nữ diễn viên Jessica Chastain, một gương mặt mới của điện ảnh, với vẻ đẹp ngọt ngào, đằm thắm gợi đến hình ảnh của một "thiên thần" luôn bảo vệ, yêu thương những đứa trẻ theo "cách vị tha". Sean Penn chỉ xuất hiện trên dưới 10 phút, nhưng vẫn lột tả được tâm trạng, nỗi niềm của một người đàn ông tuổi trung niên đang mất thăng bằng và bị quá khứ ám ảnh.
Sean Penn vào vai Jack, một kiến trúc sư của thế kỷ 21, lạc lõng giữa cuộc đời và bị ám ảnh bởi những câu hỏi. Ảnh: Fox Searchlight.
Hai diễn viên nhí Hunter McCracken và Laramie Eppler chưa từng đóng phim nhưng dưới sự chỉ đạo của Terrence Malick, cả hai đã thể hiện khả năng diễn xuất tuyệt vời và hoàn toàn thuyết phục người xem. Ở Hunter, khán giả thấy được sự ức chế, lầm lì của Jack mỗi khi nhìn vào đôi mắt sâu thẳm và cái nhíu mày của cậu. Sự giằng xé trong tâm can khi đánh mất sự ngây thơ của Jack được Hunter lột tả một cách xuất sắc. Nếu như Jack là một "bản sao" của bố, thì R.L - người con trai thứ hai, qua diễn xuất của Laramie lại mang nhiều nét của người mẹ - hồn nhiên, thuần khiết, trong trẻo. Chính diễn xuất của các cậu bé chưa từng làm diễn viên trước đó đã góp phần tạo nên sự gần gũi, thu hẹp khoảng cách giữa khán giả và tác phẩm.
Âm nhạc của The Tree of Life do nhà soạn nhạc Alexandre Desplat (ba lần được đề cử Oscar với các phim The Curious Case of Benjamin Button, The Queen, The King's Speech) thực hiện khi kết hợp với hình ảnh, tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ và sự thăng hoa trong cảm xúc của người xem. Từ tiếng đàn piano dịu êm, mượt mà của Les Baricades Mistérrieuses vang lên trong không gian những năm 1950, bản Funeral March bi tráng cho tới Lacrimosa đầy da diết, bứt rứt của bản giao hưởng kinh điển Requiem hòa quyện vào những khung hình thơ mộng tạo nên một bức tranh đa sắc vị mà mỗi người có thể thưởng thức, cảm thụ nó một cách khác nhau.
Mặc dù có thể nói The Tree of Life là tác phẩm gần gũi với khán giả nhất trong số những phim của Terrence Malick nói riêng và phim Cannes nói chung, nhưng đây vẫn không phải là bộ phim dành cho số đông. Hình ảnh của bộ phim tuyệt đẹp, nhưng đôi khi cái đẹp ấy lại quá hoa mỹ, ngoạn mục và vượt khỏi tầm cái đẹp điện ảnh. Nhịp điệu chậm rãi và cách kể chuyện rời rạc, không theo tuần tự thông thường là một sự thách thức, đòi hỏi khán giả phải tập trung cao độ mới có thể hòa mình được vào bộ phim. Mang thông điệp giản dị, cảm động về gia đình, cuộc sống nhưng ý tưởng thể hiện của Terrence Malick lại quá rộng lớn, cao xa nên không phải khán giả nào cũng thẩm thấu được.
Một hình ảnh đáng nhớ trong "The Tree of Life". Ảnh: Fox Searchlight.
Nhưng đôi khi, điện ảnh không cần phải hiểu mà chỉ cần cảm nhận bằng chính trái tim của mỗi người. The Tree of Life giống như một bài thơ đẹp của điện ảnh, với những vần thơ mà khi đọc lên, có thể người thưởng thức sẽ không hiểu được ý nghĩa, nhưng vẫn thấy nó thật nuột nà, đẹp đẽ và có sức lay động mãnh liệt tới những cảm xúc sâu thẳm nhất. Cuộc đời cũng là một thực thể phức tạp mà đôi khi chúng ta không thể hiểu thấu được hoàn toàn. Có ai biết trước được con đường mình sẽ bước đi? Có ai tự biết cách để đi qua cuộc đời? Khi lạc lối trong những câu hỏi vô định, đâu sẽ là câu trả lời mà ta muốn kiếm tìm?
Cuộc sống vẫn sẽ luôn tiếp diễn như vòng quay của Trái Đất, con người sẽ vẫn bước đi trên những bậc thang mới và không ngừng vấp ngã, khóc để đi tới sự trưởng thành. "Cây đời" là gì? Ở đâu? Hiện hữu trong hình dạng nào? Mỗi con người sẽ nhận được câu trả lời cho riêng mình vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống này. Cũng có khi "cây đời" chỉ là một hình ảnh giả định tồn tại trong tâm trí mỗi chúng ta, với ánh hào quang trên ngọn cây mà càng tới gần, thứ ánh sáng huyền ảo đó lại càng lan tỏa rộng lớn và mơ hồ hơn.
The Tree of Life (Cây đời) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 12/8.
Viết cảm nhận "The Tree of Life" và nhận vé xem phim Công ty Thiên Ngân dành tặng cho độc giả VnExpress tại Hà Nội và TP HCM những cặp vé xem buổi ra mắt bộ phim hài, tình cảm Friends With Benefits có sự tham gia của ca sĩ Justin Timberlake và mỹ nhân Thiên nga đen, Mila Kunis. Độc giả viết những suy nghĩ, cảm nhận của mình về The Tree of Life ở phần comment ở phía dưới đây. Ban biên tập sẽ tổng hợp lại và đưa những cảm nhận sâu sắc nhất vào bài điểm phim của độc giả sẽ đăng trong tuần sau. Những độc giả có phần cảm nhận phim được bình chọn nhiều nhất sẽ nhận được mỗi người một cặp vé. * Lưu ý: Bài review về The Tree of Life phải có độ dài từ 100 đến 400 từ. Đề nghị độc giả ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ, điện thoại và email để tòa soạn tiện liên lạc.
Theo VN Express
Thấy chính mình nổi loạn trong "Cây Đời" Một bộ phim rất đáng xem trong ngày lễ Vu Lan hôm nay. The Tree of Life (2011) được đạo diễn bởi Terrence Malick, một nhà cựu triết gia. Ban đầu bộ phim dự định quay ở Ấn Độ với Mel Gibson và Colin Farrell. Nhưng sau đó vì nhiều lý do, phim phải thay đổi địa điểm về Texas với nam diễn...