Boyhood đại thắng tại Quả cầu vàng lần thứ 72
Bộ phim làm 12 năm – Boyhood của đạo diễn Richard Linklater đã giành giải thưởng quan trọng nhất: Phim xuất sắc nhất thể loại chính kịch trong Quả cầu vàng.
Giải Quả cầu vàng lần thứ 72 do Hiệp hội báo chí nước ngoài Hollywood tổ chức vừa diễn ra tại Beverly Hilton, California, Mỹ vào tối 11/01 (giờ địa phương), quy tụ nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới. Đây được coi là một bước đệm quan trọng cho các bộ phim tranh giải tại Oscar diễn ra sau đây khoảng một tháng. Không ngoài dự đoán, bộ phim Boyhood của đạo diễn Richard Linklater đã giành giải thưởng quan trọng nhất: Phim xuất sắc nhất thể loại chính kịch.
Boyhood – Bộ phim được quay trong 12 năm của đạo diễn Richard Linklater
Boyhood năm nay đại thắng khi Richard Linklater còn nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất nhờ thủ pháp làm phim đặc biệt: sử dụng cùng một dàn diễn viên để ghi lại những thay đổi chân thực về ngoại hình và tâm lý của một cậu bé trong suốt 12 năm. Phát biểu trên sân khấu, ông nói: “ Đây là một bộ phim đặc biệt đối với cá nhân tôi. Tôi muốn dành giải thưởng này cho các phụ huynh từng trải qua thế giới này, những người đã làm hết sức mình cho con cái của họ“. Bên cạnh đó, Boyhood còn giành thêm giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Patricia Arquette.
Đạo diễn Richard Linklater nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất
Patricia Arquette trong vai diễn xuất sắc về người mẹ trong Boyhood
Vượt qua nhiều đồng nghiệp nổi tiếng như Steve Carell (Foxcatcher), Benedict Cumberbatch (The Imitation Game), Jake Gyllenhaal (Nightcrawler), David Oyelowo (Selma), nam diễn viên Eddie Redmayne đã giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại chính kịch – nhờ màn hóa thân tuyệt vời thành nhà khoa học lừng danh nhất thế kỷ 21 – Stephen Hawking, trong bộ phim The Theory of Everything. Tiếc là bạn diễn Felicity Jones của anh đành nhường giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại chính kịch cho Julianne Moore trong bộ phim Still Alice.
Eddie Redmayne trong phim The Theory of Everything
Julianne Moore chiến thắng với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại chính kịch
Video đang HOT
Cho dù từng thổ lộ trong phỏng vấn trước lễ trao giải rằng năm nay không hy vọng có giải, nhưngAmy Adams đã giành giải Nữ diễn viên phim ca nhạc hoặc phim hài xuất sắc nhất với vai họa sỹ Margaret Keane trong Big Eyes.
Sau đây là các giải chính của lễ Quả cầu vàng lần thứ 72:
Phim xuất sắc nhất thể loại chính kịch: Boyhood
Phim xuất sắc nhất thể loại ca nhạc hoặc hài: The Grand Budapest Hotel
Đạo diễn xuất sắc nhất: Richard Linklater – Boyhood
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại chính kịch: Eddie Redmayne – The Theory of Everything
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại chính kịch: Julianne Moore – Still Alice
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại ca nhạc hoặc hài: Michael Keaton – Birdman
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại ca nhạc hoặc hài: Amy Adams – Big Eyes
Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: J.K. Simmons – Whiplash
Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Patricia Arquette – Boyhood
Kịch bản xuất sắc nhất: Alejandro Gonzalez Inarritu, Nicolas Giacobone, Alexander Dinelaris, Jr., Armando Bo – Birdman
Nhạc phim gốc hay nhất: Johan Johannsson – The Theory of Everything
Ca khúc nhạc phim hay nhất: “Glory” (Selma) – John Legend and Common
Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất: Leviathan (Nga)
Phim hoạt hình xuất sắc nhất: How to Train Your Dragon 2
Giải Cecil B. DeMille: George Clooney
TheoTrang Thùy / Trí Thức Trẻ
'Boyhood' - 'Canh bạc' làm phim kéo dài 12 năm
Nhận được sự tán thưởng gần như tuyệt đối từ giới phê bình, bộ phim mất 12 năm để thực hiện mang tên "Boyhood" là ứng viên sáng giá nhất tại Quả cầu vàng và Oscar 2015.
Đạo diễn Richard Linklater từ lâu vốn luôn được coi là một viên ngọc quý của điện ảnh đương đại. Từ những chuyện đời vặt vãnh chẳng có gì đáng kể, những mẩu đối thoại vô thưởng vô phạt, những nhân vật tầm tầm, không quá xuất sắc, cũng chẳng quá đặc biệt, nhưng phim của ông vẫn luôn thông minh, ý nhị và duyên dáng theo một cách riêng. Năm 2013, khán giả có cơ hội thưởng thức Before Midnight như cái kết đẹp cho câu chuyện tình trải dài suốt hai thập kỷ của Jessie và Celine. Tới năm 2014, khán giả tiếp tục được tái ngộ Linklater và "chàng thơ" Ethan Hawke trong một dự án điện ảnh còn tham vọng hơn. Đó là Boyhood, bộ phim mất 12 năm thực hiện, kể về sự trưởng thành của cậu bé Mason từ khi cậu còn học lớp 1 cho tới khi vào đại học.
Boyhood là câu chuyện trưởng thành của cậu bé Mason và những người sống quanh cậu.
Một bộ phim có nội dung tương tự rơi vào tay một đạo diễn khác sẽ cần tối thiểu hai diễn viên đóng vai nhân vật chính lúc nhỏ và lúc lớn. Richard Linklater thì không chấp nhận một sự thỏa hiệp như vậy. Đối với ông, không một kỹ xảo điện ảnh, một bậc thầy hóa trang nào có thể vượt mặt được thời gian trong việc tạo ra những thay đổi về diện mạo, tâm lý con người. Ông có thừa lòng quyết tâm và sự nhẫn nại để chờ đợi. Khởi quay từ tháng 5/2002 và đóng máy vào tháng 10/2013, Boyhood trở thành bộ phim "thời gian thực" hết sức đặc biệt trong lịch sử điện ảnh. Đó là một ván cược "được ăn cả ngã về không" vì trong 12 năm ấy, rất nhiều bất trắc có thể xảy ra. Sẽ ra sao nếu các diễn viên nản chí và muốn rút lui khỏi dự án? Ai biết được Ellar Coltrane, người thủ vai Mason, lúc nhỏ là một cậu bé rất dễ thương nhưng lớn lên sẽ trở thành một người thế nào? Ai sẽ là người dám đầu tư vào một bộ phim mà phải 12 năm sau mới thu được kết quả? Bất chấp tất cả những rủi ro có thể gặp phải, Richard Linklater và đoàn làm phim vẫn đi đến cùng với giấc mơ điện ảnh này.
Phim mở đầu bằng cảnh cậu bé Mason (Ellar Coltrane), 6 tuổi, đang nằm trên đồng cỏ, ngước mắt trong veo lên nhìn trời như một dự báo về tính cách trầm lặng, có phần hơi nghệ sĩ của cậu sau này. Dần dần, bức tranh toàn cảnh được hé lộ: cha mẹ cậu đã ly dị. Cậu sống cùng mẹ Olivia (Patricia Arquette) và cô chị gái lém lỉnh có tên Samantha (Lorelei Linklater) trong một ngôi nhà đơn sơ ở Texas. Mason Sr. (Ethan Hawke), gã trai lang bạt và là bố của hai đứa trẻ, thỉnh thoảng lại tạt qua nhà để đưa hai chị em đi chơi.
Chẳng có gì đặc biệt xảy ra trong Boyhood, nhưng phim vẫn lôi cuốn người xem bằng tính đời thường của phim.
Chuyện gì đã xảy ra với những con người ấy trong khoảng thời gian suốt 12 năm? Không có gì đặc biệt, chỉ là những sự kiện mà ta vẫn gặp trong đời thực: tái hôn, ly dị, chuyển nhà, công việc mới, những buổi dã ngoại, những bữa tiệc thân mật... Richard Linklater gần như gạt bỏ tất cả những kịch tính có thể làm câu chuyện hấp dẫn hơn theo chuẩn của Hollywood. Không có cái chết hay một tai nạn thương tâm nào, không ai phạm tội, không một tình huống từ trên trời rơi xuống, phức tạp hóa mọi chuyện. Richard Linklater cũng tránh tập trung vào những khoảnh khắc nhân vật đối diện với sự thay đổi trong cuộc đời. Không ai biết chính xác tại sao bố mẹ Mason lại ly dị nhau, đám cưới của Olivia với người chồng thứ hai như thế nào, khoảnh khắc Mason biết tin được nhận vào đại học...
Dường như với Linklater, cuộc đời không phải là một chuỗi những cái gạch đầu dòng về chuyện gì đã xảy ra. Gương mặt cuộc đời chỉ được nhận thức đầy đủ nhất trong những ngày "trời hôm ấy không có gì đặc biệt", khi nhân vật ở trạng thái tâm lý bình ổn nhất, từ những chuyện vặt vãnh, giản đơn nhất. Gạt đi mọi sự làm màu, mọi sự hoa lá cành không cần thiết, Richard Linklater kể một câu chuyện dung dị và chạm đến tim của người xem.
Qua Mason, khán giả như được trải nghiệm một lần nữa những cảm xúc của thuở thiếu thời: nỗi háo hức xen lẫn sợ hãi khi nghĩ về tương lai, sự kỳ vọng ở mối tình đầu, những băn khoăn về chính mình và thế giới xung quanh. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng được Richard Linklater trình bày với một cái nhìn đầy cảm thông. Các bậc làm cha làm mẹ xemBoyhood để hiểu rằng một quyết định sai trong đời sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của những đứa trẻ ra sao; rằng điều một đứa trẻ cần không chỉ một ngôi nhà để ở hay cơm ăn áo mặc mà còn là sự yên bình, cảm giác an toàn.
Mỗi lứa tuổi khác nhau khi xem Boyhood lại có một cảm nhận riêng về bộ phim.
Trẻ con xem Boyhood để học cách hiểu và đôi khi tha thứ cho những lỗi lầm của người lớn. Khả năng làm cha làm mẹ không phải là một món quà từ trên trời rơi xuống ngay khi người ta vừa sinh con. Đó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng, đòi hỏi sự trải nghiệm và thời gian. Trong phim, không chỉ có Mason và Samantha lớn lên, mà cả Olivia và Mason Sr. cũng dần trưởng thành và trách nhiệm hơn.
Boyhood có những lời thoại đắt giá có thể khiến khán giả giật mình suy ngẫm về cuộc đời. Đó là khi Mason nhận xét về việc học đại học. Cậu nói: "Chẳng phải mọi thứ cứ bị làm quá lên sao? Tớ không nghĩ đó là chìa khóa cho tương lai của bản thân. Thử nhìn mẹ tớ xem: Bà ấy có bằng cấp, nhận được một công việc ngon lành, có thể thanh toán các hóa đơn. Nhưng về cơ bản, bà ấy lúc nào cũng bối rối y chang như tớ vậy". Hoặc khoảnh khắc Mason rời khỏi nhà, Olivia bật khóc khi nghĩ lại cuộc đời mình: kết hôn, có con, ly dị, nuôi nấng và nói lời tạm biệt. Người mẹ nói: "Mẹ nghĩ rằng hẳn phải có điều gì hơn thế chứ". Đó là nỗi trống rỗng mà ai cũng gặp phải đôi lần trong đời. Thời gian cứ trôi qua, chưa kịp làm gì thì tuổi già đã ập tới. Ngoài ra, Mason Sr. cũng có nhận xét rất xác đáng về sự nghiệp solo của các thành viên ban nhạc The Beatles huyền thoại: " Paul đưa con đến những bữa tiệc, George nói với con về Chúa, John thì tình yêu và nỗi đau, còn Ringo thì nói đơn giản &'Sao chúng ta không tận hưởng những gì chúng ta có khi chúng ta còn đang có nó'".
Thêm một lý do nữa để khán giả yêu thích Boyhood là phần nhạc phim hết sức tuyệt vời. Xuyên suốt 165 phút, âm nhạc vang lên liên tục: từ chiếc radio trong xe ô tô, phần biểu diễn của một ban nhạc vô danh trên sân khấu, đến tiếng đàn guitar bập khi cả gia đình quây quần bên nhau. Tất cả khiến bộ phim ngập trong âm nhạc và tràn đầy cảm hứng.
Phim đem đến nhiều câu thoại đắt giá, trên nền nhạc phim được lựa chọn cẩn trọng, ấn tượng.
Với Boyhood, khán giả tái ngộ Ethan Hawke trong vai người bố lãng tử và tâm lý. Vẫn rất phong độ và sung sức, nhưng vai diễn của anh không quá khác biệt so với vai Jesse trong loạt Before Sunrise, Before Sunset vàBefore Midnight. Kể từ sau True Romance, nữ diễn viên Patricia Arquette có lẽ đã tìm thấy vai diễn để đời trong sự nghiệp. Cô thể hiện thành công hình ảnh một người mẹ rất gần gũi: hết lòng tận tụy vì con cái nhưng sống khá cảm tính. Hơn thế, nhân vật Olivia còn có "năng khiếu" đặc biệt trong việc đưa ra những quyết định sai lầm liên quan tới đàn ông. Cuối cùng là Ellar Coltrane trong vai Mason, tuy đôi khi bị cứng và gượng gạo trước ống kính, nhưng dần dần cậu lấy lại được sự thoải mái, tự tin cần thiết.
Boyhood là bộ phim khai thác chất thơ của cuộc sống đời thường. Tùy theo lứa tuổi, giới tính, độ trải nghiệm, khán giả sẽ có những đánh giá, nhìn nhận khác nhau về bộ phim. Giới phê bình, nhìn chung, đều ca ngợiBoyhood như một trong những bộ phim xuất sắc nhất của năm 2014. Sự điềm tĩnh và ý nhị trong cách làm phim của Richard Linklater khiến người hâm mộ ông chợt hy vọng rằng, biết đâu sau Boyhood sẽ là mộtManhood.
Trailer bộ phim 'Boyhood'
Bộ phim Boyhood của đạo diễn Richard Linklater vốn được phát hành từ tháng 8/2014 và được giới phê bình đánh giá rất cao. Phim nhận được tổng cộng năm đề cử giải thưởng Quả cầu vàng 2015, trong đó có hạng mục cao quý nhất là Phim truyện xuất sắc nhất - Thể loại chính kịch. Một đề cử tại hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất tại Oscar 2015 cũng gần như là điều chắc chắn đối với Boyhood. Trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiết lộ rằng Boyhood là bộ phim mà ông yêu thích nhất trong năm 2014.
Zing.vn đánh giá: 5/5
Theo Zing
'Birdman' dẫn đầu danh sách đề cử giải Tinh thần Độc lập Giải thưởng điện ảnh độc lập uy tín Independent Spirit Awards vừa công bố toàn bộ danh sách đề cử tranh tài tại lễ trao giải lần thứ 30 diễn ra trong đầu năm 2015. Năm nay, bộ phim Birdman của hãng Fox Searchlight dẫn đầu danh sách tranh tài của Independent Spirit Awards với tổng cộng 6 đề cử, trong đó có...