Botulinum trong làm đẹp khác gì so với chất độc của Pate chay?
Bác sĩ cho biết, tình trạng ngộ độc mà các bệnh nhân gặp phải sau khi ăn Pate chay mới đây là do vi khuẩn Clostridium Botulinum type B gây ra.
Còn Botulinum dùng trong làm đẹp ở Việt Nam là type A – loại có độc lực thấp nhất, chỉ gây yếu cơ nơi tiêm và đảm bảo an toàn trong làm đẹp.
Trên thực tế, Botulinum type A được ứng dụng nhiều trong chuyên ngành da liễu, từ thẩm mỹ đến điều trị các bệnh lý. Người dân thường biết đến kỹ thuật tiêm botox để làm đẹp, thon gọn mặt, lấy lại nét thanh xuân. Đây chính là Botulinum toxin. Từ năm 1992, Botulinum toxin đã được cho phép đưa vào sử dụng trong thẩm mỹ.
BS. Nguyễn Quang Minh – Phó trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện có 7 type Botulinum toxin (A, B, C, D, E, F và G), tuy nhiên chỉ hai type A và B được ứng dụng trong y học.
Botulinum là độc tố thần kinh cực mạnh, có thể khiến cơ bị tê liệt và tử vong nếu không điều trị kịp thời dù chỉ sử dụng một liều rất nhỏ. Đây là chất độc khiến nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị gần đây sau khi ăn Pate chay (trước đó có Pate Minh Chay) khiến nhiều người lo lắng.
Song, chuyên gia da liễu khẳng định, ngộ độc mà các bệnh nhân gặp phải là do vi khuẩn Clostridium Botulinum type B gây ra. Người ăn phải độc tố Botulinum type B dễ dẫn đến liệt tất cả các cơ, thậm chí tử vong.
Còn Botulinum dùng trong làm đẹp ở Việt Nam là type A – loại có độc lực thấp nhất, chỉ gây yếu cơ nơi tiêm. Trong thẩm mỹ, có đến 95% sử dụng Botulinum type A, chỉ khi cơ thể bệnh nhân kháng type A mới chuyển sang các type khác.
Video đang HOT
Botulinum toxin được cho phép đưa vào sử dụng trong thẩm mỹ. Ảnh minh họa.
“Độc tố type A ứng dụng nhiều trong thẩm mỹ, đã được bào chế tinh khiết, hàm lượng đo đếm được, đảm bảo an toàn, thường được tiêm vào các vùng da có nếp nhăn động như trán, quanh mắt, thon gọn góc hàm, bắp chân.
Ngoài ra, vài năm gần đây, Botulinum toxin được ứng dụng phổ biến tại các bệnh viện chuyên ngành da liễu từ thẩm mỹ đến điều trị các bệnh lý như tăng tiết mồ hôi bàn tay, vùng nách, các nếp nhăn trên trán mày, tiêm thon gọn hàm, vai, bắp chân…”- BS. Minh chia sẻ.
Cẩn trọng với các biến chứng khi làm đẹp không an toàn
Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đến BV Da liễu Trung ương để tiêm Botulinum toxin làm đẹp ngày càng nhiều, trong 2 tháng nay có hơn 60 bệnh nhân đến tiêm botox để làm đẹp. Tuy nhiên, theo BS. Minh, dù Botulinum type A an toàn trong làm đẹp nhưng tuyệt đối không được lạm dụng và dùng quá liều khuyến cáo.
Mới đây, trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã gặp phải trường hợp nữ bệnh nhân 30 tuổi, bị biến chứng nặng nề sau khi tiêm botox không rõ xuất xứ được vài ngày. Khi nhập viện, kết quả siêu âm cho thấy tổ chức dưới da có ổ dịch, xung quanh có thâm nhiễm viêm rộng. Các bác sĩ phải rạch để thoát mủ xanh vàng, kê thuốc kháng sinh dài ngày để kiểm soát nhiễm khuẩn vì bệnh nhân bị áp xe vùng má. Dự kiến bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc kháng sinh kéo dài đến 3 tháng.
Bệnh nhân bị biến chứng nặng sau tiêm botox không an toàn.
Đây là trường hợp điển hình khi làm đẹp thiếu an toàn dẫn đến hậu quả nặng nề. Các bác sĩ cho biết, hiện nay chỉ có một số nước trên thế giới sản xuất botox như Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc… với nhiều công nghệ khác nhau. Việt Nam hoàn toàn nhập botox từ nước ngoài, mỗi loại botox có điều kiện bảo quản riêng, có loại phải để trong nhiệt độ thấp, do vậy khi nhập về phải đảm bảo được yếu tố an toàn.
Chính vì vậy, với hàng xách tay trôi nổi, thậm chí nhập chính hãng nhưng không được bảo quản đúng cách có thể làm botox biến đổi, khi tiêm vào người có thể bị ảnh hưởng.
Các biến chứng nhỏ hay gặp khi tiêm botox thẩm mỹ có thể gặp như vết bầm tím, phù nề hoặc đau tại chỗ tiêm, áp xe, mắt mờ, sưng nề, đau đầu, buồn nôn… Biến chứng nguy hiểm song ít gặp hơn, bao gồm sa mí mắt và chân mày, có thể kéo dài từ hai đến ba tháng, hay ngộ độc lan sang các cơ quan lân cận khu vực thẩm mỹ.
Dù an toàn, Botulinum type A cũng không được lạm dụng và dùng quá liều khuyến cáo. Ảnh minh họa.
Chuyên gia da liễu cảnh báo, Botulinum type A vẫn có thể gây ngộ độc nếu tiêm tại các cơ sở không an toàn, nhân viên không được đào tạo bài bản. Tùy vào liều lượng, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng cấu trúc, chức năng của bộ phận được tiêm. Trong ngộ độc Botulinum type A, thời gian sẽ ảnh hưởng dao động từ 4-6 tháng tùy từng người, sau đó các cơ sẽ trở lại hoạt động bình thường.
Một vấn đề nữa là tiêm Botulinum làm đẹp phải tiêm nhắc lại vì hiệu quả hoạt động của cơ sẽ hết cũng trong thời gian nhất định. Đây cũng được xem là thuốc và phải phụ thuộc vào tiêu chuẩn của các nước nên sẽ có những chỉ định, phương pháp tiêm tùy thuộc vào quy định của mỗi quốc gia.
Đừng ầu ơ với mạng người!
Ngay trong đêm 25-3, thêm 3 bệnh nhân bị ngộ độc liên quan đến việc sử dụng patê chay ở Bình Dương phải nhập viện. Liên quan đến vụ việc, trước đó đã có 1 phụ nữ tử vong, hiện con gái và chị gái của bệnh nhân này vẫn đang được điều trị.
Ảnh minh họa
Vụ ngộ độc thực phẩm trên rất nghiêm trọng và số người tham dự bữa ăn còn nhiều nhưng chưa được theo dõi sức khỏe đầy đủ. Ngoài TP HCM yêu cầu ngưng sử dụng patê chay thì cho đến nay, các cơ quan chức năng, kể cả cơ quan y tế, vẫn chưa truy được nguồn thực phẩm gây ngộ độc và chưa có cảnh báo cụ thể nào đối với người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa những nạn nhân tiềm tàng có thể vẫn còn, bởi mối nguy hiểm đang trên đường đến bữa ăn của người dân.
Nói đến ngộ độc patê chay chắc hẳn ai cũng còn nhớ nỗi kinh hoàng mang tên Pate Minh Chay diễn ra khoảng tháng 8-2020. Chất độc trong Pate Minh Chay làm hàng loạt người phải nhập viện và đã có người sau một thời gian điều trị vẫn không qua khỏi. Khi những nạn nhân ban đầu đặt nghi vấn ngộ độc từ thực phẩm này, các cơ quan y tế chuyên ngành rất chậm chạp mới xác định được độc tố. Trong thời gian dài chưa bị cấm sử dụng, patê độc hại này tiếp tục được đưa ra thị trường đến tay người tiêu dùng. Vụ việc nghiêm trọng đến độ TP HCM phải tức tốc cảnh báo đến 1.300 khách hàng đã mua sản phẩm Pate Minh Chay, đề nghị người dân ngừng sử dụng tức khắc.
Qua vụ việc trên, các cơ quan chức năng đã thấy hàng loạt lỗ hổng trong quản lý thực phẩm đóng hộp. Từ việc tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm nhưng sự lơ là của các cơ quan kiểm tra đã không ngăn được nguy cơ ngộ độc ra thị trường. Sự phản ứng chậm chạp của cơ quan y tế trong việc truy nguồn độc tố đã không kịp ngăn chặn mối nguy hiểm. Những lỗ hổng này tưởng chừng đã được khắc phục nhưng có vẻ không hiệu quả và vụ ngộ độc ở Bình Dương là minh chứng quá cụ thể.
Cũng cần nhắc lại, độc tố Botulinum được xem là chất độc sinh học mạnh nhất mà con người từng biết đến. Nó được sản sinh bởi vi khuẩn Clostridium Botulinum có trong các loại thực phẩm đóng hộp. Nếu điều kiện chế biến, bảo quản không đủ an toàn, nguy cơ ngộ độc bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra. Cả 2 vụ ngộ độc patê chay trên đều được các chuyên gia chống độc xác định do độc tố Botulinum.
Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế công bố vào tháng 6-2020, từ năm 2015-2019, cả nước ghi nhận 1.556 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 47.400 người mắc; trong đó có 271 người chết, hơn 40.000 người phải nhập viện điều trị. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2020 có 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm chết 22 người.
Con số rất đáng sợ! Và càng đáng sợ hơn khi có những loại độc tố do nuôi trồng mất an toàn, sử dụng hóa chất tùy tiện để kiếm lợi, dùng chất kích thích độc hại... ngấm dần vào thực phẩm nhưng vẫn có nhiều đường để đưa ra thị trường. Những loại thực phẩm này chưa được cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, đang âm thầm lên bàn ăn của chúng ta hằng ngày và sự tàn phá của nó đối với cơ thể là không thể tưởng tượng nổi.
Vì sao nhiều người Việt ngộ độc Botulinum - vi khuẩn hiếm gặp trên thế giới Sau nhiều vụ ngộc độc nghiêm trọng do Botulinum, dư luận đang đặt câu hỏi về việc tại sao loại vi khuẩn hiếm gặp trên thế giới này lại gây ra nhiều ca ngộ độc tại Việt Nam. Chuyên gia cảnh báo, xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm,...