Bọt trắng lạ ở Trảng Bàng, Tây Ninh chứa chất độc Xyanua hàm lượng cao
Kết quả mẫu thử bọt trắng ở Trảng Bàng cho thấy, trong đám bọt lạ này có chất cực độc Xyanua vượt chỉ tiêu cho phép đến 1,15 lần.
Ngày 9.6.2014, ông Nguyễn Văn Lam – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Trảng Bàng cho biết đã có kết quả thử nghiệm mẫu chất bọt trắng gây hoang mang ở ấp An Đước, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng vừa qua.
Có nơi dòng bọt phun thành từng ụ lớn cao hơn 1m gây hoang mang cho người dân địa phương.
Theo ông Lam, ngay sau khi phát hiện chất bọt trắng, phòng TN-MT đã lấy mẫu gửi Phân viện Bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường miền Nam (TP.Hồ Chí Minh) phân tích. Kết quả cho thấy, trong chất bọt trắng có chất cực độc Xyanua (Cyanide). Chất này vượt chỉ tiêu cho phép trong môi trường 1,15 lần; đồng thời, chỉ tiêu Nitrit vượt 1,43 lần.
Theo khảo sát của Phòng TN-MT huyện Trảng Bàng, trên đoạn kênh nơi xuất hiện bọt trắng khổng lồ không có nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp nào. Vì vậy, có khả năng nguyên nhân xuất hiện chất bọt trắng là do hành vi lén đổ chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Video đang HOT
Bọt trắng khổng lồ chứa chất độc Xyanua xuất hiện tại một tuyến kênh ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng hôm tháng 5 vừa qua.
Trước đó, ngày 12.5.2014, người dân ấp An Đước, xã An Tịnh xôn xao về việc xuất hiện “bong bóng bọt tuyết khổng lồ” trên tuyến kênh N26-11, đoạn đi qua văn phòng ấp An Đước. Tại vị trí xuất hiện bong bóng bọt tuyết có rất nhiều cá chết. Người dân địa phương cho biết bong bóng bọt tuyết xuất hiện vào khuya hôm trước, lúc cao điểm bong bóng bọt tuyết cao khoảng 2m.
Xyanua là một chất kịch độc, có thể gây chết người với liều lượng thấp. Theo phân loại trong hướng dẫn số 67/548/EEC của Liên minh châu Âu thì nó là chất cực độc (T ). Giới hạn phơi nhiễm tối đa (PEL) của OSHA là 5 mg/m3. Còn theo quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10.10.2002 của Bộ Y tế Việt Nam thì giới hạn này là 3 mg/m3 trong môi trường sản xuất.
Theo Tây Ninh Online
Xả thải vô tội vạ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước
Gần đây, tình trạng cá nhân, doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường ngày càng nhiều làm suy thoái chất lượng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tình trạng xả thải vô tội vạ làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước gây bức xúc trong nhân dân.
Doanh nghiệp xử lý chất thải cũng xả thải trái phép
Ngày 16/1/2014, Sở Tài nguyên Môi trường Tây Ninh cũng quyết định đóng cửa xả thải của Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu chế xuất Linh Trung 3 (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng). Nguyên nhân là vì cơ sở này bị phát hiện xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Dù có chức năng xử lý nước thải nhưng trong các ngày 12/1 - 14/1, cơ sở này thải ra sông nước thải có màu đen, mùi hôi thối khó chịu. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy nước thải này chưa qua xử lý với nồng độ COD cao gấp năm lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Ngày 18/3/2014, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Tây Ninh) lại phát hiện công ty Cổ phần Xử lý phế liệu rắn Việt Nam (xã Hòa Hội, huyện Châu Thành) chôn lấp nhiều chất thải trong khuôn viên công ty. Trong khu vực khuôn viên của công ty có rất nhiều hố chứa chất thải màu đen ngòm, không được che lót cẩn thận. Việc xử lý sơ sài như trên có thể làm chất thải thẩm thấu vào nguồn nước xung quanh khu vực này.
Cơ quan chức năng đào bới khu vực doanh nghiệp chôn chất thải trái phép
Trước đó, vào ngày 22/11/2013, Sở Tài nguyên Môi trường Tây Ninh kiểm tra đột xuất và bắt quả tang Cơ sở chế biến tinh bột sắn Diệp Minh Nhứt (xã Trường Đông, huyện Hòa Thành) xả thẳng nước thải chưa xử lý ra môi trường. Cơ sở này có công suất chế biến 100 tấn củ sắn tươi/ngày, lượng nước thải ra ngoài khoảng 400 m3/ngày. Hầu hết nguồn nước này chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Ninh, tình trạng các cơ sở chế biến tinh bột sắn và chế biến cao su xả nước thải chưa xử lý ra kênh, rạch khá phổ biến và chi cục đã phát hiện, xử lý rất nhiều. Hầu hết nguồn nước thải đó đều chảy ra sông Vàm Cỏ Đông, gây ô nhiễm dòng sông này. Hiện Tây Ninh có đến 83 cơ sở chế biến cao su và tinh bột sắn đang hoạt động nhưng chỉ có 17 cơ sở đầu tư xây dựng xử lý nước thải hoàn chỉnh.
Báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho biết: "Trong thời gian gần đây, ngành chức năng liên tục phát hiện nhiều trường hợp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường làm suy thoái chất lượng nước trên các sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ thuộc địa bàn tỉnh. Thậm chí, có nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước làm cho cá tự nhiên và cá nuôi bè của một số hộ dân bị chết hàng loạt, đặc biệt là trên rạch Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn".
Tăng cường kiểm tra, mạnh tay xử lý
UBND tỉnh Tây Ninh nhận định tình hình trên đang gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội, đồng thời làm giảm sút lòng tin của người dân đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp. Do đó, UBND tỉnh Tây ninh đã yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện và mạnh tay xử lý các cơ sở vi phạm xả thải ra môi trường nhằm bảo vệ chất lượng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Tài nguyên Môi trường được chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất (kể cả ngoài giờ hành chính) các cơ sở có nguồn thải lớn vào rạch Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn. Nếu phát hiện các trường hợp xả nước thải không đạt quy chuẩn ra môi trường phải xử lý nghiêm, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Sở cũng được giao nhiệm vụ thường xuyên quan trắc chất lượng nước rạch Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn. Từ kết quả quan trắc được, đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ chất lượng nước trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường tại khu công nghiệp, khu kinh tế; Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động và xây dựng hệ thống phần mềm giám sát từ xa hệ thống xử lý nước thải tập trung để theo dõi, giám sát và quản lý.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tăng cường công tác nghiệp vụ, bám sát địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. UBND các huyện-thành phố, xã-phường được giao giám sát chặt địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở có nguồn thải vào sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ.
Tỉnh Tây Ninh hiện đang quyết liệt thực hiện mục tiêu đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tỉnh cũng đã có chủ trương không tiếp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; các dự án có công nghệ cũ, lạc hậu xin vào hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Nam học sinh lớp 12 "nguy kịch" ngay trước kỳ thi cuối cấp Chỉ định chạy thận nhân tạo chưa kịp thực hiện thì Tín lại bị bệnh tim quật ngã. Nhập viện trong tình trạng phù phổi do biến chứng suy tim nặng, em được bác sĩ chỉ định phẫu thuật, nhưng khoản chi phí tốn cả trăm triệu đồng khiến người mẹ nghèo bất lực. Nằm co ro trên chiếc giường kê sát tường,...