“BOT” hồ bơi trường học, phụ huynh bức xúc
Kêu gọi tư nhân đầu tư hồ bơi ở trường học, ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận bắt buộc học sinh phải học bơi và thu phí hoàn vốn
Ngày 13.9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bình Thuận cho biết từ năm học 2017-2018, bơi lội được đưa vào chương trình dạy học chính khóa tại các trường để thay cho môn học thể thao tự chọn. Đối với các cấp học THCS, THPT sẽ là 16 tiết, bậc tiểu học 12 tiết/năm cho môn học này.
Thu hồi vốn bằng các khoản… đóng góp
Nói rõ hơn về quyết định trên, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, cho rằng việc đưa môn bơi vào dạy chính khóa là thực hiện chương trình hành động của UBND tỉnh về phòng chống tai nạn, thương tích ở trẻ em của tỉnh.
Học sinh học bơi tại một cơ sở tư nhân ở TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TẤN ĐỨC
Theo đó, đối với những trường chưa có hồ bơi thì nhà trường chủ động hợp đồng cụ thể với các trường học lân cận có hồ bơi để tổ chức cho học sinh học tập. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư có khả năng để xã hội hóa việc xây lắp hồ bơi tại trường. “Nếu trường học nào cũng xây dựng hồ bơi thì kinh phí quá lớn, do vậy sở mới chỉ đạo việc xã hội hóa”, ông Thái nói.
Lý giải thêm, ông Thái nhận định việc tư nhân bỏ vốn để xây dựng hoặc lắp ráp hồ bơi tương tự như hình thức BOT nên họ phải thu hồi vốn bằng các khoản đóng góp của học sinh. “Chúng tôi biết việc này có liên quan đến kinh tế gia đình của phụ huynh. Do vậy, đối với học sinh thuộc diện nghèo, gia cảnh khó khăn, sở chỉ đạo các trường không thu phí học bơi”, ông Thái khẳng định.
Ông Võ Văn Khải, chuyên viên phụ trách giáo dục thể chất Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, thông tin tại huyện miền núi Tánh Linh đã có 48/48 trường tiểu học, THCS dạy môn bơi lội, cứu đuối cho học sinh, với 16 hồ bơi cố định và 6 hồ bơi di động do tư nhân đầu tư xây dựng. Còn tại TP.Phan Thiết, theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT thì học sinh của 2 khối lớp 8 và 9 của các trường nội thành bắt buộc học môn bơi, riêng khối lớp 6 và 7 thì tự nguyện nhưng tất cả đều phải đến các hồ bơi do doanh nghiệp đầu tư hoặc các resort vì hầu hết các trường đều không có hồ bơi.
Tránh đâu cho thoát!
Đề cập đến học phí, ông Khải tính toán tùy vào tình hình thực tế đầu tư, từng trường sẽ thu khoảng 12.500 đồng/tiết/học sinh. Như vậy, với mức phí này thì mỗi học sinh THCS, THPT phải đóng ít nhất là 200.000 đồng/năm; học sinh tiểu học cũng phải chịu mức học phí ít nhất 150.000 đồng/năm.
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh cho rằng khi Sở GD-ĐT đưa môn bơi vào dạy chính thức cũng đồng nghĩa học sinh không còn lựa chọn môn thể dục nào khác và phải đóng học phí. Điều này trái với tinh thần tự do phát triển thể chất theo khả năng, năng khiếu của học sinh. Thế nhưng, ông Thái lại lý giải rằng học đánh cầu, đá bóng… thì cũng phải mua giày, vợt, bóng. Học bơi cũng là rèn luyện thể chất, lại có thể tránh được tai nạn dưới nước.
Video đang HOT
Không đồng tình với kiểu học bắt buộc trên, ông Dương Hoàng Dũng, phụ huynh 2 học sinh đang học tiểu học và THCS ở huyện Tánh Linh, phản ứng: “Con tôi đã biết bơi rồi, bây giờ phải mất tiền để học bơi tiếp thì rất phi lý. Các cháu muốn chơi bóng chuyền và bóng đá vậy thì làm sao?”.
Một phụ huynh là cán bộ làm việc tại TP.Phan Thiết phân tích cho tư nhân đầu tư thì việc đầu tiên họ tính đến là lợi nhuận. Ngành giáo dục bắt buộc học sinh học bơi chẳng khác nào tiếp tay cho người đầu tư kinh doanh chắc ăn. Thời gian khấu hao bao lâu cũng không được nói đến. Chả lẽ xây một lần rồi rủng rỉnh thu tiền mãi mãi. “Quan trọng là học sinh phải học đúng môn thể thao mình yêu thích để phát huy năng khiếu và thể chất phù hợp. Bắt buộc học sinh học những môn nhà trường muốn là điều phản giáo dục”, phụ huynh này nói.
Khánh Hòa: Tùy chọn môn thể dục Theo ông Lê Đình Thuần, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, sở này đã trình đề án “Dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020″ để UBND tỉnh phê duyệt và triển khai trong năm học này. Theo đề án, trong 8 huyện, TP, thị xã của tỉnh Khánh Hòa, mỗi địa phương sẽ thí điểm xây dựng 2 hồ bơi trong nhà trường tại những trường có đủ điều kiện và nằm ở vị trí trung tâm để các trường lân cận có thể sử dụng chung. Kinh phí dự kiến khoảng 5 tỷ đồng lấy từ ngân sách tỉnh và địa phương. “Sau khi xây hồ bơi thì môn bơi lội sẽ đưa vào chương trình giáo dục thể chất như một bộ môn chính khóa. Nếu học sinh không muốn học bơi thì có thể học các môn khác như cầu lông, bóng bàn, cờ vua… K.NAM
Không được ép buộc Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất-Bộ GD-ĐT, cho biết trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2017-2018 vừa được bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành, một trong những nội dung quan trọng là đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục xây dựng trường học an toàn, chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước, đẩy mạnh việc dạy bơi cho học sinh, sinh viên. Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ tăng cường chỉ đạo, khuyến khích nhà trường, cơ sở giáo dục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư bể bơi trong trường học, tổ chức dạy bơi cho học sinh – sinh viên trong và ngoài nhà trường. Theo ông Duy Anh, việc các trường lựa chọn môn thể thao đủ điều kiện và phù hợp thực tế của mình để đưa vào nhà trường dạy chính khóa là hoàn toàn đúng quy định. Trong điều kiện ngân sách của các địa phương còn hạn hẹp, việc xã hội hóa xây dựng bể bơi là cần thiết. Tất nhiên, việc xã hội hóa phải có sự thống nhất của phụ huynh chứ không thể thu học phí tùy tiện. “Mức phí học bơi 200.000 đồng/năm không phải là quá cao, mang tính chất phục vụ học sinh là chính. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không đồng ý thì cũng không được thu. Trường hợp học sinh không có tiền học bơi thì nhà trường phải có phương án thứ hai, tức là chọn một môn khác từ các môn tự chọn để học sinh luyện tập chứ không được ép buộc” – ông Duy Anh nhấn mạnh. Y.ANH
Theo Lê Trường (Người lao động)
Dân làng "chế" ao thành bể bơi cho trẻ nhỏ
Ao làng Thiên (xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội) rộng gần 2 mẫu được cải tạo thành bể bơi với các hạng mục hỗ trợ giống như bể bơi chuyên nghiệp. Đặc biệt, hệ sinh thái tự nhiên được giữ gìn cẩn thận để ao "sống" mãi trong lòng ngôi làng vùng quê ngoại thành Hà Nội.
Ao làng Thiên nằm bên cạnh chùa Hương Trai thuộc thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu (Hoài Đức,Hà Nội). Ao rộng khoảng 7.000 m2, ở giữa có một đảo nhỏ được xây thành Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Ao có từ lâu đời, trước đây là 3 ao nhỏ nằm sát nhau, thời bao cấp chia cho các xã viên thả cá, thả bèo, rau... tuy vậy người dân vẫn xuống đây bơi lội trong những ngày hè nóng nực.
Đầu năm 2016, trước nhu cầu ngày càng lớn và tầm quan trọng của môn bơi đối với trẻ em, ông Nguyễn Phi Hậu (sinh năm 1959) nảy ra ý tưởng cải tạo ao thành bể bơi an toàn nhưng vẫn phải bảo đảm hệ sinh thái tự nhiên. Ông đứng ra kêu gọi người dân đóng góp tiền, công sức và thực hiện ngay ý tưởng. Chỉ trong ít ngày, ông Hậu góp 10 triệu, xã góp 5 triệu, người dân mỗi đóng góp có người vài trăm nghìn, có người góp vài triệu.
Ông Hậu và những người thực hiện cho khoan một giếng công nghiệp cạnh ao để bơm nước mới, sau khi nạo vét một phần bùn để làm sạch. Ông Hậu cho biết, bùn sẽ không vét hết, nước cũng vậy, làm như thế nhằm làm cho nước sạch hơn trong khi tôm cá, cua ốc, thực vật vẫn sống được.
Nhiều hạng mục được triển khai để phục vụ việc bơi lội: làm lan-can sắt quanh bờ ao; làm các thềm bậc cho trẻ em bám, nghỉ khi ở dưới nước; khoanh vùng đổ cát tạo thành khu vực riêng để tránh làm vẩn bùn gây đục nước; căng cờ báo hiệu khu vực an toàn; lập nhiều bảng nội qui, cảnh báo bơi xung quanh ao...
Công việc dọn dẹp quanh bờ ao được thực hiện hàng ngày, nghiêm cấm vứt rác xuống ao, cấm đánh bắt cá, tuyệt đối tránh các hành động làm mất cân bằng hệ sinh thái. Chính vì vậy nước ao không có mùi tanh hôi, khá trong mát trong khi vẫn có tôm cá và làn nước xanh tự nhiên.
Một khu vực an toàn được quây lại và có thước đo thông báo mực nước cụ thể. Theo ông Hậu, không gian bơi lội vẫn bảo đảm rộng thoáng nhưng phải tuyệt đối an toàn cho trẻ. Ông Hậu đồng thời cũng thành lập câu lạc bộ bơi của xã và nhận dạy bơi miễn phí cho tất cả người dân.
Để bảo đảm ao vẫn "sống", bèo, rau ngổ, được thả riêng một khu vực cách xa điểm bơi lội. Đây là những loại cây làm sạch nước tự nhiên. Đồng thời chặn, bịt tất cả các nguồn nước ô nhiễm đổ ra ao.
Ông Nguyễn Phi Hậu bên chiếc bể bơi được cải tạo từ ao làng. Ông cho biết, bể bơi sẵn sàng chào đón mọi người dân về đây vui chơi, bơi lội hoàn toàn miễn phí song yêu cầu duy nhất phải giữ gìn môi trường chung.
Những đợt nóng, người dân thôn Thống Nhất cho biết ngày cao điểm có đến 700 trăm lượt người đến bơi.
Rất nhiều người già trong thôn đã quay trở lại với môn bơi vì thấy nước trong sạch và cũng hứng thú vì được người dân hưởng ứng nhiệt tình.
Quanh bờ ao cũng được trang bị các phao cứu sinh, một chiếc kẻng to cũng được treo bên bờ ao để báo động phòng trường hợp bất trắc.
Một em nhỏ đeo kính bơi trước khi xuống nước.
Đây có thể nói là một mô hình dễ thực hiện cho những vùng thôn quê chưa có khi kinh phí xây dựng bể bơi mà vẫn hệ sinh thái cho môi trường sống.
Ngoài việc mở lớp dạy bơi, người dân còn tổ chức các giải bơi, lập đội bóng nước, cùng nhiều hoạt động quanh chiếc ao làng có làn nước xanh trong.
Theo kế hoạch dự tính, ao sẽ được thay nước làm sạch mỗi năm một lần, bơm nước bổ sung bất kể khi nào nếu mực nước xuống thấp và điều quan trọng khác đối với người dân Dương Liễu là vẫn gìn giữ được sự sống cho ao.
Hữu Nghị
Theo Dantri
Bé 10 tuổi tử vong khi học bơi tại khách sạn Trong buổi học bơi đầu tiên tại khách sạn, bé Việt (10 tuổi) chìm dưới đáy bể song thầy giáo dạy bơi không biết. Sớm 28/6, bé Lê Anh Việt (10 tuổi, trú tại TP Vinh) cùng anh trai 11 tuổi được bố là Lê Xuân Nông đưa tới bể bơi khách sạn Vinh Plaza (đường Mai Hắc Đế, TP Vinh, Nghệ An)...