BOT Cai Lậy “vỡ trận”, tỉnh Tiền Giang vô can?
Trong hồ sơ dự án, từ đề nghị đầu tư, vị trí đặt trạm thu phí tuyến tránh thị xã Cai Lậy do UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị bằng văn bản, “ý tưởng” tăng cường Quốc lộ 1 cũng do tỉnh này đề xuất. Câu hỏi đặt ra là: Tỉnh Tiền Giang có vô can trong vụ BOT Cai Lậy “vỡ trận”?
Tuyến tránh thị xã Cai Lậy – tỉnh Tiền Giang được đầu tư theo hình thức BOT
Theo quy trình đầu tư dự án BOT, dự án được đề xuất bởi địa phương, do không có vốn ngân sách nên địa phương và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thống nhất chọn phương thức đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Tiếp đó, địa phương đề nghị Bộ GTVT làm văn bản gửi Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư và Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư. Việc đấu thầu dự án được đăng báo công khai 45 ngày.
Với cơ sở đề xuất của tư vấn, nhà đầu tư sẽ lập dự án. Khi được Bộ GTVT chấp thuận, nhà đầu tư trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin cấp giấy phép đầu tư, thẩm định dự án.
Sau khi có giấy phép đầu tư, Bộ GTVT ký hợp đồng chính thức với nhà đầu tư. Việc đặt trạm thu phí và mức phí do Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở phương án tài chính, thời gian thu phí sẽ tiếp tục điều chỉnh theo lưu lượng xe thực tế.
Tiền Giang “tha thiết” đề nghị xây dựng tuyến tránh
Ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản số 3901 do Phó Chủ tịch tỉnh Trần Kim Mai ký, gửi Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh Quốc lộ 1 (QL1) đoạn qua thị trấn Cai Lậy.
Văn bản UBND tỉnh Tiền Giang gửi Bộ GTVT đề nghị làm tuyến tránh Cai Lậy và giới thiệu nhà đầu tư BOT
Trong văn bản này, tỉnh Tiền Giang cho biết giao thông trên QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy phức tạp, thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là tai nạn giao thông trên địa bàn xảy ra tập trung ở đoạn qua thị trấn Cai Lậy. Tỉnh Tiền Giang cũng đang thực hiện quy hoạch để trình Chính phủ thành lập thị xã Cai Lậy trên cơ sở nâng cấp từ thị trấn Cai Lậy, vì vậy việc đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy là cần thiết và cấp bách.
Đặc biệt, trong văn bản này, UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai dự án, đồng thời giới thiệu nhà đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy theo hình thức BOT là Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Công ty CP Tân Hoàn Cầu.
Ngày 15/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 97/TTg-KTN về việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đầu tư tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Văn bản do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký, nêu rõ: “Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đầu tư tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đáp ứng yêu cầu hoàn thành đồng bộ trên tuyến QL1″.
Vì sao đổi vị trí trạm thu phí?
Video đang HOT
Về vị trí trạm BOT Cai Lậy hiện tại, trong văn bản 4717 ngày 2/10/2015, ông Lê Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, vị trí đặt trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy là Km1999 900 (do tỉnh Tiền Giang đề xuất). Tuy nhiên vị trí này đang gặp khó khăn về vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) do các hộ dân chưa đồng thuận.
Vị trí trạm BOT Cai Lậy hiện nay do UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất thay đổi
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Tiền Giang, người dân vẫn tiếp tục khiếu nại về GPMB dự án mở rộng QL1 trước đây, tổng số hộ bị giải tỏa là 32 hộ, diện tích đất thổ cư nhiều nên việc giải quyết đền bù cho dân để bàn giao mặt bằng thi công trạm thu phí sẽ kéo dài thời gian, không đảm bảo tiến độ dự án.
“Nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch, địa phương đã phối hợp với nhà đầu tư khảo sát hiện trường và thống nhất di dời trạm thu phí đến vị trí mới tại Km 1999 300, QL1. Tại vị trí này, việc GPMB sẽ thuận lợi hơn, giảm thiệt hại cho người dân và giảm chi phí đầu tư cho dự án” – văn bản do Phó Chủ tịch tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa ký nêu rõ.
Trước đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang, ngày 26/10/2015, Bộ Giao thông vậ tải (GTVT) có Văn bản 14245 đề nghị Bộ Tài chính thống nhất vị trí đặt trạm thu phí tại Km 1999 300 QL1 theo đề nghị của UBND tỉnh Tiền Giang.
Ngày 26/11/2015, trả lời Bộ GTVT tại Văn bản 17593, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Để đảm bảo phương án tài chính của dự án, việc đặt một trạm thu phí trong phạm vi dự án để hoàn vốn nhà đầu tư là phù hợp. Vị trí cụ thể Bộ GTVT xem xét, quyết định, phù hợp với các quy định hiện hành”.
Bộ Tài chính yêu cầu vị trí trạm thu phí phải đặt trong phạm vi dự án, theo đúng quy định tại Nghị định 159/2013/TT-BTC. Trên cơ sở đó, ngày 4/12/2015, Bộ GTVT ban hành văn bản 16189 chấp thuận vị trí đặt trạm thu phí tại Km 1999 300 QL1.
“Tăng cường mặt đường” QL1
Ngày 14/12/2015, UBND tỉnh Tiền Giang gửi văn bản số 6012 tới Văn phòng Chính phủ về việc đầu tư tăng cường mặt đường QL1 đoạn từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận và nút giao QL1 với khu công nghiệp Tân Hương (tỉnh Tiền Giang).
Trong văn bản, ông Lê Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nêu rõ: Tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh đang thực hiện dự án tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn từ Km 1987 560 – Km 2014 000. Các đoạn còn lại từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận cũng đang trong tình trạng xuống cấp và tại nút giao giữa QL1 với khu công nghiệp Tân Hương thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm nên việc lưu thông gặp khó khăn và không đảm bảo ATGT.
“Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, hạn chế TNGT, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất đề nghị đầu tư tăng cường mặt đường QL1 đoạn từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận và nút giao giữa QL1 với khu công nghiệp Tân Hương, bổ sung vào dự án BOT QL1 tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang” – văn bản của UBND tỉnh Tiền Giang nêu rõ.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ Giao thông vận tải thừa nhận bất cập, sẽ giảm phí BOT Cai Lậy
"Có thể có bất cập xảy ra do khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa lường hết được những tác động đối với người dân và trước mắt sẽ giải quyết theo hướng giảm phí". - Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư, Bộ Giao thông vận tải - nói.
Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công-tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - trao đổi với PV Dân trí về các vấn đề liên quan trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
- Phóng viên: Theo ông, vì sao việc thu phí ở trạm BOT Cai Lậy lại bị phản ứng gay gắt như vậy?
- Ông Nguyễn Danh Huy: Trạm BOT bị phản đối có lẽ do công tác tuyên truyền chưa đến được với người dân đầy đủ, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân là căn nguyên của vấn đề.
- Qua so sánh cho thấy mức phí của tuyến đường tránh Cai Lậy với cao tốc TPHCM - Trung Lương quá chênh lệch, người dân đi đường tránh phải trả phí cao hơn đi cao tốc, ông giải thích sao về việc này?
- Ngoài việc đầu tư 12km tuyến tránh thì nhà đầu tư còn phải đầu tư 26,5km nâng cấp, cải tạo mặt đường cũng hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang, bao gồm cả đoạn đi qua Cai Lậy.
Cao tốc TPHCM - Trung Lương được đầu tư bằng tiền ngân sách nên mức phí khác với đường do nhà đầu tư bỏ tiền ra. Nhà đầu tư đầu tư đường họ phải tính tới lãi vay ngân hàng, lợi nhuận từ nguồn vốn họ bỏ ra.
Hình thức thu phí của TPHCM - Trung Lương là thu phí kín, tức là đi bao nhiêu km đường thì tính tiền bấy nhiêu với mức 1.000 đồng/km, trong khi đó trên quốc lộ đang thu phí hở và hạn chế là cứ đi qua trạm sẽ bị thu phí toàn tuyến.
Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án Đối tác công-tư, Bộ GTVT
- Rõ ràng điều này gây thiệt thòi cho người dân khi chỉ "tạt" qua đường cũng bị thu phí?
- Thu phí kín thì đảm bảo công bằng tuyệt đối, còn thu phí hở chỉ đảm bảo công bằng tương đối cho đại bộ phận người tham gia giao thông.
Có thể có bất cập, nhưng theo tôi chúng ta nên nhìn nhận lợi ích mang lại cho đại đa số hay thiểu số. Thực tế có những người đi quãng đường dài giữa 2 trạm thu phí nhưng cũng không phải trả phí. Toàn bộ người đi xe máy và xe thô sơ được hưởng lợi khi đi trên tuyến tránh mà không phải nộp phí, người dân nghèo được sử dụng miễn phí dịch vụ trên tuyến đường.
- Vị trí của trạm thu phí Cai Lậy đặt ở ngã ba đường, nghĩa là người dân không đi tuyến tránh BOT nhưng cũng phải nộp tiền, đây cũng là sự bất hợp lí. Ông giải thích thế nào về việc này?
- Như tôi đã nói, dự án có 2 hợp phần. Thứ nhất là nâng cấp, cải tạo 26,5km mặt đường và hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 1 và thứ hai là xây dựng 12km tuyến tránh thị xã Cai Lậy.
Trước khi triển khai dự án, Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án chỉ đầu tư mở rộng tuyến đường trung tâm thị xã Cai Lậy thành 6 làn xe, nhưng tính toán thấy chi phí tốn kém hơn nhiều, những người dân bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng lớn hơn và thời gian thu phí dài hơn, tổng chi phí người dân phải trả khi đi trên tuyến đường 6 làn này cũng nhiều hơn. Và giải pháp xây dựng tuyến tránh được triển khai trên cơ sở tính toán chi phí người dân phải trả là thấp hơn.
Khi triển khai dự án, ngoài việc lấy ý kiến tham vấn của UBND các tỉnh và Bộ Tài chính theo quy định thì chúng tôi còn lấy ý kiến của HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội về thỏa thuận và ý kiến tham vấn.
Trong chủ trương đầu tư, ngân sách không có tiền thì bắt buộc phải kêu gọi đầu tư để phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, đó là việc cấp bách. Lúc đó, địa phương và các cơ quan của Chính phủ chọn giải pháp là phải làm đường.
- Nhưng chỉ đi 1 đường mà phải trả tiền đầu tư cho 2 con đường là điều khó có thể chấp nhận. Việc trả phí này có đúng quy định không thưa ông?
- Chiếu theo quy định của pháp luật, Thông tư 159 của Bộ Tài chính hướng dẫn về pháp lệnh phí và lệ phí thì trạm thu phí phải nằm trên phạm vi của Dự án, chúng tôi khẳng định là trạm thu phí Cai Lậy đang nằm trên phạm vi của Dự án. Bất cập xảy ra có thể do khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa lường hết được những tác động đối với người dân.
Trạm BOT Cai Lậy đang bị phản ứng gay gắt về mức phí và vị trí đặt trạm (ảnh: Hữu Danh)
Với tuyến tránh Cai Lậy, Tổng cục Đường bộ đã nhận được ý kiến phản ánh của Tiền Giang về mức phí và chúng tôi cho rằng vẫn còn bất cập đối với người dân gần khu vực trạm và trước mắt sẽ giải quyết theo hướng giảm phí.
- Người dân không quan tâm các vấn đề chuyên môn của dự án mà chỉ thấy thực tế phí BOT bất hợp lí và mặt bằng giá quá chênh lệch, phản ứng của người dân là có cơ sở. Ông nghĩ sao về việc này?
- Mức giá được xác định phù hợp với quy định của Thông tư 159 của Bộ Tài chính trước đây và hiện nay là thông tư 35 của Bộ GTVT.
Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp cận trên phương diện phù hợp với quy định pháp luật và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Chúng tôi đang đàm phán để có chính sách điều chỉnh mức phí phù hợp, giảm thiểu tối đa tác động đối với người dân.
- Không chỉ trạm Cai Lậy mà đã có nhiều trạm BOT khác không được đồng thuận, bị người dân phản ứng khi thu phí, đặc biệt là nhiều trạm đặt "nhầm chỗ". Bộ GTVT và các đơn vị thực hiện dự án không đặt mình vào vị trí của người dân nên đến bây giờ mới nhận ra những bất cập, thưa ông?
- Không phải đến bây giờ Bộ GTVT mới nhận ra bất cập của các dự án BOT. Từ tháng 6/2016, Bộ GTVT đã tổ chức tổng kết, đánh giá tất cả các dự án BOT, và chúng tôi đã nhìn thấy những bất cập này, vì thế chúng tôi đã tính tới chính sách miễn phí toàn bộ cho xe máy, xe thô sơ, chính sách vé quý-vé tháng để giảm phí người tham gia giao thông phải thanh toán/ngày.
Tuy nhiên, chính sách nói trên chiếu theo thực tế vẫn là chưa đủ, vì người dân xung quanh trạm vẫn bị ảnh hưởng. Vì thế, Bộ GTVT đã xem xét kỹ lưỡng hơn, kể cả đối với những trạm không bị người dân phản ứng.
Việc giảm phí cho người dân sống ở khu vực là hướng giải quyết chúng tôi đặt ra, nhưng giảm ở mức độ nào còn phải tính toán về cự ly trạm, hệ thống hạ tầng, đặc thù phân bố dân cư, sức chi trả của người dân... để đưa ra hướng xử lý hài hòa.
- Vậy việc rà soát các tuyến BOT và giải pháp giải quyết như thế nào thưa ông?
- Từ tháng 5/2017, Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với tất cả các tỉnh thành có dự án và trạm BOT. Ngày 12/5, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, có 32 tỉnh/thành có ý kiến phản ánh về các bất cập trên tuyến BOT.
Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ và đề nghị không thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu (không BOT sửa chữa, nâng cấp - PV), chỉ đầu tư BOT trên những dự án mới hoàn toàn để người dân có được lựa chọn.
- Xin cảm ơn ông!
Châu Như Quỳnh ( thực hiện)
Theo Dantri
Thêm một trạm BOT ở miền Tây bị phản ứng, yêu cầu di dời Vấn đề bức xúc của người dân tại trạm BOT Cai Lậy chưa được giải quyết xong thì hiện nay một trạm thu phí BOT khác ở miền Tây cũng bị phản ứng vì đặt sai vị trí. Đi rửa xe cũng bị thu phí Theo tìm hiểu của PV, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91...