BOT Bắc Thăng Long đặt sai chỗ: 3 ‘đời’ lãnh đạo Bộ GTVT vẫn tồn tại?
Hôm qua đã là ngày thứ 9 tài xế và người dân “cắm chốt” tại trạm BOT Bắc Thăng Long (Hà Nội) yêu cầu xả trạm. Theo đánh giá của liên ngành Công an – GTVT Hà Nội, đây là trạm đặt sai vị trí và cần phải dỡ bỏ. Còn theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, mỗi ngày trạm BOT Bắc Thăng Long có doanh thu lớn hơn nhiều con số nhà đầu tư dự toán.
Thay vì chắn ngang để thu phí hiện các thanh barie bị gác lên trụ bê tông để xe tự do qua lại
Doanh thu khủng
Với lý do đường làm một nơi, thu phí một nẻo, 10 ngày qua, nhiều tài xế ô tô đã căng băng rôn tuần hành phản đối trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài. Do lượng phương tiện tập trung tại trạm đông, có nguy cơ mất an ninh trật tự, từ 18/12 đến nay, nhà đầu tư đã phải hạ barie “xả trạm”. Để duy trì việc xả trạm lâu dài, trong suốt gần 10 ngày nay, hàng chục tài xế từ các nơi và người dân sống gần trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài đã luân phiên dựng lều bạt gần trạm, cắt cử người đến canh trạm. Cảnh tượng trên đã tạo một hình ảnh lạ: trong khi nhân viên trạm BOT ngồi im nhìn phương tiện qua lại thì nhiều tài xế đứng phía sau luôn tay vẫy phương tiện qua trạm không mất phí.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài được nhà đầu tư là Công ty Cổ phần BOT Vietracimex8 (Tổng Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng, Bộ GTVT) đặt trên đường Hà Nội để thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Với tổng mức đầu tư 531 tỷ đồng, theo hợp đồng BOT được ký giữa đại diện Bộ GTVT là Tổng Cục đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư đường tránh Vĩnh Yên, từ ngày 1/9/2009, Vietracimex8 được phép đặt trạm thu phí BOT trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài (nay là đường Võ Văn Kiệt) để thu phí hoàn vốn trong vòng 16 năm 10 tháng. Mức phí cao nhất nhà đầu tư được phép thu phương tiện ô tô qua lại cho đến thời điểm hiện tại là 10.000 đồng/lượt với xe dưới 12 chỗ và 80.000 đồng/lượt với xe cỡ lớn. Đến nay, nhà đầu tư đã thu được gần 10 năm.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, qua các lần đếm lưu lượng phương tiện và giám sát doanh thu của cơ quan chức năng, mỗi ngày, trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài đang có doanh thu trung bình 150 triệu đồng. Trước đây khi chưa có đường Nhật Tân – Nội Bài, theo đơn vị từng giám sát doanh thu tại đây, hằng ngày doanh thu của trạm còn lớn hơn rất nhiều, bởi đây là con đường độc đạo ra sân bay Nội Bài.
Từ con số trên, chúng tôi tạm tính trạm thu phí này đã thu 535 tỷ đồng. Như vậy, với số thu thấp trung bình như hiện nay nhà đầu tư Vietracimex8 chỉ cần 9 năm 11 tháng là thu đủ 531 tỷ đầu tư cho dự án chứ không cần phải đến 16 năm 10 tháng (dư 6 năm 1 tháng) như phương án tính toán thu phí của nhà đầu tư.
Gần 10 năm luẩn quẩn giải pháp
Khẳng định tuyến đường Võ Văn Kiệt là tuyến đường đối ngoại và trạm thu phí hoạt động tại đây là sai vị trí, gây ùn tắc giao thông… từ năm 2009 đến nay, thành phố Hà Nội và đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố nhiều lần đề nghị Bộ GTVT có phương án dỡ bỏ, di dời trạm về đúng tuyến đường dự án. Về việc này, các sở ngành và UBND thành phố Hà Nội đã gửi đi hơn 10 văn bản đề nghị.
Trong các văn bản này, liên ngành Công an – Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc Bộ GTVT ký hợp đồng cho Vietracimex8 là sai vị trí. Gần đây nhất, tháng 6/2018, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải tỏa trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài. Tuy nhiên đến nay, trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài vẫn hoạt động bình thường, thậm chí đơn vị chủ quản còn nhiều lần đề nghị tăng phí cao.
Video đang HOT
Là chủ ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư, tuy nhiên khi thành phố Hà Nội và đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố đề nghị di dời trạm, nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn chưa có phương án giải quyết, thậm chí ở mỗi nhiệm kỳ, lãnh đạo Bộ GTVT lại có những quan điểm “vênh” nhau.
Cụ thể, sau khi có đề nghị của thành phố Hà Nội, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT làm việc với các bên liên quan để đưa ra phương án phù hợp. Đầu năm 2013, Bộ GTVT có văn bản thống nhất: “Bộ GTVT đã làm việc với các bộ ngành, UBND thành phố Hà Nội và nhà đầu tư, trên cơ sở các buổi làm việc này, Bộ GTVT đã thống nhất phương án, dừng trạm thu phí Bắc Thăng Long từ ngày 1/7/2013. Cùng với đó cho phép nhà đầu tư di chuyển về quốc lộ 2 (đoạn tránh Vĩnh Yên) để tiếp tục thu phí hoàn vốn dự án”.
Lý giải cho quyết định trên, trong thông báo về sự việc gửi đi ngày 6/5/2013, Bộ GTVT cho rằng: “Tuyến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài hiện tại do UBND Hà Nội quản lý theo Luật Thủ đô, UBND thành phố đề nghị bộ xóa bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài để phù hợp với công tác quản lý kết cấu hạ tầng và tránh ùn tắc giao thông vì trạm thu phí nằm trên tuyến đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đi về trung tâm Hà Nội. Đồng thời người tham gia giao thông trên tuyến này rất bức xúc vì không đi trên tuyến tránh Vĩnh Yên (dự án BOT) mà vẫn phải trả phí”.
Vậy nhưng, đến nay đã qua 5 năm với 3 đời lãnh đạo Bộ GTVT và 2 nhiệm kỳ làm việc nhưng trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài vẫn tồn tại. Thậm chí, đến nay, khi được chúng tôi đề cập việc di dời trạm theo văn bản đã thống nhất và thông báo của lãnh đạo Bộ GTVT từ năm 2013, lãnh đạo bộ này lại cho rằng, di dời trạm là rất khó.
Lý do là sau khi Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội thống nhất nội dung di dời trạm như trên, nhưng cũng trong năm 2013, Cty mẹ của Vietracimex8 là Tổng Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng đã có văn bản gửi thẳng lãnh đạo Chính phủ. Sau đó, Phó Thủ tướng phụ trách thời điểm năm 2013 đã có văn bản chỉ đạo việc thu phí tại trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài vẫn phải để nhà đầu tư thực hiện theo hợp đồng.
Yêu cầu nhà đầu tư đối thoại với lái xe
Đề cập đến hướng giải quyết tình trạng trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài đang bị tài xế và người dân lân cận vây, buộc “xả trạm” gần 10 ngày nay, trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam có giải pháp xử lý.
Chiều 26/12, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi các biện pháp can thiệp của lực lượng chức năng nhằm khôi phục lại hoạt động của trạm chưa hiệu quả, Tổng cục vừa yêu cầu Cty CP BOT Vietracimex8 tổ chức đối thoại với tài xế, chủ các doanh nghiệp vận tải. Theo ông Huyện, chủ trương tổ chức đối thoại, nhà đầu tư có nhiệm vụ nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của lái xe, doanh nghiệp vận tải, từ đó đưa ra các phương án tháo gỡ, trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Đề cập tương lai của Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài trong thời gian tới, ông Huyện cho rằng, việc thu phí vẫn phải duy trì cho đến khi có chỉ đạo mới từ Bộ GTVT.
TRỌNG ĐẢNG
Theo TP
Đặt 'nhầm' trạm BOT Bắc Thăng Long 10 năm: Kéo dài thêm sẽ gây bất ổn
Chuyên gia cho rằng, với các trạm thu phí BOT đường bộ đặt sai vị trí dự án, như trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài cần di chuyển về đúng nơi nó nên đặt. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Bộ GTVT.
Từ việc phải trả phí BOT 8 năm qua (ảnh nhỏ), gần 10 ngày nay ô tô đi qua trạm Bắc Thăng Long không bị chặn lại trả tiền Ảnh: T.Đảng
Quá nhiều bất cập
Cùng với trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài bị lái xe tập trung phản đối, trước đó, có 3 trạm BOT khác bị lái xe phản đối quyết liệt vì cho rằng nơi đặt trạm chưa hợp lý. Tới nay, các trạm này cũng chưa thể hoạt động lại, gồm: BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Tân Đệ (Thái Bình), Mỹ Lộc (Nam Định). Trong số các trạm trên, trạm Tân Đệ sẽ được di dời về đường tránh Đông Hưng (Thái Bình), những trạm còn lại chưa có hồi kết.
Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 26/12, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, do ngân sách nhà nước khó khăn, vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông thiếu nên phải đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP), trong đó có BOT. Sau thời gian ồ ạt làm đường BOT, nay phát sinh hàng hoạt vấn đề. Những vấn đề phát sinh trong BOT giao thông, đặc biệt khi lái xe phản đối trạm thu phí, do cách làm chưa tốt từ đầu.
Theo đó, gần như toàn bộ dự án BOT giao thông đều được chỉ định thầu với nhà đầu tư, dẫn tới không cạnh tranh, thiếu minh bạch và không loại trừ "lợi ích nhóm". Từ đó dẫn tới dự án tính mức đầu tư không sát, hầu hết đều tính giá cao hơn thực tế, điều này đã được kiểm toán, thanh tra chỉ rõ. "Các chủ dự án BOT đều tính toán làm đường thu lợi nhuận đầu tư, thu phí, chưa tính tới lợi ích người dân, xã hội", ông Thịnh nói.
Ông dẫn chứng trạm thu phí Tào Xuyên (sau đó thay bằng trạm Dốc Xây, Thanh Hóa), dù đường tránh TP Thanh Hóa chỉ dài vài kilomet, nhưng trạm thu phí lại đặt trên Quốc lộ 1, thu cả xe không sử dụng đường tránh. Sau đó, khi quyết toán dự án, tính toán lưu lượng xe, trạm thu phí Tào Xuyên mới thu 7 năm đã có lãi, dù hợp đồng ban đầu thu phí lên tới 23 năm. Tương tự, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cũng thu phí để thu hồi vốn cho tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), trạm thu phí cách xa tuyến đường, thậm chí ở 2 địa phương khác nhau. "Như vậy thì vô lý quá. Rõ ràng có vấn đề", ông Thịnh nói, theo ông đặt trạm thu phí sai vị trí trách nhiệm của Bộ GTVT vẫn là lớn nhất. Theo ông Thịnh, dù có ai quyết, nhưng nếu thấy đặt trạm thu phí không hợp lý, Bộ GTVT phải có ý kiến.
Do đó, chuyên gia trên đề nghị đã tới lúc cần chấn chỉnh lại các trạm thu phí BOT, cả về vị trí, thời gian thu, mức phí đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư, cộng đồng (những người sử dụng tuyến đường) và nhà nước. Theo ông Thịnh, dù hợp đồng đã ký, nhưng luôn có điều khoản chỉnh sửa, đại diện cơ quan nhà nước (Bộ GTVT) phải ngồi với nhà đầu tư tính toán lại.
"Nhà nước sẽ không thể dùng ngân sách để mua lại các trạm BOT bất hợp lý hiện nay, nhưng vẫn còn nhiều cách để khắc phục. Chúng ta có thể dời trạm về đúng đường tránh, sau đó cấm xe đi vào các đô thị, để các xe bắt buộc phải đi đường tránh. Điều này vừa đảm bảo mục tiêu làm đường tránh để hạn chế xe vào đô thị, vừa đảm bảo hiệu quả cho nhà đầu tư. Nếu chúng ta không giải quyết sớm câu chuyện trạm thu phí sai vị trí, những bất ổn từ trạm thu phí sẽ kéo theo những bất ổn khác, mất mát sẽ còn lớn hơn rất nhiều", ông Thịnh nói.
Bộ từng kiến nghị dời trạm Bắc Thăng Long
Trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận, trong đầu tư BOT đường bộ còn một số tồn tại, hạn chế, như: Chỉ định thầu với hầu hết dự án, quản lý chi phí đầu tư, doanh thu; Vị trí trạm thu phí gây bức xúc cho người sử dụng (dù các trạm thu phí đều được địa phương thống nhất)...
Theo ông Thể, hiện cả nước có 17/88 trạm thu phí BOT đường bộ bất cập về vị trí cần xử lý. Trong số này, có 3 trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án, gồm: Trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa - hiện đã dừng thu); trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh); Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. Ông Thể cho rằng, do lịch sử để lại, khi tận dụng trạm thu phí cho ngân sách trước đây để thu phí hoàn vốn dự án BOT. Việc tận dụng này giúp tiết kiệm khoảng 30-50 tỷ đồng, và phù hợp với quy định thời kỳ đó. Tuy nhiên, sau khi tính toán lại, hiện trạm thu phí Tào Xuyên đã dừng thu phí do chủ đầu tư đã có lãi. Với trạm Cầu Rác (thu phí tuyến tránh Hà Tĩnh) dự kiến sẽ thu xong vào năm 2019, nên Bộ GTVT đề nghị giữ nguyên.
Riêng với trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (thu phí hoàn vốn Dự án tuyến tránh TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), người đứng đầu Ngành Giao thông cho biết, năm 2014, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng dời trạm về đúng tuyến đường tránh. Sau đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục thu phí tại trạm này đúng hợp đồng ký với nhà đầu tư. Cùng đó, bây giờ người dân đã có lựa chọn đi đường Nhật Tân - Nội Bài. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị giữ nguyên vị trí trạm thu phí này.
Theo Bộ GTVT, hiện có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, trong đó có 58 trạm thu phí cách nhau trên 70km, 10 trạm có khoảng cách 60-70km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60km (theo quy định hiện hành, trạm thu phí cách nhau tối thiểu từ 70km). Ngoài các trạm thu phí có vấn đề về vị trí đặt trạm hoặc phải điều chỉnh, theo Bộ GTVT, có 56 trạm thu phí đặt trên các tuyến quốc lộ hoàn vốn cho dự án cải tạo nâng cấp các quốc lộ, xây dựng các cầu mới. Những trạm này được đánh giá phù hợp, hiện đã miễn, giảm phí phương tiện qua trạm. Ngoài ra, Bộ GTVT đã làm việc với các bên liên quan để: Dừng triển khai 4 dự án BOT đã ký hợp đồng và đang triển khai; Dừng 10 dự án đã phê duyệt đề xuất hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bộ GTVT cho hay, hiện có 6 trạm thu phí BOT đặt trên tuyến chính để thu hồi vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh (trạm: Nam Cầu Giẽ, Bến Thủy, Quán Hàu, Trảng Bom, TP Sóc Trăng, Cai Lậy). Hiện có 5 trạm đã giảm phí và thu ổn định (trừ trạm Cai Lậy đang tìm giải pháp).
Đồng thời, có 6 trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc để thu hồi vốn đầu tư cao tốc (Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình; Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng). Bộ GTVT đang làm việc với nhà đầu tư về các dự án này. Tuy nhiên, nếu bỏ trạm trên quốc lộ (chỉ thu cao tốc), ngân sách sẽ cấp bù khoảng 21.000 tỷ đồng. Điều này, Bộ GTVT đánh giá không khả thi, nên kiến nghị vẫn duy trì các trạm, nhưng miễn, giảm phí.
LÊ HỮU VIỆT
Theo TP
Đối thoại trực tiếp giải quyết khiếu nại trạm BOT Bắc Thăng Long- Nội Bài Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan cùng đơn vị thu phí trạm BOT Bắc Thăng Long- Nội Bài về việc đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí này. Văn bản của Tổng cục Đường bộ nêu rõ, trong thời gian gần đây có hiện tượng mất an ninh trật tự,...