Bóp cổ vợ chết vì chưa… ly hôn
Sáng ra tòa, nhưng vì còn tranh chấp tài sản nên chưa giải quyết xong, tối về, Thậm bóp cổ vợ chết.
Vụ án đau lòng xảy ra ở thôn Đươi, xã Thượng Huyện, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Nạn nhân là chị Lê Thị C. bị chồng sát hại.
Nơi nạn nhân bị chồng bóp cổ đến chết.
Theo thông tin ban đầu, Đặng Tiến Thậm và chị C. cưới nhau từ năm 1993. Trong thời gian sinh sống, hai người đã có 2 con chung nhưng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Năm 2011, chị C. và Thậm quyết định sẽ ra tòa ly hôn.
Ngày 29/2, hai người được Tòa án huyện triệu tập giải quyết vụ ly hôn nhưng vì còn tranh chấp tài sản nên Tòa chưa giải quyết xong.
Tới khoảng 22h30 ngày 29/2, hai vợ chồng Thậm lại xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Thậm đã bóp cổ vợ đến chết.
Video đang HOT
Sáng 1/3, người chồng đầy dã tâm này đã đến công an huyện đầu thú.
Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vụ án.
Quý Hai
Theo Infonet
Căn nhà bạc tỉ và đứa cháu côi cút
Phòng xử A Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM rộng mênh mông với hai dãy ghế ở hai bên, một lối đi ở giữa cũng đồng thời là ranh giới giữa nguyên đơn - người chú ngồi dãy bên phải HĐXX và bị đơn - người cháu ngồi dãy bên trái.
Vụ kiện tranh chấp chia tài sản chung được xử theo đơn kháng cáo của bị đơn bắt đầu bằng phần đọc lại bản án sơ thẩm.
Ông bà nội - cháu và căn nhà
Theo lời khai của nguyên đơn, năm 1996, cha của T.Đ.V cùng hai người bác mua hóa giá chung một căn nhà, mỗi người sở hữu 1/3. Năm 1999, hai người bác nhượng lại phần sở hữu cho ông bà nội của V. (Việt kiều Mỹ) nhưng không làm văn bản mua bán, ông bà vẫn tiếp tục để cha mẹ của V. đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý, sử dụng nhà.
Sau đó, cha của V. mất, mẹ V. tiếp tục đứng tên căn nhà. Năm 2007, mẹ V. cũng mất, chỉ còn lại một mình V. (lúc đó 18 tuổi). Để phòng ngừa tranh chấp xảy ra, năm 2008, ông bà nội của V. yêu cầu hai người bác viết giấy bán cổ phần căn nhà của mình cho ông bà (xác nhận lại việc mua bán đã thực hiện từ năm 1999) đồng thời thỏa thuận với V. lập văn bản xác định phần tài sản mỗi bên và vẫn để V. tạm thời tiếp tục quản lý căn nhà. Tuy nhiên, sau đó V. thay đổi ý kiến, không công nhận quyền sở hữu 2/3 căn nhà là của ông bà nội nên ông bà khởi kiện ra tòa.
Cấp sơ thẩm nhận định lời khai trên có cơ sở, bởi lẽ tuy việc mua bán diễn ra từ năm 1999 không làm văn bản nhưng năm 2008, hai người bác đã viết giấy xác nhận việc mua bán thực hiện trước đó. Mặt khác, bị đơn cũng có làm giấy tự thỏa thuận phân chia tài sản (thừa nhận quyền sở hữu 2/3 căn nhà của nguyên đơn). Vì thế, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thanh toán 2/3 giá trị căn nhà cho nguyên đơn (số tiền 3,6 tỉ đồng).
Đến phiên tòa phúc thẩm, lý giải về việc ký vào giấy xác nhận đồng sở hữu tài sản, V. cho biết vì được ông bà nội hứa hẹn bảo lãnh đi nước ngoài, việc ký giấy này thực hiện ở trường, không phải ở ủy ban xã. Hơn nữa, lúc đó V. không biết mẹ đã mua lại 2/3 căn nhà của hai bác từ năm 2000 cho đến khi soạn lại giấy tờ. Vì thế, V. đã rất sốc khi mẹ vừa qua đời, ông bà nội đã vội tranh chấp căn nhà.
Sau khi xét hỏi cả hai bên, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định tại phiên tòa phúc thẩm, các bên không cung cấp được chứng cứ gì mới. Tuy nhiên, việc nguyên đơn cho rằng có mua lại 2/3 căn nhà với giá 80 lượng vàng - một số lượng tài sản không nhỏ - nhưng lại không làm giấy biên nhận hay mua bán (vì là người một nhà), đến khi xảy ra tranh chấp mới làm giấy xác nhận (năm 2008) là không có cơ sở. Hơn nữa, từ khi mua nhà đến nay, nguyên đơn không hề thực hiện quyền sở hữu căn nhà.
Lời khai của hai người bác về mục đích làm giấy chuyển nhượng cổ phần cho mẹ V. vào tháng 5/2000 (80 lượng vàng) là nhằm hợp thức hóa thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi cha V. mất, trong khi đó thực tếgiấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho mẹ V. từ trước đó một tháng (tháng 4/2000).
Giấy thỏa thuận tự phân chia tài sản do V. và nguyên đơn ký vào năm 2008 trái quy định của pháp luật vì V. không phải là thừa kế duy nhất nên không thể tự định đoạt tài sản. Từ những chứng cứ trên, cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Thắng - thua và tình yêu thương
Thực ra, trong phần tranh luận ở phiên tòa phúc thẩm, giữa bị đơn và đại diện nguyên đơn - người chú không có những lời lẽ gay gắt, khó nghe. Họ bình tĩnh trình bày chứng cứ có lợi cho mình, bình tĩnh lắng nghe phán quyết của tòa và bình tĩnh ra về. Chỉ có điều, ranh giới địa lý giữa hai dãy ghế không xa, nhưng chưa một lần những người bên họ nội đưa mắt nhìn qua đứa cháu côi cút của mình.
Tôi nhớ mãi sự phân tích của vị chủ tọa nhằm gợi lên tình máu mủ ruột rà thiêng liêng. Căn nhà bạc tỉ rất đáng giá nhưng hãy thử nhìn lại, V. có còn ai trên đời ngoài ông bà nội, ngoại, các bác, chú, cậu, dì ruột? Một đứa trẻ chưa kịp trưởng thành đã gánh nỗi đau mất cha mẹ, anh em, lẽ nào vì căn nhà mà mất luôn tình thương bên nội? Im lặng. Không biết họ nghĩ gì trước những lời nói chí tình ấy?
Trong cuộc sống, nhà cửa, tiền bạc... là những thứ có giá trị nhưng cũng chỉ là vật ngoài thân, có giá trị tương đối; cái còn lại là cội nguồn, tình yêu thương máu mủ ruột rà. Và điều đó mới thật sự đem lại cho người ta cảm giác bình yên, hạnh phúc.
Theo Tố Trâm
Người lao động