Bỗng nhiên bị đòi nhà
Mua nhà từ năm 2004-2005 và ở yên ổn nhưng mới đây, một số hộ dân được tòa triệu tập vì họ bị khiếu nại chiếm dụng nhà ở của một người
Khu nhà được xây dựng kiên cố và được người dân dọn về sinh sống ổn định nhiều năm nay đang bị tranh chấp
Trong tường trình gửi TAND huyện Nhà Bè – TPHCM, ông Nguyễn Minh Tâm cho biết vào tháng 1-2005, ông mua căn nhà số 550/6C Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè trên thửa đất 256 m2 mà ông Phạm Ngọc Sáu (ngụ huyện Nhà Bè) đang phân lô, xây nhà bán. Hợp đồng mua bán được hai bên tự thỏa thuận và ông Sáu cam kết sẽ tách thửa, hợp thức hóa giấy tờ nhà cho ông Tâm sau 45 ngày.
Mỏi mòn chờ hợp thức hóa
Ngoài ông Tâm, trước đó, bà Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Băng Tuyền và Phan Thị Quyên cũng mua nhà với hợp đồng giấy tay và chờ ông Sáu hợp thức hóa giấy tờ. “Thế nhưng, hết thời hạn vẫn chưa thấy gì, chúng tôi nhiều lần tìm đến nhà hỏi thì ông Sáu tìm cách né tránh” – ông Tâm cho biết.
Thấy sự việc không ổn, các hộ dân đã làm đơn khiếu nại hành vi bội tín của ông Sáu gửi UBND xã và huyện. Khi vụ việc chưa được giải quyết thì năm 2007, ông Sáu bị Công an huyện Nhà Bè bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cuối năm 2007, TAND huyện Nhà Bè tuyên phạt ông Sáu 7 năm tù. Đến cuối năm 2009, các hộ dân khởi kiện ông Sáu tại TAND huyện Nhà Bè vì hành vi bội tín. “Dù chúng tôi đã đóng án phí và làm theo các yêu cầu của tòa nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì” – ông Tâm lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ nhà số 550/6 Huỳnh Tấn Phát, cho biết trong lúc các hộ dân đang chờ vụ việc được xét xử thì bỗng nhiên mới đây, ngày 9-3, họ nhận được thư triệu tập của TAND huyện Nhà Bè để xét xử việc tranh chấp đòi tài sản của nguyên đơn N.T.P.E. “Chúng tôi rất hoang mang vì sau khi mua nhà đã dọn về đây sinh sống ổn định hơn 6 năm. Chúng tôi đã trả tiền đầy đủ cho ông Sáu nhưng nay không hiểu sao lại bị đòi nhà. Giữa ông Sáu và bà E. có quan hệ mua bán gì, chúng tôi không hề biết” – bà Hạnh bức xúc.
Riêng bà Phan Thị Quyên, trong lúc chờ bán nhà cũ tại quận 8 để dọn ra 2 căn nhà mới ở huyện Nhà Bè, bà khóa cửa 2 căn này thì bị ai đó đến thay ổ khóa và sử dụng đến nay. Bà Quyên đã khiếu nại vụ việc khắp nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Video đang HOT
Lòng vòng mua bán
Theo văn bản của cơ quan điều tra, khu đất nêu trên vốn do bà Nguyễn Thị Bích Nga đứng tên. Tháng 11-2004, ông Sáu môi giới cho ông Nguyễn Văn Lâm lập hợp đồng giấy tay mua khu đất của bà Nga với giá 662 triệu đồng, ông Lâm đặt cọc cho bà Nga 300 triệu đồng. Đến ngày 21-12-2004, ông Sáu và ông Lâm đến gặp bà Nga để hủy hợp đồng, chuyển sang bà N.T.P.E. Cùng ngày, bà Nga lập hợp đồng mua bán với bà E.
Tiếp đó, bà E. lập hợp đồng xây dựng nhà ở với ông Sáu tại khu đất mới mua. Bà E. giao cho ông Sáu xây 4 căn nhà liên kế theo giấy phép được cấp và ông nhận của bà 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Sáu đã xây 6 căn, lố 2 căn và bán cho các hộ dân, nhận tổng cộng 2,84 tỉ đồng nhưng không thông báo cho bà E. biết.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, do ông Sáu và bà E. hợp đồng mua đất và xây dựng không rõ ràng nên không đủ chứng cứ chứng minh ông này lừa đảo. Vụ việc sau đó được chuyển sang giải quyết dân sự. Hiện các hộ dân và bà E. vẫn phải chờ cơ quan chức năng giải quyết.
“Nhiều vụ tranh chấp dân sự nhà đất tương tự đã xảy ra tại nhiều địa phương, xuất phát từ việc mua bán bằng giấy tay không rõ ràng. Do đó, để không vướng phiền toái, người dân nên xem xét rõ nguồn gốc cũng như làm đúng thủ tục, trình tự pháp lý trước khi mua” – một cán bộ địa chính khuyến cáo.
Địa phương phải có trách nhiệm Theo luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TPHCM, dù luật pháp quy định việc mua bán nhà đất phải được xác lập bằng hợp đồng công chứng nhưng những người mua bằng giấy tờ tay thường là người nghèo, thiếu hiểu biết pháp luật, có nhu cầu cấp thiết về nhà ở. Bị lừa gạt, từ chỗ là nạn nhân, họ trở thành bị đơn. “Đây là một sự bất công mà các nhà làm luật phải sớm nghiên cứu điều chỉnh. Qua vụ việc này, tôi cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương, tức UBND xã. Không thể tin được trong cùng một thửa đất, người ta xin cấp phép và xây dựng nhà, mua đi bán lại qua nhiều người mà chính quyền địa phương không hề hay biết” – luật sư Hải nhìn nhận.
Theo NLD
Cấm dạy thêm ở bậc tiểu học: Cấm cho có?
Trong dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD- ĐT vừa công bố có nội dung không dạy thêm cho HS tiểu học. Nhưng bên cạnh việc cấm, lại có thêm "điều kiện mở" đi kèm làm nhiều người không thể nghĩ: Cấm cho có.
Đã "cấm" còn "mở"
Theo nội dung dự thảo quy định không dạy thêm với học sinh (HS) tiểu học. Sau đó, trong khoản "cấm" này trừ ra những trường hợp GV nhận quản lý HS ngoài giờ theo yêu cầu của phụ huynh (PH), phụ đạo HS yếu kém.
Nhiều GV cho rằng, ngoài số ít GV "bắt ép" HS học thêm thì số đông GV dạy thêm đều đảm bảo được "nguồn" HS học thêm theo hai yêu cầu trên. Còn những GV dạy thêm theo hình thức "o ép" HS học thêm có thể "bám" vào yêu cầu này để đối phó khi yêu cầu PH làm đơn "tự nguyện" nhờ GV quản lý HS ngoài giờ. Như vậy, quy định cấm dạy thêm xem ra là... vô tác dụng.
Việc dạy thêm - học thêm sẽ được hợp thức hóa?
"Tôi thấy dường như cấm không được nên dự thảo đưa ra điều kiện "mở" để hợp thức hóa việc dạy thêm, học thêm hiện nay thì đúng hơn. Nếu vậy sẽ chẳng giải quyết được vấn nạn một số GV "ép" HS học thêm một chút nào", GV một trường tiểu học ở Q.5, TPHCM cho hay.
Nói về "kẽ hở" của dự thảo này, bà Trương Thị Mỹ Thanh, hiệu trưởng trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Q. Phú Nhuận, TPHCM) phân tích, việc dạy thêm, học thêm hiện nay cần nhìn trên hai góc độ. Một là những GV dạy thêm xuất phát từ yêu cầu và mong muốn thật sự của PH. Hai là những GV làm mọi cách để "ép" HS đi học thêm.
"Nếu PH không muốn cho con học nhưng "nể nang" "e ngại", còn GV thiếu lương tâm đã "bắt ép" HS thì PH cũng phải làm đơn. Như vậy thì cấm ở đâu khi mà kiểu gì thì việc dạy thêm cũng sẽ được hợp thức hóa. Và như thế là bất công cho những GV không dạy thêm hoặc chỉ dạy thêm khi được PH nhờ vả... Vì thật sự lương GV bây giờ quá thấp, nhiều người phải sống nhờ dạy thêm", bà Thanh nói.
Nhiều hiệu trưởng cũng "phàn nàn" nội dung của dự thảo: "Hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý tổ chức tốt việc dạy và học chính khóa. Đảm bảo tuyệt đối không cắt xén nội dung, chương trình dạy học đã được qui định để dành cho dạy thêm học thêm" là không khả thi. Vì thực tế, hiệu trưởng chỉ quản lý chứ không thể kiểm tra được thực tế tất cả GV.
Bà Mỹ Thanh thẳng thắn: "Trường tôi có quy định GVkhông được dạy thêm cho HS lớp mình phụ trách. GV nào cũng đồng ý nhưng thực tế họ dạy hay không mình không biết hết được vì đến PH đã cho con đi học thêm, người ta sẽ giấu".
Nhu cầu học thêm xuất phát từ PH
Không ít PH cũng đã "phản pháo" khi nghe quy định cấm dạy thêm cho HS tiểu học khi mà mong muốn cho con học thêm nhu cầu có thật của PH. Ở không ít lớp học, GV không tổ chức dạy thêm nhưng chính PH yêu cầu gửi con cho cô kèm cặp.
Lý do cho con học thêm của PH là chương trình học quá tải, ở lớp con mình không theo kịp nên nhờ cô dạy thêm cho con khi mình không có thời gian kèm cặp con hoặc không thể chỉ dẫn cho con. Không ít PH lo ngại nếu không cho con đi học thêm sẽ không có ai quản lý, sợ con sa vào các trò chơi như gameonline hay các tệ nạn xã hội.
Anh Nguyễn Văn Cường, có con học trường tiểu học Lê Văn Sỹ (Q. Tân Bình, TPHCM) cho rằng rất cần tìm cách cụ thể để cấm những GV làm mọi cách bắt HS học thêm như dùng điểm số để "trị" HS chứ không thể đánh đồng nhiều GV tâm huyết khác. Cái gốc của dạy thêm là xuất phát từ nhu cầu học còn bắt nguồn từ PH và HS chứ không chỉ từ nguồn "cung".
"Học thêm cũng là học, học bắt nguồn từ sự tự nguyện, mong muốn của người học thì là chính đáng. Con mình mà được học thêm ở GV giỏi, tâm huyết thì tốt quá. Như học tiếng Anh, nếu thầy cô trong trường không dạy thêm, tôi cho con đi học ở trung tâm ", anh Cường nói.
Nhiều người cho rằng, cấm ở bậc tiểu học mà "quên" các cấp THCS, THPT là "không công bằng" và khó trị được tận gốc vấn nạn học thêm hiện nay. Nhất là khi áp lực về điểm số ở tiểu học đang ngày càng được giảm nhẹ, còn điểm số ở các bậc trên vẫn "toàn quyền" trong thầy cô phụ trách môn.
GV một trường THCS ở quận Thủ Đức, TPHCM cho rằng, ngoài những biện pháp để hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm như giảm tải chương trình, cho đề thi chung toàn trường, GV chấm chéo... thì chính GV "ép" HS học thêm cần xem lại mình vì mặt trái của việc dạy thêm học thêm bắt nguồn từ đây.
"Con tôi học cấp 3, không đi học thêm môn Vật lý bị thầy "đì" ngay. Bạn bè đều khuyên cháu đi học cho "yên thân" nhưng cháu không chịu vì nói rằng mình không tôn trọng người thầy như thế... Thầy cô như thế nào, các em biết hết", GV này chia sẻ.
Hoài Nam
Theo dân trí
Cầu thủ gục chết sau buổi tập Cầu thủ trẻ người Tây Ban Nha Luis Miguel Lastra đã trút hơi thở cuối cùng sau buổi tập luyện với đội nhà. Theo báo chí địa phương, cầu thủ 21 tuổi được tìm thấy gục chết ngay dưới chân cầu thang nhà mình vào đêm 17-2, sau buổi tập luyện cùng CLB Ciudad Jardin thuộc giải hạng nhất vùng Andalucian (Tây Ban...