Bỏng nặng vì hành động sai lầm khi nướng mực
Khi đang dùng cồn nướng mực khô, người đàn ông thấy lửa tắt nên dùng cồn đổ thêm vào đĩa nướng. Bất ngờ, ngọn lửa bùng mạnh khiến anh bị bỏng.
Nam bệnh nhân 40 tuổi (Hà Nội) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hôm 25/10 trong tình trạng tổn thương bỏng khá rộng và sâu. Diện tích bỏng ước tính khoảng 20% ở nhiều vùng trên hai tay, hai chân và trên người. Các vùng bỏng độ II, độ III, có cả tổ chức hoại tử.
Bệnh nhân cho biết, khi đang nướng mực khô để nhắm rượu, anh thấy lửa tắt nên dùng chai cồn 90 độ mua ở hiệu thuốc đổ trực tiếp vào đĩa nướng. Không may, ngọn lửa bùng mạnh khiến anh bị bỏng nặng.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã áp dụng phác đồ điều trị bằng kháng sinh toàn thân cho bệnh nhân, thường xuyên rửa vết thương, kết hợp dùng thuốc bôi để làm sạch và kích thích liền vết thương.
Đến nay, tình trạng người đàn ông đã tương đối ổn định. Nếu tiếp tục diễn tiến tốt, bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 2-3 tuần nữa.
Bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thông tin, hàng năm, đơn vị này tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị bỏng do nướng đồ khô bằng cồn.
“Thời gian gần đây, lượng bệnh nhân tăng mạnh. Chỉ riêng trong tuần này, chúng tôi đã tiếp nhận 5 ca bị bỏng cồn”, ông Giang chia sẻ.
Video đang HOT
Một bệnh nhân bỏng cồn đang điều trị tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn
Hầu hết các ca bỏng cồn đều sử dụng loại cồn 90 độ đóng chai. Loại cồn khô, cồn thạch thường cháy không mạnh, không bị bùng lên, bởi vậy hiếm khi gây tai nạn bỏng.
Bác sĩ Giang phân tích, lửa cồn là ánh sáng xanh nên dưới ánh nắng ban ngày, bệnh nhân khó nhìn thấy ngọn lửa. Do nghĩ rằng lửa đã tắt, nhiều người đổ thêm cồn khiến lửa bùng lên mạnh và gây bỏng.
Đặc thù của bệnh nhân bỏng cồn là vết bỏng thường ở những vùng nhạy cảm như ngực, chân, tay và mặt. “Quá trình điều trị cho những trường hợp này thường gặp nhiều khó khăn, một số ca bỏng sâu phải tiến hành mổ cắt hoại tử và ghép da, thời gian điều trị có thể kéo dài cả tháng”, ông Giang nhấn mạnh.
Để phòng tránh tai nạn đáng tiếc, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên dùng cồn để nướng đồ khô, thay vào đó nên sử dụng bếp than, bếp lửa. Trường hợp sử dụng cồn để nướng, cần chú ý những nguyên tắc an toàn sau:
- Không châm thêm cồn khi lửa đang cháy, phải chờ đến khi ngọn lửa tắt hẳn thì mới đổ cồn và bật lửa nướng lần hai.
- Trong trường hợp bị bỏng, cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng; cắt bỏ quần áo ở vùng bị bỏng; ngâm vùng bị thương trong nước mát 15-20 phút; sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất.
- Tuyệt đối không làm theo các mẹo chữa bỏng được lan truyền trên mạng như bôi nước mắm, kem đánh răng,… vào vết bỏng vì sẽ khiến tổn thương nặng thêm.
Bé 7 tháng tuổi bị bỏng vì chạm vào bình ủ sữa
Khi bò chơi quanh nhà, bé vô tình chạm vào bình ủ sữa trên sàn dẫn đến bỏng nặng.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận bé Lục Nguyễn Thành Khôi (7 tháng tuổi) bị bỏng nước sôi tại tay trái và 2 chân, liên tục gào khóc.
Trước đó, mẹ của bé chia sẻ chị đặt bình ủ sữa dưới sàn nhà và chạy vào bếp. Lúc này, bé Khôi bò chơi quanh nhà vô tình chạm vào gây bỏng. Sau khi phát hiện, người phụ nữ này đã bôi kem đánh răng vào vết bỏng và nhanh chóng đưa con tới bệnh viện.
Bé Khôi được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: BVCC.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chẩn đoán bé Khôi bị bỏng 5% độ II, III và gấp rút dùng thuốc xịt bỏng, thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh, thay băng tại chỗ hàng ngày cho bệnh nhân. May mắn, bé Khôi hồi phục tốt và được cho ra viện sau 4 tuần điều trị.
Các bác sĩ cho biết lứa tuổi bị bỏng nhiều nhất là từ 2 đến 5 tuổi. Nguyên nhân là trẻ hiếu động, tò mò và muốn khám phá nhưng chưa ý thức được sự nguy hiểm xung quanh.
Một số tác nhân gây bỏng thường gặp ở trẻ em là nước sôi, dầu mỡ nóng, lửa, điện hoặc hóa chất. Tổn thương do bỏng cũng rất đa dạng. Vết bỏng ở vị trí cánh, cẳng tay, đặc biệt là bàn tay ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, vết bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng có thể tác động tới thẩm mỹ và khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai.
Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khuyến cáo khi phát hiện bỏng nước sôi ở trẻ em, người nhà nên nhanh chóng đặt vết bỏng dưới vòi nước hoặc trong chậu nước lạnh, sạch. Mục đích của hành động này là hạ nhiệt độ bỏng, giảm đau, phù nề, viêm nhiễm cũng như độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.
Đặc biệt, phụ huynh tuyệt đối không dùng kem đánh răng, lòng đỏ trứng bôi lên vết bỏng hay ngâm vùng bỏng trong nước đá lạnh để làm mát. Việc này có thể gây tổn thương da nghiêm trọng hơn. Nếu có thuốc xịt bỏng, gia đình nên nhanh chóng xịt cho trẻ và đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí và đánh giá mức độ tổn thương.
Người dân cần dùng băng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng và che phủ vết bỏng để tránh ảnh hưởng xấu trong quá trình di chuyển bệnh nhân. Lưu ý không băng quá chặt làm tổn thương vết bỏng.
Ngoài ra, nếu vết bỏng lớn, phụ huynh không nên cởi bỏ quần áo của trẻ khiến da tại vùng bỏng bị lột. Thay vào đó, chúng ta cần nhanh chóng dùng kéo cắt vải tách khỏi vết thương, tránh để quần áo dính chặt vào vùng bỏng, gây đau rát, viêm nhiễm.
Hút mỡ bụng có phải biện pháp giảm cân tối ưu? Vì muốn giảm cân nhanh nhiều chị em chọn giải pháp hút mỡ bụng. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo, đây không phải cách tối ưu. Hút mỡ bụng có phải biện pháp giảm cân tối ưu? Ths. BS Hoàng Thanh Tuấn, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện bỏng Quốc gia (Hà Nội) cho biết, hút mỡ bụng...