Bỏng môi, sưng lợi vì miếng dán trắng răng siêu tốc
Sắp đến ngày cưới, Lan Anh (25 tuổi) muốn có nụ cười sáng bóng nên đã tìm mua miếng dán trắng răng siêu tốc. Dùng được 3 hôm chị thấy răng có phần sáng lên nhưng kéo theo đó là hiện đau nhức cả hàm, sưng lợi.
Nghe lời quảng cáo của người bạn, chị Lan Anh tìm mua một hộp miếng dán trắng răng của Mỹ với giá hơn 1 triệu đồng. Đọc giới thiệu, chị cảm thấy hài lòng vì vừa có thể làm trắng răng nhanh chóng, vừa nói chuyện thoải mái, lại bảo vệ men răng an toàn.
Theo hướng dẫn trên bao bì, răng sẽ bắt đầu trắng hơn sau 3 ngày và đạt kết quả mỹ mãn sau 14 ngày. Nếu xài hết nguyên hộp thì sẽ giữ trắng được 1-1,5 năm. Miếng dán này còn loại bỏ chất màu bẩn bám trên bề mặt răng, không gây dị ứng với mọi loại cơ địa, ngăn ngừa sự xuất hiện của cao răng.
Lan Anh chắc mẩm đây là sản phẩm vô cùng phù hợp với mình, trong đám cưới, bạn bè chị chắc chắn sẽ ngạc nhiên với hàm răng sáng bóng của chị. Thế nhưng, chỉ sau 3 hôm, Lan Anh không thể ăn nổi bất cứ thứ gì, chỉ uống sữa cầm hơi. Khi tìm đến bác sĩ nha khoa, chị được khuyên nên dừng ngay việc dùng các miếng dán, vì men răng của chị rất yếu, nếu tiếp tục dán sẽ gây tổn hại nặng đến men răng và gây ra các bệnh trầm trọng như tụt lợi, viêm tủy…
Miếng dán trắng răng gây nguy hiểm cho răng lợi nếu dùng không đúng cách. Ảnh:CW.
Cũng đặt hàng online, Linh Nga (20 tuổi) còn phải chịu hậu quả nặng nề hơn khi dùng các miếng dán liên tục, khiến lợi bị sưng to, bỏng rát. Đẹp chẳng thấy đâu, cô gái xinh xắn phải nghỉ học mấy hôm vì xấu hổ với đôi môi phồng rộp.
Video đang HOT
Những miếng dán trắng răng siêu tốc được bày bán khá nhiều ở siêu thị, cửa hàng mỹ phẩm hay cửa hàng online. Chỉ cần hỏi người bán hàng, bạn sẽ được giới thiệu cả loạt miếng dán trắng răng tức thời của Trung Quốc, Mỹ… với mức giá từ hơn 200.000 đến hơn 1 triệu đồng tùy loại, tùy các cấp độ.
Khi mua miếng dán trắng răng, khách hàng thường được giới thiệu các sản phẩm kèm theo như kem tẩy trắng răng cùng loại để duy trì độ trắng sáng lâu hơn (giá khoảng 150.000 đồng); những loại kẹo cao su nhập ngoại trắng răng thơm miệng, loại bỏ mảng ố trên răng ngay tức thời với đủ hương vị dứa, bạc hà (giá khoảng 280.000 đồng/12 vỉ)…
Bác sĩ Phạm Như Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Hà Nội cho biết, bệnh viện từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị ê buốt hay viêm lợi vì dùng miếng dán trắng siêu tốc hoặc tự ý tẩy trắng răng. Do không tẩy răng đúng quy trình nên gây ra các bệnh về răng lợi và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.
Theo bác sĩ Hải, hầu hết thuốc tẩy trắng răng đều có thành phần là oxy già nồng (Hydrogen Peroxide), gây ê buốt, loại tẩy càng mạnh thì càng gây buốt. Với các loại miếng dán trắng răng, nếu không dán đúng vị trí và không được che chắn chất tẩy sẽ tiếp xúc với môi, lợi gây bỏng, sưng viêm, ê buốt. Vì vậy, khi tẩy trắng răng phải tuân thủ quy trình một cách nghiêm ngặt, không được tự ý dùng bừa bãi.
Để làm trắng răng một cách an toàn, mọi người có thể đến các bệnh viện về răng hàm mặt để đánh bóng, tuy hiệu quả thấp nhưng khá an toàn. Với người có nhu cầu cao hơn, có thể thay lớp men răng đen xấu bằng một lớp men sứ mới. Bác sĩ Hải cũng khuyến cáo mọi người nên vệ sinh răng miệng hàng ngày, khám định kỳ 6 tháng một lần để phòng ngừa và chữa trị kịp thời các bệnh về răng miệng.
Theo VNE
Miếng dán tránh thai: tiện dụng nhưng có thể gây nguy hiểm
Miếng dán tránh thai được dán vào một vị trí kín đáo trên cơ thể như tay, đùi, bụng... nhưng nó lại có thể tăng nguy cơ gây máu vón cục và bệnh tim mạch.
Ảnh minh họa
Bác sĩ ơi, em chưa kết hôn nhưng đã có "quan hệ" với người yêu. Chúng em đang rất đau đầu về chuyện chọn biện pháp tránh thai nào cho phù hợp. Em không dám uống thuốc vì sợ ảnh hưởng sức khỏe, còn người yêu em lại không chịu dùng bao cao su. Em đang muốn dùng miếng dán tránh thai cho thuận tiện nhưng em lại lo lắng về các tác dụng phụ của biện pháp này.
Bác sĩ cho em hỏi, miếng dán tránh thai có nhiều tác dụng phụ không và nếu dùng thì nên dùng thế nào để an toàn? Em xin cảm ơn! (Thư Lê)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Bạn Thư Lê thân mến,
Miếng dán tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai đang được khá nhiều chị em phụ nữ lựa chọn vì tính tiện dụng của nó. Miếng dán tránh thai là một miếng dán có diện tích nhỏ, bao gồm 2 loại hormone estrogen và progesterone, phóng thích hoạt chất qua da vào máu, có tác dụng ngừa thai trong vòng 1 tuần.
Miếng dán giải phóng một lượng hormone vào máu thông qua da, từ đó ngăn chặn sưn rụng trứng hàng tháng ở người phụ nữ. Miếng dán tránh thai còn làm tăng chất nhầy ở tử cung, làm mỏng niêm mạc tử cung khiến cho tinh trùng khó tiếp cận trứng và thụ thai.
Trước khi sử dụng miếng dán tránh thai, chị em cần đi khám để biết mình bị bệnh hoặc có nguy cơ bị bệnh tim mạch không. Ảnh minh họa
Miếng dán được dán vào một vị trí kín đáo trên cơ thể như phần mặt trong cánh tay, mặt trong đùi, bụng dưới, trên vai, sau lưng hoặc mông (không dán lên ngực). Sử dụng miếng dán đầu tiên vào ngày đầu tiên của kỳ kinh, sau đó mỗi tuần thay miếng dán một lần, liên tục trong 3 tuần. Sau 3 tuần sử dụng, ngưng dán 1 tuần và sẽ có kinh nguyệt trong tuần đó.
Tuy nhiên, cũng như bất kì biện pháp tránh thai nào, miếng dán tránh thai cũng có những tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ được cảnh báo liên quan đến biện pháp tránh thai này là: căng ngực, nhức nửa đầu, buồn nôn, tăng cân nhẹ...
Mặc dù các tác dụng phụ này được coi là hiếm gặp nhưng theo một số nghiên cứu y tế thì miếng dán có thể tăng nguy cơ gây máu vón cục và bệnh tim mạch do cơ chế thẩm thấu hormone trực tiếp vào máu. Điều này là do lượng estrogen trong miếng dán ngừa thai và viên thuốc tránh thai hàng ngày tương đương nhau nhưng khi uống thuốc, hormone được chuyển hóa trong ruột trước khi đi vào mạch máu, còn khi dùng miếng dán, hormone đi trực tiếp vào mạch máu. Vì vậy, những phụ nữ bị bệnh mãn tính như: bướu cổ, huyết áp cao, hoặc có khối u, tiểu đường, một số bệnh về tim mạch... không nên dùng miếng dán tránh thai vì có thể gây ra tai biến.
Để tránh tai biến này, trước khi sử dụng miếng dán tránh thai, chị em cần đi khám để biết mình bị bệnh hoặc có nguy cơ bị bệnh tim mạch không. Nếu có không thì có thể dùng miếng dán ngừa thai chứa 2 hormone.
Trong trường hợp bạn bị bệnh hay có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao thì không dùng được miếng dán và dĩ nhiên cũng không được dùng viên uống ngừa thai hỗn hợp có chứa estrogen nhất là loại có hàm lượng cao. Lúc này, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc để chọn phương pháp ngừa thai thích hợp cho mình.
Chúc bạn vui khỏe!
Theo TNO
Mặt trái của giảm cân siêu tốc Giảm cân nhanh là mong muốn của tất cả những người thừa cân. Nhưng không phải cứ giảm nhanh, giảm nhiều, giảm siêu tốc là tốt cho sức khỏe. Giảm cân nhanh - lo canh cánh Một trong những lo ngại lớn nhất ở nữ giới là thân hình quá khổ. Vì lẽ đó, các chị em là đối tượng có nhiều trăn...