Bỏng mắt, mất thị lực vì “công nghệ” muối dưa, cà “siêu tốc”
Thời gian qua, rất nhiều hóa chất bảo quản thực phẩm như axit chanh, chất tẩy đường, bột soda… có thể gây bệnh cho con người nhưng vẫn được bày bán công khai.
Dưa cà được chua ngon nhờ các chất hóa học
Nguy hại hơn khi chính dưa, cà muối cũng bị phù phép để nhanh chín, bắt mắt, ngon giòn nhờ những hóa chất này .
“Tiết kiệm mà hiệu quả…”
Đó là lời khẳng định của bác Nga, người chuyên làm dưa cà muối để bán (Quan Nhân, Trung Hòa, Hà Nội). Theo bác Nga : “Ngoài kinh nghiệm lâu năm, giờ để dưa cà muối nhanh chín, lại có màu vàng, ăn giòn ngon thì tôi đã được một người bạn trên phố cổ chia sẻ cho cách dùng phụ gia. Dùng chất phụ gia này vừa tiết kiệm mà hiệu quả, không phải mất công sức hì hục nén đá mấy ngày chờ dưa cà chín mới bán được”.
Khi gặng hỏi về chất phụ gia đó cụ thể là những gì, bán ở đâu, cách muối như thế nào, bác Nga chột dạ, nói đó là bí quyết không chia sẻ được. Vì là người mua quen hàng của bác, chúng tôi cố nói chuyện và được bác “bật mí” tên phụ gia đó là axit chanh và chất tẩy đường, muốn mua được phải lên tận chợ Đồng Xuân hoặc chợ Ngọc Hà.
Theo chỉ dẫn của bác Nga, chúng tôi có mặt tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội). Vào quầy hàng khô treo biển Hồng Thắm, khi hỏi mua axit chanh, chị bán hàng nhanh nhẩu: “Em mua nhiều không? Nếu mua nhiều chị bán giá gốc, mua ít thì đủ 75.000 đồng/kg”.
Video đang HOT
Khi chúng tôi thắc mắc đắt hơn giá người thân giới thiệu đến đây mua, chị giải thích: “Những năm trước, ít người sử dụng, chỉ có các hàng cơm, khi me, sấu đắt, người ta mua để vẩy vào nước rau tạo độ chua và ai cần tẩy trắng quần áo thì mua về tẩy nên giá chỉ 35.000 đồng/kg. Hai năm trở lại đây, axit chanh bán cực chạy và đắt bởi nó được dùng thông dụng trong chế biến thực phẩm…”
Khi PV hỏi mua chất tẩy đường, chị rất thực thà trả lời: “Chị có bán, nhưng mấy hôm nay hết hàng chưa nhập được về, em cần gấp thì ra chợ Đồng Xuân hỏi mua, người ta bán nhiều mà lúc nào cũng có.”
Lần theo hướng dẫn, chúng tôi đã tìm tới chợ Đồng Xuân (trong vai những người mới làm hàng xén) để hỏi mua chất tẩy đường, axit chanh. Tại ki ốt số 1, chủ cửa hàng cô Tâm, cho biết: “Cần mua bao nhiêu cũng có, không bán theo lạng mà bán theo cân với giá 70.000 đồng/kg mỗi loại”.
Khi chúng tôi đề nghị lấy một cân chất tẩy đường, người bán hàng lôi ra một túi nilon màu trắng trông như đường trong thùng cacton ghi mỗi chữ “chất tẩy”, thùng bên cạnh chính là axit chanh ghi chữ “axit”. Người bán hàng cho biết thêm: “Dùng chất này để tẩy trắng và tạo vị chua ngon cho dưa cà muối không bị người mua phát hiện. Ngoài ra, em dùng để tẩy trắng lòng, măng, hoa chuối, thịt thâm đen, thậm chí bát đũa, vết ố quần áo đều được, rất tiện lợi, mua 1kg có mà dùng mấy tháng”.
Chất tẩy này được bày bán nhan nhản ở rất nhiều chợ hiện nay
Thấy chúng tôi băn khoăn, liệu dùng như vậy có độc không và có mùi chua thì khách hàng phát hiện ngay thì bà chủ Tâm giải thích và hướng dẫn chúng tôi cách làm: “Những thứ này gọi là axit, chất tẩy nhưng nó có tác dụng làm trắng, tạo mùi chua dùng muối dưa cà ăn được luôn không phát hiện được. Nếu để quá lâu thì mùi khú như dưa cà để quá khi muối truyền thống, người mua không nhận ra được, em cứ an tâm.
Khi làm, em rửa sạch dưa, cà cho một thìa nhỏ chất tẩy đường vào ngâm từ 10-15 phút, rồi bỏ ra rửa sạch bằng nước. Tiếp đó, tùy theo khối lượng dưa cà định làm để cho lượng axit chanh vào hòa cùng nước sôi, rồi thêm gia vị khác muối như bình thường. Những khách hàng mua của chị đều là chủ nhà hàng, quán cơm lớn, họ dùng bao lâu nay, người ăn khen ngon có làm sao đâu?”
Cực kỳ độc hại, nguy hiểm!
Theo ghi nhận của PV, túi được gọi là axit, chất tẩy đường đó không bao bì, nhãn mác, không hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ, màu trắng, có mùi rất khó ngửi. Nếu đưa lên sát mũi, mùi của nó có thể khiến người ngửi choáng váng, hoa mắt. Nhìn bằng mắt thường khó có thể phân biệt được nó là chất gì, khi đã phù phép vào dưa cà muối thì càng khó phát hiện được.
Như hồi đầu tháng 5/2012 vụ ngộ độc cà pháo, dưa muối xảy ra trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, làm gần 50 người nhập viện. Qua điều tra 46 người thuộc 15 hộ gia đình đã từng ăn cà, dưa muối thì có 37 người biểu hiện rối loạn tiêu hóa, trong đó 8 người biểu hiện rõ là ngộ độc.
Xác nhận điều này, bà Lương Bích Thủy (TS ngành hóa sinh, Khoa Hóa, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Axit chanh, bột tẩy đường là những hóa chất được dùng phổ biến trong công nghiệp tẩy rửa. Trong công nghiệp thực phẩm, những chất này chỉ được dùng khi trên bao bì chỉ định rõ với lượng hạn chế giúp tẩy trắng và lên men. Nếu dùng axit chanh quá lượng quy định có thể tổn hại đến men răng. Khi tiếp xúc gần mắt, có thể gây bỏng và làm mất thị giác. Ngoài ra còn làm tổn hại và bạc màu tóc”.
Cũng theo bà Thủy: “Chất tẩy đường là một dạng hợp chất có chứa sunfua dioxit (SO2) dùng để tẩy trắng và giữ cho thực phẩm được tươi. Tuy nhiên, thực phẩm sau khi nhúng vào nước có pha chất tẩy đường phải được rửa lại bằng nước để không gây độc. Nếu chất SO2 còn tồn dư trên thực phẩm sẽ gây nhiễm độc, cụ thể là có thể bị viêm giác mạc mắt, viêm miệng, ruột, dạ dày… Nếu sử dụng hóa chất công nghiệp để tẩy thức ăn, người ăn có nguy cơ bị nhiễm kim loại nặng, về lâu dài có thể gây ung thư…”.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, khi muối dưa, cà nên đựng trong lọ bằng sành sứ vì chất liệu này không phản ứng với dịch axit trong dưa, cà. Nếu đựng trong các hộp nhựa hoặc thùng sơn thì chất phụ gia trong đồ nhựa sẽ hòa tan vào dịch dưa cà muối và gây hại cho người sử dụng. Đặc biệt, không để trẻ em sử dụng thực phẩm không được xử lí SO2 vì sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến đường ruột.
Theo xahoi
Miến Dương Liễu liệu có vệ sinh?
Nằm bên bờ tả ngạn dòng sông Đáy hiền hòa, làng nghề Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm miến dong. Những năm gần đây, vùng quê này đã thực sự chuyển mình, trở thành một "làng công nghệ cao", có thể tự làm ra hầu hết các loại hàng hóa thực phẩm có mặt trên thị trường...
Miến ở Dương Liễu phơi đầy ven đường bụi bẩn
Cả làng làm miến dong
Từ ngã ba Đan Phượng, men theo bờ đê ngược phía thượng nguồn sông Đáy, chẳng mấy chốc chúng tôi đã tìm về đến một trong những làng nghề thực phẩm nổi tiếng nhất khu vực ngoại thành Hà Nội. Đoạn đường đê đầu làng đang trong giai đoạn sửa chữa, lớp bê tông trên mặt đường bị lột lên để lộ nền đất luôn bụi mù trong gió lạnh. Mặc vậy, cứ sáng sáng, người dân trong làng lại cót két kéo những chiếc xe ba gác chở đầy các phên miến mới ra lò lên mặt đê tìm khoảng trống để phơi. Một số cơ sở sản xuất lớn thì chở miến bằng xe công nông, xe tải nhỏ. Từ đó, các phên miến được dựng xuống, phơi la liệt dọc khắp triền đê, ven mặt đường, bất chấp bụi đường đỏ quạch liên tục táp thẳng vào từng sợi miến trắng mỗi khi có một cơn gió hay một chiếc xe tải chạy qua. Lúc mới đem phơi miến có nhiều màu khác nhau, từ đen, xám đến vàng, trắng, thế nhưng sau một ngày, bằng mắt thường có thể thấy các phên miến đều chuyển sang màu nâu của bụi đất.
Dừng xe hỏi một cô gái đang say sưa lật từng phên miến phơi ở đầu làng, rằng "phơi miến như thế này thì bụi bẩn, mất vệ sinh quá?", cô gái hồn nhiên trả lời "mùa này giáp Tết, trong làng nhà nhà đua nhau làm miến cho đủ bán, kiếm được một chỗ phơi là tốt lắm, lấy đâu ra mà chọn lựa hay tránh đoạn bụi bẩn". Nói rồi cô gái chỉ ra phía cánh đồng, nơi những ruộng đất trống sau vụ thu hoạch cũng đã được phủ vàng bởi các phên miến phơi gió. Cô gái bảo: "mùa này toàn cánh đồng gần như bỏ trống bởi người dân đều tập trung làm nghề, nên phơi miến ở đó còn an toàn, chứ bình thường có nhiều hộ làm màu, phun thuốc sâu nhiều, phơi miến ở đó tránh được bụi nhưng còn nguy hiểm hơn nhiều phơi mặt đường".
Quả đúng như lời cô gái, đang vào vụ tăng ca sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán nên thời điểm này, không khí lao động ở Dương Liễu vô cùng tấp nập. Con đường chính từ chợ Sấu dẫn vào làng, đâu đâu cũng thấy những đống khoai dong (còn gọi là khoai đót, khoai hồng tinh), sắn chất cao vút, được nhập về trên những chuyến xe tải lớn mang biển số 22, 26 từ Sơn La, Tuyên Quang. Từ các bãi tập kết này, củ dong được các hộ gia đình vận chuyển về xưởng để làm miến. Theo tìm hiểu, khoai dong có giá trung bình 12.000 đồng/ kg, một tấn bột dong làm ra được khoảng 600kg miến.
Các cơ sở sản xuất miến đang tăng ca phục vụ mùa Tết
Công nghệ rẻ tiền
Muốn tìm hiểu công nghệ làm miến của làng nghề này, chúng tôi quyết định mục sở thị vào một xưởng sản xuất miến lớn tại xóm Hợp Nhất, ở ven cánh đồng làng. Qua quan sát, củ dong sau khi được vận chuyển về xưởng, không cần qua khâu cọ rửa, được các công nhân múc từng sọt đổ thẳng vào máy xay, tạo ra loại bột dong đẫm nước có màu trắng đục. Loại bột này được đổ vào các bao tải, buộc kín rồi chất dọc đường làng ngõ xóm cho ráo nước. Sau đó, các tải bột sẽ được công nhân đem đổ vào các bể ngâm để lọc cặn bẩn và làm trắng màu. Theo tìm hiểu từ những công nhân sản xuất trong xưởng, hạt tinh của loại bột dong vốn dĩ rất ánh nên thông thường chỉ ngâm qua nước 3-4 lần là trở nên trắng sạch. Tuy nhiên, do cách làm truyền thống này mất thời gian, hiệu quả thấp (vì phải ngâm lọc nhiều lần) nên nhiều cơ sở sản xuất sử dụng các loại phụ gia, chất tẩy màu. Hơn nữa, việc sử dụng chất tẩy màu cũng làm cho bột miến có được màu sắc phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
Biết tôi là một "thương gia" từ Hà Nội về tìm đầu mối để nhập hàng bán Tết với số lượng lớn, anh Thủy (ở xóm 7, Dương Liễu), là nhân viên bán hàng cho một công ty làm miến của người chú họ phấn khởi giới thiệu, từ khi còn là sinh viên học tại thị trấn Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) anh đã có thâm niên vận chuyển miến từ làng ra đó bán kiếm lời. Sau khi ra trường, chưa xin được việc nên tiếp tục quay về sống với nghề. Cũng vì thế, tất cả các xưởng miến trong làng anh đều nắm rõ, lúc nào cũng có thể nhập được hàng thấp hơn 2-3 giá (1.000-2.000 đồng so với giá bình thường). Anh này đưa cho tôi số điện thoại rồi tư vấn: "Nếu anh muốn đặt hàng cứ gọi cho em chứ vào mua thẳng ở các xưởng chắc chắn bị hét giá đắt hơn. Chẳng hạn loại miến đen (miến mộc) là đắt nhất, ở Hà Nội các cửa hàng bán khoảng 50.000 đồng/kg nhưng thời điểm này trong làng đang bán buôn 32.000 đồng/kg. Miến có 4 loại, loại rẻ nhất có thể chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, còn miến ngon để ăn, biếu thì phải đặt hàng riêng...".
Hỏi tại sao giá các loại miến lại chênh nhau nhiều như vậy mà nhìn mắt thường không thể phân biệt được, người bán hàng tên Thủy cho biết, miến rẻ hơn mà vẫn trắng đẹp, thậm chí ăn vẫn ngon không kém, là vì miến ấy có pha trộn bột, sử dụng chất tẩy màu và phụ gia. "Đơn giản thế này, bột dong bây giờ đắt hơn bột sắn khoảng 3-4 lần, muốn làm miến rẻ thì người ta pha bột dong lẫn bột sắn với tỷ lệ nhiều hơn sẽ giảm giá thành. Tất nhiên nếu pha bột sắn nhiều quá thì miến sẽ bị vụn, nát, nhưng họ có những chất phụ gia khiến cho miến pha vẫn dai. Cái này cũng phụ thuộc vào bí quyết riêng của từng nhà nữa, có nhà đầu tư nhiều hơn nhưng chưa chắc miến đã ngon..." - Thủy giải thích.
Tôi đồng ý sẽ đặt hàng của Thủy và gạn hỏi Thủy đầu mối cung cấp các loại bánh kẹo, thực phẩm khác trong làng. Thủy giới thiệu cho tôi một người tên Quân - theo Thủy thì người này là một nhân viên bán hàng kỳ cựu, quen biết rất nhiều đầu mối bán hàng tại La Phù (một làng nghề thực phẩm nổi tiếng khác của huyện Hoài Đức) và cũng là người trong làng có địa bàn bán hàng rộng nhất...
(Còn nữa)
Theo ANTD
Lạm dụng phụ gia xăng dầu làm tăng nguy cơ cháy xe Chiều qua 12.11, nhóm nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ (KHCN) độc lập cấp Nhà nước "Nghiên cứu xác định nguyên nhân và các giải pháp kỹ thuật phòng chống cháy, nổ đối với ô tô và xe máy" (thực hiện từ tháng 6.2012 đến 11.2013), đã đưa ra đánh giá bước đầu về nguyên nhân cháy, nổ đối với ô...