‘Bóng ma’ vaccine ám ảnh người Nhật
Vận động viên Hitomi Niiya, 32 tuổi, không muốn tiêm vaccine Covid-19 trước Thế vận hội mùa hè ở Tokyo. Cô không phải là người duy nhất nghĩ vậy.
Niiya lo lắng về tác dụng phụ và tin tưởng các biện pháp phòng chống dịch đang được thực hiện đã đủ để bảo vệ bản thân.
Chính phủ Nhật Bản đã đặt hàng 290 triệu liều vaccine Pfizer, AstraZeneca và Moderna, đủ để tiêm chủng toàn bộ dân số 126 triệu người. Họ đặt mục tiêu tiêm chủng toàn dân trước giữa năm tới, kịp thời gian cho Thế vận hội đã bị trì hoãn đến tháng 7/2021.
Y tá cầm một lọ được gắn nhãn vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters .
Nhưng việc chính phủ nóng lòng muốn chấm dứt đại dịch, sửa chữa nền kinh tế và mở đường cho Thế vận hội trái ngược với tâm lý thận trọng của công chúng. Một nghiên cứu toàn cầu được công bố vào tháng 9 trên tạp chí y khoa Anh Lancet cho thấy Nhật là một trong những quốc gia kém tin tưởng về tính an toàn của vaccine nhất thế giới, cùng với Pháp và Mông Cổ. Chưa đến 10% số người được hỏi tán thành mạnh mẽ ý kiến rằng vaccine an toàn.
Nhật không phải là vùng đất của những người theo phong trào chống vaccine hay tin vào các thuyết âm mưu, nhưng người dân nước này thường rất thận trọng về dược phẩm nước ngoài. Đằng sau sự cẩn trọng đó là “bóng ma tâm lý” vì những lần tiêm chủng không an toàn trong quá khứ, kể từ thời Mỹ chiếm đóng Nhật sau Thế chiến II.
Tiêm chủng được quy định là bắt buộc ở Nhật Bản từ sau Thế chiến II, khi quân đội Mỹ cố gắng ngăn chặn các loại dịch bệnh hoành hành vào thời điểm nhiều người dân Nhật nghèo đói và suy dinh dưỡng. Những người lính mang vũ trang vây bắt những thường dân không tuân thủ.
Chương trình đã cứu sống nhiều người, nhưng cũng có một số vấn đề nảy sinh, trong đó có một vụ tiêm vaccine ngừa bệnh bạch hầu bị lỗi khiến 68 trẻ em thiệt mạng.
Sự tự tin của chính phủ Nhật Bản bị lung lay vào năm 1993 khi vaccine sởi, quai bị và rubella dẫn đến các ca viêm màng não vô khuẩn và Bộ Y tế phải bồi thường đáng kể. Năm 1994, chính phủ đã thay đổi luật tiêm chủng, không còn bắt buộc tiêm chủng ở trẻ em mà đổi thành “khuyến cáo mạnh mẽ”.
“Bộ đã trở nên do dự về việc ủng hộ vaccine kể từ đó”, Kentaro Iwata, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, cho biết. “Chương trình tiêm chủng tồn tại, nhưng chúng không thực sự cho thấy vaccine tốt như thế nào”.
Nhật Bản đã từ bỏ chương trình quốc gia tiêm vaccine HPV cho thiếu nữ vào năm 2013, sau khi các tác dụng phụ được báo cáo bao gồm đau cơ, rối loạn giấc ngủ, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.
Mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em ở Nhật Bản vẫn cao, giống như ở các quốc gia thu nhập cao khác, tỷ lệ tiêm vaccine HPV đã giảm từ hơn 70% xuống dưới 1%, dẫn đến hơn 5.000 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung vốn có thể phòng ngừa, theo một nghiên cứu được công bố hồi tháng 4.
Thách thức đối với Nhật Bản, cũng như nhiều quốc gia khác, là khiến công chúng tin tưởng khi chiến dịch vaccine diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Nếu Nhật không thực hiện được tiêm chủng diện rộng, không chỉ Thế vận hội bị “lung lay” mà điều đó còn làm chậm quá trình khôi phục kinh tế và du lịch quốc tế.
Một nghiên cứu vào tháng 10 của Ipsos cho thấy 69% người Nhật “đồng ý” hoặc “đồng ý một phần” rằng họ sẽ dùng vaccine Covid-19 khi có. Con số này giảm so với mức 75% được ghi nhận vào tháng 8, nhưng cao hơn mức 64% của Mỹ. Nhưng nếu xem xét kỹ hơn các cuộc thăm dò ở Nhật Bản, có thể thấy người Nhật thận trọng hơn nhiều, thể hiện ở tỷ lệ tiêm phòng HPV (bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến) thấp hơn rất nhiều.
Một cuộc khảo sát vào tháng 12 với 1.000 người của Japan Trend Research cho thấy chưa đến 11% muốn tiêm vaccine ngay lập tức, so với gần 27% không muốn tiêm. Nhóm lớn nhất là gần 63% nói rằng họ không muốn tiêm vaccine ngay lập tức nhưng “cuối cùng” sẽ làm vậy.
Đó là quan điểm của sinh viên 19 tuổi Rina Kawakami. Tiêm vaccine “hơi đáng sợ”, cô nói, cho biết lý do là thiếu thông tin và vaccine được sản xuất ở nước ngoài. “Tôi sẽ đợi cho đến khi người khác tiêm”.
Nhật Bản thường yêu cầu các loại vaccine và thuốc phải được thử nghiệm trong nước thay vì chấp nhận kết quả thử nghiệm ở nước ngoài, vì lo ngại sắc tộc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả. Tuy nhiên, năm 2003, giới chức phê duyệt leflunomide, thuốc trị viêm khớp dạng thấp, mà không tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối trong nước. Ít nhất 22 người sau đó bị viêm phổi kẽ và 9 người tử vong – vấn đề gần như không được báo cáo ở phương Tây.
Video đang HOT
“Sau đó họ phát hiện ra rằng liều lượng thuốc được sử dụng ở Nhật Bản hơi quá cao đối với người Nhật”, Masayuki Miyasaka, giáo sư danh dự về miễn dịch học tại Đại học Osaka, cho biết.
Pfizer và AstraZeneca đều đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ vaccine Covid-19 ở Nhật Bản, nhưng thử nghiệm giai đoạn cuối quy mô lớn không thể triển khai do tỷ lệ lây nhiễm nCoV tương đối thấp ở nước này.
Dù vậy, chính phủ nhiều khả năng đẩy nhanh quá trình phê duyệt để đạt được mục tiêu tiêm chủng toàn dân trước giữa năm sau. Takashi Nakano thuộc Trường Y Kawasaki, thành viên ban cố vấn của Bộ Y tế Nhật Bản về vaccine, cho biết chương trình tiêm chủng có thể bắt đầu vào tháng ba.
“Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan, giữa sự cần thiết phải can thiệp càng sớm càng tốt, và cần thêm thời gian để thuyết phục mọi người rằng vaccine an toàn và hiệu quả”, Iwata nói.
Quốc hội Nhật Bản đã sửa đổi luật tiêm chủng trong tháng này để cung cấp vaccine Covid-19 miễn phí cho người dân. Chính phủ cũng hứa sẽ đài thọ chi phí y tế và trợ cấp trong trường hợp có phản ứng phụ nghiêm trọng, thay mặt các nhà cung cấp vaccine gánh chịu mọi thiệt hại.
Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại là chính phủ Nhật Bản không nhận được sự tin tưởng cao từ công chúng, đặc biệt là đối với chính sách chống Covid-19 của họ. “Sự công khai và minh bạch là những thứ mà chính phủ còn thiếu. Họ cố gắng tránh thảo luận, và họ rất giỏi né tránh chỉ trích”, Iwata nói. Điều đó có nghĩa là chính phủ có thể gặp khó khăn trong việc trấn an người dân khi có vấn đề xảy ra.
Trong khi đó, Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ khuyến khích mạnh mẽ các vận động viên tiêm chủng trước khi thi đấu tại Thế vận hội. Chính phủ Nhật Bản có thể khuyến khích khán giả làm điều tương tự, đặc biệt nếu họ đến từ nước ngoài.
Lòng tin của công chúng có thể tăng lên nếu vaccine cho kết quả tốt ở phương Tây. Niềm mong muốn sớm trở lại cuộc sống bình thường cũng có thể thúc đẩy mọi người đi tiêm phòng và một số công ty có thể khuyến khích nhân viên làm vậy. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sẽ rất khó để có đủ số người được tiêm phòng nhằm dập dịch trước thời điểm Thế vận hội diễn ra.
Nakano cho rằng Thế vận hội vẫn có thể diễn ra trong bối cảnh đó, nhờ vào việc xét nghiệm nhanh và thường xuyên vận động viên và khán giả.
Nhưng một Thế vận hội bình thường ư? Miyasaka gọi kịch bản đó là “không thực tế”. “Có thể sẽ có một số lượng người hạn chế được đến xem trong sân vận động hoặc nhà thi đấu”, ông nói. “Nếu không thì Thế vận hội không thể được tổ chức”.
Ca Covid-19 toàn cầu vượt 75 triệu, Mỹ sắp phê duyệt vaccine thứ hai
Hơn 75,2 triệu người nhiễm, gần 1,7 triệu người chết vì nCoV toàn cầu, trong khi giới chức Mỹ sắp phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine của Moderna.
Thế giới ghi nhận 75.204.398 ca nhiễm và 1.666.636 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 749.576 và 13.133 ca trong một ngày, trong khi 52.787.678 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 183.950 ca nhiễm và 2.666 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 17.580.847, trong đó 317.317 người đã chết.
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, tất cả bang của Mỹ đều ghi nhận tỷ lệ gia tăng ca nhiễm nCoV trên 3%, trong đó hơn 20 bang báo cáo tỷ lệ hơn 10%.
Nhiều bệnh viện ở California đã hết giường trong khu điều trị tích cực. Thống đốc Gavin Newsom cho biết bang đã đặt hàng nhiều xe container bảo quản lạnh và phân phát 5.000 túi đựng thi thể cho các hạt San Diego, Los Angeles và Inyo.
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Mỹ bắt đầu sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt khẩn cấp vaccine Pfizer-BioNTech vào tối 11/12.
Một hội đồng chuyên gia Mỹ hôm 17/12 bỏ phiếu đề nghị phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid-19 của Moderna, mở đường cho 6 triệu liều bắt đầu xuất xưởng vào cuối tuần này. FDA dự kiến cấp phép sử dụng khẩn cấp, khiến vaccine của Moderna trở thành vaccine thứ hai được phê duyệt ở một quốc gia phương Tây.
Dù hiệu quả của hai loại vaccine đạt khoảng 95%, lớn hơn nhiều so với các chuyên gia dự đoán, hai nhân viên y tế ở Mỹ và hai nhân viên y tế ở Anh bị dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine Pfizer, khiến một trong số họ phải nhập viện.
Y tá Mỹ tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer cho người đàn ông 68 tuổi tại Trung tâm Y tế Pittsburgh, bang Pennsylvania hôm 17/12. Ảnh: AFP .
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.004 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 184.826. Số người nhiễm nCoV tăng 67.738 trong 24 giờ qua, lên 7.110.433.
Chính phủ Brazil hôm 12/12 công bố kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 với mục tiêu ban đầu là tiêm chủng cho 51 triệu người, tức là khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý y tế Anvisa của nước này hôm 14/12 đánh giá các tiêu chuẩn phê duyệt sử dụng khẩn cấp CoronaVac, vaccine Covid-19 của Trung Quốc đang được thử nghiệm diện rộng ở Sao Paulo, không minh bạch.
Giữa lúc đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, CoronaVac lại trở thành chủ đề tranh cãi chính trị ở Brazil. Tổng thống Jair Bolsonaro gieo nghi ngờ vào loại vaccine này, mô tả đây là công cụ của Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người được cho là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử tới, cũng như chính quyền Trung Quốc.
Đáp lại, Bắc Kinh cho biết nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm vaccine trên diện rộng của họ, chứng minh "tính an toàn và hiệu quả của vaccine Trung Quốc".
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 26.688 ca nhiễm và 342 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.954.769 và 144.487.
Một số công ty dược phẩm Ấn Độ đang nỗ lực phát triển hoặc sản xuất ít nhất 8 công thức vaccine chống Covid-19. Quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới được cho là tập trung vào những loại vaccine giá cả phải chăng, thay vì các sản phẩm đắt tiền của Pfizer và Moderna.
Trong khi đó, nhiều bệnh viện tại New Delhi rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức thủ đô đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD). Theo truyền thông Ấn Độ, Viện Huyết thanh Ấn Độ đã yêu cầu cơ quan quản lý dược phẩm cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Pháp , vùng dịch lớn thứ năm thế giới và lớn nhất EU, ghi nhận thêm 18.254 ca nhiễm và 258 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.427.316 và 59.619.
Điện Elysee hôm qua cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, 42 tuổi, dương tính với nCoV. Một nguồn tin thân cận nói rằng Macron "có thể đã bị lây nhiễm trong hội nghị thượng đỉnh của EU ở Brussels" tuần trước.
Việc Macron nhiễm nCoV khiến hàng loạt lãnh đạo, quan chức như Thủ tướng Pháp, Thủ tướng Tây Ban Nha, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Bồ Đào Nha phải cách ly.
Anh báo cáo thêm 35.383 ca nhiễm và 532 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.948.660 và 66.052. Anh tuần trước trở thành quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech tại 73 bệnh viện trên cả nước.
Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) và Tạp chí Dịch vụ Y tế (HSJ) cảnh báo đề xuất cho phép 3 hộ gia đình ở chung trong nhà 5 ngày của chính quyền có thể khiến Dịch vụ Y tế Quốc gia bị quá tải.
"Chúng tôi tin rằng chính phủ sắp phạm phải một sai lầm lớn khác, đánh đổi bằng nhiều mạng người. Thay vì gỡ các hạn chế vào Giáng sinh như kế hoạch hiện nay, Anh nên làm theo Đức, Italy và Hà Lan trong việc thận trọng hơn", hai tạp chí cho hay trong bài xã luận chung thứ hai trong vòng hơn một thế kỷ.
Cảnh báo được đưa ra sau khi chính phủ tuyên bố London và một số địa phương xung quanh từ ngày 16/12 sẽ chịu những lệnh hạn chế cứng rắn nhất, tương tự miền trung và miền bắc đất nước, nhằm nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm nCoV. Các quán rượu, quán bar và nhà hàng phải đóng cửa, trừ dịch vụ mua về. Nhà hát và những địa điểm giải trí khác cũng phải ngừng hoạt động. Thành viên từ các hộ gia đình khác nhau không được ở cùng nhà.
Đức ghi nhận 30.951 ca nhiễm và 724 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.438.438 và 30.951. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm 15/12 cho biết họ muốn Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech "trước Giáng sinh", để họ có thể đạt mục tiêu bắt đầu tiêm chủng tại Đức trước cuối năm nay.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) trụ sở ở Amsterdam, Hà Lan, trước đó cho biết họ dự định tổ chức cuộc họp đặc biệt, chậm nhất là vào ngày 29/12, để thảo luận về việc cấp phép có điều kiện cho vaccine, trong bối cảnh Anh, Mỹ và Canada đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, thời điểm này đã được đẩy nhanh lên ngày 21/12.
Chính phủ Đức áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 16/12 nhằm kiềm chế sự lây lan của nCoV dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Lệnh phong tỏa dự kiến được áp dụng tới ngày 10/1. Cửa hàng không thiết yếu và trường học đóng cửa, công ty được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc kéo dài thời gian nghỉ lễ.
27 nước thành viên EU đặt mục tiêu bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 vào cùng ngày 27/12 để thể hiện sự thống nhất. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh vaccine Pfizer/ BioNTech là vaccine đầu tiên trong số 6 loại tiềm năng mà EU đã ký hợp đồng.
Nga , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 28.214 ca nhiễm nCoV và 587 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.762.668 và 49.151.
Nga đang chiến đấu với sóng lây nhiễm thứ hai khi giới chức St Petersburg cho biết họ sắp hết giường dành cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết giới chức không có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Từ đầu tháng 12, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và giáo viên, bắt đầu được tiêm vaccine Sputnik V.
Theo thông báo lần thứ tư của Nga hôm 14/12, kết quả thử nghiệm trên quy mô hơn 22.714 người của vaccine Sputnik V cho thấy hiệu quả đạt 91,4%. Trung tâm Gamaleya, nơi phát triển Sputnik V, sẽ công bố kết quả trên tuần san y khoa được bình duyệt quốc tế. Một báo cáo cũng sẽ được thực hiện để đăng ký khẩn cấp Sputnik V ở các quốc gia khác.
Iran , một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 53.095 người chết, tăng 212, trong tổng số 1.138.530 ca nhiễm, tăng 7.453. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, nhưng họ lại đối mặt thử thách mới liên quan đến vaccine.
Tổng thống Hassan Rouhani hôm 9/12 cho biết Iran vẫn chưa thể mua vaccine Covid-19 do các ngân hàng không sẵn sàng xử lý giao dịch, bởi lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp việc vaccine cùng những mặt hàng nhân đạo khác được cho là sẽ nhận được quyền miễn trừ.
"Chúng tôi muốn mua vaccine. Ngân sách đã sẵn sàng, nhưng không có ngân hàng nào chịu xử lý giao dịch", Rouhani nói với các quan chức.
Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 1.014 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 46.453, trong đó 634 trường hợp tử vong, tăng 22 ca so với một ngày trước.
Vùng thủ đô Seoul (Seoul, Incheon và các thành phố vệ tinh) sắp hết giường điều trị tích cực. Dù từng được coi là một hình mẫu chống Covid-19, sự trỗi dậy của virus gần đây khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải gửi lời xin lỗi vì không ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời cảnh báo tình hình hiện nay "vô cùng nghiêm trọng".
Chính phủ trong tuần này chỉ thị tất cả các trường học ở Vùng thủ đô Seoul đóng cửa trong một tháng nhưng không ban lệnh phong tỏa do lo ngại về thiệt hại đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 643.508 ca nhiễm, tăng 7.354, trong đó 19.390 người chết, tăng 142. Tổng thống Joko Widodo thông báo ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Indonesia và toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với khoảng 270 triệu người, nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên gồm 1,2 triệu liều từ công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc ngày 6/12. Nước này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số là lao động từ 18 đến 59 tuổi, những người được coi là phải di chuyển nhiều nhất vì nghề nghiệp của họ. Theo kế hoạch hiện tại, những người Indonesia đang làm việc trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch, như nhân viên y tế, cảnh sát và quân nhân, sẽ được tiêm chủng trước.
Dữ liệu chính phủ cho thấy Indonesia đã đặt hàng được 155,5 triệu liều vaccine, đồng thời đang tìm mua thêm 116 triệu liều từ Pfizer, AstraZeneca và chương trình COVAX, một sáng kiến vaccine Covid-19 toàn cầu. Nếu các thỏa thuận được thông qua, Indonesia sẽ sở hữu 271,5 triệu liều vaccine, vượt mức đặt ra là 246,6 triệu.
Philippines báo cáo 454.447 ca nhiễm và 8,850 ca tử vong, tăng lần lượt 1.470 và 17 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.
"Có nhiều nguy cơ Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại trong những tuần và tháng đầu năm 2021, chúng ta sẽ cần phải chung sức nếu muốn kiềm chế dịch thành công", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo.
Trung Quốc sẽ nhập 100 triệu liều vaccine BioNTech Tập đoàn Dược phẩm Fosun Thượng Hải thông báo họ sẽ mua ít nhất 100 triệu liều vaccine từ BioNTech vào năm tới nếu được cơ quan quản lý phê duyệt. BioNTech đã phát triển vaccine mRNA của mình qua hợp tác với công ty Pfizer của Mỹ, đồng thời công ty này cũng hợp tác với Tập đoàn Dược phẩm Fosun Thượng...