Bóng ma chiến tranh thế giới trong cuộc chiến Syria
Cuộc xung đột tại Syria hiện nay có nhiều điểm tương đồng về bối cảnh và lực lượng với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Đất nước Syria chìm trong bạo lực sau gần 5 năm chiến sự. Ảnh: Reuters
Chiến trường Syria đang trở nên nóng hơn bao giờ hết với việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga sau những căng thẳng âm ỉ dồn nén giữa hai nước về vấn đề xâm phạm không phận. Vụ việc có thể là mầm mống của một sự leo thang bất ổn mới trong khu vực, thậm chí là châm ngòi cho một cuộc xung đột quy mô toàn cầu giữa các cường quốc trên chiến trường Syria.
Theo chuyên gia về Trung Đông Bachir El Khoury viết trên Slate.fr, đây có thể là một cuộc chiến mới, trong một dạng thức khác nhưng có nhiều điểm tương đồng về bối cảnh và lực lượng với hai cuộc chiến tranh thế giới bùng nổ trong thế kỷ 20.
Những sự kiện diễn ra trên thế giới trong mấy năm gần đây gần giống với những gì đã diễn ra trước Thế Chiến II, trong đó các cuộc đại khủng hoảng kinh tế vào năm 1929 và 2008 là những ngòi nổ khổng lồ. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế thứ nhất là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng cực đoan của Đức quốc xã, trong khi sự kiện thứ hai góp phần quan trọng hình thành chủ nghĩa cực đoan trong thế giới Hồi giáo, và phần nào làm hồi sinh chủ nghĩa dân tộc tại Nga. Trong hoàn cảnh đó, cuộc xung đột Syria được ví như cuộc chiến Tây Ban Nha, vốn là tiền đề cho cuộc thế chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại.
Về lực lượng, số lượng các quốc gia có liên quan đến cuộc chiến tại Syria hiện nay không hề thua kém những nước tham gia vào Thế Chiến I. Hiện có 4 trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tham gia vào các chiến dịch quân sự ở Syria gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp.
Cùng với đó là một lực lượng quốc tế hùng hậu với khoảng 70 quốc gia, tức một phần ba thế giới, đang can dự trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hai liên minh quân sự do Nga và Mỹ dẫn đầu vào chiến trường Syria.
Tháng 9/2014, Mỹ tập hợp khoảng 60 quốc gia chính thức can thiệp quân sự vào Syria qua chiến dịch không kích, mặc dù số lượng các nước thực tế tham gia chiến dịch này chỉ khoảng 10 nước. Một năm sau, ngày 30/9/2015, Nga tuyên bố oanh kích các mục tiêu của IS tại Syria và tích cực tập hợp đồng minh khu vực, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ, và đặc biệt là Trung Quốc.
Video đang HOT
Ở phía bên kia là hàng chục nghìn tay súng Hồi giáo cực đoan, các phần tử khủng bố, phiến quân đến từ hàng chục nước trên thế giới. Đây là lực lượng có tiềm lực tài chính mạnh thông qua các hoạt động buôn lậu dầu mỏ, bắt cóc tống tiền, đánh thuế, trong đó IS nổi lên như tổ chức khủng bố giàu có và nguy hiểm nhất từ trước đến nay.
IS sử dụng xe bọc thép Humvee cướp được từ quân đội chính phủ Iraq. Ảnh: Twitter
Cuộc chiến Afghanistan thứ hai
Nhiều chuyên gia phân tích có quan điểm ít bi quan hơn, khi cho rằng cuộc chiến tại Syria chưa đạt đến tầm vóc và mức độ hủy diệt của một cuộc chiến tranh thế giới, bởi nó chưa phải là cuộc xung đột trực diện trên quy mô lớn giữa các quốc gia diễn ra cùng một thời điểm, đồng thời cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
“Đây là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), quân đội Nga và Mỹ được triển khai trên cùng chiến trường, song tất nhiên, không bên nào muốn khởi động một cuộc đối đầu trực diện. Do đó, những gì đang diễn ra tại Syria là một thảm họa, nhưng đó vẫn chưa được gọi là một cuộc xung đột toàn cầu”, nhà nghiên cứu Julien Nocetti thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), nhận định
Lý do là các cường quốc thế giới rất muốn tránh một kịch bản đối đầu quân sự trong bối cảnh hiện nay. Châu Âu đang trên đường phi quân sự hóa và không mặn mà với việc sử dụng vũ lực ở Syria. Với Nga, nền kinh tế khó khăn khi giá dầu sụt giảm chắc chắn có tác động không nhỏ tới những tham vọng chiến lược của Tổng thống Putin, chuyên gia về Nga Nocetti nhận định.
Cũng theo ông Nocetti, nếu cuộc chiến tại Syria chưa thể được xem như Thế chiến III, hay cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa các cường quốc, nó có nguy cơ dần biến thành một Afghanistan tại Trung Đông.
Nếu các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria ở Vienna thất bại, chắc chắn các thế lực trong khu vực như Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho các nhóm đối lập Syria, đẩy vùng đất này chìm sâu hơn nữa trong bom đạn.
“Vấn đề hiện nay là chờ xem liệu kịch bản Afghanistan của những năm 1980 có lặp lại. Khi đó, Mỹ, Arab Saudi đã tài trợ vũ khí, nhất là tên lửa Stinger, cho các nhóm phiến quân Hồi giáo gây ra tổn thất nặng nề cho Hồng quân Liên Xô, buộc họ phải rút quân khỏi Afghanistan”, ông Nocetti nói.
Ông Camile Grand, giám đốc quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp, cho rằng cuộc chiến tại Syria sẽ diễn ra trong một thế giới đa cực, trong đó nổi bật là tham vọng khôi phục vị thế cường quốc của Nga
Sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Tổng thống Nga Putin càng muốn phá vỡ trật tự thế giới đơn cực do Mỹ và NATO tạo dựng bằng các hoạt động can thiệp quân sự vào Trung Đông, đúng 60 năm sau khi Liên Xô đánh bật được thế độc quyền của phương Tây trên thị trường vũ khí của khu vực này.
Tuy nhiên, ông Aron Lund, nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Carnegie, cho rằng Nga khó có thể khôi phục được ảnh hưởng như thời Liên Xô thông qua cuộc chiến ở Syria. Mỹ vẫn luôn là một siêu cường, còn nước Nga hiện nay chỉ là một cường quốc với quy mô kinh tế còn hạn chế, dù sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ và lực lượng quân đội mạnh.
“Điều mà Moscow muốn tìm kiếm là tái khẳng định vai trò không thể thiếu trong bàn cờ chính trị thế giới và được coi trọng hơn trong các toan tính và sắp xếp trên trường quốc tế chứ không phải một cuộc xung đột toàn diện”, ông Lund nhấn mạnh.
Không quân Nga không kích phiến quân IS ở Syria. Ảnh: RT
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Số phận Tổng thống Syria al-Assad là 'lằn ranh đỏ' với Iran
Một cố vấn của Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày 6.12 tuyên bố tương lai của Tổng thống Syria al-Assad chỉ có thể do nhân dân Syria quyết định và điều này là một "lằn ranh đỏ" với Tehran, theo đài Al-Jazeera.
Ông Ali Akbar Velayati (trái) tại cuộc gặp với Tổng thống Syria, Bashar al-Assad ở Damascus hôm 29.11 - Ảnh: Reuters
Số phận của ông al-Assad là một vấn đề gây trở ngại trong các cuộc thương thảo giữa các cường quốc nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho tình trạng khủng hoảng ở Syria.
Iran và Nga muốn ông này tiếp tục cầm quyền cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức, trong khi phương Tây và các nước Ả Rập cho rằng ông phải ra đi.
"Ông Bashar al-Assad là lằn ranh đỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran do ông ấy được nhân dân Syria bầu lên", ông Ali Akbar Velayati, cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei nói.
"Người dân Syria phải quyết định vận mệnh của chính mình, và không ai bên ngoài Syria có thể chọn thay nhân dân Syria", ông nói thêm.
Theo hãng tin Reuters, ông Velayati cũng nói rằng Iran sẽ cố gắng giảm nhẹ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga liên quan vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi 1 máy bay ném bom của Nga ngày 24.11. "Căng thẳng gia tăng trong khu vực chẳng đem lại lợi lộc gì. Chúng ta không được phép đứng về bên nào, và phải có nghĩa vụ giảm bớt căng thẳng giữa 2 nước", ông Velayati nhấn mạnh.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ từ chức nếu nước này mua dầu của IS Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của IS, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu có bằng chứng xác nhận cáo buộc đó là đúng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu có bằng chứng xác nhận Ankara mua dầu mỏ...