Bỗng dưng mất tiền trong thẻ ATM, ngân hàng phải chịu trách nhiệm
Theo các chuyên gia pháp lý, nếu tiền trong thẻ ATM bỗng nhiên biến mất thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Tiền trong thẻ ATM bỗng nhiên “biến mất” thì ngân hàng phải chịu trách nhiệmẢnh: Vũ Phượng
ATM là một thiết bị ngân hàng giao dịch tự động với khách hàng, thực hiện việc nhận dạng khách hàng thông qua thẻ ATM (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng) hay các thiết bị tương thích, và giúp khách hàng kiểm tra tài khoản, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ.
Đây là một hình thức gửi tiền vào tài khoản mở tại một tài khoản ngân hàng, do ngân hàng quản lý và có thu phí hàng năm và thu phí qua từng lần giao dịch.
Ngân hàng phải bồi thường
Luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) cho biết về mặt pháp lý, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng để thực hiện giao dịch bằng thẻ ATM là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản. Thông qua thủ tục làm thẻ, gửi tiền ngân hàng tức là giữa khách hàng và ngân hàng đã kết lập một hợp đồng gửi giữ tài sản.
Ngân hàng có nghĩa vụ giữ tài sản của khách hàng thì ngân hàng phải có nghĩa vụ bảo mật tài khoản khách hàng. Mọi hành vi đột nhập vào hệ thống lấy trộm tiền của khách hàng đều là thiệt hại ngân hàng phải gánh chịu chứ không thể đổ lỗi cho hacker xâm nhập được
Luật sư Huỳnh Công Thư
Theo quy định của BLDS 2015, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Video đang HOT
Ngoài ra, Điều 557 BLDS cũng quy định nghĩa vụ của bên nhận giữ là phải bảo quản tài sản và trả lại cho người gửi.
Như vậy, trong trường hợp số tiền người gửi tự nhiên bị mất đi thì ngân hàng phải có nghĩa vụ bồi thường cho khách hàng vì tiền lúc này đang nằm dưới sự quản lý của ngân hàng và khách hàng chưa hề nhận lại.
LS Thư nhận định: “Ngân hàng có nghĩa vụ giữ tài sản của khách hàng thì ngân hàng phải có nghĩa vụ bảo mật tài khoản khách hàng. Mọi hành vi đột nhập vào hệ thống lấy trộm tiền của khách hàng đều là thiệt hại ngân hàng phải gánh chịu chứ không thể đổ lỗi cho người khác xâm nhập được”.
Trong trường hợp ngân hàng không chịu bồi thường cho khách hàng thì khách hàng hoàn toàn có quyền kiện ngân hàng ra Tòa để yêu cầu bồi thường.
Lỗi của ngân hàng
Đồng quan điểm, LS Võ Công Hạnh (Hãng luật Công Khánh, Đoàn LS tỉnh Thừa Thiên Huế) nêu quan điểm, thông qua hệ thống thanh toán trực tuyến, giao dịch điện tử, giữa Ngân hàng và khách hàng hình thành mối quan hệ phức tạp hơn bởi môi trường mạng, các thiết bị tương tác.
Chính điều này là thách thức của tính bảo mật của ngân hàng và cả khách hàng. Theo nguyên tắc xử lý hậu quả của giao dịch dân sự, thì bên có lỗi phải chịu bồi thường hoặc phải chịu tổn thất thiệt hại tùy theo mức độ lỗi.
Giao dịch bằng internet banking của VCB Ảnh chụp màn hình
Với trường hợp khách hàng không nhận được mật khẩu từ OTP (One Time Password) từ Vietcombank (VCB) mà tiền vẫn bị chuyển đi là một sai sót nghiêm trọng đối với hệ thống quản lý tài khoản trực tuyến.
“Ở đây không loại trừ khả năng bị kẻ xấu sử dụng các biện pháp để can thiệp, điều hướng giao dịch ngay tại hệ thống máy tính của VCB, hoặc việc rút tiền trên có thể được thực hiện từ những nhân viên biến chất trong hệ thống ngân hàng; hay tin tặc can thiệp thông qua hệt thống internet từ bên ngoài. Tuy nhiên, điều này phải chờ kết quả điều tra từ phía cơ quan chức năng”, LS Hạnh đánh giá.
Đối với các giao dịch trên do lỗi từ ngân hàng, ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn lại tiền cho khách hàng.
Trong trường hợp các bên không thống nhất về việc thương lượng, bồi thường, khách hàng có thể khởi kiện ngân hàng ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Khách hàng cũng phải biết cách tự bảo vệ tài khoản của mình Ảnh: Vũ Phượng
LS Hạnh cũng cho rằng với trách nhiệm là chủ sở hữu một trang web của một ngân hàng lớn, việc VCB không có biện pháp hữu hiệu để một trang web “nhái” tồn tại là hết sức thiếu chuyên nghiệp, tắc trách và gây tổn hại cho khách hàng lẫn uy tín của mình.
Khách hàng cần tự bảo vệ mình
Theo LS Huỳnh Công Thư để tự bảo vệ cho mình, khách hàng phải tuyệt đối bảo mật tài khoản và password của mình, thường xuyên thay đổi password, không dùng thẻ ATM để thanh toán qua mạng các trang web bán hàng mà mình không biết. ATM dễ bị lừa đảo nên không để số tiền quá nhiều, nếu nhiều tiền thì nên chuyển qua hình thức gửi tiết kiệm sẽ an toàn và có lợi hơn.
LS Võ Công Hạnh thì đưa ra lời khuyên rằng không nên gửi số tiền lớn vào ATM, mà nên chuyển gửi số tiền lớn với phương thức gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Việc bảo quản thông tin cá nhân, số tài khoản, mật khẩu mỗi người cũng phải hết sức thận trọng, cần cảnh giác đối với các thông tin yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mật khẩu liên quan đến tài khoản của mình.
Theo Thanh Niên
Tá hỏa vì gần 200 triệu đồng trong thẻ ATM bỗng dưng biến mất?
Gần 200 triệu đồng trong hai thẻ ATM của vợ chồng anh N.S.T. bỗng dưng "bốc hơi" và chỉ bị phát hiện khi vợ chồng anh T. kiểm tra tiền trong tài khoản vào kỳ lương tháng 7-2016.
Theo các chuyên gia, sử dụng ATM nên đăng ký dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn để an toàn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong phản ảnh gửi đến Tuổi Trẻ, anh T. cho biết bản thân sử dụng thẻ của DongA Bank để nhận lương (số dư 74 triệu đồng), trong khi vợ anh nhận lương qua thẻ của HDBank (số dư hơn 120 triệu đồng).
Do không đăng ký dịch vụ thông báo qua tin nhắn, đến kỳ nhận lương hằng tháng vợ chồng anh mới đem thẻ đến trụ ATM kiểm tra sau đó đem về cất vào tủ khóa lại. Trong kỳ trả lương tháng 7, vợ chồng anh ra ATM kiểm tra mới tá hỏa phát hiện cả hai thẻ đều có số dư bằng 0.
"Chúng tôi hết sức bất ngờ vì mình không hề rút tiền mà sao gần 200 triệu đồng trong tài khoản lại bốc hơi. Chưa kể hạn mức rút tiền trong thẻ tối đa mỗi ngày chỉ được 20 triệu, nghĩa là để rút được số tiền trên phải thực hiện ròng rã trong nhiều ngày" - anh T. bức xúc.
Theo anh T., sự việc đã được vợ chồng anh khiếu nại ngân hàng (NH), nhưng NH cho biết "sẽ rà soát trước khi có trả lời chính thức".
Theo các chuyên gia, để an toàn trong việc sử dụng thẻ, chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn để kịp thời phát hiện nếu thẻ bị lợi dụng - Ảnh: T.T.D.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện DongA Bank cho biết sau khi tiếp nhận khiếu nại từ khách hàng N.S.T. về việc không thực hiện giao dịch nhưng tài khoản thẻ bị rút 74 triệu đồng (ngày 22-7), NH này đã cho rà soát và thấy tài khoản của anh T. có phát sinh chín giao dịch rút tiền trên ATM với tổng số tiền là 74 triệu đồng trong các ngày 14, 16, 17 và 18-7-2016.
Nhận thấy có dấu hiệu của sự gian lận thẻ, NH này đang củng cố toàn bộ hồ sơ để chuyển cho cơ quan điều tra xử lý.
Trong khi đó, đại diện HDBank cho biết qua kiểm tra thông tin giao dịch cho thấy từ tháng 2-2014 đến tháng 7-2016 các khoản tiền chuyển vào tài khoản của chị N.T.T. (vợ anh N.S.T.) đều liên quan đến việc chi lương, ngoại trừ hai giao dịch chuyển khoản số tiền 50 triệu đồng và 51 triệu đồng được thực hiện cuối năm 2015 và đầu năm 2016.
Từ tháng 2-2014 đến tháng 5-2016, hằng tháng chị N.T.T. đều có giao dịch. Tuy nhiên, từ tháng 6-2016 khách hàng không thực hiện bất cứ giao dịch nào cho đến ngày 14-7-2016 thì bắt đầu xảy ra các giao dịch gian lận.
"NH nhận định thông tin thẻ của khách hàng đã bị đánh cắp nhưng đến nay NH chưa thể nhận diện chính xác người thực hiện giao dịch. Hiện NH đã báo cáo sự việc cho cơ quan công an và liên hệ các NH liên quan đến lịch sử giao dịch của khách hàng để xin cung cấp camera của các giao dịch không phải bị đánh cắp để kiểm tra thêm, từ đó phân tích khả năng thẻ bị đánh cắp thông tin ở đâu và vào thời điểm nào" - vị này cho biết.
Nên đăng ký dịch vụ thông báo số dư
Thông tin từ các NH cho biết đã có nhiều trường hợp phản ảnh bị mất tiền trong thẻ. Tuy nhiên, nếu sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn, ngay những giao dịch đầu tiên đã biết và sẽ hạn chế được rủi ro mất số tiền lớn như trường hợp này.
Theo các chuyên gia, để an toàn trong việc sử dụng thẻ, chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn đối với tài khoản tiền gửi và thẻ tín dụng. Khi giao dịch tại trụ ATM cần dùng tay che số PIN khi nhập trên bàn phím, nhìn kỹ bên trong miếng che bàn phím để phát hiện có thiết bị lạ nào được gắn bên trong hay không.
Ngoài ra, cần đọc các cảnh báo của NH tại trụ ATM để cảnh giác khi giao dịch và thỉnh thoảng nên đổi mã PIN. Trường hợp nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin sau khi giao dịch nên đề nghị NH đổi thẻ ngay.
Theo Tuổi Trẻ
Khóa thẻ tín dụng sau vụ hacker: Bất tiện cũng phải làm Sau vụ hacker tấn công website của VNA, nhiều ngân hàng cho rằng việc họ khóa thẻ tín dụng của khách hàng là nên làm, để bảo đảm an toàn cho hệ thống dù có chút bất tiện. Nhiều ngân hàng đã chủ động khóa chiều thanh toán online của chủ thẻ phòng rủi ro. Không phải đợi đến khi Ngân hàng Nhà...