Bóng đen che phủ hy vọng chữa khỏi bệnh HIV
Y học hiện đại có thể giữ HIV trong tầm kiểm soát nhưng không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn bởi nơi “trú ẩn” của HIV trong cơ thể có kích thước lớn hơn nhiều so với dự kiến trước đây.
Các thuốc hiện nay đều chưa thể tiêu diệt được toàn bộ vi rút HIV
Những “tàn dư” của đội quân HIV có thể “lẩn trốn” trong các tế bào miễn dịch của cơ thể và những “ổ chứa tiềm tàng” này lớn gấp 60 lần ước tính trước đây, theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Cell.
Phát hiện này dựa trên những thí nghiệm trong suốt 3 năm, giải thích tại sao vi rút gây suy giảm miễn dịch này thường tạo ra những đợt “phản công” và có thể dẫn tới bùng phát bệnh AIDS nếu người bị nhiễm ngừng dùng thuốc.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy việc tìm ra cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh HIV là khó khăn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã từng nghĩ và hy vọng”, Robert Siliciano, nhà nghiên cứu chính và là giáo sư tại Trường Y Đại học Johns Hopkins phát biểu.
Năm 1995, Siliciano là người đầu tiên chứng minh sự hiện diện của các ổ chứa HIV “nằm ngủ” trong tế bào miễn dịch.
Có 213 pro – vi rút, hay “tàn dư” HIV, trú ngụ trong các tế bào và mô ở khắp cơ thể ngay cả khi không phát hiện thấy HIV trong máu. Nghiên cứu mới nhất cho thấy 25 trong số này (12%) có thể tự hoạt hóa, sao chép chất liệu di truyền và nhiễm vào các tế bào khác.
Điều này gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học, vì những pro – vi rút này trước đây được cho là bị khiếm khuyết và do đó không đóng vai trò gì trong tái phát bệnh.
Video đang HOT
Nghiên cứu thấy rằng tần suất trung bình của các pro – vi rút này “cao gấp ít nhất 60 lần” vi rút tiềm tàng nguy hiểm mà các nhà khoa học đã biết tới. Tất cả những pro – vi rút này đều cần phải được quét sạch hoàn toàn nếu muốn chữa khỏi bệnh. Điều cần thiết giờ đây là những thuốc đặc trị nhằm vào chúng.
Hơn 34 triệu người trên thế giới đang bị nhiễm HIV. Trong 3 thập kỷ qua đại dịch này đã giết chết khoảng 1,8 triệu người mỗi năm.
“Mặc dù có thể chữa khỏi nhiễm HIV trong một số trường hợp rất đặc biệt, song việc loại trừ hoàn toàn những ổ chữa tiềm tàng là một vấn đề rất lớn và chưa rõ phải mất bao lâu nữa khoa học mới tìm ra cách để làm được điều này”, Siliciano nói.
Thế giới đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm HIV được mô tả là thuyên giảm hoặc có lẽ đã khỏi HIV, nhưng số ca như vậy rất hiếm. Nổi tiếng nhất trong số này là Timothy Brown – một người Mỹ được biết với tên “bệnh nhân Berlin” – đã hết vi rút HIV sau ca ghép tủy xương chữa bệnh bạch cầu. Một trường hợp nữa là một bé gái bị nhiễm HIV từ trong bụng mẹ và được dùng thuốc chống virút ngay từ khi chào đời đến 18 tháng tuổi. Lúc đó mẹ bé đã thôi không đưa bé đi khám bác sỹ và cũng không cho bé dùng thuốc nữa. Nghiên cứu mới đây cho thấy bé gái hiện đã 3 tuổi này còn có dấu vết của HIV trong máu mặc dù đã không điều trị 18 tháng.
Theo Dantri
Phẫu thuật thẩm mỹ: Chi "khủng" cho những rủi ro hiện hữu
Mặc dù các bác sỹ đã cảnh báo về sự nguy hiểm đối với tính mạng của phẫu thuật thẩm mỹ song rất nhiều tín đồ vẫn không thể tìm được lý do gì để từ bỏ nỗi ám ảnh phẫu thuật thẩm mỹ của mình.
Nỗi ám ảnh thần tượng
Toby Sheldon, một nhạc sỹ sáng tác sống ở Los Angeles (Mỹ) đã dành 5 năm và 100.000 đô la Mỹ (khoảng 2,1 tỷ đồng) để mong có vẻ ngoài giống như chàng ca sỹ điển trai đang làm xao xuyến hàng triệu trái tim của các teen.
Sự ám ảnh của người nhạc sỹ 33 tuổi này bắt đầu lần đầu tiên khi Bieber trở thành hiện tượng âm nhạc năm 2008. Lúc đó, Sheldon đang phải đối mặt với một số vấn đề về hình thức vì từ khi 23 tuổi tóc của anh đã bắt đầu rụng thưa dần.
Khi nhìn thấy hình ảnh tràn ngập trên phương tiện truyền thông của Justin Bieber, lúc đó còn là một cậu bé với mái tóc bù xù đặc trưng, Sheldon đã tự nhủ: "Tôi muốn trông giống cậu ta", anh nói.
Sheldon chi 8.000 đô la cho việc cấy ghép tóc để chiến đấu với mái tóc vàng thưa thớt của mình, nhưng điều đó vẫn chưa làm anh thỏa mãn. Cuối cùng anh đã mang ảnh của Bieber đến chỗ bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ và nói rằng anh muốn tóc mình giống hệt như của Bieber. Trải qua ba lần ghép tóc và tiêu tốn 21.000 đô la, anh đã đạt được vẻ ngoài như mong muốn.
Và không dừng ở đó, do phải hạ thấp đường chân tóc xuống, phủ kín tóc vùng thái dương và để mái bằng nên Sheldon đã quyết định sửa cả khuôn mặt.
Anh cho biết đã "cải tạo" toàn bộ dáng vẻ của mình lấy cảm hứng từ "khuôn mặt baby duyên dáng của Justin". Đầu tiên anh căng mặt và môi. Sau đó tiêm Botox và Aquamid - một loại thuốc bất hợp pháp có tác dụng căng da kéo dài - vào vùng trán và thái dương.
Người đàn ông này tiếp tục phẫu thuật mi mắt năm 2012, và trong năm 2013 anh đã phẫu thuật miệng để có nụ cười "quyến rũ" của thần tượng.
"Nụ cười của Justin khiến cậu ấy trông thật trẻ trung. Vì thế tôi đã bơm môi trên và môi dưới", anh chàng nhạc sỹ chia sẻ.
Sheldon cũng hút mỡ cằm để nụ cười được dịu dàng hơn và mỡ từ cằm của anh được bơm vào bàn tay, môi và dưới mắt.
Trả tiền để đạt mục tiêu không tưởng?
Mặc dù đã mổ rất nhiều lần, Sheldon, người thừa nhận là cực kỳ sợ tuổi già, cho biết anh chưa hoàn thành việc "tu sửa" hình thức của mình. Anh vẫn đang tính đến việc làm mũi và gọt cằm để được trông giống thần tượng hơn.
Tuy nhiên, Sheldon không phải người đầu tiên chi tiền "khủng" để có vẻ bề ngoài giống thần tượng.
Năm ngoái, một người đàn ông 32 tuổi đã khiến dư luận kinh ngạc khi tiết lộ đã trải qua 90 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để trở thành "búp bê Ken bằng xương bằng thịt".
Anh đã 5 lần sửa mũi, một lần gọt xương cằm và nâng má, môi, mông và cằm. Nhưng thật đáng buồn, giống như một búp bê bằng nhựa, toàn bộ "cơ bắp" ấn tượng của anh đều là giả. ABC News cho biết phần thân trên của người này "toàn đồ giả đến từng xăng ti mét".
Có đáng với nguy cơ?
Mặc dù các bác sỹ đã cảnh báo về sự nguy hiểm đối với tính mạng của việc làm này, song anh chàng "cuồng Justin" thừa nhận anh ta chưa tìm được lý do gì để chấm dứt nỗi ám ảnh phẫu thuật thẩm mỹ của mình.
Trong một trường hợp gần đây hơn, một thiếu nữ Hàn Quốc đã lên truyền hình kể về việc cô đã bị ám ảnh về siêu mẫu Miranda Kerr đến mức đã phẫu thuật thẩm mỹ để được giống với thần tượng.
Từ lâu các bác sỹ đã cảnh báo rằng việc phẫu thuật thẩm mỹ khi không cần thiết có lẽ không đáng với nguy cơ mà khách hàng phải chịu. Phẫu thuật thẩm mỹ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm và một số người có thể bị biến dạng hoặc thậm chí tử vong nếu mọi chuyện diễn ra không như ý muốn.
Một số nguy cơ còn ít được biết tới bao gồm mất máu ngoài dự kiến, vùng phẫu thuật không cân xứng, sẹo, nguy cơ về gây mê và tổn thương tâm lý nặng nề. Và nhiễm trùng sau mổ là một nguy cơ luôn hiện hữu.
Hồi đầu năm nay, AFP đã đưa tin về một sinh viên đại học 23 tuổi đã tự tử sau khi phẫu thuật sửa cằm đôi hồi tháng 8 năm 2012. Cô gái đã để lại lá thư tuyệt mệnh cho biết cô tuyệt vọng sau khi phẫu thuật khiến cô không thể nhai được thức ăn và không ngừng chảy nước mắt do tổn thương dây thần kinh ở lệ đạo.
Theo Dantri
Lá phổi chờ ghép được bảo tồn lâu nhất từ trước tới nay Kíp mổ ghép tạng gồm nhiều chuyên khoa tại Bệnh viện Đại học Leuven (Bỉ) đã bảo tồn thành công phổi được hiến tạng trong suốt 11 giờ đồng hồ với sự trợ giúp của một thiết bị đặc biệt, đây là thời gian bảo tồn lâu nhất từng được báo cáo. Lá phổi được bảo quản trước khi chờ ghép Thời gian...