Bóng đá Việt và những điều ước năm 2013
Trong thời khắc năm mới, bóng đá Việt Nam có rất nhiều mơ ước để mong có sự ‘thoát xác’ trong năm 2013.
Các CĐV Việt Nam luôn tràn đầy khát khao và sự tin tưởng. Ảnh: An Nhơn.
Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng trầm trọng tới đời sống bóng đá nước nhà trong năm 2012. Năm nay, bóng đá Việt Nam tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn hơn nữa. Bởi vậy, không chỉ có các nhà quản lý, mà các HLV, cầu thủ, người hâm mộ… đều có những mơ ước về điều tốt đẹp và những tín hiệu tích cực trong sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Đầu tiên, chắc chắn VPF sẽ ước về một giải đấu không bị vỡ. Sau nhiều lần lùi thời hạn, VPF đã chốt lại ngày khai mạc V-League vào đầu tháng 3. Chưa thể nói trước được điều gì vào lúc này bởi không ai dám chắc sẽ lại có một vài đội bóng nữa tuyên bố giải thể, sau khi có tới 8 đội bóng ở V-League và hạng Nhất mất tên khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam cuối năm 2012.
Nhiệm vụ của VPF lúc này, chính là tăng cường công tác quản lý, điều hành và có sự hỗ trợ tối đa giúp các đội bóng vượt qua giai đoạn khó khăn. Sự nỗ lực đến từ chuyện lùi thời hạn, tăng tiền giải thưởng cao kỷ lục (10 tỷ đồng cho ngôi vô địch mùa giải 2013), đến chuyện mời về chuyên gia ngoại người Nhật Bản để giúp VPF điều hành giải đấu tốt hơn.
Video đang HOT
Dẫu sao thì VPF cũng không quá bi quan, lo lắng bởi công ty này cũng đã chuẩn bị mọi phương án đối phó. Thậm chí, sau khi các ông bầu bỏ cuộc, nhiều đội bóng giải thể, lại giúp cho bóng đá Việt Nam trở về với giá trị thực.
VPF khẳng định có bao nhiêu chơi bấy nhiêu và quyết nâng chất V-League, xứng đáng với giải đấu hàng đầu khu vực. Hy vọng mà mọi thứ diễn ra suôn sẻ, cuộc khủng hoảng sẽ lắng xuống, để bóng đá Việt Nam trở lại đường ray của mình.
Sự trở lại của V-League, cũng có nghĩa hàng trăm cầu thủ sẽ không bị thất nghiệp. Trong dịp đầu năm, hầu hết cầu thủ đều ước có một công việc ổn định. Cuộc khủng hoảng vừa qua khiến đa số cầu thủ ý thức được việc phải trân trọng với những đồng tiền mà mình kiếm được, đồng nghĩa với việc sẽ phải thi đấu hết mình, cống hiến, để tôn trọng khán giả cũng như bảo vệ hình ảnh của mình.
Còn ở trên đội tuyển quốc gia, năm nay hai đội tuyển nam và nữ sẽ bước vào chiến dịch chinh phục HC vàng SEA Games 27. Chưa bao giờ đội U23 lại được quan tâm như năm nay. Thậm chí trong đợt tập trung tuyển Việt Nam tới đây, cầu thủ U23 sẽ là nòng cốt. Sẽ có một năm chuẩn bị với rất nhiều trận giao hữu quốc tế. VFF cũng không giấu giếm kế hoạch thuê HLV ngoại dẫn dắt U23. Sau hơn 50 năm không lên được ngôi vô địch tại sân chơi SEA Games, U23 lần này lại mang tới nhiều khát khao cháy bỏng. Dẫu niềm tim của người hâm mộ đang xuống rất thấp, nhưng chỉ cần U23 thi đấu thành công tại SEA Games 23, cụ thể là chức vô địch, bóng đá Việt Nam sẽ lấy lại những gì đã mất.
Niềm vui sẽ nhân đôi nếu tuyển nữ bảo vệ được ngôi hậu của mình. Sau kỳ SEA Games 26 không có bóng đá nữ, lần này thầy trò HLV Trần Vân Phát sẽ gặp thách thức rất lớn khi hành quân tới sân nhà của Myanmar – đối thủ đang được dự đoán là ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch.
Trong dịp năm mới, bóng đá Việt Nam còn rất nhiều mơ ước khác. Những nhà quản lý mong các ông bầu sau bài học xương máu từ cách làm ăn xổi, thành tích, sẽ làm bóng đá chuyên nghiệp hơn. Bóng đá Việt Nam cũng bắt buộc phải quan tâm một cách đặc biệt tới công tác tuyển chọn và đào tạo trẻ, nâng chất V-League, xây dựng lực lượng cho các đội tuyển quốc gia.
Một điều cũng rất được chờ đợi ở năm nay nữa với bóng đá Việt Nam, chính là việc VFF sẽ tiến hành tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII vào tháng 6 tới. Sau những gì đã xảy ra, người hâm mộ mong muốn VFF cần có sự cải tổ mạnh mẽ ở đội ngũ quản lý. Những ai không làm được việc, cần được nghỉ để nhường cho người có khả năng hơn. Chính đội ngũ lãnh đạo VFF yếu kém đã khiến bóng đá Việt Nam tụt lùi những năm qua.
Theo Ngoisao
Tiến Minh thu nhập cao hàng đầu làng thể thao
Tay vợt số một Việt Nam sẽ tham dự giải Super Series Hàn Quốc mở rộng, diễn ra từ ngày 8-13/1/2013
2012 là năm thành công với Tiến Minh khi duy trì vị trí top 10 thế giới. Ảnh: TK.
Như vậy, Tiến Minh được xem là một trong những VĐV sẽ "mở hàng" cho thể thao Việt Nam trong năm 2013, một năm với nhiệm vụ quan trọng nhất là chuẩn bị tham dự SEA Games 27 diễn ra tại Myanmar.
Kết thúc năm 2012 với vị trí thứ 8 thế giới được xem là rất thành công với tay vợt số một Việt Nam. Trong năm, Tiến Minh không có nhiều thành tích cao, đáng chú ý nhất là chức vô địch giải Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng. Tuy nhiên, với việc tham dự nhiều giải quốc tế, nên Tiến Minh được cộng điểm thưởng để duy trì thứ hạng. Ở những giải đấu cuối năm, do nhiều tay vợt đứng trên Tiến Minh không tham dự đầy đủ nên từ vị trí 13 thế giới, Tiến Minh nhảy lên vị trí thứ 8.
Với việc lọt vào top 10 thế giới, Tiến Minh lại nhận được mức tài trợ 50 triệu đồng mỗi tháng của Becamex Bình Dương. Số tiền này sẽ giảm đáng kể, cụ thể là chỉ còn 20 triệu mỗi tháng nếu Tiến Minh bị bật khỏi top 10 và chỉ nằm ở top 20 tay vợt mạnh nhất thế giới. Với quy định này trong hợp đồng, nhà tài trợ đã tạo ra động lực cần thiết để Tiến Minh ý thức được việc phải cố gắng giữ gìn phong độ, giữ vững vị trí trong top 10.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, đến các cầu thủ bóng đá còn rơi vào cảnh thất nghiệp, thì thu nhập của Tiến Minh thực sự là niềm mơ ước của nhiều VĐV.
Kết thúc năm 2012, Tiến Minh cũng vừa hết hợp đồng với nhà tài trợ Công ty thể thao Victor. Trước đó, nhà tài trợ này đã đầu tư với mức khá "khủng" cho tay vợt TP HCM, với 24.000 USD mỗi năm, kèm theo đó là hai giải châu Á tự chọn. Với số tiền này, Tiến Minh dư khả năng tham dự các giải quốc tế trong năm. Suốt 4 năm qua, việc có hai nhà tài trợ chống lưng cùng lúc, luôn giúp Tiến Minh rất nhiều về vấn đề tài chính. Vì thế mà ở những giải đấu danh giá có điểm thưởng và tiền thưởng cao, Tiến Minh đều có khả năng tham dự được. Điều đó cũng lý giải vì sao, thứ hạng của Tiến Minh được duy trì khá đều trong mấy năm qua, chỉ dao động trên dưới hạng 10 thế giới.
Ngoài thành tích phấn đầu lọt vào top 10, cả hai nhà tài trợ Victor và Bình Dương đều không có những đòi hỏi ghê gớm nào với tay vợt người TP HCM. Vì thế mà Tiến Minh đã không bị gây quá nhiều áp lực từ các nhà tài trợ.
Với tên tuổi của mình, nên ngay sau khi Tiến Minh hết hợp đồng một năm với Victor, đã có Yonex đặt vấn đề. Hai bên không tiết lộ giá trị hợp đồng, nhưng chắc chắn số tiền sẽ không ít hơn so với nhà tài trợ cũ của Tiến Minh. Ngoài ra, phía Yonex sẽ chi trả kinh phí cho Tiến Minh tới 10 trận ở mùa giải 2013. Chỉ tính riêng khoản này, Tiến Minh cũng đỡ được ít nhất trên 400 triệu tiền đi lại, ăn ở.
Như vậy, với số tiền tài trợ khoảng 50 triệu đồng hàng tháng của Yonex, 50 triệu đồng mỗi tháng của Bình Dương, kèm theo khoảng 10 triệu đồng của phía TP HCM và những khoản tiền thưởng ở những giải đấu quốc tế (càng vào sâu càng có tiền thưởng nhiều, thậm chí nhiều giải cứ tham dự là có tiền thưởng), thì mức thu nhập của Tiến Minh hiện nay được dự đoán là không dưới 120 triệu đồng một tháng. Đó thực sự là một số tiền mơ ước của bất cứ VĐV nào của Việt Nam, thậm chí là cả với những ngôi sao bóng đá. Tuy nhiên, đó cũng là số tiền mà Tiến Minh xứng đáng nhận được, bởi cho đến nay, anh vẫn là trường hợp hiếm hoi của làng thể thao Việt Nam lọt vào top 10 thế giới ở một môn nằm trong hệ thông thi đấu Olympic như cầu lông.
Theo Ngoisao
Trương Thanh Hằng hồi phục tốt Tin vui này đã được bác sĩ Chu Văn Tấn thông báo, khi chúng tôi vào thăm Trương Thanh Hằng - nhà đương kim vô địch châu Á cự ly 800 m nữ, vào sáng qua tại Bệnh viện Thể thao VN.Năm nay Hằng đen đủi đủ đường, vừa không đạt chuẩn dự Olympic, vừa bị tai nạn giao thông lúc đang tập...