Bóng đá Việt Nam: “Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”
Bóng đá Việt Nam thoái trào sau thế hệ vàng 2008 và rơi vào “bĩ cực” giai đoạn 2010-2017. Bước sang năm 2018, bóng đá Việt Nam “tới hồi thái lai”.
Những thất bại cay đắng
Chúng ta hẳn chưa quên những thất bại chua chát của đội tuyển ở AFF Cup và SEA Games. Từ năm 2010 đến 2017, các cấp độ đội tuyển thường thua bẽ bàng, lối chơi không ổn định, hay mắc sai lầm và thiếu bản lĩnh của một đội bóng lớn.
Đội tuyển Việt Nam dừng bước ngay vòng bảng AFF Cup 2012; bị loại ở bán kết AFF Cup 2010, 2014 và 2016. Đó đều là những thất bại đến từ các sai lầm ngớ ngẩn. Ở đấu trường SEA Games, U23 Việt Nam dừng chân ngay vòng bảng SEA Games 2013 và 2017; bị loại ở bán kết SEA Games 2011 và 2015 trước Indonesia và Myanmar.
Công Phượng và đồng đội từng nếm trải cảm giác bị loại ngay vòng bảng ở SEA Games. Ảnh: Đình Viên.
Năm 2015 chứng kiến thất bại toàn diện của bóng đá Việt Nam trước Thái Lan. Hai thất bại với cùng tỷ số 1-3 trong một trận giao hữu và một trận ở SEA Games. U19 Việt Nam thua tan tác 0-6 trước U19 Thái Lan. Còn ở vòng loại World Cup, Việt Nam thua 0-1 lượt đi và thua 0-3 lượt về. Đó là lý do vì sao HLV Kiatisak Senamuang từng phát biểu: “10 năm nữa, Việt Nam mới thắng nổi Thái Lan”.
Ở cấp độ châu lục, Việt Nam không vượt qua được vòng loại Asian Cup 2011 và 2015. Tại giải U23 Châu Á 2016, Việt Nam bị coi là đội lót đường, thua cả ba trận vòng bảng trước Jordan, Australia, UAE. Từ sân chơi khu vực đến châu lục đội tuyển mang đến thất vọng nhiều hơn niềm vui.
Điểm sáng trong giai đoạn này là Việt Nam giành được quyền tham dự VCK U20 World Cup 2017. Trong năm đó, Việt Nam có 6 đội giành quyền dự VCK các giải châu Á. Năm 2017 là bản lề, bước đệm để bóng đá Việt Nam chuyển mình.
Video đang HOT
Chương mới của bóng đá Việt Nam
Những người lạc quan nhất cũng ít ngờ rằng sau những thất bại liên tục, đỉnh điểm là trận thua Thái Lan 0-3 năm 2017, bóng đá Việt Nam có năm 2018 vinh quang đến thế. Đội U23 giành Á quân U23 châu Á, đội Olympic vào tới bán kết ASIAD. Việt Nam vô địch AFF Cup sau một thập niên chờ đợi, rồi tiếp tục thi đấu thăng hoa ở Asian Cup 2019, là một trong tám đội mạnh nhất giải. Những chiến tích ấy mang lại niềm tin, niềm tự hào cho dân tộc.
Với thầy Park, bóng đá Việt Nam đã có những thành công nhất định trong hơn một năm qua.
Bóng đá Việt Nam mở ra chương mới, đó không đơn thuần là chiến thắng mà còn là lối chơi thuyết phục của đội tuyển, chúng ta dám cầm bóng, đi bóng tự tin trước những đội bóng tầm cỡ. Lần đầu tiên, người ta thấy Việt Nam thi đấu đĩnh đạc trước Nhật Bản, sẵn sàng tấn công khi bị dẫn trước thay vì tử thủ, phá bóng để hạn chế bàn thua.
HLV Park Hang-seo là kiến trúc sư cho những thành công ấy. Ông mang đến thứ bóng đá khoa học, hiệu quả và biết khơi dậy tinh thần thi đấu của học trò. Đội bóng là tập thể đoàn kết, bản lĩnh, thi đấu vì màu cờ sắc áo. Dù đá chính hay dự bị, khi vào sân họ đều đá hết mình, không đố kị, không lợi ích nhóm. Bóng đá Việt Nam đang sở hữu lứa cầu thủ tài, đức vẹn toàn.
Thành công vang dội của bóng đá Việt Nam tạo nên những cơn sốt, kỉ lục rating ở Hàn Quốc, khiến báo chí, giới mộ điệu ở châu Á, thậm chí cả thế giới quan tâm, ví Việt Nam là “lá cờ đầu” của Đông Nam Á và khẳng định sự trỗi dậy của bóng đá Việt Nam đáng để các quốc gia trong khu vực noi theo.
Một chu kỳ thành công đến với bóng đá Việt Nam, chúng ta cần nắm bắt vận hội. “Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”, còn mức độ và chu kỳ tồn tại của “hồi thái lai” thế nào phụ thuộc tầm nhìn, cách làm của ngành thể thao, trước hết là VFF.
Theo báo bóng đá
Tuyển Việt Nam bay cao ở Asian Cup 2019: Tôn vinh bóng đá tư nhân?
Đội tuyển bóng đá Việt Nam càng thành công, càng có dịp để tôn vinh khu vực tư nhân. Hay nói cách khác điều mà toàn dân đã thấy từ lâu, dấu ấn tư nhân trong thành công của đội tuyển Việt Nam là rất lớn, không thể chối cãi.
Nếu xét về đẳng cấp, xin chớ vội huênh hoang! Cứ nhìn, cách vào cuộc của Jordan với Việt Nam tưng bừng thế nào, thì ngược lại, cách mà Trung Quốc - dù thắng chung cuộc - nhưng khi lâm trận trước các cầu thủ Thái Lan, vẫn hết sức kiêng dè, và thậm chí bị gác trước trong một khoản thời gian khá lâu của trận vòng 16 đội.
Đẳng cấp của bóng đá Thái, đã được xác định từ rất lâu. Từ thành tích vượt trội, thống trị khu vực với vô số danh hiệu vô địch SEA Games (danh hiệu cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có, ở cả thể thức đội tuyển trước đây hay U.23 sau này), rồi AFF Cup... Cho đến, họ đã sở hữu một giải vô địch thật sự chuyên nghiệp được tổ chức trước các nước láng giếng hàng thập kỷ. Từ đó, sản sinh ra các thế hệ cầu thủ tiếp nối nhau, trong một môi trường cạnh tranh quyết liệt của khu vực do tư nhân kinh doanh bóng đá.
Đội tuyển Việt Nam vào đến tứ kết Asian Cup 2019, làm chúng ta thật sự ngất ngây, nhưng đồng thời, cũng làm người Việt đau đáu với câu hỏi: Sau họ, sẽ là những lứa cầu thủ nào kế tục? Cơ cấu bóng đá nào - từ đào tạo, giải đấu cho đến thương mại - sẽ lại mang đến những con người như thế, một cách bền vững?
Đẳng cấp chính là không thể cứ mãi cậy vào sự thăng hoa, niềm tin và tài năng của một thế hệ cầu thủ. Nó phải được tiếp nối, kế thừa bởi một môi trường hoàn toàn lành mạnh dành cho khu vực tư nhân!
Quang Hải xuất thân từ lò đào tạo của CLB Hà Nội NGỌC LINH
Cho đến lúc này, không ai có thể phủ nhận thành công của đội tuyển bóng đá Việt Nam hôm nay đã được châm lửa từ các lò bóng đá tư nhân. Các gương mặt tiêu biểu của đội tuyển hiện tại, phần lớn xuất thân từ đó.
Trung vệ Bùi Tiến Dũng đến từ lò Viettel; hậu vệ Đoàn Văn Hậu, tiền vệ Nguyễn Quang Hải xuất thân từ Hà Nội; tiền đạo Hà Đức Chinh từ Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam (PVF)... Và Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai luôn áp đảo với các tên tuổi như tiền vệ Lương Xuân Trường, tiền đạo Nguyễn Văn Toàn, tiền đạo Nguyễn Công Phượng... Hay cả như thủ môn Đặng Văn Lâm, huấn luyện viên Park Hang-seo đều ít nhiều mang dấu ấn của bầu Đức.
Cứ mỗi lần đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng, như trận thắng Jordan hôm qua 20.1, người hâm mộ lại càng thấy thương hơn, trân quý hơn những nỗ lực âm thầm, bền bĩ của họ.
Thế nhưng, hãy tỉnh táo để biết rằng, sức lực của doanh nghiệp tư nhân - trong bối cảnh nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo - sẽ đến một lúc nào đó rất "đắm đuối" chừng nào còn chưa hoặc chậm tạo ra sân chơi với cơ chế thực sự bình đẳng, đậm nét thị trường cho khu vực này.
Những đôi chân, đôi tay của Nguyễn Quang Hải, Quế Ngọc Hải, Lương Xuân Trường, Đặng Văn Lâm... hôm nay, sẽ được lịch sử ghi dấu vì họ chơi bóng với tất cả khí chất, tinh thần và niềm tự tôn dân tộc.
Ý chí đó, dễ chừng, còn là động lực cho đội bóng của Vương quốc Chùa vàng thi đấu sòng phẳng với "ông lớn" Trung Quốc.
Tuy thua cuộc, nhưng bóng đá Thái Lan vẫn ngẩng cao đầu rời giải khi mà đẳng cấp của họ đã được thể hiện qua từng thế hệ cầu thủ tiếp nối nhau: từ Kiatisak Senamuang xưa kia, cho đến "Messi Thái" Chanathip Songkrasin ngày nay.
Nêu dẫn chứng từ thành tích và bản lĩnh của Vương quốc Thái, để có thể một lần nữa thấy rằng, tất cả đều phải được tạo ra từ một chiến lược phát triển và cơ chế cạnh tranh lành mạnh do tư nhân đóng vai chủ đạo, cả trong kinh tế bóng đá lẫn nền kinh tế nói chung.
Có lần, đại diện một tập đoàn trăn trở với chúng tôi về vấn đề quỹ đất cho dự án học viện bóng đá của họ còn quá khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, khi lứa cầu thủ đầu tiên đã sắp ra lò mà mong muốn về một cơ sở đào tạo bóng đá bài bản vẫn còn ngổn ngang.
Vậy mà, dù có thắng hay thua ở giai đoạn này của giải đấu Asian Cup 2019, các ông bầu bóng đá tư nhân cũng đã làm nên cái hiên ngang của đội tuyển Việt Nam. Điều mà ta có thể sánh như cái ngẩng cao đầu của bóng đá Đông Nam Á.
Để có thể tiến xa, bóng đá Việt Nam cần phải tạo sức bật 100% cho khu vực tư nhân phát huy tối đa sức mạnh với tất cả khát vọng và tình yêu dành cho bóng đá nước nhà. Qua đó, như đã thấy qua lứa cầu thủ hiện nay, chúng ta sẽ dần dần minh chứng đẳng cấp của mình, minh chứng cho đẳng cấp của bóng đá Đông Nam Á, vốn luôn bị coi là vùng trũng của bóng đá thế giới.
Theo báo Thanh Niên
"10 năm nữa bóng đá Việt Nam mới thắng nổi Thái Lan" "10 năm nữa bóng đá Việt Nam mới thắng nổi Thái Lan" Huyền thoại bóng đá Thái Lan Kiatisak Senamuang từng phát biểu hồi tháng 5 năm ngoái rằng, phải 10 năm nữa, bóng đá Việt Nam mới có thể bắt kịp Thái Lan, thế nhưng có lẽ ông phải rút lại câu nói này sau thành tích gần đây của hai nền...