Bóng đá Việt Nam: Muốn đi lên phải thẳng tay loại bỏ tiêu cực
Từ những vụ cầu thủ Ninh Bình, Đồng Nai bán độ đã làm cho niềm tin người của hâm mộ bị giảm sút nghiêm trọng.
6 cầu thủ Đồng Nai bán độ.
Mùa giải 2014 đã kết thúc và được Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đánh giá là thành công. Tuy nhiên, cùng với những căn bệnh “mạn tính” của bóng đá Việt Nam như lỗi trọng tài, khán giả giảm… chưa tìm ra lời giải, thì vấn đề nan giải nổi lên tiếp theo là nạn cá độ, bán độ. Vết nhơ từ những vụ cầu thủ Ninh Bình, Đồng Nai mới đây càng khiến cho niềm tin người của hâm mộ bị giảm sút nghiêm trọng. Đứng trước nạn cá độ, bán độ, những người làm bóng đá Việt Nam đang quyết tâm chặn đứng cái vòi bạch tuộc của tệ nạn này đang len lỏi vào các đội bóng.
Vào trung tuần tháng 4, ông bầu Hoàng Mạnh Trường của The Vissai Ninh Bình nhờ công an vào cuộc để xử lý các cầu thủ của đội bán độ trong một trận đấu tại giải AFC Cup. Hậu quả là Ninh Bình phải bỏ giải V-League và chỉ thi đấu tiếp ở đấu trường AFC Cup với mục tiêu có lẽ là cố gắng vớt vát hình ảnh của bóng đá Việt Nam.
Hàng loạt cầu thủ của Ninh Bình từng là niềm tin không chỉ của gia đình, của bóng đá Ninh Bình mà còn là của đội tuyển Việt Nam đã dính vào vòng lao lí…Người hâm mộ bóng đá Ninh Bình choáng váng, bóng đá Việt Nam chìm vào bóng tối và ngay cả Liên đoàn bóng đá châu Á cũng lên tiếng cảnh báo.
Người đau nhất chắc chắn là bầu Trường khi ông đã phải tự mình “tố cáo” các cầu thủ của mình, tự mình hủy đi tâm huyết mà ông đã phải tốn đến hơn 500 tỷ đồng để xây dựng. Đau nhưng bầu Trường cũng đã nói lên quan điểm của các ông bầu, đó là họ đến với bóng đá với tất cả đam mê và nhất quyết nói không với tiêu cực.
Rồi mới đây, người hâm mộ lại thêm một lần thất vọng với vụ việc 6 cầu thủ Đồng Nai bị cơ quan công an bắt ngay sau khi “diễn kịch” trên sân Cẩm Phả, Quảng Ninh. Chỉ trong một mùa bóng, đã có đến hai vụ việc dính tới cá độ, bán độ của các đội bóng quả là một con số nói lên thực trạng đáng báo động của bóng đá Việt Nam. Điều đó cho thấy công tác giáo dục cầu thủ đang bị các đội bóng xem nhẹ.
Ông Huỳnh Mau, Giám đốc điều hành câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai cho biết: “Giải năm nay rất khắc nghiệt và có nhiều tình huống làm thay đổi bóng đá Việt Nam đó là vụ việc đội Ninh Bình, thứ hai là vụ 6 cầu thủ Đồng Nai bán độ…Điều đó cho thấy các đội bóng, ban tổ chức giải và liên đoàn cũng có định hướng và giáo dục các cầu thủ nhưng mà chưa sâu”.
Quả thật, việc các cầu thủ làm độ, bán độ với những số tiền không quá lớn (nếu so với thu nhập thực tế của các cầu thủ này tại câu lạc bộ) cho thấy việc cá độ, bán độ không phải xuất phát từ kinh tế khó khăn. Nó đến từ nhận thức còn thấp của các cầu thủ này. Việc kiếm tiền quá dễ dàng theo những “kèo” đa dạng mà nhà cái đưa ra làm các cầu thủ tự tin rằng mình có thể diễn trước khán giả và ngay cả chính ban huấn luyện, cũng như đồng đội của mình. Chắc chắn các cầu thủ “dính chàm” này sẽ phải nhận những bản án thích đáng, nhưng đó cũng là bài học xương máu cho các đội bóng trong việc quan tâm đến thái độ thi đấu của các cầu thủ, quan tâm đến những khía cạnh khác của cuộc sống, chứ không chỉ đơn thuần là chuyên môn trên sân.
Ông Võ Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Phước, người quản lý của đội bóng đá Bình Phước, tân binh của giải hạng Nhất mùa tới chia sẻ: “Tại sao đá thắng mà vẫn bán độ, cái đó chúng ta phải xem lại. Và tôi không đồng tình việc cầu thủ dính tới bán độ mà vẫn cho tiếp tục thi đấu thì không còn hình ảnh chính bóng đá. Tôi cho rằng chúng ta phải làm chặt, phải cương quyết”.
Các cầu thủ Ninh Bình bán độ tại cơ quan điều tra. Còn ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch đội bóng Thanh Hóa, người tuy mới có 4 năm làm bóng đá nhưng đã thấu hiểu quá rõ sân chơi bóng đá Việt Nam, cho biết: “Thanh Hóa xử lý rất nghiêm đối với các huấn luyện viên và vận động viên tiêu cực, cá độ. Theo kinh nghiệm, chúng tôi muốn xử lý được cái này thì những người làm bóng đá tại địa phương phải có quyết sách và không có trường hợp nào là không xử lý được. Và VPF và VFF cũng phải cùng vào cuộc và cùng với các câu lạc bộ làm sáng tỏ và dần dần sẽ triệt tiêu được tiêu cực trong các câu lạc bộ”
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Võ Quốc Thắng cũng cho rằng đã đến lúc phải trừng trị thật nặng tay, dứt khoát. Ông Thắng cho biết, ngay từ 10 năm trước, chính ông là người đã đề nghị phải xử thật nặng, loại trừ vĩnh viễn ra khỏi đời sống bóng đá Việt Nam những cầu thủ tiêu cực, cho dù là tiêu cực nhỏ.
Ông bầu của một đội bóng dự V-League cũng kể một câu chuyện là ông bị “cứng họng” trước câu hỏi của các cầu thủ trẻ là “Tại sao các cầu thủ từng bán độ ngày trước mà vẫn đá đội tuyển quốc gia?”. Ngay một lãnh đạo VFF cũng thừa nhận rằng, thực tế con số cầu thủ vi phạm trong các vụ tiêu cực vừa nêu còn nhiều hơn. Điều đó cho thấy, trước giờ chúng ta vẫn còn chùn tay khi xử lý tiêu cực.
Trước sự len lỏi của “con bạch tuộc cá độ” đến từng ngóc ngách các câu lạc bộ trong nước, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng cũng đã thể hiện quyết tâm cao nhất khi tiết lộ: Chính ông là người đã “vận động” bầu Trường của Ninh Bình quyết tâm lôi các cầu thủ tiêu cực ra ánh sáng. Và người đứng đầu VFF cũng cho rằng: Sự dũng cảm của Ninh Bình xứng đáng được biểu dương và nếu cần thiết có thể du di, không nhất thiết phải xử theo luật đối với Ninh Bình về tội bỏ giải tại V-League (tức là có thể Ninh Bình sẽ không phải bị đánh rớt từ V-League xuống hạng 3 theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp). Thay vào đó, có thể bảo lưu suất V-League cho Ninh Bình với điều kiện đội bóng này sử dụng lực lượng cầu thủ trẻ được đào tạo trong 3-5 năm tới.
Ông Dũng cho biết hệ quả của tiêu cực đối với bóng đá Việt Nam là vô cùng lớn khi ngay sau vụ tiêu cực ở Bacolod năm 2005 (liên quan đến 7 tuyển thủ U23 thời đó như Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh….), niềm tin của người hâm mộ đã giảm sút thê thảm.
Trước đó, mỗi khi đội tuyển quốc gia hay Olympic đá, lãnh đạo tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân và người dân liên tục ủng hộ tiền, hiện vật…dù ít dù nhiều để động viên, tưởng thưởng. Sau 2005, con số đó là số 0 và các nhà tài trợ cũng lần lượt quay lưng với bóng đá Việt. Chính vì thế, nhiệm vụ quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam chính là lấy lại niềm tin người hâm mộ. Muốn như thế, phải chặt đứt hẳn nạn cá độ, bán độ, vốn được ví “nguy hiểm như ma túy”. Ông Dũng cũng nói rõ quan điểm của mình là “Đánh chuột không sợ vỡ bình, không sợ việc không còn các đội chơi ở V-League, còn bao nhiêu đội chơi bấy nhiêu, không sợ vỡ giải, chú trọng chất lượng hơn số lượng”.
Xử phạt nặng tiêu cực lúc này đã trở thành hướng đi tất yếu, là con đường duy nhất để lấy lại niềm tin người hâm mộ, để bóng đá Việt Nam đi lên trong thời gian tới.
Theo VNE
Chờ ngày ra tòa, cầu thủ Ninh Bình mở tiệm làm tóc
Lâm vào cảnh khó khăn kể từ ngày dính vào vụ án cá độ và dàn xếp tỷ số tại CLB Ninh Bình, trung vệ Gia Từ cùng bạn gái mở tiệm làm tóc để kiếm kế sinh nhai.
Cửa hàng làm tóc của Gia Từ và bạn gái vừa khai trương.
Cửa hàng làm tóc của Gia Từ và bạn gái mới được khai trương tại Hà Đông (Hà Nội). Trong vụ án cá độ và dàn xếp tỷ số của các cầu thủ Ninh Bình tại AFC Cup 2014, trung vệ Gia Từ cùng với 5 cầu thủ khác không bị bắt tạm giam như trường hợp của Nguyễn Mạnh Dũng, Trần Mạnh Dũng và Phan Anh Tuấn.
Trong thời gian chờ đợi cơ quan công an hoàn tất thủ tục điều tra, cầu thủ người Hà Tĩnh không về quê mà chủ yếu sống tại Hà Nội cùng với bạn gái, hoặc có mặt ở Ninh Bình mỗi lần được triệu tập để lấy lời khai.Gia Từ đương nhiên không được phép tham gia các hoạt động liên quan đến bóng đá, toàn bộ chế độ của anh tại Ninh Bình cũng bị cắt hết.
Trung vệ Gia Từ đối diện với án treo giò dài hạn.
Điều đó khiến cuộc sống của Gia Từ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi hoàn cảnh xuất thân của cầu thủ quê huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) rất éo le. Gia Từ là con út trong gia đình có 8 anh chị em, gia đình anh ở quê luôn bị xếp vào danh sách những hộ nghèo nhất xã. Năm 2008, sự ra đi của người cha khiến kinh tế gia đình càng thêm suy sụp, mọi gánh nặng dồn lên vai người mẹ xấp xỉ 70 tuổi.
Gia Từ mới chỉ kiếm được những khoản tiền lớn đầu tiên từ bóng đá bắt đầu từ mùa giải 2012, sau khi anh đầu quân cho Ninh Bình và hầu hết trong số đó được dùng để phụ giúp gia đình.
Thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của cầu thủ quê Hà Tĩnh, Gia Từ là một trong số ít những trường hợp được bầu Trường ngồi nghe lời xin lỗi sau khi xảy ra vụ án bán độ.
Chủ tiệm tóc Gia Từ chụp ảnh các sản phẩm để đăng lên trang cá nhân.
Tuy không giữ vai trò chủ mưu trong vụ án nhưng ngay cả khi không bị phạt tù, Gia Từ chắc chắn vẫn phải đối diện với án phạt treo giò dài hạn của VFF. Cầu thủ người Hà Tĩnh có lẽ cũng hiểu được điều này nên phải kiếm kế mưu sinh từ bây giờ.
Liên quan đến vụ án cá độ và dàn xếp tỷ số tại CLB Ninh Bình, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45 cho biết, cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đang gấp rút hoàn tất thủ tục để vụ án có thể được xét xử vào giữa tháng 8.
Theo VNE
Báo chí nước ngoài rầm rộ đưa tin về vụ bán độ ở CLB Đồng Nai Sau khi vụ 6 cầu thủ Đồng Nai bị cơ quan chức năng tạm giữ để làm rõ nghi án dàn xếp tỷ số ở trận Than Quảng Ninh - Đồng Nai, báo chí trên khắp thế giới ngày hôm nay cũng đã rầm rộ đưa tin về sự việc đáng xấu hổ này... Báo chí nước ngoài bắt đầu đưa tin về...