Bóng đá Việt Nam lo ’sức khỏe’ những ông bầu
Trong khi các quốc gia đều có điểm chung là làm sao để các CLB hạn chế thiệt hại trong mùa dịch COVID-19 để tồn tại thì bóng đá Việt Nam lại có chung mối lo “thể trạng” những ông bầu.
Dù quy định rất rõ mỗi CLB bóng đá chuyên nghiệp phải đứng dưới sự quản lý của một công ty cổ phần bóng đá nhưng ai cũng biết chưa một công ty cổ phần bóng đá nào đủ lực để nuôi sống CLB của mình.
Có thể thấy rất rõ phần thủ của một CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam (VN) chỉ gói gọn trong vài “món”:
- Bán vé (con số rất ít, không đáng kể trừ vài CLB có khán giả).
- Tài trợ (cũng chẳng đáng là bao, thậm chí là nhiều CLB gắn ngực áo tên doanh nghiệp của ông bầu CLB).
- Bản quyền truyền hình (con số mà thời bầu Kiên lập VPF các CLB còn được chia nhưng nay thì có CLB lại mất tiền cho công tác truyền hình).
- Tiền lãi từ cổ phần VPF (không đáng kể nhưng bù lại lãnh đạo CLB hằng năm đều có chuyến đi học bóng đá nhưng thực chất là du lịch).
Nếu các CLB của nhiều quốc gia lo mùa dịch COVID-19 làm bóng lăn khiến nhiều hoạt động tài chính bị ảnh hưởng thì các CLB của VN chỉ lo dịch làm ảnh hưởng đến “công ty mẹ”, đến doanh thu từ công ty của các ông bầu rồi từ đó phần chi vài chục tỉ đồng cho đội bóng bị cắt giảm.
Video đang HOT
CLB Thanh Hóa đang rất lo cho “ sức khỏe” của bầu Đệ, đặc biệt là khi bóng lăn trở lại sau dịch COVID-19. Ảnh: NGỌC DUNG
Ngoại trừ một số CLB chắc chân với ông chủ nhận ôm đội bóng địa phương như bầu Đức với HA Gia Lai, bầu Hiển với Hà Nội… nhiều đội bóng địa phương tồn tại theo kiểu tỉnh giao cho doanh nghiệp nhận lo đội bóng và bù lại tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp đấy có những ưu ái riêng như dự án thơm hay đất vàng… Những khoản được ví von là “giao cả cần câu lẫn vùng có nhiều cá” rồi doanh nghiệp có nghĩa vụ lo cho đội bóng tỉnh nhà.
Cũng có những doanh nghiệp tự tìm đến đội bóng rồi qua mối quan hệ xin tỉnh cho được có nghĩa vụ đầu tư vào đội bóng để lấy tiếng thơm và lấy những phần ưu ái. Điều mà nếu không có bóng đá thì đừng hòng chạm vào những dự án, những miếng bánh khai thác từ tỉnh.
Đặc thù của bóng đá VN là khi hình thành các CLB chuyên nghiệp thường phải “gối đầu” vào đấy. Tất nhiên, trong những khoản “gối đầu” đấy có cả sự nhập nhằng giữa phần tỉnh và phần doanh nghiệp. Điển hình như cái sân riêng (gần như là bắt buộc của các CLB chuyên nghiệp) thì đa phần CLB VN đều dựa vào tỉnh. Thế nên chuyện cái sân xuống cấp về lý là thuộc về CLB nhưng bản chất thì lại hay được đẩy qua địa phương, qua tỉnh và rồi lại lấy kinh phí của tỉnh, kinh phí Nhà nước đắp vào.
Đấy cũng là lý do khiến nhiều CLB chuyên nghiệp vẫn được tỉnh bao tiêu một phần kinh phí và phần lớn còn lại thuộc về các doanh nghiệp.
Nó khác hẳn với danh nghĩa đúng của bóng đá chuyên nghiệp là tiền từ bóng đá nuôi bóng đá.
Thế nên, ngay từ nhiệm kỳ II LĐBĐ VN khi nhóm nghiên cứu bóng đá chuyên nghiệp sang Hàn Quốc và Nhật học làm chuyên nghiệp về đề xuất VN nên chỉ có sáu CLB chuyên nghiệp đứng sau là những tập đoàn lớn để phát triển đúng nghĩa chuyên nghiệp rồi nhân rộng dần. Cách làm được lấy từ mô hình của Hàn Quốc ban đầu chỉ có sáu CLB chuyên nghiệp và đỡ đầu cho sáu CLB đấy là sáu tập đoàn lớn như Samsung, Daewoo, Hyundai…
Chính với cách làm và cách tồn tại chưa sang hẳn kênh tiền bóng đá nuôi bóng đá mà những CLB VN hiện nay bước vào mùa “đứng hình” vì dịch thường lo “sức khỏe” của ông bầu, ông chủ CLB nhiều hơn lo chuyện làm ăn, tài chính của đội bóng.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương từng cảnh báo: “Điều đáng lo nhất của bóng đá VN là các CLB trong và sau đại dịch COVID-19 có thể sẽ bị cắt giảm rất nhiều từ khó khăn của các ông chủ. Nhiều CLB đã quen sống và thở từ túi tiền của ông bầu bơm vào thì trong cơn đại dịch này sẽ không ít ông chủ không còn dồi dào tiền để bơm và từ đấy các CLB sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy”.
Nguy hiểm cho bóng đá VN là sức khỏe đội bóng hay lệ thuộc vào những cái hắt hơi, sổ mũi của ông chủ.
Thai-League lên bản quyền truyền hình hơn 9.500 tỉ đồng
Bóng đá Thái Lan thông báo gói bản quyền truyền hình Thai-League từ năm 2021 đến 2028 với giá hơn 400 triệu USD, tức hơn 9.500 tỉ đồng.
Để có được gói bản quyền truyền hình khủng này, ban tổ chức Thái Lan đã buộc các CLB phải nâng cấp CLB của mình theo chuẩn Thai-League, đồng thời mở ra những chính sách để đưa bản quyền truyền hình của mình đến nhiều quốc gia.
Với gói bản quyền khủng đấy, phần lợi đầu tiên thuộc về các CLB chuyên nghiệp Thái Lan. Họ được ban tổ chức Thai-League chia lợi nhuận theo thứ hạng, theo tầm ảnh hưởng của CLB nhưng ngược lại, các CLB phải có trách nhiệm xây dựng hình ảnh CLB nói riêng và hình ảnh Thai-League nói chung qua việc đầu tư sân bãi, hệ thống cổ động viên, quy định CLB… Đó cũng là quyền lợi song song mang tính hai chiều mà cụ thể là Thai-League từ đứng sau V-League nay đã là giải đấu số một Đông Nam Á và số bốn châu Á sau J-League của Nhật, K-League của Hàn Quốc và C-League của Trung Quốc. Song song đó, trong tốp 10 CLB đắt giá nhất Đông Nam Á, các đội bóng Thai-League chiếm đến bảy vị trí với tổng số tiền lên đến gần 45 triệu euro.
NGUYỄN NGUYÊN
Không ai muốn hủy giải!
Premier League đã đưa ra những con số thống kê nếu giải đấu của họ vì dịch COVID-19 mà hủy thì mức độ thiệt hại thật kinh khủng.
Đứng đầu là Man. Utd mất đứt 48 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình và 17,6 triệu bảng tiền bán vé. Cộng thêm tiền áo đấu và sản phẩm thương mại, tổng thiệt hại tài chính của Man. Utd là 116,4 triệu bảng. Tương tự, đội kế tiếp là Man City thiệt hại 109,3 triệu bảng; Liverpool 102,6 triệu bảng; Chelsea 91 triệu bảng; Tottenham 83 triệu bảng...
Những con số quá lớn ấy khiến nhiều người tin chắc Premier League sẽ không hủy mà nó sẽ được co kéo vào một thời điểm thích hợp để các CLB không bị thiệt hại quá nặng nề.
Với bóng đá Việt Nam thì phần thiệt hại của các CLB nếu giải phải hủy vì COVID-19 lại không rơi vào bản quyền truyền hình (gần như là không), còn tiền bán vé thì chỉ rơi vào một số CLB có lượng khán giả nhà tương đối như Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, SL Nghệ An, HA Gia Lai... Riêng phần sản phẩm thương mại thì lại rất khác với bóng đá Anh tức nằm ở "giá trị ưu đãi" mà các ông chủ CLB hưởng lợi từ việc nuôi đội bóng hay cam kết giúp tỉnh duy trì đội bóng.
Bóng đá Thanh Hóa mạnh, yếu đều gắn rất chặt vào sự quan tâm của bầu Đệ (bìa trái). Ảnh: CTV
Với những nhà tổ chức thì bóng lăn bộ máy mới chạy và mới có đồng ra đồng vào từ lương, chi phí làm nhiệm vụ, tập huấn, di chuyển, chế độ và mới thu được phí đá giải của các CLB.
Riêng phần cầu thủ thì hơn ai hết, họ thừa hiểu giá trị của mình lệ thuộc vào tài năng, vào hiệu ứng. Nhưng ngoài số ít cầu thủ có show, có những lời mời hay đi sự kiện thì đa phần ăn lương của CLB cũng là phần lớn của ông chủ.
Với bóng đá Việt Nam, sau dịch COVID-19 chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn. Ngoài những khó khăn chung mang tính kinh tế toàn cầu thì các CLB Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi túi tiền của các ông chủ, ông bầu. Có đội hằng năm vẫn còn xin hỗ trợ thêm từ tỉnh, có đội thì tiếng nói của tỉnh sẽ "đánh thức" các doanh nghiệp tại tỉnh "có trách nhiệm" với đội bóng. Có đội thì trông vào sự rủng rỉnh ăn nên làm ra của những ông chủ nhờ dự án hay đất vàng.
Đấy là điều mà không chỉ VFF, VPF mà những nhà làm bóng đá đều phải tính đến khi dịch qua và bóng lăn trở lại.
NGUYỄN HUY
Vì sao CLB Thanh Hóa & HLV Fabio Lopez chưa thành công với sơ đồ 4-3-2-1? Nhà cầm quân người Italia có bằng Pro của UEFA, từng tham gia công tác đào tạo trẻ nhiều năm ở châu Âu nhưng đến V.League vẫn đang gặp khó khăn. Thanh Hóa dưới sự chỉ đạo của HLV Fabio Lopez là 1 trong 3 đội bóng trắng tay sau 2 vòng đầu, chậm chí còn chưa có bàn thắng. Ảnh CLB. Thanh...