Bóng đá Việt Nam đang tồn tại ‘lỗ hổng’ lớn?
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, bóng đá Việt Nam cần quyết liệt hoàn thiện trong khâu đào tạo trẻ để đạt những thành công lâu bền trong tương lai.
Thái Lan đá tiki-taka trước mặt cầu thủ Việt Nam – nguồn: VTV
Bóng đá Việt Nam đang hưởng thành quả nhất định nhờ chiến lược đào tạo trẻ dài hơi xuyên suốt hơn một thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên đâu đó trong chiến lược đào trẻ ấy vẫn còn rất nhiều lỗ hổng và sự thiếu đồng bộ, dẫn đến việc chưa phát huy hết nội lực của nền bóng đá nước nhà.
Trong bài phỏng vấn với Thể thao văn hóa, chuyên gia Đoàn Minh Xương chỉ ra vấn đề căn bản trong công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam:
‘Khách quan để đánh giá, nhìn nhận nếu nhìn về thành tích đã qua của các cấp độ đội tuyển, có thể thể thấy rằng kết quả có được đến từ quá trình tích lũy, chăm bẵm của công tác đào tạo trẻ. Chỉ có điều, sản phẩm đó không được nằm trong một dây chuyền sản xuất chung nhất, có hệ thống, nó chỉ đến từ mỗi địa phương hay các trung tâm khác nhau.’
Ngoài ra chuyên gia Đoàn Minh Xương còn đề cao những công tác bổ trợ như dinh dưỡng, y tế để tạo ra lứa cầu thủ toàn diện từ chuyên môn cho đến thể hình, tầm vóc và sức bền.
Điều nữa mà ông Đoàn Minh Xương nhắc tới là yếu tố then chốt, con người. Muốn làm căn cơ, bóng đá Việt Nam cần tạo ra môi trường chơi bóng phổ biến, đó là bóng đá phong trào, bóng đá học đường. Từ nguồn lực lớn đó, các nhà tuyển trạch sẽ tuyển chọn, đào tạo, sàng lọc và cọ xát. Cuối cùng mới có được sản phẩm ưng ý nhất.
Cuối cùng trước khi kết thúc câu chuyện, ông Đoàn Minh Xương chỉ ra điều căn bản để tạo nên những cầu thủ giỏi, đó là phải có thầy giỏi.
‘Hãy nhìn từ việc chuyên gia Jurgen Gede chia tay công việc cũng như VFF đang đi tìm con người mới cho tiêu chí này sẽ thấy rất rõ câu chuyện cần giải quyết. Không chỉ cầu thủ được tuyển chọn, chúng ta phải tạo ra được người quản lý, đào tạo giỏi, theo đúng quy chuẩn từ chuyên gia, HLV, bác sĩ cùng các đội ngũ bổ trợ các vấn đề liên quan. Thêm vào đó, không chỉ chuyên môn đơn thuần, cầu thủ trẻ phải được bồi dưỡng, quan tâm đến khía cạnh văn hóa, đạo đức một cách nghiêm túc nhất’.
Chút buồn của ông Gede và dấu hỏi từ VFF
Những ngày vừa qua, việc VFF quyết định không gia hạn hợp đồng với Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Jurgen Gede nhận được rất nhiều sự quan tâm của báo chí cũng như người hâm mộ.
Phải nói ngay rằng xét về lý lẽ, luật lệ thì VFF đã làm rất đúng quy trình trong vụ việc với ông Gede, vì hợp đồng giữa ông Gede với VFF hết hạn vào ngày 30/6/2020, nhưng từ tháng 4/2020, VFF đã thông báo sẽ không ký mới với chuyên gia người Đức.
Bản thân người đại diện của ông Gede tại Việt Nam là ông Nguyễn Đắc Văn, trong một bài viết liên quan tới vụ việc này trên trang FB cá nhân, cũng thừa nhận "VFF hoàn toàn không sai khi thông báo cho GĐKT là sẽ không gia hạn hợp đồng tiếp với ông, VFF tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng được ký với đôi bên và đã có buổi trao đổi với ông đúng thời hạn".
Giám đốc kỹ thuật Gede
Thế nhưng, nói như vậy không có nghĩa là cuộc chia tay ông Gede của VFF đã được thực hiện một cách tròn trịa hoàn hảo, vì khi chia sẻ với VnExpress, ông Gede có tâm sự rằng "có chút buồn" vì VFF không gia hạn hợp đồng mà không thông báo sớm để ông tính chuyện tương lai.
Thật vậy, trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam, người ta vẫn hay nói "Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình", về lý ở đây thì rõ ràng VFF đã làm đúng, nhưng nếu nhìn nhận ở khía cạnh tình cảm thì chưa chắc đã ổn, bởi khi một người khéo léo và lịch sự như ông Gede mà phải thừa nhận "có chút buồn" thì đấy là vấn đề không nhỏ rồi.
Ai cũng thấy là thời điểm VFF thông báo không gia hạn hợp đồng với ông Gede tuy không muộn so với Luật lao động cũng như so với nội dung thỏa thuận của hợp đồng, nhưng chuyên gia người Đức sẽ rơi vào thế kẹt vì có quá ít thời gian để tìm kiếm công việc mới, nhất là trong hoàn cảnh bóng đá thế giới hầu như vẫn đang đóng băng vì dịch bệnh Covid-19 như hiện tại.
Nếu xử sự theo "một tý cái tình" thì người ta có thể thông báo cho ông Gede sớm hơn, trước nửa năm hoặc thậm chí dài hơn, để ông có thể lên kế hoạch chuẩn bị cho tương lai của mình, thay vì một tuyên bố lạnh lùng là sẽ không gia hạn hợp đồng vào lúc thế giới bóng đá đang chứng kiến cảnh tượng người người thất nghiệp nhà nhà thất nghiệp, để rồi ông Gede phải chới với đi xin việc mới ở tuổi ngoài 60.
Phát biểu trên website VFF, TTK VFF Lê Hoài Anh nói: "LĐBĐ VN và ông Jurgen Gede đều có kế hoạch cũng như mục tiêu phát triển riêng trong giai đoạn mới, nên cả hai bên đồng thuận sẽ không gia hạn hợp đồng", nhưng nếu căn cứ vào chia sẻ của ông Gede với VnExpress sẽ thấy sự chênh lệch không nhỏ trong phát ngôn của hai phía, vì rằng nếu "hai bên đồng thuận" thì hẳn ông Gede đã không phải "có chút buồn".
Một chuyên gia nước ngoài đã có tới 4 năm cống hiến cho bóng đá Việt Nam và thu được những thành quả nhất định như ông Gede lẽ ra không nên phải trải qua một cuộc chia tay theo cách như thế này.
Có cảm giác như bóng đá Việt Nam mấy năm qua tuy có được sự khởi sắc thực sự về mặt thành tích, nhưng công tác điều hành của VFF dường như không phải lúc nào cũng thật sự ổn thỏa, từ vụ đột tử đau lòng của trọng tài Dương Ngọc Tân hồi năm 2018, rồi sự việc HLV Mai Đức Chung bị chậm lương, và mới nhất là cuộc chia tay "có chút buồn" này của ông Gede.
Bóng đá Việt Nam vẫn mơ hồ về chức danh GĐKT Theo chuyên gia bóng đá Nguyễn Thành Vinh, đã từ lâu chức danh Giám đốc kĩ thuật không có nhiều vai trò thực sự cũng như tầm ảnh hưởng đối với bóng đá Việt Nam. Ông Jurgen Gede chính thức đảm nhiệm vị trí Giám đốc kỹ thuật của VFF từ tháng 6/2016 với bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Sau...