Bóng đá Việt Nam: Cỗ máy tiêu tiền
Với bóng đá chuyên nghiệp, 1 đội bóng phải tự nuôi sống được chính mình, nhưng liệu đã có đội bóng Việt Nam nào làm được như thế?
B
óng đá và bầu sữa doanh nghiệp
Beeline hợp tác với MU là một thương vụ đình đám, ở đây chúng ta không bàn dưới góc độ kinh tế, mà nhìn nhiều hơn ở góc độ thể thao, soi chiếu vào giải đấu V-League hàng đầu Đông Nam Á của chúng ta.
Việc Beeline hợp tác với MU là chuyện một đội bóng hợp tác với doanh nghiệp, góp phần quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp. Ở Việt Nam ta, chuyện này đã có từ lâu, hay nói không quá, quá trình 10 năm tiến lên chuyên nghiệp của V-League là quá trình mà bóng đá được doanh nghiệp hóa, cổ phần hóa.
Bắt đầu từ Đồng Tâm Long An, HA Gia Lai rồi HN T&T, HP HN, HN ACB, các doanh nhân đua nhau nhảy vào làm bóng đá và làm thay đổi bóng đá. Những đơn vị như Nam Định, nơi vẫn giữ cơ chế bóng đá bao cấp thì giờ đã trôi xuống tận hạng Nhì, tức là chỉ hơn bóng đá phong trào đôi chút.
Ngay như SLNA, nơi vẫn giữ được nhiều nét địa phương, vẫn giữ được yếu tố truyền thống nhất thì cũng phải đến sau khi cổ phần hóa mới có thể thành công với chiếc Cup VĐ vừa có được. Bóng đá không có tiền, không gắn với doanh nghiệp thì không thể phát triển được, hay nói cụ thể hơn là…chỉ có chết.
SLNA thành công khi chuyển đổi mô hình sang cổ phần hóa,
có một doanh nghiệp đứng sau.
Về cơ bản, việc Beeline hợp tác với MU, hay ông bầu Hiển, bầu Kiên xắn tay nhảy vào làm bóng đá có nội dung như nhau: doanh nghiệp và bóng đá hợp tác, bóng đá quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp. Nhưng ai cũng có thể nhìn thấy ngay được rằng 2 nội dung hợp tác trên là khác nhau về tính chất, một bên là doanh nghiệp mất tiền cho đội bóng, còn một bên là đội bóng đốt tiền của doanh nghiệp.
Tất nhiên chúng ta không thể so sánh bóng đá Việt Nam và bóng đá Anh, nhưng về cơ bản thì cách làm bóng đá đã mang danh chuyên nghiệp thì phải giống nhau. Nhưng nói như một vị quan chức của VFF, “chuyên nghiệp ở Việt Nam có nhiều nét khác với thế giới”.
Video đang HOT
Đến bao giờ bóng đá mới có thể tự nuôi bóng đáĐặt một câu hỏi là đến bao giờ một đội bóng Việt Nam mới có thể được như MU, tất nhiên không phải là hỏi theo nghĩa đạt đến trình độ của MU ,mà là đạt được một mô hình chuyên nghiệp thực sự, bóng đá tự nuôi bóng đá. Bóng đá Việt Nam qua 10 năm chuyên nghiệp, không lẽ 10 năm nữa vẫn chuyên nghiệp theo kiểu phải có một ông bầu đổ tiền vô tội vạ vào nuôi thì đội bóng mới sống được
Có hàng loạt những ví dụ tiêu biểu để chỉ ra điều đó, như việc Megastar đã không bắt tay hợp tác với Nam Định, Xuân Thành nhảy vào rồi lại nhảy ra với bóng đá Hà Tĩnh, những cuộc đổi đời đã không thành. Những ông bầu khi mới nhảy vào làm bóng đá thì máu mê, nhiệt huyết, nhưng rồi môi trường bóng đá Việt Nam khiến cho những ông bầu này đôi khi thấy chán.
Ở ĐT Long An bây giờ, chắc chắn bầu Thắng đã bớt đi nhiệt huyết với bóng đá như khi xưa, tương tự như vậy là bầu Đức. Sẽ ra sao nếu đến một lúc nào đó, các ông bầu đồng loạt chán bóng đá, chuyên nghiệp làm sao được nếu không có tiền, và rất nhiều tiền, nhất là ở bóng đá Việt Nam.
Nếu như có một đội bóng nào đó có thể bán vé vào sân để trang trải kinh phí cho đội bóng, may ra có Vicem Hải Phòng. Nhưng khi đội đá kém đi, khán giả đến sân ít đi, thì số tiền bán vé lúc đó liệu có đủ chục tỉ đồng để họ có thể trụ hạng? Lúc khán giả đông nhất, tiền tỉ bán vé đó cũng chưa chắc đã nuôi nổi đội bóng.
Cuối mùa, V-League bị cuốn vào cuộc đua tiền, cứ tiền chục tỉ bỏ ra cho chức VĐ, cho xuất trụ hạng, rồi tiền tỉ đổ ra cho mỗi trận thắng. Bóng đá chuyên nghiệp ở ta chỉ thấy “chi” chứ chẳng thấy thu.
Liệu đến một lúc nào đó, SLNA hay HN T&T thu được một khoản tiền lớn từ quảng cáo, bản quyền truyền hình, bán vé, bán áo đấu hay gắn thương hiệu với một hãng viễn thông nào đó để thu được số tiền cả triệu USD hay không. Hi vọng rằng chuyện đó sẽ sớm xảy ra, để mỗi đội bóng đã khoác lên mình chiếc áo doanh nghiệp và là đơn vị kinh tế sản sinh lợi nhuận đích thực.
Khi nào bóng đá vẫn chưa thể tự sống được, khi đó khó có cái gọi là chuyên nghiệp thực sự
Theo Bưu Điện Việt Nam
Beeline bắt tay với MU: Có thành "cơ hội vàng"?
Chấp nhận bỏ ra một số tiền không nhỏ để hợp tác với Manchester United, nhiều chuyên gia viễn thông cho rằng đây là cơ hội vàng nếu biết nắm bắt song cũng lại là "con bài" khá mạo hiểm của Beeline - mạng di động quốc tế duy nhất tại Việt Nam.
Nhiều người cho rằng việc hợp tác với MU là cơ hội vàng cuối cùng để Beelin bứt phá tại thị trường di động Việt.
Hai ngày qua, cái tin mạng di động Beeline trở thành đối tác viễn thông di động chính thức của Manchester United (MU), câu lạc bộ bóng đá lớn nhất và được hâm mộ nhất trên thế giới khiến giới truyền thông xôn xao.
Đây quả thực là sự kiện lần đầu tiên có ở Việt Nam. Cứ tưởng một mạng di động với một đội bóng ở tận nước Anh xa xôi thì chả có gì liên quan tới nhau. Thế nhưng, qua tiết lộ của đại diện hai đơn vị này, người ta mới thấy mục đích của sự hợp tác được cho là khá khôn ngoan nhưng cũng là mạo hiểm.
Sở dĩ đưa ra đánh giá như vậy là bởi, MU thì quả thực rất... khôn khi lựa chọn việc truyền thông cho mình thông qua Beeline lần này.
MU cũng như các câu lạc bộ bóng đá trên thế giới hiện nay có xu hướng mở rộng thị trường sang các nước đang phát triển nhằm mục đích quảng bá thương hiệu và bán quảng cáo. Để thực hiện mục tiêu đó, trước tiên họ phải lôi kéo được những người hâm mộ và tạo được lượng người hâm mộ nhất định ở nước bản địa.
Nói thì dễ chứ nếu cứ bỏ tiền ra để đến từng quốc gia như vậy lại không hề đơn giản, thậm chí còn khá tốn kém về thời gian, tiền bạc. Và việc hợp tác với Beeline là một hình thức MU có được một câu lạc bộ người hâm mộ (Fan Club) cho mình ở ba quốc gia xa xôi đó là Việt Nam, Lào và Campuchia mà chả phải mất chi phí gì.
Còn Beeline, họ chi một khoản tiền không nhỏ, theo tiết lộ vào khoảng 3 triệu USD cho đối tác MU để có được sự độc quyền sử dụng hình ảnh và tên thương hiệu Manchester United cho các dịch vụ viễn thông di động và nội dung số trên lãnh thổ 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Các sản phẩm này bao gồm clip bàn thắng, video phỏng vấn cũng như các tin tức liên quan đến câu lạc bộ.
Một quyết định được nhìn nhận là khá mạo hiểm. Thế nhưng, cũng không phủ định được đây là một cách để mạng di động này thêm một lần nữa xốc lại thương hiệu cũng như vị thế của mình trong làng di động Việt. Thậm chí, có chuyên gia nhận định, nếu không "làm nên" lần này, cơ hội phát triển tại thị trường Việt Nam của Beeline trong tương lai sẽ còn rất ít.
Quả thực, nếu nhìn lại những gì mà mạng di động quốc tế này đạt được từ khi có mặt tại thị trường di động Việt tới nay, được hai năm có lẻ thì mới thấy những đánh giá nêu trên không phải không có lý.
Chính thức ra mắt vào tháng 7/2009, Beeline công bố đạt 200 ngàn thuê bao chỉ một tháng sau đó. Nhưng lại "lặn mất tăm" gần như cả năm 2010, rồi trở lại với đầu số mới 099 và công bố thay đổi người đứng đầu, tăng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD trong quý II/2011 vừa rồi. Beeline đã đặt mục tiêu khiến nhiều người hoài nghi về khả năng trở thành hiện thực đó là sẽ đứng đầu trong top các "tiểu gia" di động của Việt Nam.
Và rồi, sau những sự kiện đó, thương hiệu Beeline lại tiếp tục chìm nghỉm. Đầu số vàng 099 hay thêm vốn rót để mạng phát triển vẫn chưa thành cơ hội vàng cho họ.
Beeline từng tuyên bố có cả một kênh phân phối trên toàn quốc và ngót 1 triệu thuê bao. Vậy mà với nhiều khách hàng của mạng hiện nay, việc đi tìm được nơi mua cái thẻ cào nạp tiền rất khó khăn, dù rằng họ chả ở đâu xa ngoài Hà Nội. Những cái lắc đầu, "thẻ mạng này khó bán lắm, có ai mua đâu" được dành cho người có nhu cầu hỏi mua ngay cả nơi có tấm biển quảng cáo Beeline cực lớn.
Nhưng thôi, dù sao đó cũng là chuyện của ngày hôm qua. Còn giờ, Beeline đã là đối tác chiến lược lớn của một thương hiệu bóng đá nổi tiếng toàn thế giới. Một cuộc hợp tác được nhìn nhận là cơ hội vàng với nhà mạng nếu họ biết nắm bắt và khai thác hiệu quả.
Với mức vốn đầu tư mới là 500 triệu USD thì tổng đầu tư của tập đoàn VimpelCom vào Beeline Việt Nam thì nếu chỉ bỏ ra con số vài triệu USD thì đúng là không thấm tháp gì so với kỳ vọng mà đại diện nhà mạng đã chia sẻ với báo giới, việc hợp tác với câu lạc bộ này sẽ giúp Beeline xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh ngày một tốt hơn.
Trước mắt, Beeline sẽ sử dụng hình ảnh của MU cũng như các cầu thủ nổi tiếng để gắn trên những chiếc SIM, thẻ cào được bán tại thị trường Việt Nam. Tiếp đó, nhà mạng cũng sẽ xây dựng câu lạc bộ các thuê bao di động Việt vốn là cổ động viên số một của MU để tham gia các sự kiện thường niên của Beeline.
Rồi tổ chức các buổi giao lưu giữa người hâm mộ bóng đá với những cầu thủ xuất sắc của MU theo định kỳ. Xây dựng kế hoạch ưu đãi các thuê bao sử dụng nhiều dịch vụ, đóng góp hóa đơn cước lớn được nhận các phần quà có ý nghĩa từ việc hợp tác với MU...
Đó là những việc mà Beeline dự kiến thực hiện trong thời gian tới để giúp cho việc quảng bá hình ảnh của họ tốt hơn.
Nhưng tốt hơn ở mức nào? Liệu có thực sự là một cơ hội vàng nữa giúp Beeline bật khỏi vị trí thứ 7 để đứng hàng thứ tư trên thị trường di động trong thời gian tới hay không thì còn là một câu hỏi bỏ ngỏ lời đáp.
Bản thân lãnh đạo Beeline cũng cho biết chưa thể khẳng định có thành công hay không, chỉ hy vọng có thể tận dụng tối đa thương hiệu MU để tiến sâu hơn vào thị trường di động Việt vốn bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa hiện nay.
Theo Bưu Điện Việt Nam
MU từng ngỏ lời nhiều hãng viễn thông Việt Trước khi đặt bút ký biên bản hợp tác hàng triệu USD với Beeline, Câu lạc bộ bóng đá lừng danh của Anh Manchester United (MU) từng đặt vấn đề hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong đó có Viettel, VinaPhone, FPT... Thương vụ hợp tác trị giá hàng triệu USD giữa Beeline và MU được đánh giá là chưa có tiền lệ...