Bóng đá Việt Nam 2020: Từ Thường Châu đến Bangkok và 2 năm kỳ tích
Tháng 1/2017, trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa trước ngày đội tuyển U23 Việt Nam lên đường sang Côn Sơn (Trung Quốc) để tham dự VCK giải U23 châu Á năm 2018.
Một lãnh đạo cao cấp của VFF thừa nhận mục tiêu của đội bóng ở giải này là có điểm, và trận đấu cuối cùng với U23 Syria ở vòng bảng được coi là quyết chiến điểm để U23 Việt Nam hoàn thành mục tiêu.
Ở thời điểm bấy giờ, việc VFF đưa ra mục tiêu như vậy không làm ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi U23 Việt Nam vừa trải qua một kỳ SEA Games thảm họa với việc bị loại ngay từ vòng bảng, và việc bổ nhiệm ông Park Hang Seo làm HLV trưởng đội bóng khi ấy còn bị đặt dấu hỏi do không nhiều người Việt Nam biết tới tên tuổi và thành tích của ông thầy người Hàn Quốc này.
Tuy nhiên, từ chỗ bị đánh giá rất thấp và lựa chọn mục tiêu cũng vô cùng khiêm tốn, U23 Việt Nam đã thẳng tiến tới trận chung kết và trở về với ngôi vị á quân, thổi bùng nguồn cảm hứng bóng đá sôi sục ở Việt Nam suốt 2 năm qua.
Bây giờ, sau chức vô địch SEA Games 30 cùng hàng loạt chiến quả ấn tượng tạo được trong 2 năm 2018 và 2019 của các đội bóng dưới quyền HLV Park Hang Seo, U23 Việt Nam đến với VCK giải U23 châu Á năm 2020 trong một vị thế khác hẳn.
Nếu như trước đây 2 năm, VFF chỉ đặt mục tiêu có điểm thì bây giờ cái đích nhắm tới của U23 Việt Nam sẽ là một vị trí ở vòng bán kết, đồng nghĩa với một tấm vé tham dự Olympic Tokyo năm 2020. Phải nói rằng hơn 10 năm sau khi Olympic Việt Nam lọt vào tới vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh năm 2008, thì đến bây giờ bóng đá Việt Nam mới lại có cơ hội ở gần giấc mơ Olympic đến như thế.
Thật ra chuyện này cũng hoàn toàn bình thường, bởi một khi bóng đá Việt Nam đã hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu ở sân chơi khu vực thì giờ phải là thời điểm mà chúng ta vươn ra biển lớn, bởi đã khoác trên vai danh hiệu á quân châu Á và ĐKVĐ SEA Games mà lại đến với giải U23 châu Á năm 2020 cùng mục tiêu vượt qua vòng bảng hay có điểm thì nghe có vẻ không được lọt tai.
Chức vô địch lịch sử tại SEA Games 30 đã khép lại một chu kỳ thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh
Mặt khác, hành trình của thầy trò HLV Park Hang Seo tại VCK U23 châu Á năm 2020 không chỉ có ý nghĩa chinh phục mục tiêu Olympic Tokyo năm 2020, bởi đây còn là cách mà chúng ta kiểm nghiệm năng lực bản thân cho một tham vọng lớn hơn nhiều là vòng loại World Cup.
Hiện tại đội tuyển Việt Nam với rất nhiều thành viên U23 Việt Nam là trụ cột đang là đội bóng dẫn đầu ở bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, và chúng ta có nhiều cơ hội thuận lợi để lọt vào vòng loại thứ 3, “chiến trường” hội tụ tinh túy của bóng đá châu lục để xác định những gương mặt xuất sắc nhất tham dự World Cup 2022.
Ở 2 giải trẻ có quy mô châu lục trong năm 2018 là VCK giải U23 châu Á và Asian Games thì ông Park Hang Seo đều lập kỳ tích là đưa đội U23 Việt Nam và Olympic Việt Nam vào tới trận chung kết hoặc vòng bán kết, và nếu ở VCK giải U23 châu Á năm 2020 sắp tới mà ông thầy Hàn Quốc làm được điều tương tự thì đấy chính là chỉ dấu cho thấy bóng đá Việt Nam đã thực sự vươn tầm.
Thế nhưng, để làm được điều này chẳng phải là nhiệm vụ dễ dàng, vì U23 Việt Nam cũng như bản thân HLV Park không còn là ẩn số với các đối thủ ở châu lục như cách đây 2 năm, mà chỉ nhớ lại trận tranh HCĐ Asian Games 2018, khi các cầu thủ Olympic UAE nghiên cứu kỹ lưỡng về Olympic Việt Nam tới mức chuyên sút penalty vào góc mà thủ môn Bùi Tiến Dũng không thể cản phá, là chúng ta có thể hiểu được ở Bangkok sắp tới chúng ta sẽ không còn vũ khí bí mật là yếu tố bất ngờ.
Mặt khác, lứa U23 Việt Nam hiện tại nếu xét về năng lực thì cũng không quá nổi trội so với lứa U23 Việt Nam năm 2018, thậm chí, dựa vào kinh nghiệm thi đấu quốc tế để đánh giá thì lứa U23 năm nay khó có thể so sánh với các đàn anh á quân châu Á, và chưa kể năm nay lại vắng mặt một vị trí cực kỳ quan trọng là Đoàn Văn Hậu.
Cũng may là HLV Park Hang Seo vẫn còn đó Quang Hải, Đình Trọng cùng một số nhân tố mới được phát hiện trong năm 2019 như Văn Toản, Thanh Thịnh để có thể lấy làm cơ sở cho cuộc chinh phục chiếc vé tham dự Olympic Tokyo năm 2020.
Đây là một hành trình hứa hẹn sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách, vì U23 Việt Nam tuy được rơi vào một bảng đấu không quá nặng với những U23 UAE, U23 CHDCND Triều Tiên và U23 Jordan, song nếu trong trường hợp vượt qua vòng bảng, đối thủ của U23 Việt Nam ở vòng tứ kết có thể sẽ là U23 Uzbekistan, U23 Hàn Quốc hoặc U23 Iran, mà bất cứ cái tên nào trong số này cũng là ứng viên nặng ký cho chức vô địch.
Ở VCK giải U23 châu Á năm 2018, bên cạnh nỗ lực và tài năng của thầy trò HLV Park Hang Seo thì chúng ta cũng gặp được không ít may mắn trong chặng đường đi tới trận chung kết, mà điển hình là trận hòa như chết đi sống lại với U23 Syria ở vòng bảng, và không biết chúng ta có còn được vận may mỉm cười trong hành trình năm 2020 hay không.
Thế nhưng, dù thế nào đi chăng nữa thì năng lực chinh phục của U23 Việt Nam vẫn là yếu tố có tính chất quyết định đối với tham vọng đoạt vé tham dự Olympic 2020 của bóng đá Việt Nam, vì trong bóng đá người ta vẫn hay nói với nhau rằng “Muốn gặp may thì trước hết phải hay”.
Một đội bóng muốn xác lập tên tuổi ở đấu trường quốc tế một cách vững vàng thì không thể chỉ dựa vào yếu tố may mắn, và khả năng điều binh khiển tướng cùng khát khao chinh phục của các cầu thủ U23 Việt Nam chính là thứ vũ khí để người hâm mộ Việt Nam có thể tự tin cho hành trình sắp tới.
2 năm qua, bóng đá Việt Nam đã được chứng kiến rất nhiều cột mốc và kỳ tích mới, và phải chăng năm 2020 của chúng ta sẽ bắt đầu bằng chiến tích đoạt vé đến Olympic mùa hè?
Theo Thethaovanhoa.vn
U23 Việt Nam và nỗi nhớ cầu thủ... SLNA
U23 Việt Nam (cùng UAE) là hai đội bóng hiếm hoi chưa để thủng lưới tại VCK U23 châu Á lần này.
Nhưng điều đó vẫn không đủ cho thầy trò ông Park có quyền tự quyết và đang đứng trước nguy cơ bị loại. Điều này khiến cho nhiều cổ động viên nhớ đến các cầu thủ lò SLNA, HAGL.
Thành công của U23 Việt Nam cách đây 2 năm được các chuyên gia bóng đá phân tích rất nhiều. Nhưng có một điều không thể bỏ qua đó là khi trong tay ông thầy Hàn Quốc sở hữu rất nhiều cầu thủ có tốc độ và kỹ thuật, điều kiện để vượt qua đối thủ trong các pha đối kháng.
Tại vòng bảng, 2 trận đầu tiên Quang Hải đã có 2 bàn thắng vào lưới U23 Hàn Quốc (dù thua 1-2) và U23 Úc (thắng 1-0) để sau đó có trận hòa không bàn thắng với U23 Syria để vượt qua vòng bảng.
Khi đấy U23 Việt Nam thi đấu với sơ đồ 3-4-3, Hà Đức Chinh và Nguyễn Công Phượng thay nhau đá cắm, có tâm lý hưng phấn Quang Hải thi đấu càng đá càng hay, có thêm 6 bàn trong 3 trận knock-out để giành vị trí Á quân.
Quang Hải cô đơn
Hiện đội tuyển U23 Việt Nam không ai có tốc độ như Văn Đức, cũng không có những pha đi bóng như đi vào chỗ không người như Công Phượng. Ảnh AT
Phải thừa nhận, đây là giải đấu Quang Hải thi đấu xuất thần, nhưng khi đó xung quanh anh luôn có những vệ tinh chia sẻ. So với cách đây 2 năm, hàng công không còn Phan Văn Đức, Công Phượng và Nguyễn Văn Toàn. Các vị trí đá cánh vắng Đoàn Văn Hậu, mất Vũ Văn Thanh và Phạm Xuân Mạnh.
Ngoại trừ Văn Hậu, 5 cầu thủ còn lại đều xuất thân từ lò HAGL,SLNA ngoài sở hữu kỹ thuật, tốc độ họ đều là mẫu cầu thủ có độ lì nhất định. Đá cạnh Quang Hải, họ khiến cho đối phương phân tâm bởi nếu không bị kèm cặp chặt thì các cầu thủ này đủ tự tin solo tấn công, ghi bàn.
Trong đội hình U23 Việt Nam "phiên bản 2020" Quang Hải đang trở nên cô đơn. Các vệ tinh Hoàng Đức, Tiến Linh, Đức Chinh không có được những phẩm chất như những cầu thủ lò SLNA, HAGL kể trên. Các cầu thủ U23 UAE, U23 Jordan chỉ cần bố trí kèm chặt Quang Hải là U23 Việt Nam như quả bộc phá không có ngòi nổ.
Hiện đội tuyển U23 Việt Nam không ai có tốc độ như Văn Đức, cũng không có những pha đi bóng như đi vào chỗ không người như Công Phượng. Nên các cầu thủ Tây Á không quá khó khăn khống chế và làm chủ trận đấu khi gặp các học trò của ông Park Hang-seo.
Ông Park nhiều lúc đã buộc phải kéo Quang Hải về giữa sân để tránh sự kèm cặp và bổ sung năng lực tổ chức trận đấu cho U23 Việt Nam. Theo dõi bàn đồ nhiệt hoạt động Quang Hải đều đá rất thấp, chỉ loanh quanh ở vạch giữa sân, trái với 2 năm trước, thời điểm Hải chỉ tập trung hoạt động ở biên phải, trước vòng cấm để săn bàn thắng.
Đi tìm "chim thật"
Làm thế nào để phát huy khả năng của Quang Hải. Ảnh AT
Khi Quang Hải đóng vai trò "chim mồi" thì U23 Việt Nam lại không xuất hiện "chim thật", điều đó khiến cho bàn thắng không đến.
Không có những khuôn mặt như Công Phượng, Văn Đức ghi bàn như trước đây. U23 Việt Nam hiện tại đa phần là những cầu thủ to khỏe, chăm chỉ nhưng thiếu sự tự tin, sáng tạo.
Ông Park đành quên đi miếng đánh vỗ mặt ở trung lộ chủ yếu chuyển sang tấn công sang hai bên. Ông thầy Hàn quốc đành chuyển sang sơ đồ 3-5-2 với Đức Chinh - Tiến Linh là đá cắm là để đón những đường bóng tạt biên, nhưng 2 cầu thủ đá cánh không phải vingback chuyên nghiệp, không tấn công sát đáy biên để tạt bóng.
Sau chấn thương thể lực chưa đảm bảo nhưng Quang Hải phải một mình đảm nhận cả 2 nhiệm vụ tổ chức và ghi bàn. Đội trưởng U23 Việt Nam đang đóng vai trò chuyền bóng nhiều nhất, tạo ra nhiều cơ hội nhất, cầm bóng và sút cầu môn nhiều nhất đội. Nhưng "một cánh én không tạo nên mùa xuân", đến giờ Quang Hải chưa có bàn nào ở U23 châu Á 2020, thậm chí cũng chưa có được 1 cơ hội rõ rệt cũng là điều dễ hiểu.
Nỗi nhớ "sông, núi"
Ông Park đã dự đoán được những khó khăn chờ đợi, để thay thế Công Phượng, Văn Đức ông đã từng thử nghiệm Trần Danh Trung, Martin Lo và nhất là Nguyễn Trọng Hùng cho vai trò tiền vệ công. Có vẻ như Trọng Hùng là khuôn mặt được kỳ vọng hơn cả nhưng chấn thương của cầu thủ xứ Thanh tại SEA Games 30 đã làm cho kế hoạch của ông phá sản.
Vài năm gần đây, lò SLNA, HAGL không cung cấp những khuôn mặt xuất sắc thì chính thành tích của 2 đội bóng này phập phù. Nhưng rõ ràng U23 Việt Nam đang gặp khó khăn tại VCK U23 châu Á lần này vì không có những cầu thủ xuất sắc. Nỗi nhớ "núi", "song" là có thật!
Theo Baonghean.vn
Lo lắng U23 UAE và Jordan "bắt tay nhau" là có thật Thay vì đẩy nhau vào cửa tử, U23 UAE và U23 Jordan hoàn toàn có thể tạo ra kết quả mang tới cái kết trọn vẹn cho cả 2 ở lượt cuối bảng D VCK U23 châu Á 2020. Lượt cuối bảng D được dự báo sẽ rất căng thẳng và khó lường. Kịch bản thú vị nhất là 3 đội (U23 UAE,...