Bóng đá Việt làm gì để hướng tới mục tiêu World Cup?
Phải làm sao để duy trì thành công hiện tại đồng thời nâng tầm bóng đá Việt Nam trong tương lai, cụ thể là mục tiêu dự Wolrd Cup?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt tặng quà cho HLV và cầu thủ hai đội bóng đá vô địch SEA Games tối 11/12 tại trụ sở Chính phủ
Những thành công liên tiếp trong hai năm qua mà gần nhất là tấm Huy chương Vàng (HCV) SEA Games 30 đã cho thấy bóng đá Việt Nam đang đi đúng hướng, có những bước tiến mạnh mẽ. Nhưng nó cũng đặt ra cho các nhà quản lý một câu hỏi: Phải làm sao để tiếp tục duy trì thành công hiện tại đồng thời nâng tầm bóng đá Việt Nam trong tương lai, cụ thể là mục tiêu dự Wolrd Cup? Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để làm rõ hơn vấn đề này.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam
Bóng đá Việt Nam vừa trải qua một kỳ SEA Games thành công với 2 tấm HCV. Đặc biệt, đội tuyển U22 Việt Nam lần đầu lên ngôi tại đấu trường này. Ông đánh giá ra sao về thành tích mới đạt được?
Có thể nói rằng tấm HCV SEA Games 30 của hai đội tuyển, đặc biệt là đội tuyển U22 Việt Nam là một thành tích hết sức phấn khởi, đáp ứng sự kỳ vọng của đông đảo người hâm mộ sau rất nhiều năm chờ đợi. Bên cạnh giá trị về mặt tinh thần, về hiệu ứng tốt đẹp đối với xã hội thì về mặt chuyên môn, kết quả đạt được tại kỳ SEA Games 30 là thành quả từ định hướng đúng đắn trong công tác phát triển bóng đá, trong công tác định hướng hoạt động cho các đội tuyển quốc gia của VFF, với nền tảng là bóng đá trẻ và các đội tuyển trẻ.
Tất nhiên, không thể không ghi nhận sự cống hiến của HLV trưởng hai đội tuyển là ông Park Hang-seo, ông Mai Đức Chung cùng đội ngũ các chuyên gia, các trợ lý trong Ban huấn luyện (BHL). Với tài năng và tâm huyết của mình, họ đã góp công lớn trong việc phát huy tối đa sức mạnh của đội tuyển để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bóng đá Việt Nam đã có kế hoạch gì sau chiến dịch SEA Games?
Thành tích đoạt HCV SEA Games 30 đã khép lại một năm thành công của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta được phép dừng lại và nghỉ ngơi. Năm 2019 là sự tiếp nối thành công của năm 2018 và VFF cũng đang tích cực chuẩn bị cho kế hoạch hoạt động của bóng đá Việt Nam cho năm 2020, trong đó sẽ tiếp tục tập trung vào các mục tiêu trọng điểm là các giải chuyên nghiệp, các giải trẻ. Đây sẽ là nền tảng để các đội tuyển quốc gia có lực lượng tốt nhất để tham dự giải quốc tế.
Video đang HOT
Nhiều ý kiến hiện nay vẫn so sánh bóng đá Việt Nam và bóng đá Thái Lan, ông đánh giá như thế nào về tương quan hai nền bóng đá?
Bóng đá Việt Nam cũng như bóng đá Thái Lan và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á đều nằm trong nhóm đang phát triển. Sự cạnh tranh lẫn nhau là một trong những động lực để thúc đẩy mạnh hơn đối với sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo tôi thì thái độ cầu thị, tinh thần học hỏi, khả năng đúc rút kinh nghiệm từ cách làm bóng đá của các quốc gia có nền bóng đá phát triển và lựa chọn ra những điểm phù hợp nhất để áp dụng vào hoạt động của bóng đá Việt Nam mới là quan trọng.
Đội tuyển U22 Việt Nam giành HCV SEA Games lần đầu tiên trong lịch sử. Ảnh: Như Đạt
Theo ông, đâu là những nhân tố đem đến thành công như ngày hôm nay cho bóng đá Việt Nam?
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm thành công của bóng đá là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố. Người hâm mộ xem và cổ vũ cho đội tuyển thi đấu 90 phút trên sân, nhưng ít ai biết để chuẩn bị cho 90 phút thi đấu ấy là một khối lượng công việc rất lớn với sự tham gia của cả một hệ thống.
Sự ổn định của đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia trong 2 năm liên tiếp vừa qua cũng là nền tảng cho thành công hôm nay. Bên cạnh tài năng, nỗ lực của BHL và các cầu thủ thì việc có những định hướng đúng, có sự chuẩn bị tốt, có sự đầu tư hiệu quả và có trọng tâm, trọng điểm cho các đội tuyển cũng đã tạo ra những đóng góp quan trọng giúp các đội tuyển thi đấu thành công.
HLV Park Hang-seo đã nói với cầu thủ rằng việc giành chiến thắng đã khó, việc bảo vệ chiến thắng còn khó hơn. Sau đây, VFF sẽ có chiến lược ra sao để duy trì thành công?
Đúng vậy, không chỉ bảo vệ chiến thắng mà chúng ta còn phải hướng tới những mục tiêu cao hơn. Đó thực sự là thử thách lớn. Việc ổn định thành tích và đặt ra những mục tiêu mới sẽ tạo động lực cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Về tầm nhìn, VFF sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào phát triển bóng đá trẻ và tạo sự ổn định đối với hệ thống bóng đá chuyên nghiệp.
Đây là hai yếu tố quyết định đến sự phát triển mang tính bền vững của bóng đá Việt Nam. Đó là bài học kinh nghiệm mà chúng ta rút ra được sau những thành công vừa qua của đội tuyển U23 và tuyển quốc gia. Bóng đá Việt Nam cần tiếp tục có sự đầu tư vào phát triển các hệ thống thi đấu trong nước, đầu tư vào bóng đá trẻ, phấn đấu để các đội tuyển trẻ từ U16 cho đến U23 liên tục góp mặt tại VCK châu Á, đó là tiền đề để tạo sự chuyển biến về chất cho đỉnh cao nhất là tuyển quốc gia.
HLV Park Hang-seo đang rất thành công trên cương vị của mình và mới ký hợp đồng mới có thời hạn 2 năm kèm điều khoản gia hạn 1 năm. Tuy nhiên, sẽ đến lúc nhà cầm quân này sẽ dừng lại, VFF đã tính tới phương án này hay chưa và khi đó những kế hoạch mà VFF cùng ông Park định ra có thay đổi? Ông có tự tin kể cả khi HLV Park rời ghế, bóng đá Việt Nam vẫn đi đúng hướng?
Như tôi đã nói, thành công trong bóng đá là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có đóng góp hết sức quan trọng của công tác chuyên gia. Ông Park Hang-seo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị của mình. Đó là lý do VFF quyết định gia hạn hợp đồng với ông ấy để hướng tới các nhiệm vụ mới.
Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra cần phải căn cứ từ điều kiện thực tiễn của bóng đá Việt Nam để có giải pháp hợp lý. Trong thời gian tới, VFF cùng Hội đồng HLV Quốc gia và HLV Park Hang-seo sẽ tiếp tục bàn thảo để biến những giải pháp đề ra thành hiện thực. Khi chúng ta có định hướng đúng, có giải pháp tốt thì tôi tin rằng trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng sẽ thành công. Đây cũng là điều bản thân HLV Park Hang-seo muốn hướng tới, chúng ta phải xây dựng được một nền bóng đá bền vững, có tính kế thừa.
Sau khi lên ngôi ở hai giải đấu trong khu vực và thực tế cũng gây tiếng vang ở đấu trường châu lục với ngôi Á quân VCK U23 châu Á 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, bóng đá Việt Nam liệu có mạnh dạn nâng cao chỉ tiêu ở những giải đấu tầm châu lục trong thời gian tới, trước mắt là VCK U23 châu Á 2020?
Sau khi kết thúc SEA Games 30, đội tuyển U22 Việt Nam chỉ có đúng 2 ngày nghỉ trước khi tập trung trở lại để chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2020 sẽ diễn ra tại Thái Lan vào đầu tháng 1/2020 tới. Đội sẽ có chuyến tập huấn tại Hàn Quốc với hai trận giao hữu cọ xát.
Nòng cốt của đội vẫn là những cầu thủ vừa giành HCV SEA Games. Năm 2018, U23 Việt Nam đã lọt vào tới trận chung kết, vì vậy tại VCK U23 châu Á 2020 chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực để hướng tới mục tiêu cạnh tranh suất dự Olympic Tokyo 2020. Sẽ rất khó khăn, nhưng chúng ta cần phải có mục tiêu để tạo động lực phấn đấu cho đội tuyển. Đó là điều quan trọng cho sự phát triển.
Còn về mục tiêu World Cup, chúng ta sẽ nhắm tới kỳ World Cup 2022 hay 2026?
Cần phải đánh giá một cách thực tế rằng, ở thời điểm hiện tại trình độ của bóng đá Việt Nam vẫn còn hạn chế so với các nền bóng đá tốp đầu châu lục, chưa kể đến yếu tố về cơ sở vật chất dành cho phát triển bóng đá. Do vậy, mục tiêu World Cup vẫn là kế hoạch mang tính lâu dài.
Trước mắt, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực trong các trận đấu còn lại tại vòng loại World Cup 2022 để trở thành 12 đội trực tiếp giành vé tham dự VCK Asian Cup 2023, sau đó sẽ nắm bắt các cơ hội tiếp theo. Đối với World Cup 2026, số đội tham dự sẽ nâng lên 48 đội, chúng ta sẽ tận dụng sự thay đổi này để tăng cường đầu tư và vận động các nguồn lực nhằm giúp đội tuyển có sự chuẩn bị tốt nhất.
Tuy nhiên về lâu dài, chúng ta vẫn phải đảm bảo gốc rễ vững chắc cho tuyển quốc gia, đó là phát triển bóng đá trẻ và nâng cao chất lượng cho các giải chuyên nghiệp. Tuyển quốc gia chỉ có cơ hội dự World Cup khi các đội trẻ thường xuyên tham gia vào VCK các giải châu lục. Bởi, đó là môi trường để các cầu thủ trẻ của chúng ta rèn luyện bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm thi đấu quốc tế đối với các nước hàng đầu châu lục.
Cảm ơn ông!
Theo Baogiaothong.vn
HLV Mai Đức Chung và 6 HCV bóng đá nữ
Hơn 20 năm làm công tác huấn luyện, ông Mai Đức Chung đã mang về 6 HCV cho bóng đá nữ Việt Nam (trong đó, 4 HCV do ông làm HLV trưởng) - một thành tích mà không phải HLV nào cũng làm được.
Ở đội tuyển nữ, các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam thường gọi HLV trưởng của mình là "bố Chung" một cách trìu mến. Hình ảnh "bố Chung" lặn lội đi chợ mua thêm thức ăn, vật dụng cá nhân cho các học trò khi họ đối mặt với sự thiếu thốn trong những ngày đầu đặt chân đến Philippines tham dự SEA Games 30 đã làm người hâm mộ cảm kích.
Vị chiến lược gia 68 tuổi gốc Hà Nội có khuôn mặt khắc khổ nhưng trái tim đầy nhiệt huyết. Từng trải qua nhiều câu lạc bộ chuyên nghiệp, nhiều cấp độ đội tuyển quốc gia nhưng khi song hành cùng bóng đá nữ Việt Nam, HLV Mai Đức Chung mới khẳng định được giá trị, đẳng cấp của một chiến lược gia tài năng.
HLV Mai Đức Chung đã đem về 6 chiếc HCV cho bóng đá nữ Việt Nam Ảnh: Đức Anh
Khi còn trẻ, ông Chung từng là một cầu thủ giỏi. Danh thủ Mai Đức Chung có thể thi đấu nhiều vị trí và sở trường là vai trò tiền vệ hoặc tiền đạo nhưng khi cần vẫn có thể sắm vai hậu vệ. Kinh nghiệm cùng bản lĩnh của một cầu thủ đa năng ngày trước giúp ông rất nhiều trong nghiệp huấn luyện sau này.
Khi làm công tác huấn luyện, ông Mai Đức Chung nắm bắt tâm lý của học trò rất nhanh, nhìn nhận ưu khuyết điểm của từng người và đó là lý do giúp chiến lược gia già dặn này nhanh chóng xoay chuyển thế trận mỗi khi giao đấu.
Được lòng rất nhiều lứa cầu thủ bởi đức tính khiêm tốn, nhẹ nhàng, ông thường dạy "các con gái" của mình hãy kiên cường trên sân bóng nhưng luôn giữ sự dịu dàng, nữ tính trong đời thường. Đáng nói hơn, dù đã nhiều lần đưa tuyển nữ vô địch SEA Games, phá lỷ lục bóng đá nữ Đông Nam Á nhưng sau mỗi thành công của đội, HLV Mai Đức Chung luôn đề cao vai trò của tập thể, dành nhiều lời khen ngợi các học trò.
Mỗi khi thắng lợi, việc làm đầu tiên khiến HLV Mai Đức Chung hạnh phúc là gọi báo tin vui về cho vợ, người phụ nữ cả đời làm hậu phương vững chắc cho ông. Niềm vui, niềm hạnh phúc đó, các tuyển thủ nữ đều biết và càng quý trọng "bố Chung".
Sau khi đoạt HCV SEA Games 30, HLV Mai Đức Chung cùng tuyển nữ Việt Nam sẽ tập trung trở lại chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 Olympic Tokyo 2020 tại Hàn Quốc vào đầu tháng 2-2020.
"Dù đã 68 tuổi nhưng tôi sẽ tiếp tục tận tâm cho bóng đá nữ nếu VFF vẫn còn cần đến tôi" - HLV Mai Đức Chung khẳng định.
Theo NLĐO
U22 Việt Nam: Sau HCV SEA Games là giấc mộng Olympic Danh hiệu vô địch SEA Games là tiền đề để bóng đá Việt Nam tiếp tục mơ tới ngưỡng cửa xa hơn mang tên Olympic Tokyo 2020. 1. Cách đây 2 năm, U22 Việt Nam thua muối mặt ở SEA Games 29. Đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng khi ấy giành trọn 9 điểm sau 3 trận đầu trước U22 Campuchia, U22...