Bóng đá thật tuyệt vời
Warsaw hôm qua như đổi sắc. Dưới ánh nắng rực rỡ và một chút mưa chiều, thành phố bên dòng Vistula chìm trong không khí hội hè chưa từng thấy.
Thoáng Việt ở Fan Zone
Tôi bắt đầu một ngày bằng cuộc điện thoại cho Hồng, cô gái gốc Nghệ An mà tôi gặp mấy hôm trước ở bến tàu Okcie. Tôi hỏi Hồng sẽ làm gì trong ngày khai mạc. Em bảo sẽ đến khu Fan Zone ở trung tâm Warsaw. Khi tôi đến, qua điện thoại, giữa những tiếng hò reo náo nhiệt, em bảo tôi vào cổng số 2 khu Fan Zone. Tôi lia máy chụp vài cảnh người hâm mộ reo hò, rồi chạy vào điểm hẹn. Tới nơi, thấy bóng Hồng nhỏ nhắn đang đội một cái dù nhỏ trên đầu, còn tay cầm một mớ cờ, khăn, áo. Em chào mời những người qua lại bằng tiếng Ba Lan. Tôi chẳng hiểu gì, nhưng biết là em đang bán hàng.
Chàng trai này tin rằng Ba Lan thắng 2-1 – Ảnh: Đ.H
“Anh lại đây, hôm nay vui quá. Rất nhiều người mua”, Hồng hào hứng. Tôi hỏi về chuyện lời lỗ, em bảo: “Cái này thì vốn ít lắm, nếu bán chạy thì lời to. Em bán một cái 5 “dua” (tức zloty, 1 zloty tương đương 6.000 đồng), gấp 10 lần vốn đấy. Hôm nay bán rất chạy. Biết thế này em đã ra đây từ mấy hôm trước”. Nhưng không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Cô “tiểu thương”, chứ không hề tiểu thư, bảo rằng bán ở đây rất dễ bị cảnh sát hốt, mà hốt là coi như công sức đi tong. Tôi trấn an, rằng hôm nay hội hè vui vẻ, ai hơi đâu quan tâm mấy vụ nhỏ lẻ này. Hồng cười, bảo “em cũng hy vọng thế”.
Không chỉ có Hồng, xung quanh khu Fan Zone và bên ngoài Sân vận động Quốc gia, có rất nhiều người Việt kinh doanh cờ, mũ, áo và làm dịch vụ vẽ mặt. Họ bảo mấy hôm nay ăn nên làm ra, nhưng lại ngần ngại quay đi khi tôi đề nghị chụp hình. “Không được đâu anh. Đừng chụp ảnh, em ngại lắm”, một chị chốt bên ngoài nhà ga trung tâm bảo thế. Bác Đặng Hùng, cư dân Warsaw gốc Thanh Hóa đang thong dong đạp xe để “hít thở không khí Euro”, giải thích: “Mấy em bươn chải thế này rất ngại lên báo”. Tôi chia sẻ điều này, sau những ngày đã tìm hiểu cuộc sống của cộng đồng người Việt nơi đây. Nhiều người trong số họ đã sang đây bằng những hành trình gian khổ. Như Hồng, em kể rằng chị của em ngày trước từng ở trong rừng tuyết phủ mấy ngày liền, đói tưởng chết đi được, rồi đi bộ hàng trăm cây số xuyên qua Ukraine với nỗi hoang mang cùng cực và thường trực, trước khi đến được Ba Lan.
Chia tay những mảnh đời Việt ở khu Centrum, tôi hòa vào dòng cổ động viên đang tràn như thác lũ, giữa tiếng nhạc sôi động trên quảng trường. Vào đêm hôm trước, khi Fan Zone chính thức khai trương, một chương trình âm nhạc sôi nổi đã diễn ra tại nơi này, thu hút hàng chục ngàn người hâm mộ bóng đá, người yêu nhạc. Vào sáng hôm qua, từ rất sớm, tôi lại gặp nhiều nhóm cổ động viên, cứ như thể họ đã qua đêm tại nơi này vậy.
Niềm tin chiến thắng
“Xin chào, anh là người Warsaw à?”, tôi hỏi một chàng trai đi cùng hai cô gái ở cổng Fan Zone. “Vâng”, anh ta đáp, và bắt tay tôi. “Anh tin Ba Lan sẽ chiến thắng hôm nay chứ?”. “Tất nhiên. Đó là điều tôi hoàn toàn tin tưởng. 2-1 là tỷ số đẹp”. “Vậy Ba Lan có cơ hội tới trận chung kết không?”, tôi hỏi tiếp. “Ồ, khó đấy, nhưng chúng tôi sẽ thắng 3 trận đấu bảng”, anh nói chắc chắn, cứ như thể kết quả các trận đấu là thứ mà ta có thể lấy từ trong túi ra vậy. Anh chàng tên Rubin, đi cùng hai cô em họ xinh đẹp. Không thể mua vé vào sân vận động, họ quyết định trở thành một phần của mùa hội bóng đá bằng cách đi đến Fan Zone, chơi từ đầu đến cuối ở đấy.
Ở quảng trường Defilad, nhiều nhóm cổ động viên Hy Lạp đánh dấu sự hiện diện của mình bằng những âm thanh nhộn nhịp. Vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế nơi quê nhà, họ như mang tới đây cả làn gió nóng Địa Trung Hải. Một lá cờ lớn với sắc xanh trắng được trải ra. Một dàn nhạc với trống, kèn chơi tưng bừng dưới ánh nắng mai. Và tiếng reo hò thì không bao giờ ngơi nghỉ. Những đứa con thần Zeus có lẽ đang chìm trong giấc mơ được trở về quá khứ hào hùng, của 8 năm về trước trên đất Bồ Đào Nha. “Chào anh, anh đánh giá thế nào về trận khai mạc?”, tôi bắt chuyện một chàng trai trẻ trong đám xô bồ. “Sẽ rất tuyệt, rất căng thẳng”. “Nhưng ai sẽ thắng?”. Anh nhìn vào mắt tôi, cười rồi nói to: “Tất nhiên là Hy Lạp. Tôi nghĩ là 1-0″. “Và sẽ vô địch như năm 2004 chứ?”, tôi tiếp tục thêm chất xúc tác vào giấc mơ của anh. Nhưng anh chàng cũng thực tế ra phết: “Ồ, khó đấy, nhưng nếu may mắn thì biết đâu”. “Anh có vé vào sân không?”. “Tất nhiên. Đây là lần đầu tiên tôi đến xem một trận Euro tại sân vận động nên cảm giác rất chi là phấn khích”, anh nói, rồi chia tay tôi để kịp chạy theo những người đồng hương đang tiến về sân vận động. Họ đi bộ trên chặng đường gần 2 cây số từ trung tâm thành phố tới sân, vì các chuyến tàu điện đều kẹt cứng. Vả lại, đi bộ cũng cho người ta một cảm giác rất bóng đá, tức là… vã mồ hôi, vì mệt và vì vui.
Sau những háo hức chờ mong, cuối cùng, giờ khai cuộc cũng đã tới. Khi tôi đến Sân vận động Quốc gia nằm bên dòng Vistula vào buổi chiều, đã thấy một biển người mênh mông. Cơn mưa nhẹ không hề làm giảm không khí náo nhiệt. Bên trong sân, một biển người rực rỡ đã ở đấy tự bao giờ. Những tràng pháo tay và tiếng reo hò như sấm dậy.
Bất giác nhớ đến Hồng, tôi móc điện thoại ra gọi. Giữa những tiếng ồn ào của sân đấu, tôi vẫn nhận ra niềm vui trong giọng em. Vâng, em không coi bóng đá là trò giải trí, nhưng bóng đá thực sự đã mang lại niềm vui cho em.
Bóng đá thật tuyệt vời,cho tất cả mọi người, phải không nhỉ?
Theo Bưu Điện Việt Nam