“Bóng cười” – thú chơi quái đản
Khi mà những tác dụng phụ của “ma túy đá”, “thuốc lắc” “ ketamine” khiến một bộ phận “dân chơi” phải e dè, thì họ tìm đến những thú vui có phần dị thường để tạo khoái cảm. Hít “bóng cười” gần đây nổi lên với những đồn đoán về cảm giác “phê” nhẹ, tạo tràng cười điên loạn.
Thực hư công dụng “bóng cười”
“Nhóm của bạn muốn thay đổi không khí, muốn thật sự vui vẻ với một bữa tiệc? Khi mà “đá”, “kẹo”, “cỏ” (ma túy dạng “đá”, “thuốc lắc”, tài mà – PV) bị cấm và shisha thì đã nhàm và nhạt, hãy sử dụng xu hướng mới – funkyball (bóng cười) đang siêu “hot” trên thị trường, làm mưa làm gió trên thế giới và nay đã có mặt tại Việt Nam, có mặt ở các bar, karaoke, cà phê… rất được ưa chuộng bởi tính giải trí, thư giãn, gây cười, cảm giác “phê”, nghe nhạc phiêu hơn, và đặc biệt không bị cấm. Còn gì thú vị hơn nữa, hãy mở đầu cuộc vui bằng thú chơi mới này. Gọi ngay: 0166600….53 để được phục vụ tận nơi” – đó là một trong số nhiều quảng cáo công khai về dịch vụ cung cấp “bóng cười” được đăng nhan nhản trên các trang mạng thời gian gần đây.
Theo ghi nhận của PV ANTĐ, hiện trào lưu hít “bóng cười” không chỉ có mặt ở những TP lớn mà đã “loang” rộng ra nhiều tỉnh thành, với đội ngũ phục vụ, cung cấp “khí cười” khá chuyên nghiệp. Tại Hà Nội, nhiều quán bar trong khu phố cổ, trên các tuyến phố như: Mã Mây, Hàng Thùng, Lương Ngọc Quyến… công khai bán loại bóng này với giá 50.000 đồng/quả, thu hút sự tò mò của giới trẻ. Vậy “bóng cười” là gì?
Thực chất funkyball – “bóng cười” là quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide (N2O). Ở một số nước châu Âu, đây là chất kích thích được bán hợp pháp tại các bar, hộp đêm. Tuy vậy, các bác sĩ trên thế giới cảnh báo rằng funkyball ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất có thể dẫn tới trầm cảm hoặc tử vong. Không chỉ có ở châu Âu, hiện “bóng cười” khá phổ biến ở Việt Nam, rao bán công khai trên các trang mạng, có video clip hướng dẫn cách sử dụng. Theo đó, sau khi mua được loại khí này, bơm hóa chất vào trong bóng, người chơi dùng miệng ngậm vào đầu bóng, hít ngược khí trong bóng vào phổi, rồi thổi ngược lại cho quả bóng to lên. Làm bốn, năm lần như vậy cho đến khi bóng xẹp, hoặc cảm thấy “đủ” phê, sẽ nổ những tràng cười vô thức – cười ảo. Tuy nhiên, trái với quảng cáo, nhiều người dùng funkyball khẳng định, không cười được như mong muốn.
Bán công khai, phục vụ “pro”
Theo một số dân buôn, “bóng cười” du nhập vào Việt Nam bằng con đường du lịch của Tây balô. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn có mặt ở nước ta, nhiều đại lý kinh doanh “bóng cười” trong nước “mọc lên”. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “dịch vụ bán bóng cười” là có thể tìm thấy rất nhiều trang rao vặt chào bán loại hàng này. Trong vai người mua hàng, tôi liên lạc với Đức, số điện thoại 01233335…, nhà ở Mỹ Đình (Từ Liêm). Anh ta cởi mở giới thiệu là một đại lý bán “bóng cười” có tiếng ở Hà Nội, với nhiều chủng loại bình, chai chứa khí cười, trọng lượng nặng từ 1-5 kg. “Mỗi kilogam khí cười có giá 1 triệu đồng, trung bình bơm được từ 60-70 quả” – Đức thông tin. Thấy tôi tỏ vẻ băn khoăn về giá, anh ta trấn an: “Em bao giá cho anh ở Hà Nội, bọn em chốt giá rẻ nhất rồi” – Đức khẳng định và cho biết, trước đây anh ta bán 1,2 triệu đồng/kg khí. Thấy tôi hỏi về cách sử dụng, chủ đại lý lập tức chào hàng thêm dịch vụ “giá trị gia tăng”: “Nếu anh tổ chức tiệc ở Hà Nội, bọn em sẽ mang khí, mang bóng đến phục vụ tận nơi. Các anh dùng bao nhiêu, bọn em sẽ bơm bấy nhiêu, tính tiền theo quả”. Để giữ chân tôi, anh ta tiếp tục giới thiệu: “Bình thường khách mua hàng, ngoài tiền khí phải đặt cược thêm 700.000 đồng tiền bỏ bình, nhưng nếu anh nhiệt tình mua, em sẽ không thu tiền cược vỏ để duy trì quan hệ” – Đức nói.
Sau khoảng 15 phút nói chuyện, Đức chốt: “Anh có mua không để em còn đi lấy khí?”. Nói rồi người đàn ông đó tiếp tục tiếp thị, ở các quán bar họ quảng cáo khí được nhập khẩu, xách tay từ nước ngoài về, song theo như chủ đại lý này khẳng định, đa số khí đều được sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo một số thông tin chúng tôi ghi nhận được của dân “nghiền bóng cười”, chắc chắn có những loại khí nhập khẩu. Tuy nhiên, khí được nhập dưới dạng nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm, đồ uống (khí tinh khiết hoặc hỗn hợp), có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Săn lùng “khí cười”
Video đang HOT
Dựa trên một số hình ảnh ít ỏi có được trên internet, cũng như thông tin mà một số đại lý bán “bóng cười” miêu tả về hình dạng của các ống khí cười nhỏ (bằng ngón tay cái), được cho là nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, nhiều ngày qua, PV ANTĐ đã liên tục tìm kiếm ở nhiều khu “chợ” hóa chất tại Hà Nội để tìm kiếm manh mối bán khí nitrous oxide (N2O). Theo một số dân “nghiền bóng cười”, mỗi lọ khí cười nhập khẩu có giá 30.000 đồng, tuy nhiên, nếu muốn sử dụng, khách hàng phải mua thêm bộ bơm chuyên dùng bằng kim loại, giá phổ thông từ 300.000-500.000 đồng. Mỗi hộp N2O đựng 10 lọ chứa khí, đủ bơm, tạo thành 10 quả “bóng cười”.
Sau khi tìm kiếm ở các khu vực bán hóa chất, tại chợ Kim Giang (Thanh Xuân), chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm) không có kết quả, chúng tôi tìm đến một trong những địa chỉ bán hóa chất nổi tiếng nhất ở Hà Nội – khu vực phố Hàng Buồm. Ở cuối tuyến phố, đoạn giao cắt với phố Hàng Đào, PV ANTĐ bắt gặp một cửa hàng chuyên bán và tư vấn nguyên liệu pha chế nước giải khát, trà sữa trân châu bày bán công khai các lọ “khí cười”. Đáng chú ý, khí cười được một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh nhập khẩu và phân phối, có đầy đủ tem nhãn phụ. Theo chủ cửa hàng này, khí N2O được nhập, bán tại Việt Nam là chất hỗ trợ tạo ra bông kem trong quá trình sản xuất bánh ngọt, cũng như một số món ăn có xuất xứ từ nước ngoài. Không chỉ có các ống khí N2O nhỏ, tại nhiều cửa hàng bán hóa chất, hương nguyên liệu ở khu vực Hàng Buồm bày bán khá nhiều các chai, lọ bằng nhôm – giống với chai chứa “khí cười” mà đại lý buôn “bóng cười” trong các quán bar sử dụng.
Sau khi tìm mua được 2 hộp (tương đương 20 ống “khí cười”), chúng tôi mang các chai khí N2O đến hỏi chỉ huy nhiều đội QLTT ở Hà Nội và đều nhận được câu trả lời: “không hề biết công dụng gây cười của N2O, đồng thời khẳng định không thể thu giữ các lọ khí này vì hàng hóa có đầy đủ tem nhãn phụ nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Lạm dụng sẽ đột quỵ
Chỉ huy Đội 4 Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội cho hay: Qua công tác nắm tình hình, trinh sát, đơn vị đã phát hiện một số quán bar kinh doanh “bóng cười” giá 50.000 đồng/quả. “Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết khí bơm vào bóng là chất nitrous oxide (N2O), đang được nhiều công ty kinh doanh khí công nghiệp bán ngoài thị trường theo quy định của pháp luật” – đại diện cơ quan công an khẳng định và cho biết đã thu các mẫu khí trong “bóng cười” gửi đến Phòng Kỹ thuật hình sự giám định.
Cũng theo thông tin từ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội, đơn vị đã có buổi làm việc với các chuyên gia điều trị nghiện chất – Đại học Y Hà Nội và được cho biết: “Khí cười” – tên khoa học là N2O là chất không màu, không mùi, có vị ngọt nhẹ – chất gây tê thường dùng trong nha khoa, có tác dụng giảm đau, tạo cho bệnh nhân cảm thấy tự tin trong quá trình điều trị, đặc biệt không gây nghiện, không gây hại sức khỏe. Tuy nhiên, người lạm dụng “bóng cười” sẽ gây thiếu oxy cục bộ, ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh, có thể gây co giật, ngất. Cũng theo cơ quan công an, N2O không nằm trong danh mục hóa chất đặc biệt cần quản lý nghiêm ngặt; không phải là chất ma túy. Được biết, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đang phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự để xác định thành phần chính xác khí trong “bóng cười”, trên cơ sở đó báo cáo CATP thông báo cho UBND các quận, huyện, Thanh tra Sở Y tế, Chi Cục QLTT Hà Nội cùng phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm, kinh doanh “bóng cười” trong quán bar, nhà hàng.
N2O có tính oxy hóa và kích thích phản ứng cháy. Khí này không duy trì sự sống, có thể gây ngạt; tác động vào não gây ảo giác. Nếu dùng nhiều, thần kinh luôn trong trạng thái bị kích thích, có khi rơi vào trạng thái hôn mê sâu. “Giới trẻ không nên chạy theo những thú vui nhất thời mà làm hại đến sức khỏe. Ban đầu có thể chỉ là một trò giải trí, nhưng nếu dùng nhiều, dùng lâu có thể gây đột quỵ – đại diện cơ quan công an khuyến cáo.
Theo ANTD
"Thiên đường đen" của phận đào tiếp bia
Sự mê muội trong cách sống, lối suy nghĩ lầm lỡ đã đẩy những cô gái mới lớn ở những vùng quê bước chân vào "thiên đường đen" không có lối thoát. Vòng đời làm "đào" vô cùng ngắn, nó như liều thuốc độc hủy diệt cả thể xác lẫn nhân cách.
Trong thâm tâm, họ khát khao lương thiện, nhưng định kiến người đời đã ngăn họ lại. Tiếng chuông nào cảnh tỉnh những tâm hồn lạc lối ấy, khi mà mỗi ngày từ khắp các vùng quê, những thiếu nữ tuổi "trăng rằm" lũ lượt bỏ học kéo nhau lên thành phố làm "lao động đêm".
Cảnh tỉnh những tâm hồn lạc lối?
Sau nhiều ngày thâm nhập vào các quán karaoke, bar, chứng kiến và hóa thân thành phận đào tiếp bia chúng tôi mới thấu cảm được những hậu quả ê chề mà những cô gái dìm tuổi xuân trong bia rượu phải nhận lãnh. Không chỉ nhận lấy ánh mắt khinh bỉ của người đời, phận đào tiếp bia luôn đối mặt đầy đau đớn với tinh thần lẫn thể xác trong những ly men dầm dề. Họ có thể phải đối mặt với bệnh tật từ bia rượu như chảy máu dạ dày, xơ gan, suy mật...
Thanh và Vi, hai cô gái chúng tôi gặp trong quán karaoke "bốc hốt" trên đường Phan Đăng Lưu (Q. Bình Thạnh) dù rất đẹp nhưng họ đã già đi trước tuổi rất nhiều. Son phấn níu tuổi 23. Rượu bia tàn phá tuổi 23. Khi lớp phấn dày cộm bắt đầu nhòe nhoẹt vì mồ hôi, vì những cuộc "vờn", khuôn mặt hai cô hiện ra lỗ chỗ, xám xịt. Họ lại vội vàng trát phấn, tô son. Đắp đổi lên nhan sắc tiều tụy, ngày với họ là đêm, đêm là ngày. Thanh bảo thức khuya và ăn uống thất thường hoài nên nhan sắc cô ngày càng xuống cấp. Tôi nhìn thấy hai vết thâm quầng trên đôi mắt, đôi môi sau màn son đỏ xám xịt che hàm răng nồng nặc mùi bia.
"Chuyện tụi em ói ra máu là chuyện thường. Tối nào cũng bia rượu, cái bụng nào mà chịu cho nổi. Cháy gan, cháy ruột đó chị. Có hợp đồng cho oai chứ bệnh tật tụi em tự lo, không có bảo hiểm gì hết. Đi khám, nghỉ ngơi hai ba ngày tụi em phải đi làm lại liền. Chứ lương bổng được bao nhiêu đâu, bọn em toàn sống nhờ tiền boa không hà"- Thanh kể.
Ảnh minh họa
Mới đôi mươi, nhưng Hằng đã bị thấp khớp, đau cột sống vì nhún nhảy trên giày cao gót hằng giờ liền trong ánh đèn xanh đỏ. Nhảy từ hồi 16 tuổi đến giờ. Đi làm, trong ví Hằng bao giờ cũng mang theo những vỉ thuốc đủ loại. Hỏi sao khốn khổ vậy, không bỏ nghề này đi làm nghề khác, Hằng trợn mắt: "Chừng nào câu được thằng đại gia tao mới bỏ". Trong thế giới của những cô gái tiếp bia, tình yêu không tồn tại. Sự thân mật giữa hai thân xác chỉ là sự vụ lợi, thỏa mãn cho những gã đàn ông muốn tìm gái.
Còn các cô "chường" cái thân phới phới cho lũ đàn ông thỏa thuê, mục đích chỉ để moi tiền. Cho nên, bao trò quái đản như cởi hết quần áo cho khách đổ bia lên người, bia chảy đến đâu liếm đến đó; hay đứng trên bàn nhảy thoát y để đám khách hả hê nhét tiền vào chỗ kín... các cô phải cắn răng phục vụ. Khi không phục vụ tốt, ngoài chuyện bị khách đánh chửi, hẳn nhiên các cô sẽ bị quản lý bắt nộp phạt, mà số tiền nộp phạt còn lớn hơn gấp mấy lần số tiền boa.
Ước mơ "câu" được một đại gia để yên bề gia thất và sung sướng trọn đời như Hằng và bao phận gái tiếp bia khó mà trở thành hiện thực. Bởi đại gia "xịn" không dại gì vướng vào gái bia ôm. Cho nên chuyện đại gia cặp đào dăm bữa nửa tháng, đại gia lại ầm ĩ đòi đào trả lại "quà cáp" xảy ra như cơm bữa. Toàn "đại gia" rởm.
Kể về người yêu cũ, "đào" Thanh mỉa mai, chua xót: "Lúc trước hắn yêu em nhiều lắm. Nhưng phát hiện em đi làm ở quán karaoke, hắn sợ chạy mất dép mặc em khóc như mưa. Rồi tự nhiên hắn quay lại, đòi nối lại tình xưa. Em mừng lắm. Nào ngờ hắn quay lại chỉ để vét hết tiền của em làm ra. Lại còn đánh đập, chửi rủa em là đồ đĩ, con điếm mỗi khi em hết tiền nộp cho hắn. Đánh đến nỗi nhiều đêm em không dám đi tiếp khách vì người toàn vết bầm tím. Bị quản lý dọa đuổi việc, em chịu hết nổi nên đòi chia tay. Hắn lại đến chỗ em làm quậy tưng bừng. Đến khi em cầu cứu bọn bảo kê thì mới yên thân với hắn. Nhưng giờ em lo lắm, sợ hắn về quê em rêu rao với ba mẹ là em làm tiếp viên quán karaoke. Đến nước đó chắc em chỉ còn đường chết".
Khoảng thời gian ngồi rảnh rỗi tám chuyện trước giờ lên sàn, mới biết đường về của những cô gái này sao lắm chua cay. Rượu và những cuộc vui thâu đêm cho họ bộn tiền. Nhưng có được bao nhiêu, họ lại "đốt" cho quần áo, son phấn, bảo kê, quản lý, thuốc men... Còn thừa lại chút ít lo cho tiền ở trọ là hết sạch. Làm cả mấy năm trời chẳng dành dụm được gì. 23 tuổi, cái tuổi hết đát. Bị tống cổ khỏi quán, nhan sắc họ đã tàn tạ như phụ nữ 40. Tay trắng vẫn hoàn tay trắng.
Vòng xoáy "tử thần"
Mỗi đêm, tiền boa cộng với tiền đi "tăng 3" của đào là con số hàng triệu đồng trở lên. Nếu tính phép cộng đơn thuần, thì thu nhập của đào tiếp rượu trong quán bar từ 30 triệu đồng/tháng. Với khoản thu nhập "khủng" như vậy, lẽ ra cuộc sống đào phải dư giả, sung túc. Nhưng rồi, tiền kiếm được bằng nước mắt hằng đêm ấy, các cô ngốn vào sắm sửa trang sức, quần áo và thảm hại hơn là những khoản tiền lời kếch xù vay "xã hội đen", hoặc ứng trước má mì để sắm xe tay ga, điện thoại cảm ứng xịn.
Làm cái nghề này quen, dù không có tiền nhưng được tiếp xúc với nhiều dạng ăn chơi, được quần là áo lượt, được phấn son bôi trát suốt ngày, không phải đổ mồ hôi cơ cực như những lao động chân chính ngoài xã hội, nên chẳng ai muốn buông tay. Vòng xoáy ảo mộng cùng với suy nghĩ háo danh, háo lợi, lười lao động đã cuốn các cô trôi không kịp phanh. Qua cái tuổi 23 mặn mòi xuân sắc, các cô đào lũ lượt bị thải ra ngoài. Những tháng năm ngắn ngủi "chường" thân ong bướm với hộp đêm, thân xác và cả nhan sắc đã bị bào mòn, các cô dạt về những quán cà phê "lều tranh" ở tít ngoại thành. Còn lại đa phần, vật vã quay cuồng đi tìm tấm chồng an phận.
Ảnh minh họa
Có những cô nợ nần ngập đầu, bị đầu gấu đánh đập, bị đe dọa giết chết dẫn đến con đường phải đi bán dâm. Bán điên cuồng, bán tan nát đời hoa để trả nợ. Chúng tôi được cánh đào đương thời kể về trường hợp của đào Lê, quê Long An như một bài học nhãn tiền. Lê làm đào từ năm 17 tuổi, "dãi nắng dầm mưa" với nghề đến năm 23 tuổi thì bị "thải". Lê quyết định "hoàn lương" khi vớ được anh chàng làm nghề đổ mối cà phê làm chồng.
Quá khứ của Lê được giấu nhẹm, cô thoát xác trở thành người phụ nữ của gia đình. Với đặc thù công việc, chồng Lê có mối quan hệ khá mật thiết với giới làm ăn buôn bán Sài Gòn, đặc biệt các quán cà phê, nhà hàng lớn nhỏ. Một ngày, Lê cùng chồng vào quán cà phê trao đổi công việc kinh doanh, Lê tái mặt khi bị một gã đàn ông kéo tay lại hồ hời: "ủa, dạo này cưng không làm bar nữa hả? Mấy ông anh hỏi thăm cưng hoài". Chồng Lê sững người. Lê bị lôi sềnh sệch về nhà, sau những cái tát nảy đom đóm, là những câu hỏi cay độc về quá khứ làm gái bar. Lê câm lặng gật đầu, Lê thừa nhận tất cả. Cuộc hôn nhân tan vỡ, ai đi đường ấy khi chưa vương vấn một mụn con. Cay cú với đời, Lê lao thân đi làm gái mại dâm. Một thời gian, cánh bạn nhìn thấy Lê tiều tụy đứng đường. Một cô đào chua xót bảo: "Đến thời kỳ đứng đường là hết đát rồi, hàng bỏ đi, không khéo đính "ết" chứ chẳng chơi".
Làm đào là sự dấn thân liều lĩnh và bất cần, mỗi cô đào khi bước chân vào nghề đều đặt ra cho mình những mục tiêu để vươn tới. Cũng khát vọng đổi đời tràn trề, nên đụng việc gì có mùi tiền là các cô lao vào, bất chấp đạo lý, hủy hoại đạo đức. Đó là trường hợp của đào Giang quê Bến Tre. Sau khi đến tuổi "về hưu", đào Giang tay trắng quay trở về quê hái dừa cùng mẹ.
Một thời gian "gác kiếm", Giang âm thầm ở nhà, cô đơn và tự kỷ. Nỗi nhớ thành phố, nhớ những đêm thác loạn cùng những gã khách dâm dâng, "vung tiền đốt trứng", Giang bứt rứt không chịu nổi Giang mò "lên thành phố, với ý định ăn chơi ít ngày cho đỡ nhớ. Giang thuê xe tay ga, mượn tiền má mì đi chơi đêm. Hết tiền, Giang quay như chong chóng trả nợ. Sẵn có mối quan hệ với giới giang hồ, Giang về quê tìm những em gái mới lớn, bỏ học giữa chừng dắt lên Sài Gòn. Tùy "mẫu gái" mà tuyển lựa karaoke hoặc bar. Xong mỗi phi vụ, Giang kiếm được tiền "cò" sống khỏe. Đào Mai kể cho tôi nghe câu chuyện của Giang như vậy. Vì Mai là do Giang dắt mối mới có ngày hôm nay. Trong tận đáy lòng, Mai chua chát thầm cảm ơn Giang đã cho cô biết "mùi đời" quá sớm.
Theo Cảnh sát toàn cầu
Nhà mặt phố - "Thước đất vàng" không xuống giá Nhà mặt phố luôn có giá cao trên thị trường bởi giá trị sử dụng tuy nhiên, một thực tế bất hợp lý là những căn nhà này chỉ phải nộp số tiền sử dụng đất không hơn gì so với những căn nhà trong ngõ cùng khu vực. Căn nhà mặt phố luôn được tận dụng hết công suất để kinh doanh....