Bóng cười – cần sớm đưa vào danh mục chất ma túy
Để giải quyết triệt để mối nguy hại từ “ bóng cười”, theo các chuyên gia, cần xác định thực trạng sử dụng “bóng cười” và các chất hướng thần mới ở trong nước.
Tham khảo quy định của Ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các nước trên thế giới về các chất này để từ đó đưa vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất để có căn cứ đấu tranh, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sản xuất, tổ chức sử dụng trái phép.
Nhiều thanh niên chưa hiểu hết tác hại của bóng cười.
Hệ lụy khôn lường
Theo Bộ Y tế, khí N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ được mua bán, sản xuất cho công nghiệp, không được sử dụng cho người. Tuy nhiên, gần đây liên tiếp xảy ra các trường hợp yếu chi, liệt do tổn thương tủy sống không phục hồi hoặc phục hồi không hoàn toàn sau sử dụng bóng cười. Tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, có thời điểm gần như ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc N2O trong bóng cười vào viện. Việc sử dụng N2O trong bóng cười để kích thích thần kinh cũng có những biểu hiện như cần tăng liều như ở người sử dụng ma túy. Tác hại là thế, song hiện nay, bóng cười lại được giới trẻ ưa thích và chủ yếu được đưa vào sử dụng trong các quán bar, karaoke hay quán cafe. Hệ lụy là tại Nhạc hội mùa thu 2018 được tổ chức vào tháng 9 tại Công viên nước Hồ Tây đã xảy ra sự cố nghiêm trọng khiến 7 người tử vong và nhiều người ngất xỉu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tất cả các nạn nhân đều có sử dụng bóng cười và dương tính với ma túy.
Song, dù hậu quả xảy ra khá nghiêm trọng nhưng đến nay việc sử dụng bóng cười vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Đáng lo ngại việc sử dụng bóng cười đang trở thành trào lưu được giới trẻ sử dụng khá phổ biến trong khi đó việc xử lý lại không đơn giản. Đơn cử như tại Lạng Sơn thời gian vừa qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp với lực lượng công an xử lý 8 cơ sở kinh doanh khí N20, thu giữ 51 bình chứa khí nén, với tổng trọng lượng trên 800kg, số tiền phạt vi phạm hành chính trên 91 triệu đồng. Tuy nhiên, kiểm tra, xử lý xong thì đâu lại vào đó. Với lợi nhuận bán ra từ 40 đến 70 nghìn đồng một quả bóng cười, nhiều quán cafe, karaoke vẫn cố tình vi phạm.
Cần biện pháp mạnh tay
Trên thực tế hiện nay các quy định pháp luật, chế tài xử lý đối với vi phạm của cơ sở kinh doanh bóng cười là chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh, chỉ xử lý hành chính mà chưa xử lý hình sự. Phản ánh từ các địa phương cho biết,chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương.
Cụ thể: N2O thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 8/7/2016, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Theo đó việc sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định…chỉ bị phạt từ 10 đến 25 triệu đồng, trong khi đó, lợi nhuận thu được từ mỗi quả bóng cười dao động từ 40 ngàn đến 70 đồng nên việc xử lý thường không đủ mức răn re.
Vì thiếu chế tài xử lý nên tại Hà Nội từ tháng 5/2017, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản nêu rõ hành vi kinh doanh bóng cười, shisha, cỏ Mỹ, tem giấy… là trái phép và sẽ bị xử lý nghiêm. Thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường nghiêm cấm học sinh sử dụng bóng cười; tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh tác hại của nó. Tuy nhiên tình trạng buôn bán bóng cười chưa hề có dấu hiệu suy giảm tại Hà Nội, ngược lại có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy nhiên để giải quyết triệt để mối nguy hại từ bóng cười, theo các chuyên gia cần xác định thực trạng sử dụng bóng cườ và các chất hướng thần mới ở trong nước, tham khảo quy định của Ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các nước trên thế giới về các chất này để từ đó đưa vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất để có căn cứ đấu tranh, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sản xuất, tổ chức sử dụng trái phép các chất này.
Video đang HOT
Tại Hà Nội trước những mối nguy hại của bóng cười gây ra cho giới trẻ , UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị khuyến cáo tác hại của N2O và tăng cường quản lý loại khí này trong sản xuất kinh doanh. Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đồng ý với việc ngừng cho phép sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí như dùng để bơm vào bóng cười, chỉ được sử dụng trong công nghiệp.
Trước những mối nguy hại từ bóng cười, Bộ Công an đã có Công điện số 410 chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán, tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt tại cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và các sự kiện, lễ hội.
Khanh Lê
Theo daidoanket
"Bóng cười" gây ngộ độc, rối loạn tâm thần, vì sao chưa cấm?
Mới đây, Bộ Y tế đồng thuận quan điểm với UBND TP Hà Nội là không được sử dụng khí N2O bơm vào bóng ("bóng cười").
Nam thanh niên hít "bóng cười", trước mặt là bình shisha (Ảnh chụp tại quán bar trên phố Bùi Viện, TP HCM) - Ảnh: Nguyên Hằng
Nhan nhản "bóng cười" trước "lệnh cấm"
22h ngày 30/5, có mặt tại một quán bar trên phố Tạ Hiện (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong nền nhạc chát chúa, PV Báo Giao thông ghi nhận hình ảnh nhiều nhóm nam, nữ thanh niên hồn nhiên sử dụng "bóng cười". Trên tầng 2, những tiếng xì xì không ngớt từ chỗ hai người đàn ông liên tục bơm "bóng cười" từ bình khí N2O. Chỉ một vài thao tác xoáy van khí đơn giản, trong vài giây, một quả "bóng cười" đã sẵn sàng trao tay "thượng đế" với giá 150 nghìn đồng. Trong khi, trên sàn, vỏ "bóng cười" vương vãi khắp nơi. Càng về đêm, quán bar này càng trở nên tấp nập khi nhiều bạn trẻ từ khắp nơi đổ về. Một số đứng không vững, ngã xuống nền đất, phải có người hỗ trợ mới đứng dậy được.
Người sử dụng "bóng cười" có chứa khí N2O tạo cảm giác "phê", thậm chí lơ mơ, sững sờ, bản chất chính là có biểu hiện ngộ độc cấp tính nhưng một lát sau lại tỉnh. Việc sử dụng "bóng cười" trong thời gian dài hoàn toàn có thể gây nghiện. Tôi nghi ngại những người sử dụng nhiều lần đã và đang bị tổn thương trên cơ thể, đặc biệt là trên tủy sống và dây thần kinh, vấn đề là người sử dụng không quan tâm và chỉ tới viện khám khi bệnh đã biểu hiện ra bên ngoài, tức là muộn.
BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc,
Bệnh viện Bạch Mai
"Cấm thì cấm nhưng kiểu gì chả "lách" được, không chơi ở đây thì chơi chui. Trước kia cũng nghe nhiều thông tin cấm "bóng cười" mà cũng vẫn có sao đâu", một bạn trẻ buông lời sau khi được hỏi liệu đã biết thông tin Hà Nội sẽ cấm "bóng cười".
Lướt facebook, thông tin bán bình khí N2O được rao nhan nhản: "Tặng kèm xác bóng, phục vụ 24/24h với giá rẻ nhất cõi mạng". Trên tài khoản FB Bóng Cười, một bình N2O 5kg được rao giá 900 nghìn đồng kèm xác bóng; bình loại 20kg giá 2,9 triệu đồng... Tương tự là các trang FB Thịnh Nghê, Hoàng Thành, Quang Huy hay thậm chí trên FB của Quang Huy còn "khoe" hình ảnh hàng chục bình khí N20 chất trên xe tải với lời viết "vừa bốc hàng đi Thái Nguyên mệt bở hơi tai", "nhà 5 người ship bóng ("bóng cười") cho khách cả đêm mà vẫn không kịp"...
Tại TP HCM, tối 31/5, trên phố Bùi Viện, PV không khỏi choáng ngợp trước cảnh "cô chiêu, cậu ấm" ngồi hít "bóng cười", hút shisha và phê rượu mạnh.
Theo lời mời của nhân viên quán bar N., vừa ngồi xuống một góc khuất trong quán, 2 tiếp viên nam đến mời chào: "Quán này chơi tẹt ga tới sáng luôn, anh chị cần gì xin cho tụi em biết..."
Tôi hỏi có "bóng cười" không thì ngay lập tức cậu nhân viên chỉ tay về phía góc quán, nơi có một tốp thanh niên gần chục người cả nam lẫn nữ đang ngồi uống rượu, hút "bóng cười", vừa cười hô hố vừa lắc lư ngây dại. "Không những "bóng cười" mà có cả shisha đó anh chị", nam nhân viên nói.
Theo lời nam nhân viên này, "bóng cười" cỡ nhỏ có giá 100.000 đồng/quả, loại to 150.000đồng/quả. Còn shisha có giá 400.000 đồng/bình và muốn bao nhiêu cũng có. Khi được hỏi về nguồn gốc của những mặt hàng này, nhân viên đáp lại: "Em chỉ là người làm thuê nên không biết nhập từ đâu. Nhưng anh chị yên tâm, quán này bán toàn đồ chất lượng từ trước đến nay rồi...",
Khoảng 23h đêm, khách đến quán đông nghẹt. Trong ánh đèn nhấp nháy của căn phòng rộng chừng 80m, bàn nào cũng có các cô gái chuyền tay nhau các quả bóng màu trắng sữa vừa hít vừa cười trong tiếng nhạc đinh tai nhức óc...
Theo lời giới thiệu của người quen, chúng tôi liên hệ với người bỏ mối bóng cười và anh ta cho biết, một bình khí bơm khoảng 1.000 quả bóng có giá khoảng 6,5 triệu đồng. Còn bóng thì tùy theo loại. Khi nào cần, chuyển tiền trước qua tài khoản 50% và cho địa chỉ anh ta sẽ cho người chở đến giao hàng xong thu nốt số tiền còn lại...
Bạn Thanh Tuấn (sinh viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn) cho biết, rất mù mờ về nguồn gốc sản phẩm này. Tuy nhiên, nhóm bạn của Tuấn thỉnh thoảng chơi chỉ để giảm stress, đưa lại cảm giác cười sảng khoái và hứng thú... Theo lời Tuấn, chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng hít khí trong đó rồi thổi ngược ra dù đang buồn rầu thúi ruột cũng phá lên lên cười thả phanh...
Việc bán và sử dụng "bóng cười" vẫn diễn ra ở một quán bar trên phố Tạ Hiện (Hà Nội) đêm 30/5 - Ảnh: Tạ Hải
Cấm "bóng cười", phải đưa vào luật
Dường như thông tin người sử dụng "bóng cười" dẫn đến ngộ độc phải nhập không khiến sức hút sản phẩm này giảm nhiệt.
Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, tuần qua lại có ca ngộ độc khí N2O sau chơi "bóng cười". Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, việc sử dụng "bóng cười" có chứa khí N2O - loại khí độc gây ngạt khi sử dụng nhiều lần có thể dẫn đến tổn thương tủy sống, gây thiếu máu và giảm khả năng sinh sản hoặc sử dụng một lần nhưng quá nhiều dẫn đến ngộ độc nặng và tử vong. Các bệnh nhân nhập viện chủ yếu là thanh niên, sử dụng "bóng cười" trong thời gian dài, vào viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, tê bì, liệt chân tay và thậm chí hô hấp có biểu hiện bị ảnh hưởng. "Để điều trị cho các trường hợp này, chúng tôi phải tiêm thuốc giải độc nhưng với điều kiện khi về bệnh nhân phải ngừng sử dụng, nếu tiếp tục thì không có tác dụng", ông Nguyên cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, khí N2O hiện nay thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Công thương. Khí này chỉ được phép mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người. Tuy nhiên, trước những tác hại do người dân tự ý sử dụng khí N2O như một chất kích thích làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh của con người, có thể dẫn đến tử vong và trước đề nghị của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý loại khí này trong sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế cũng cùng quan điểm với UBND TP Hà Nội là không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí. "Cái gì không tốt cho sức khỏe con người thì phải cấm", ông Tiến nói.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng Luật Giải phóng, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: "Có luật mới cấm được nhưng muốn thành luật phải đánh giá tác động ảnh hưởng của sản phẩm đó với sức khỏe thế nào, với tình hình an toàn xã hội ra sao. Việc đề xuất cấm của Hà Nội, cũng như khuyến cáo về tác hại của khí N2O có trong "bóng cười" của Bộ Y tế là căn cứ để các đơn vị liên quan làm luật xây dựng quy định đưa vào danh mục hàng hóa có điều kiện hay cấm sử dụng. Bộ Y tế cần chủ trì trong việc đánh giá tác động của hóa chất này tới sức khỏe con người và cùng phối hợp với Bộ Công thương, đơn vị quản lý, để sớm được quy định "cấm" sử dụng bóng cười".
Bóng cười bán công khai trên phố đi bộ Bùi Viện (TP HCM) - Ảnh: Nguyên Hằng
Theo ông Hưng, hiện căn cứ vào điều 33 Hiến pháp năm 2012, "mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm". Trong khi đó, theo Điều 6 của Luật Đầu tư 2014, các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hiện nay gồm có: Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; Kinh doanh mại dâm; Kinh doanh pháo nổ... và không cấm kinh doanh mặt hàng chứa hóa chất N2O. Như vậy, sản xuất, kinh doanh "bóng cười" không nằm trong Danh mục hàng hóa bị cấm tại Việt Nam.
Hiện tại, khí N2O có trong "bóng cười" chỉ nằm trong Danh mục hàng hóa hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định Phụ lục 2 Nghị định 113/2017. Các hành vi, vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định 115/2016 và Nghị định số 163/2013 với mức phạt tiền từ 12- 25 triệu đồng, bị đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Nguyên Hằng - Vũ Anh - Ngọc Hải
Theo baogiaothong
Bắt vụ mua bán trái phép vật tư sản xuất bóng cười Theo thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An, ngày 24/12, Đội đặc doanh, Phòng Cảnh sát Quản lí hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đã phát hiện một vụ mua bán trái phép vật tư sản xuất bóng cười với số lượng lớn. Cơ quan Công an kiểm tra số vật tư sản xuất bóng cười để kinh...