Bốn yếu tố chi phối chiến lược “xoay trục” của Mỹ
Từ năm 2010, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đẩy mạnh tiến độ “trở lại” châu Á của họ.
Cho đến nay, mặc dù đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ đang bế tắc về nhiều vấn đề, song họ dường như vẫn đạt được một sự đồng thuận về chiến lược “trở lại” khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không chỉ củng cố ý chí thực thi chiến lược này của ông Obama, mà còn tạo ra một cơ sở chính trị quan trọng cho những chính sách cụ thể. Tuy nhiên, theo mạng tin “Chinausfocus” những triển vọng của chiến lược này còn phụ thuộc vào bốn yếu tố sau đây:
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: THX/ TTXVN
Thứ nhất là tình hình tài chính không đáng lạc quan của Mỹ, với biểu hiện rõ ràng là việc các cơ quan của Chính phủ Mỹ phải tạm thời đóng cửa gần đây. Để đảo ngược tình hình tài chính khó khăn này, chính quyền Obama đang phải tiến hành một số bước cắt giảm chi tiêu quân sự. Mặc dù điều này có thể tránh cho ngân sách của Chính phủ Mỹ không bị thâm hụt quá cao, nhưng nó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hành động của Mỹ trên thế giới, nhất là trong việc đối phó với những cuộc khủng hoảng quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Bộ này phải cắt giảm chi phí hơn 1.000 tỷ USD trong thập kỷ tới và chỉ trích việc cắt giảm chi tiêu trên là “quá nhanh, quá nhiều, quá đột ngột và quá vô trách nhiệm”. Hơn nữa, do tình hình kinh tế khó khăn, tỷ lệ ủng hộ chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ cũng giảm, ảnh hưởng xấu đến sự ủng hộ của xã hội để cho ông Obama tiếp tục thực thi chiến lược “trở lại” châu Á-Thái Bình Dương.
Theo kết quả các cuộc thăm dò mới nhất, có tới 56% số người được hỏi thất vọng với chính sách đối ngoại của chính quyền Obama; 52% cho rằng Mỹ nên tập trung vào các vấn đề trong nước trước; và lần đầu tiên trong gần 40 năm qua, 53% cho rằng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới suy giảm trong thập kỷ qua.
Thứ hai là tình hình an ninh tại các khu vực khác trên thế giới. Về cơ bản, chiến lược này khiến Mỹ phải cơ cấu lại lực lượng. Nếu tình hình an ninh xấu đi tại các khu vực khác, Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác việc phải cắt giảm lực lượng, ban đầu được sử dụng để tăng cường sức mạnh tại châu Á. Từ khía cạnh này, chiến lược này còn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Video đang HOT
Thứ ba là thái độ của các nước châu Á đang hạn chế những chính sách của chính quyền Obama vốn đã gây ra những phản ứng tâm lý trái ngược tại các nước châu Á. Một mặt họ hoan nghênh sự can dự của Mỹ trong các vấn đề châu Á và coi Mỹ là đối trọng để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Song mặt khác, các nước châu Á cũng duy trì và phát triển quan hệ tốt với Trung Quốc, không chỉ vì các lý do kinh tế, mà còn cả vì các tính toán địa chiến lược.
Bản thân Trung Quốc là một nước châu Á, vì thế, hầu hết các quốc gia châu Á đều rất miễn cưỡng khi buộc phải chọn đứng về bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Hoạt động ngoại giao cân bằng là lựa chọn ưa thích và tối ưu của họ. Kết quả là Mỹ sẽ không dễ dàng đạt được các mục tiêu chiến lược của họ bằng cách tăng cường quan hệ với các nước châu Á.
Thứ tư là tình hình phát triển của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến chiến lược này của Mỹ bởi những mục tiêu rõ ràng của chiến lược này là nhằm chống lại Trung Quốc, cho dù Mỹ có thừa nhận hay không. Tiến trình phát triển của Trung Quốc cũng đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chiến lược “trở lại” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Về cơ bản, mục tiêu của chiến lược này là đạt được những lợi ích lớn nhất ở châu Á và việc này đang đòi hỏi Mỹ phải xử lý một cách thích hợp quan hệ với Trung Quốc trong khi thực hiện chiến lược này.
Theo Thanh Hoa
Baotintuc.vn
Washington khuyên hàng không Mỹ tuân thủ vùng phòng không Trung Quốc
Chính quyền Obama ngày 29/11 đã khuyên các hãng hàng không thương mại tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không mà nước này tự thiết lập ở biển Hoa Đông, dù Washington không công nhận nó.
Tờ New York Times đưa tin, chỉ ít giờ sau khi Trung Quốc điều các máy bay chiến đấu để thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Bắc Kinh tự lập ra hôm 23/11, chính quyền Obama đã quyết định khuyên các hãng hàng không dân sự tuân theo yêu cầu của Trung Quốc về việc thông báo trước kế hoạch bay.
Trong khi Mỹ vẫn "phớt lờ" Trung Quốc khi điều các máy bay quân sự vào khu vực mà không thông báo trước, giới chức chính phủ cho hay họ khuyên các máy bay dân sự làm vậy vì lo ngại về một sự đối đầu không lường trước được.
Mặc dù giới chức Mỹ nói rõ rằng Washington phải đối tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh về ADIZ, lời khuyên đối với các hãng hàng không dân sự bay qua khu vực có thể được xem là một sự nhượng bộ đối với Trung Quốc.
"Chính phủ mong muốn các hãng hàng không Mỹ hoạt động ở nước ngoài sẽ tuân thủ các yêu cầu thông báo do các quốc gia nước ngoài đưa ra", Bộ ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố, nói thêm rằng "điều đó không có nghĩa là chính phủ Mỹ chấp nhận các yêu cầu của Trung Quốc".
"Vì các lý do an toàn, chúng tôi khuyên họ tuân thủ việc thông báo, điều mà Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) cũng luôn khuyên các hãng hàng không nên làm", một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Mỹ nói thêm.
Tuyên bố trên phản ánh lo ngại của Washington rằng sự giằng co giữa hai bên có thể gây ra những hệ quả bất ngờ liên quan tới không chỉ các binh sĩ mà còn cả các dân thường vô tội.
Lời khuyên trên cũng cho thấy sự thay đổi lập trường so với 2 ngày trước, khi Bộ ngoại giao Mỹ khuyến cáo tất cả các hãng hàng không nước này cần áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bay qua biển Hoa Đông, nhưng không nhắc tới chuyện khuyên họ tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc.
Trái với lập trường của Nhật
Quyết định trên của Washington trái ngược với tuyên bố của của chính phủ Nhật Bản hồi đầu tuần này, khi Tokyo yêu cầu các hãng hàng không ngừng tuân thủ các quy định của Trung Quốc. Nhật lo ngại rằng việc tuân thủ các quy định của Bắc Kinh có thể làm gia tăng tính hợp pháp do các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư bên dưới ADIZ.
Hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là JAL và ANA sau đó đã tuyên bố "phớt" các quy định mà Bắc Kinh đưa ra đối với ADIZ.
Hôm nay 30/11, phản ứng về sự nhượng bộ của Mỹ, một quan chức Bộ ngoại giao Nhật nói: "Chúng tôi không bình luận về những điều mà các nước khác đang làm liên quan tới việc thông báo kế hoạch bay".
Hiện chưa rõ liệu chính quyền Obama có thông báo trước cho Nhật Bản, một đồng minh thân thiết trong khu vực, về quyết định của mình hay không.
Quyết định của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích từ một số quan chức. Stephen Yates, một cựu cố vấn về châu Á cho Dick Cheney thời ông này còn làm Phó tổng thống Mỹ, cho hay việc Mỹ có lập trường khác là một "động thái tồi tệ", có thể ảnh hưởng tới các đồng minh trong khu vực.
"Chúng ta nên hành động phù hợp với cách tiếp cận của họ", ông Yates nói.
Nhưng Strobe Talbott, cựu Thứ trưởng ngoại giao dưới thời Bill Clinton và giờ là chủ tịch Viện Brookings, cho rằng điều quan trọng là phải tránh rủi ro, trong khi vẫn giữ lập trường cứng rắn. "Cái chính là cần phải làm rõ ràng các tranh chấp lãnh thổ chỉ có thể được giải quyết thông qua ngoại giao, chứ không phải hành động đơn phương", ông nói.
Do các máy bay bay quá nhanh và ở cự ly gần, chính quyền Mỹ ngày càng lo ngại rằng một tai nạn hoặc một cuộc đối đầu không lường trước được có thể khiến tình hình ở nên vượt ra khỏi sự kiểm soát.
Một vụ va chạm trên không giữa một máy bay chiến đấu Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ ngoài khơi bờ biển Trung Quốc hồi năm 2001 đã khiến một phi công máy bay chiến đấu Trung Quốc thiệt mạng, và buộc máy bay do thám Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Vụ việc đã gây ra một vụ căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước cho tới khi Bắc Kinh thả các phi công Mỹ và gửi trả lại chiếc máy bay bị vỡ thành nhiều mảnh.
Theo Dantri
Ngoại trưởng Kerry: Tình báo Mỹ đã đi quá xa Ngoại trưởng Mỹ lần đầu tiên chính thức thừa nhận rằng hoạt động do thám tình báo của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã đi quá xa. Ngày 1/10, lần đầu tiên một quan chức cấp cao của chính quyền Obama đã lên tiếng thừa nhận hoạt động do thám quá tích cực của cơ quan tình báo và an ninh...