Bốn ngày nữa triển khai quyết định kỷ luật Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh là cán bộ thuộc Tỉnh ủy Hậu Giang nên dự kiến 4 ngày nữa, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ vào địa phương này triển khai quyết định khai trừ Đảng.
Chiều 12/9, trao đổi với phóng viên, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, chiều 16/9, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ đến địa phương này triển khai quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh – Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Theo ông Chánh, Tỉnh ủy có thư triệu tập ông Thanh để tham dự buổi triển khai quyết định quan trọng này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tỉnh ủy Hậu Giang vẫn chưa liên lạc được với ông Thanh.
“Chúng tôi đã báo cáo cho trung trương việc mất liên lạc với ông Thanh”, người đứng đầu Tỉnh ủy Hậu Giang nói.
Trước thông tin dư luận cho rằng, ông Thanh đã đi nước ngoài, lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, không có cơ sở để xác định.
Vài ngày trước, Tỉnh ủy Hậu Giang cử cán bộ ra Hà Nội tìm ông Thanh vì không gọi điện thoại được. Những người đi tìm đến tận nhà riêng nhưng gia đình nói không biết ông Thanh đi đâu.
Video đang HOT
Liên quan vụ việc, ngày 8/9, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã kết luận nhiều nội dung liên quan đến sai phạm của ông Thanh.
Theo đó, ông Thanh để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng khi còn làm Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Khi vào Hậu Giang công tác, ông Thanh dùng biển xanh gắn vào ôtô tư nhân trái quy định pháp luật.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Thanh.
Theo Soha News
Tổng Bí thư phát biểu khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV
UB Thường vụ Quốc hội khoá XIII vừa gửi giấy triệu tập kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV từ ngày 20/7/2016. Ngay trong phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Quốc hội khoá XIV sẽ có ít đại biểu hơn Quốc hội khoá XIII.
Căn cứ quyết định triệu tập của UB Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi giấy mời tới các ông/bà trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV về Hà Nội dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV từ ngày 20 đến ngày 29/7/2016.
Giấy mời được gửi đến 496 người trúng cử cùng với dự kiến nội dung và chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất mà UB Thường vụ Quốc hội đã lên lịch với lưu ý những người trúng cử dành thời gian cho ý kiến về các nội dung đề xuất, phản hồi trước ngày 5/7 để kịp tiếp thu, chỉnh lý và trình UB Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi kỳ họp thứ nhất bắt đầu.
Theo nội dung dự kiến, ngay trong phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau đó, Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.
Phần lớn thời gian của kỳ họp thứ nhất được dành để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước. Cụ thể, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và Tổng thư ký Quốc hội.
Quốc hội cũng bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ và tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Đồng thời, trong chương trình nhân sự, Quốc hội xem xét phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Ngay tại kỳ họp đầu tiên, các tân đại biểu Quốc hội cũng bắt tay ngay vào chương trình nghị sự rất căng với việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Quốc hội cũng xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề, nghị quyết về một số vấn đề quan trọng (nếu có).
Tại kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân báo cáo về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội sẽ tự nghiên cứu nhiều báo cáo như báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công.
Một báo cáo rất được chú ý, sẽ được Chính phủ bổ sung theo yêu cầu của UB Thường vụ Quốc hội tại phiên họp vừa qua là báo cáo về tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục tình trạng cá chết ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa-Thiên Huế.
P.Thảo
Theo Dantri
Không ngừng vun đắp, củng cố tình hữu nghị Việt Nam - Lào Sáng 25-4, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Volachith cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung...