Bốn mũi tiêm giúp người đàn ông thoát đau đớn
Đau dữ dội nửa đầu và vùng cổ, má phải, người đàn ông 68 tuổi, quê Thanh Hóa, không thể ăn, ngủ bình thường suốt hai tháng.
Ban đầu, ông chỉ đau đầu, xoa bóp bằng dầu gió. Đau đớn tăng dần từng ngày, ông cảm thấy hai mắt cay xè như thể bị ném ớt vào. “Chỉ động vào một ngọn tóc đã đau không chịu được”, ông nói.
Ông được người nhà đưa tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương khám vào đầu tháng 10, do đang điều trị ung thư máu tại đây. Bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh zona thần kinh, kê đơn thuốc điều trị. Các cơn đau tiếp tục tăng, mỗi lần thuốc chỉ tác dụng trong thời gian ngắn, dùng cả morphine cũng không hiệu quả.
Suốt hai tháng, ông không thể nằm, phải kê gối tựa lưng để ngủ ngồi. Mỗi khi nhai rất đau, phải ăn 5 bữa cháo trong một ngày thay cho cơm. Đôi lúc quá đau, ông ôm chặt con trai, van nài bác sĩ không khám nữa.
Cuối tháng 11, ông chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị điều trị. Bác sĩ Trịnh Tú Tâm, Trưởng đơn vị Điện quang can thiệp và điều trị, cho biết bệnh nhân đau nhiều do các vết phỏng zona bội nhiễm tạo thành các ổ mủ dưới da.
Bác sĩ Tâm tiêm phong bế giảm đau cho người bệnh chiều 1/12. Ảnh: Chi Lê.
Bác sĩ Tâm nhanh chóng khoanh vùng đau gồm vùng chẩm, thái dương, đầu, vành tai, một phần vùng má, cổ. Từ đó, bác sĩ xác định được dây thần kinh chi phối các vùng đau của người bệnh và thực hiện phương pháp tiêm phong bế thần kinh.
“Bệnh nhân quá đau, không thể tiêm phong bế cùng lúc nhiều vị trí, nên phải chia ra nhiều lần”, bác sĩ Tâm cho biết.
Cơn đau giảm dần sau từng mũi tiêm, lần lượt giảm 40%, hơn 50%, 85%. Đến nay, người bệnh được tiêm tổng cộng 4 mũi giảm đau, trong đó lần tiêm gần nhất vào chiều 1/12.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Tâm, zona là bệnh hệ thần kinh trung ương và ngoại vi gây ra do virus herpes zoster. Bệnh thường xảy ra ở người từng bị thủy đậu. Khi hệ miễn dịch suy giảm, có tác động của thuốc hoặc hóa trị, virus hoạt động trở lại gây nên zona.
Hầu hết trường hợp bệnh zona khỏi trong vòng một vài tuần. Nếu đau kéo dài sau khi khỏi các tổn thương ban và bọng nước, gọi là đau sau zona.
Đau có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống, làm giảm chất lượng sống của người bệnh, thậm chí gây trầm cảm và cách biệt xã hội.
Bác sĩ Tâm cho biết: “Hy vọng với 4 mũi tiêm lần này, vòng phản xạ đau bị cắt, các cơn đau giảm và giúp ông trở về cuộc sống bình thường. Nếu bệnh nhân bị đau trở lại, có thể tiếp tục được tiêm phong bế bởi kỹ thuật tiêm khá đơn giản và nhanh gọn”.
Hiện sức khỏe của ông ổn định, có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường để kiểm soát đau mà không cần dùng morphine. Từ không thể nói trọn vẹn một câu, phải nghỉ giữa chừng ôm mặt nhăn nhó, nay ông cười, nói lưu loát, không còn phải ngủ ngồi, đã tập nằm ngủ bình thường. Miếng thịt đầu tiên ông được ăn sau hai tháng chỉ uống cháo trở nên ngon hơn bình thường.
“Tuyệt vời quá”, ông thốt lên.
Người cao tuổi cần lưu ý gì khi trời trở lạnh?
Những ngày gần đây, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt ở người cao tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, Trưởng Khoa Hô hấp dị ứng cho biết: Cùng với sự lão hóa tự nhiên của cơ thể, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, quá trình trao đổi chất của người cao tuổi đều suy giảm hoạt động nên rất dễ bị bệnh khi thay đổi thời tiết, nhất là khi trời chuyển lạnh. Do đó, người cao tuổi cần có sự đề phòng, bảo vệ cơ thể khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là những quãng thời gian giao mùa và những đợt gió mùa về.
Thời điểm này, tiết trời thay đổi đột ngột, nhiệt độ sẽ chênh nhau rất nhiều, có khi sáng thì rất lạnh nhưng đến trưa thì lại ấm và chiều bắt đầu se lạnh. Nếu cơ thể không đủ khỏe mạnh thì rất dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Đối với những người có mầm bệnh sẵn trong người, khi thay đổi thời tiết thì tình trạng bệnh sẽ càng nặng hơn.
Thậm chí, những người không có bệnh hô hấp nhưng do sức đề kháng yếu thì bệnh cũng sẽ dễ phát ra. Những virus, vi khuẩn gây bệnh cho đường hô hấp như virus cúm, vi khuẩn liên cầu, phế cầu, tụ cầu... gặp điều kiện thời tiết thay đổi sẽ bùng phát... gây ra bệnh viêm đường hô hấp như viêm amidan, viêm xoang và đặc biệt là viêm đường phế quản.
Viêm họng:
Khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển mùa, đặc biệt từ nóng sang lạnh, người cao tuổi dễ bị viêm họng cấp tính, nếu như không chữa trị kịp thời sẽ chuyển sang mạn tính.
Viêm họng mạn tính khiến người mệt mỏi kèm theo các triệu chứng như ho, đau rát họng, đôi khi ho khan hoặc ho có đờm, đờm có lẫn máu do tổn thương một số mạch máu nhỏ ở đường hô hấp trên gây ra.
Để tránh bị viêm họng khi thay đổi thời tiết, người già cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng họng. Súc miệng nước muối thường xuyên, uống nước ấm để giữ ấm vùng họng.
Viêm mũi dị ứng:
Mũi có nhiệm vụ làm sạch và làm ấm không khí, là cửa ngõ của đường thở, là cơ quan chính của khứu giác, đồng thời là khoang cộng hưởng quan trọng nhất của bộ máy phát âm. Khi mũi bị viêm nghĩa là các chức năng đều bị ảnh hưởng.
Khi thời tiết thay đổi hoặc tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn... người cao tuổi dễ dàng nhiễm bệnh.
Nếu người nhà không quan tâm và chữa trị, bệnh khiến người cao tuổi khó chịu, không thoải mái, tâm lý bi quan và dễ bị trầm cảm.
Hen suyễn:
Theo các nghiên cứu mới nhất, tỷ lệ người cao tuổi bị hen suyễn chiếm 4,5 - 9%. Bệnh thường nặng do không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bởi người già thường kém minh mẫn nên không nhận biết sớm các triệu chứng.
Khi thời tiết thay đổi, nếu bị lạnh, ngồi điều hòa nhiều hoặc tiếp xúc thường xuyên với không khí ô nhiễm khiến các triệu chứng suyễn trở nên nặng hơn.
Do người cao tuổi có sức đề kháng kém cũng như cấu trúc và chức năng đường hô hấp bị biến đổi, suy giảm do quá trình lão hóa khiến bệnh dễ dàng nặng hơn khi gặp điều kiện thuận lợi.
Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính ở người già dễ nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời
Người cao tuổi bị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, khi vào mùa lạnh hoặc tiếp xúc với không khí ô nhiễm (đặc biệt hít phải bụi mịn, bụi đường, khói công nghiệp, khói than, đốt lò gạch...), bệnh dễ tái phát gây khó thở và dễ gây nguy kịch cho người bệnh.
Khi thời tiết thay đổi hoặc ô nhiễm không khí tăng cao, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể và tránh tiếp xúc với chất ô nhiễm. Nếu mắc phải một số bệnh về đường hô hấp trên, người nhà cần có những biện pháp và chữa trị kịp thời, nếu để muộn có thể dẫn đến nguy hiểm.
Để hạn chế tối đa nguy cơ người cao tuổi mắc các bệnh về hô hấp, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo: Người cao tuổi không hút thuốc lá, thuốc lào để tránh khởi phát cơn hen suyễn cấp. Cần mặc đủ ấm, ngủ ấm và tránh gió lùa vào phòng. Hạn chế ra ngoài lúc sáng sớm khi trời chuyển lạnh. Nếu cần thiết phải ra ngoài cần mặc kín giữ ấm cơ thể.
Bên cạnh đó, vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý hoặc đánh răng trước và sau khi ngủ dậy. Nếu sử dụng răng giả cần vệ sinh sạch sẽ, không để bám dính thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn cho đường hô hấp. Thường xuyên tập dưỡng sinh. Nên tập khi thời tiết không quá lạnh, hoặc nơi thông thoáng nhưng phải giữ ấm cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn cũng lưu ý: Người già thường hay quên uống thuốc hoặc bỏ thuốc do trí nhớ kém. Chính vì vậy, người nhà cần chú ý và chuẩn bị và nhắc người cao tuổi sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngừng tim nguy kịch sau khi uống 20 viên thuốc lạ Sau 10 ngày uống thuốc, bệnh nhân tăng tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, sau đó dần rơi vào hôn mê. Nam bệnh nhân 79 tuổi, ở Hà Nội nhập viện Hữu nghị cấp cứu chiều 2/11 trong tình trạng nguy kịch, ý thức lơ mơ, dần hôn mê, da tái lạnh. Được biết, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rối...