Bốn khu quân sự chiến lược của Trung Quốc
Bảy đại quân khu của Trung Quốc được tái cấu trúc thành 4 vùng quân sự chiến lược, theo kế hoạch cải tổ quân đội nước này.
Các binh sĩ Trung Quốc duyệt binh tại quảng trường Thiên An Môn – Ảnh: Reuters
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), kế hoạch cải tổ Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được công bố chính thức tại hội nghị toàn thể của Tiểu tổ lãnh đạo về cải cách quốc phòng và quân đội trực thuộc Quân ủy Trung ương ngày 24.11.
Phiên họp do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, với sự tham dự của các lãnh đạo 4 tổng cục PLA, 7 đại quân khu, các quân chủng hải lục không quân, tên lửa chiến lược và cảnh sát vũ trang.
Bộ chỉ huy liên quân
Một nguồn thạo tin của tờ SCMP cho biết tại cuộc họp, các tư lệnh và chính ủy của 7 đại quân khu được thông báo rằng có 3 đại quân khu sẽ được xóa bỏ để hợp thành 4 khu quân sự chiến lược trong nỗ lực chuyển hướng cấu trúc quân đội từ mô hình của Liên Xô trước đây sang mô hình bộ chỉ huy tác chiến liên quân của Mỹ.
Lược đồ 4 vùng chiến lược quân sự – Ảnh: SCMP
Video đang HOT
Cụ thể, thông tấn xã Đài Loan CNA dẫn lời chuyên gia quân sự Lương Quốc Lương ở Hồng Kông cho hay kế hoạch tái cấu trúc sẽ chứng kiến việc sáp nhập hai đại quân khu Nam Ninh và Tế Nam thành đại chiến khu Đông bộ. Hai đại quân khu Thẩm Dương và Bắc Kinh sẽ bị sáp nhập thành đại chiến khu Bắc bộ. Đại quân khu Lan Châu sẽ kết hợp với phần phía tây của đại quân khu Thành Đô để trở thành đại chiến khu Tây bộ. Phần còn lại của đại quân khu Thành Đô cùng đại quân khu Quảng Châu sẽ hình thành đại chiến khu Nam bộ.
Chuyên gia Lương nhận định mỗi đại chiến khu sẽ có một trung tâm chỉ huy liên hợp, hợp thành từ các đơn vị hải lục không quân, tên lửa chiến lược, lực lượng không gian và cảnh sát vũ trang. Các đại chiến khu sẽ được lãnh đạo bởi một “tiểu quân ủy”, bao gồm phái viên của Quân ủy Trung ương kết hợp với chỉ huy địa phương. Một nguồn tin khác của SCMP cho hay kế hoạch cải cách cũng bao gồm việc xóa bỏ 3 tổng cục chính trị, hậu cần và trang bị. Chức năng của các tổng cục này sẽ được chuyển giao cho Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng.
Dấu hiệu kháng cự
Theo SCMP, Chủ tịch Tập Cận Bình, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã thúc giục các lãnh đạo quân sự tuân thủ kế hoạch tái cấu trúc sâu rộng PLA. “Đó là một cuộc cải tổ được các binh sĩ cấp thấp chờ đợi từ lâu vì nó là một bước tiến thiết thực để biến PLA thành quân đội hiện đại phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng nó cũng là một bước lùi đối với một số sĩ quan cấp cao bị tước mất quyền lực trong cuộc cải tổ. Đó là lý do ông Tập ra lệnh cho họ tuân thủ kỷ luật”, một nguồn tin nhận xét.
Vào tháng 9, ông Tập đã thông báo kế hoạch cắt giảm 300.000 binh sĩ của PLA. Theo SCMP, sẽ có 170.000 quân nhân phải “về vườn” vì kế hoạch cắt giảm này.
Hiện có dấu hiệu về sự kháng cự trong nội bộ quân đội. Vào tuần trước, tờ PLA Daily đã đăng tải bài viết của hai nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc phòng Tôn Khoa Giai và Hàn Tiếu cảnh báo giới lãnh đạo trung ương rằng kế hoạch cải cách sẽ gây bất ổn trong quân đội và xã hội nếu được thực thi mà không tính đến các vấn đề lương và trợ cấp. Hai tác giả chỉ ra rằng quá trình cải cách quân đội của Mỹ vào thập niên 1970 diễn ra êm thắm nhờ sự chú ý đến lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả việc tăng lương và trợ cấp.
Mặc dù bài báo sau đó được xóa bỏ trên website của tờ PLA Daily, nhưng giới quan sát nhận xét sự xuất hiện của nó là một điều bất thường. “Nó có thể được diễn dịch như một dấu hiệu xích mích, một sự miễn cưỡng cải cách trừ khi một số vấn đề nhất định được giải quyết”, giáo sư về hành chính công Nghê Lạc Hùng thuộc Đại học Chính trị và luật pháp Thượng Hải nói với tờ Financial Times.
Thượng tá về hưu Nhạc Cương nói bài báo có lẽ nhằm vận động cải thiện vấn đề phúc lợi, trợ cấp và lương của các quân nhân phải giải ngũ. Tuy nhiên, ông Nhạc nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì nếu thuận theo yêu cầu đó thì những quân nhân về hưu trước kia cũng sẽ đòi được đối xử công bằng.
Công Chính
Theo Thanhnien
Lý do thật sự trong quyết định cắt giảm quân của Trung Quốc
Tuyên bố cắt giảm mạnh quân số vừa được Trung Quốc đưa ra gần đây xuất phát từ toan tính trái ngược với lý giải "chung tay cùng thế giới duy trì hòa bình" của nước này, theo bài viết đăng trên chuyên san quốc phòng The Diplomat.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự tại một sự kiện ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Đầu tháng 9, trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ cắt giảm mạnh 300.000 binh sĩ, đồng thời lý giải động thái này là một phần trong cam kết "triển khai chiến dịch duy trì hòa bình thế giới" của quân đội Trung Quốc.
The Diplomat (chuyên san có trụ sở tại Tokyo) cho hay quân đội Trung Quốc đã 4 lần cắt giảm quân số, gồm cắt giảm 1 triệu binh sĩ hồi năm 1985, 500.000 hồi năm 1997, 200.000 vào năm 2003 và giờ là 300.000 quân.
Ông Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hồi tuần rồi cũng lặp lại lời ông Tập khi nói rằng cắt giảm lần này "hoàn toàn cho thấy thành ý và nhiệt tâm của Trung Quốc trong việc chung tay cùng quốc tế duy trì hòa bình". Ngoài ra, lần cắt giảm này còn "thể hiện thái độ có trách nhiệm và tích cực của Trung Quốc hướng tới việc kiểm soát và giải trừ quân bị quốc tế", ông Dương cho hay.
Tuy nhiên, khi được hỏi kỹ hơn về lý do của quyết định cắt giảm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc tập trung nói về quá trình cải tổ quân đội, chứ không nhắc gì đến cam kết duy trì hòa bình thế giới nữa.
"Qua cắt giảm số lượng binh sĩ, quân đội Trung Quốc sẽ điều chỉnh và tối ưu hóa thêm nữa quy mô và cấu trúc của mình, giúp tăng cường khả năng của binh sĩ, giúp cơ cấu của quân đội có tính khoa học cao hơn và đồng thời tạo dựng lên một lực lượng quân sự hiện đại với đặc tính riêng của người Trung Quốc", ông Dương giải thích.
Ông này còn cho biết thêm rằng số binh sĩ nằm trong diện bị cắt giảm sẽ là "binh lính được trang bị quân trang lỗi thời, nhân viên văn phòng và nhân sự thuộc các phòng ban không mang tính chiến đấu". Ông Dương cũng nhấn mạnh rằng lần cắt giảm này không làm suy yếu năng lực bảo vệ các lợi ích quốc gia của quân đội.
Binh sĩ quân đội Trung Quốc nằm trong diện bị cắt giảm sẽ là "binh lính được trang bị quân trang lỗi thời, nhân viên văn phòng và nhân sự thuộc các phòng ban không mang tính chiến đấu" - Ảnh minh họa: Reuters
Theo thống kê của The Diplomat, ngay cả sau khi lần cắt giảm này hoàn tất vào năm 2017, quân đội Trung Quốc (khi đó ước tính vào khoảng 2 triệu lính) vẫn là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới.
Ông Rory Medcalf, chuyên gia thuộc trường Đại học Quốc gia Úc, bình luận quyết định cắt giảm quân số của Trung Quốc chỉ liên quan đến vấn đề ngân sách, chứ không hề do nguyên nhân nào khác.
"Nhân lực chiếm chi phí rất lớn trong ngân sách quân đội và lương của quân đội Trung Quốc đã tăng rất nhiều trong những năm gần đây. Do vậy, có nhiều lý do dễ nhận ra để cắt giảm quân số mà không làm giảm tính hiệu quả", ông Medcalf nói với tờ The New York Times (Mỹ).
Chuyên gia này còn nhận định thêm rằng giảm khoản chi phí cho binh sĩ đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc sẽ có thêm tiền để tiếp tục hiện đại hóa lực lượng.
Vào cuối buổi họp báo, ông Dương lưu ý rằng lần cắt giảm trên chỉ là bước đầu của một đợt cải tổ mới của quân đội Trung Quốc. "Ở bước kế tiếp, quân đội Trung Quốc sẽ triển khai một loạt biện pháp cải tổ mới nhằm thúc đẩy công cuộc cải cách quân sự và quốc phòng một cách tích cực và vững chắc", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Trung Quốc cắt giảm phần lớn sĩ quan, 2 quân khu Trung Quốc sẽ cắt giảm phần lớn lực lượng sĩ quan có cấp bậc quân hàm cao trong kế hoạch cải tổ quân đội được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra và giảm số lượng quân khu để thực hiện sách lược quân sự mới của Bắc Kinh, theo South China Morning Post hôm nay 5.9. Hơn nửa số quân được cắt...