‘Bom tấn’ Chevrolet SS 2014 trình làng
Chevrolet vừa công bố sự xuất hiện của Chevrolet SS 2014, mẫu sedan dẫn động cầu sau động cơ V8 đầu tiên của thương hiệu xe Mỹ trong gần 10 năm qua.
Chevrolet SS 2014
Có thể nói, thiết kế ngoại thất của Chevrolet SS 2014 vẫn giữ được nét khỏe mạnh, cơ bắp truyền thống của xe Mỹ nhưng cũng khá hiện đại. Cụm lưới tản nhiệt hình lục lăng rộng hơi giống với lưới tản nhiệt của Audi mới, dải đèn LED chiếu sáng ban ngày tích hợp ở cụm đèn sương mù, cộng với cụm đèn pha lớn, cản trước thấp và nhô về phía trước, tạo ra tổng thể mặt trước xe mạnh mẽ, thể thao.
Nội thất của Chevrolet SS 2014 cũng được đánh giá cao với chất liệu da tiêu chuẩn, hệ thống âm thanh 9 loa Bose, màn hình cảm biến, khởi động Start/Stop, Voice Control,…
Dẫu vậy, đặc biệt nhất của Chevrolet SS 2014 là động cơ V8 LS3 dung tích 6,2 lít, dẫn động cầu sau, cho công suất tối đa tới 415 mã lực tại 5.900 vòng/phút và mô men xoắn tối đa 563 Nm tại 4.600 vòng/phút. Xe sử dụng hộp số tự động 6 cấp có chế độ lái thể thao, có khả năng tăng tốc từ 0 lên 100 km/h chỉ mất khoảng 5 giây và trở thành một trong những mẫu sedan nhanh nhất trong phân khúc.
Về an toàn, xe cũng được trang bị khá đầy đủ với cân bằng điện tử ESC, cảnh báo chệch làn đường, điểm mù, camera lùi…
Chevrolet SS 2014 sẽ được bán ra thị trường từ quý 4 năm nay với mức giá cụ thể sẽ công bố sát ngày bán hàng.
Cận cảnh Chevrolet SS 2014:
Video đang HOT
Theo VnMedia
Công nghệ thay đổi thế giới xe hơi
Thiết kế, kiểu dáng và những gì nằm bên trong chiếc xe là tất cả yếu tố tạo nên giá trị cho một chiếc xe hơi hiện đại. Dưới đây là những công nghệ đã giúp thay đổi bộ mặt của công nghiệp xe hơi.
Kiểu dáng và chức năng
Thiết kế khung xe liền khối (unibody) là tiêu chuẩn an toàn cơ bản của công nghiệp xe hơi hiện đại - Ảnh: Internet
Ban đầu giới thiết kế xe hơi được thỏa sức sáng tạo không theo một khuôn mẫu nào, chẳng hạn phần khung gầm xe thường có kết cấu tách rời giống như... xe ngựa kéo.
Nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác. Giờ đây kiến trúc khung xe liền khối trong công nghiệp xe hơi hiện đại là kết quả và ý tưởng của bộ phận kỹ sư chứ không còn là chuyên gia thiết kế.
Thiết kế "vây cá" đặc trưng của xe hơi thập niên 1950 - Ảnh: Internet
Chưa kể những vấn đề liên quan đến khí động học và tính an toàn của phương tiện cũng góp phần hạn chế những ý tưởng sáng tạo đối với ngoại hình của chiếc xe. Những chi tiết rườm rà kiểu "vây cá" giờ đây đã bị tuyệt chủng.
Song nói thế không có nghĩa là người ta phải ngừng việc tạo ra những mẫu thiết kế đẹp, chẳng hạn như chiếc Aston Martin Vanquish hay Kia Optima. Nhưng giá trị ở những chiếc xe "đẹp mã" ngày nay lại nằm ở "gỗ" chứ không còn là yếu tố "nước sơn".
"Tốt nước sơn, tốt cả gỗ"
Xe hơi hiện đại giờ đây không thiếu đủ loại camera, trong đó được ưa thích nhất là camera lùi. Hãng Subaru còn trang bị cho xe của mình một camera ở phía trước để dùng trong công nghệ tự động thắng EyeSight độc quyền.
Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Hoa Kỳ (NHTSA) dự định đem camera lùi vào danh sách tiêu chuẩn cơ bản cho mọi xe hơi vào năm 2015.
Những giải pháp truyền động mới cũng tạo điều kiện cho giới thiết kế được tự do hơn. Gần 10 năm trước đây, General Motors chế tạo hai mẫu xe khái niệm (concept) chạy bằng khí hydro Autonomy và Hy-Wire. Cả hai chiếc đều có khung gầm thiết kế kiểu "ván trượt" chứa trong nó các pin nhiên liệu và động cơ điện, tất cả đều được điều khiển bằng hệ thống điện (drive-by-wire).
Có nghĩa ít nhất về mặt lý thuyết, kiểu dáng của xe hơi có thể mang bất kỳ hình dáng nào, tùy thuộc loại công nghệ ứng dụng bên trong nó.
Ngay vào thời điểm hiện tại, chúng ta đang có một chiếc xe điện áp dụng y hệt nguyên lý vừa nêu là Tesla Model S, với thiết kế bộ pin nằm ở sàn và động cơ điện nằm giữa hai bánh sau. Thiết kế này giúp chiếc xe hai cửa trở nên khá rộng rãi cho người ngồi bên trong, cùng hệ số kéo lê bánh cực thấp: 0,24.
Phong cách điểm nhấn
Lưới tản nhiệt trên xe Audi - Ảnh: Internet
Trước khi công nghiệp xe hơi áp đặt những tiêu chuẩn chung nhất cho thiết kế, phần lưới tản nhiệt đã trở thành một biểu tượng thương hiệu của từng công ty. Thiết kế tản nhiệt kép của BMW hay hình chữ thập của Dodge đã gắn liền với thương hiệu của hai hãng xe này, và Lexus đang hi vọng lưới tản nhiệt mới của họ cũng sẽ làm được điều tương tự.
Nissan Leaf là một trong nhiều mẫu xe điện (EV) đã loại bỏ hoàn toàn lưới tản nhiệt truyền thống - Ảnh: Internet
Tóm lại, lưới tản nhiệt luôn là nơi mặc định để đặt logo một hãng xe, song ngày hôm nay người ta lại chứng kiến vấn đề mới: xe hơi chạy điện không có bộ phận tản nhiệt, vì thế không cần... lưới tản. Trái lại, việc có khoảng trống trước mũi xe có thể gây bất lợi về phương diện khí động học.
Chiếc Nissan Leaf là một ví dụ tiêu biểu: vị trí đặt lưới tản nhiệt truyền thống được thay bằng cổng sạc điện nằm khuất sau logo Nissan. Chiếc Honda Fit cũng thẳng tay loại bỏ lưới tản nhiệt màu đen dạng lưới khi chuyển sang phiên bản chạy điện EV, còn miếng "tản nhiệt" trên chiếc xe điện Chevrolet Volt chỉ đóng vai trò làm vật trang trí.
Công nghệ màn hình cảm ứng thống trị phần nội thất
Buồng lái của Tesla Model S trang bị màn hình cảm ứng 17-inch - Ảnh: Internet
"Trước hết bạn hãy đếm xem trong xe của mình có bao nhiêu nút, rồi nhìn vào số nút có trên chiếc tablet của bạn", Cadillac đã hỏi người xem trong tiết mục quảng cáo hệ thống giải trí kiêm thông tin (infotainment) Cadillac User Experience (CUE) của hãng.
Nếu công nghệ truyền động mới đang thay đổi hình dáng xe hơi, thì khả năng kết nối không dây đang thay đổi phần trang trí nội thất xe.
Màn hình trên bảng điều khiển xe hơi hiện đại chủ yếu để hiển thị bản đồ dẫn đường bằng GPS, một số màn có tính năng cảm ứng vừa đủ cho nhu cầu điều khiển dàn máy nghe nhạc và hiển thị thông tin thời tiết. Một tính năng khác làm thỏa mãn người yêu công nghệ là kết nối điện thoại với chiếc xe bằng sóng không dây, cho phép họ thực hiện cuộc gọi trong khi lái và phát nhạc từ bộ nhớ điện thoại.
Song đến tận bây giờ, chưa ai tìm ra cách thống nhất toàn bộ các yếu tố trên một cách đủ tinh tế. Nhà sản xuất nào cũng đang lựa chọn giải pháp kết hợp nút bấm vật lý cùng tính năng ra lệnh bằng giọng nói và màn hình cảm ứng. Tuy nhiên giải pháp này thường phức tạp hoặc vẫn còn tồn tại quá nhiều nút bấm.
Để giải quyết bài toán khó, Cadillac cho rằng tại sao không biến toàn bộ bảng điều khiển thành một máy tính bảng khổng lồ? Tuy nhiên, giới phân tích nhận xét đây lại thuộc trường hợp của cái gọi là "kiểu dáng đi trước công năng", vì để sử dụng một hệ thống cảm ứng thuần túy đòi hỏi người dùng phải mất nhiều thời gian để làm quen hơn so với hệ thống nút bấm vật lý truyền thống.
Giao diện CUE của Cadillac sử dụng màn hình cảm ứng - Ảnh: Internet
Bất chấp một số hạn chế, giới thiết kế xe hơi đang ngày càng tỏ tham vọng "lấy lòng" người mua xe đam mê công nghệ bằng cảm hứng lấy từ điện thoại thông minh và máy tính bảng, chẳng hạn nội thất của chiếc Tesla Model S chỉ có đúng một màn hình cảm ứng 17-inch và gần như không còn gì khác.
Khái niệm "kiểu dáng đi trước công năng" thường được dùng để chỉ phần ngoại thất một chiếc xe hơi, song lại đang ngày càng đúng với trường hợp của nội thất phương tiện. Một buồng lái trơn nhẵn, không có nút bấm như chiếc Tesla Model S có thể không thuận tiện lắm, song lại tạo nhiều cảm hứng mới mẻ nơi người mua.
Theo Tuổi Trẻ
Mazda CX-9 tại Việt Nam có gì mới? Phiên bản nâng cấp của mẫu SUV cỡ lớn của Mazda đã chính thức có mặt tại Việt Nam, với thiết kế ngoại thất thay đổi theo xu hướng chung của các dòng Mazda gần đây, nhưng trang bị động cơ không có gì thay đổi... Ngôn ngữ thiết kế Kodo đã thay thế trường phái Zoom-zoom trên chiếc CX-9 phiên bản mới,...