Bom rơi sát nhà, người Việt ở Ukraine di tản: Người mong về nước, người chờ tình hình
Nhiều người Việt bỏ lại của cải, nhà cửa suốt mấy chục năm bôn ba ở Ukraine để giữ tính mạng khi đất nước xảy ra xung đột.
Họ đi lánh nạn để tìm cho mình hướng đi mới, an toàn hơn dù chưa bao giờ nghĩ sẽ phải rơi vào tình cảnh này.
“ Về Việt Nam ở đó có con, có bố mẹ”
15 giờ chiều 8.3 (theo giờ Việt Nam), chị Nguyễn Thị Khánh (29 tuổi, ở TP Odessa, Ukraine) cùng chồng và em trai đang đợi tàu để di tản sang Ba Lan. Chị xuất phát từ chỗ ở để sang Ba Lan từ ngày 7.3 sau hơn một tuần tránh trú dưới tầng hầm mỗi khi có còi báo động.
“Giờ tôi đang đợi tàu để sang Ba Lan, nếu suôn sẻ tàu chạy khoảng 4 hoặc 5 tiếng là đến còn không cũng phải mất gần 10 tiếng, chắc phải ngày mai (9.3 – PV) mới đến nơi được. Bữa giờ cũng may vẫn còn người Việt ở đây và chỗ tôi ở tạm an toàn so với TP Kharkiv, thủ đô Kyiv.
Nhiều người cũng đã di tản nên chỉ có khoảng 300 người Việt ở lại Odessa tính đến thời điểm tôi chuẩn bị xuất phát đi di tản. Tôi ở đó thỉnh thoảng nghe tiếng còi báo động sẽ chạy xuống tầng hầm cùng mọi người nhưng suy đi tính lại không thể lâu bền được nên tìm cách sang Ba Lan để về nước hoặc sang nước khác”, chị Khánh nói.
Vợ chồng chị Khánh gửi con cho ông bà nội ở quê nhà Hà Nam, sang Ukraine làm công nhân may được 3 năm nay. Trước khi di tản, gia đình chị thuê nhà để ở nên giờ chị không có ý định quay lại Ukraine kể cả khi tình hình ổn định. Hiện tại, nếu sang được Ba Lan chị sẽ nhờ các hội nhóm, tình nguyện viên hỗ trợ chỗ ăn nghỉ để chờ vé máy bay về Việt Nam hoặc ở lại kiếm việc làm.
Video đang HOT
Dòng người đến TP Lviv (Ukraine) để đợi tàu sang Ba Lan. ẢNH NGUYỄN KHÁNH
“Trước khi đi hai vợ chồng cũng bàn nếu qua được Ba Lan, có công việc ổn sẽ ở lại làm hoặc sẽ chờ về Việt Nam chứ không quay lại Ukraine nữa. Theo tôi tìm hiểu, giờ chỉ có những người sinh ra và lớn lên ở Ukraine, khi yên ổn họ quay lại còn đa số sẽ sang Ba Lan, Đức hoặc các nước châu Âu khác xin việc làm. Tôi sang đây cố gắng làm kiếm ít tiền nhưng không nghĩ xảy ra xung đột đầu năm như vậy. Tôi vẫn có dự định về Việt Nam nhiều hơn, về với con, với bố mẹ, dù không giàu nhưng cũng không đến nỗi khó khăn, cực khổ khi xảy ra xung đột như hiện tại”, chị Khánh bày tỏ.
Bỏ lại tài sản tìm hướng đi mới
Sáng 25.2, chị Vũ Hải Yến (31 tuổi, ngụ thủ đô Kyiv, Ukraine) cùng 4 thành viên trong gia đình quyết định lái xe riêng sơ tán sang Ba Lan trong tình thế “bom rơi ngay bên cạnh”. Đối với chị Yến đây quả là một quyết định quá khó khăn nhưng vì sự an toàn, tất cả thành viên trong gia đình đều không thể làm khác.
Đêm ở biên giới, người Ukraine tiếp tế soup, sữa và trà nóng cho những người di tản trong tiết trời giá rét. ẢNH VŨ HẢI YẾN
Tròn 14 tuổi, chị đã theo chân mẹ sang Ukraine định cư. Gần 20 năm sinh sống tại nơi đây, Ukraine đã trở thành quê hương thứ hai, gắn bó và chứng kiến từng cột mốc quan trọng trong cuộc đời chị.
Theo lời chị, con người tại Ukraine sống rất nhân hậu. Trên đường đi di tản, những người dân Ukraine liên tục cho gia đình chị thức ăn và nước uống. Hầu như số đồ ăn dự phòng đem theo, chị Yến đều không cần dùng đến.
Cả nhà chị Yến chụp ảnh lưu niệm với gia đình chú Phan Thanh Xuân (cặp đôi bên phải ảnh) – những người hỗ trợ mình ở đất Ba Lan. ẢNH VŨ HẢI YẾN
Dòng người di tản đổ về biên giới mỗi lúc một đông nên chiếc xe của gia đình chị Yến cũng phải nhích từng chút một. 5 ngày cả gia đình ăn ngủ trên xe trong thời tiết lạnh lẽo, nước mắt chị cứ rơi mãi…
Ở Ukraine, chị làm nghề buôn bán quần áo. Tài sản gia đình ước tính trị giá khoảng 10 tỉ đồng gồm nhà và các cửa hàng. Trước khi cuộc xung đột xảy ra, chị Yến còn nhập về rất nhiều hàng hóa để bán với hi vọng kiếm được tiền lo cho gia đình.
Dòng xe xếp hàng dài ở biên giới để qua cửa khẩu Ba Lan. ẢNH VŨ HẢI YẾN
“Thành quả ấy là của bao nhiêu năm lao động, tôi cố gắng dành dụm mới có được. Bây giờ phải rời Ukraine với hai bàn tay trắng, tôi thật sự rất buồn. Tôi vừa khóc vì thương gia đình mình, vừa khóc vì nhìn cảnh những người chồng Ukraine chia tay vợ con ở biên giới để quay về bảo vệ đất nước”, chị Yến nghẹn ngào.
Đến ngày 2.3, cả nhà chị Yến đến Ba Lan và được gia đình của ông Phan Thanh Xuân hỗ trợ nhiệt tình. Gia đình ông Xuân đã đến tận cửa khẩu đón cả nhà chị Yến về và chuẩn bị sẵn một bữa cơm đầy ắp món Việt nóng hổi cho gia đình chị. Hai ngày sau đó, cả nhà chị đến Tây Đức và hiện ở trong một trại tị nạn.
Chị Yến chia sẻ: “Nếu cuộc xung đột kết thúc, gia đình tôi sẽ trở lại Ukraine còn nếu không chúng tôi quyết định ở lại Đức. Sắp tới, nếu nước Đức cho phép, tôi sẽ đi làm nail. Tôi không muốn lấy tiền trợ cấp xã hội để sinh sống, không muốn gia đình mình là gánh nặng cho nước Đức”.
287 người Việt Nam từ Ukraine đã về nước an toàn
Trưa qua 8.3, chuyến bay số hiệu VN88 của Vietnam Airlines đưa 287 công dân, trong đó có 14 trẻ em dưới 2 tuổi và một số công dân có bệnh nền từ Bucharest (Romania) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, đây là chuyến bay đầu tiên do Nhà nước tổ chức đưa bà con người Việt Nam ở Ukraine, sau khi di tản sang các nước láng giềng về nước an toàn. Bộ ngoại giao và các Đại sứ quán Việt Nam ở nhiều nước như Ba Lan, Hungary, Slovakia…. đang tích cực hỗ trợ đón bà con ở các biên giới, giúp đỡ bà con bước đầu trong việc di tản cũng như trở về Việt Nam theo nguyện vọng.
Hội nghị An ninh Munich: NATO đề nghị Nga tham gia đối thoại
Trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị An ninh Munich tại Đức, ngày 19/2, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết ông đã gửi thư cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề nghị tham gia đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng NATO-Nga nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột ở Ukraine.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, nhà lãnh đạo NATO thông báo bức thư đã được gửi tới Ngoại trưởng Lavrov, đồng thời đánh giá vẫn tồn tại nguy cơ nổ ra xung đột tại khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay tại châu Âu có thể định hình lại toàn bộ trật tự quốc tế và Nga đang tìm cách viết lại các quy tắc của trật tự quốc tế. Quan chức EU cũng cảnh báo về "các gói trừng phạt kinh tế và tài chính mạnh tay" đối với Moskva.
Trong một diễn biến liên quan, Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ra tuyên bố cho biết ngày 19/2, ông Zelenskiy sẽ tham dự Hội nghị An ninh Munich và sau đó trở về nước ngay trong ngày.
Những tuần gần đây, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận gần khu vực biên giới với Ukraine, song phía Moskva khẳng định các cuộc tập trận này đơn thuần chỉ mang tính phòng thủ và không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào. Bất chấp những tuyên bố của Nga về việc đang di chuyển lực lượng ra khỏi biên giới Ukraine, Mỹ và NATO cho rằng Moskva vẫn tăng cường bố trí quân và có khả năng triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Phương Tây cũng có những hoạt động điều chuyển binh sĩ và khí tài quân sự tại khu vực. Phía Moskva luôn bác bỏ các cáo buộc trên, đồng thời khẳng định đây là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ. Nga cũng cho rằng việc NATO tìm cách mở rộng về phía Đông, trong đó có việc kết nạp Ukraine cũng như đưa vũ khí vào lãnh thổ nước này, đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Moskva.
Tổng thống Nga, Pháp tiếp tục điện đàm trong ngày 20/2 Theo hãng tin TASS của Nga, ngày 19/2, Điện Kremlin xác nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron sẽ điện đàm trong ngày 20/2. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tình hình tại miền Đông Ukraine đang nóng lên. Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) tại cuộc...