‘Bom nổ chậm’ theo chân người hành hương
Sau lễ hội Eid al-Fitr, Indonesia có nguy cơ xảy ra các cụm siêu lây nhiễm và nếm trải thảm kịch Covid-19 giống Ấn Độ.
Mỗi năm, kể từ ngày 12/5 đến 13/5, hàng triệu người Indonesia di chuyển khắp đất nước để ăn mừng lễ Eid al-Fitr, còn gọi là “mudik”. Ngày lễ kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.
Người dân hành hương đôi khi đi qua các vùng dịch, tiếp xúc với bệnh nhân không triệu chứng, dễ khiến virus lây nhiễm toàn quốc. Các chuyên gia gọi đây là “quả bom nổ chậm” trong cuộc chiến chống Covid-19. Cuộc hành hương tôn giáo cũng là một trong những lý do Ấn Độ rơi vào thảm cảnh hiện nay.
Để tránh tình trạng siêu lây nhiễm, nhà chức trách Indonesia hạn chế di chuyển từ ngày 6/5 đến ngày 17/5. Song dữ liệu của chính phủ cho thấy ít nhất 1,5 triệu người đã rời khỏi nhà trước lệnh cấm.
Video đang HOT
Hôm 18/5, cảnh sát lập các trạm kiểm soát ô tô xung quanh Jakarta để xét nghiệm và cách ly các trường hợp dương tính. Người dân được yêu cầu khai báo lịch trình di chuyển, xuất trình chứng nhận y tế và làm xét nghiệm.
“Tôi không nghĩ những cuộc kiểm tra và lệnh hạn chế có thể kiểm soát tình trạng lây nhiễm”, Trisna Hudaya, 59 tuổi, một người hành hương trở về, cho biết.
Với hơn 1,7 triệu ca mắc và 48.000 trường hợp tử vong, Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất Đông Nam Á. Nước này không trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ như Ấn Độ, song giới chuyên gia lo ngại kịch bản tương tự có thể xảy ra.
Người Indonesia cầu nguyện tại Đại thánh đường Al Azhar trong lễ Eid al-Fitr, ngày 13/5. Ảnh: Reuters
Tỷ lệ xét nghiệm và truy vết thấp, tỷ lệ dương tính luôn trên 10% cho thấy số ca nhiễm đang ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát và Indonesia dường như không kiểm soát được tình hình.
Tiến sĩ Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ Đại học Griffith, Australia, cảnh báo về “quả bom nổ chậm” Covid-19, khi sự kiện siêu lây nhiễm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Đến giờ, Indonesia đã gặp may, nhưng vận may đó sẽ không kéo dài. Tôi tin rằng trong một đến ba tháng tới, tình hình sẽ rất nghiêm trọng”, ông nói.
Indonesia mới đây ghi nhận các ca nhiễm biến thể Ấn Độ, khả năng lây truyền cao hơn, có thể làm giảm hiệu quả của vaccine khiến giới chức lo ngại.
“Tôi hy vọng thảm kịch Ấn Độ sẽ không ập đến. Nhưng thành thực, nếu nghĩ nó không xảy ra sẽ là quá ngây thơ”, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 18/5.
Những ngày gần đây, mạng xã hội Indonesia lan truyền những bức ảnh so sánh đám đông ở bãi biển Jakarta với dòng người trong lễ hội tắm sông Hằng Kumbh Mela, nguyên nhân dẫn đến thảm kịch Ấn Độ. Sự kiện tạo ra cụm dịch siêu lây nhiễm. Sau vài tuần, nó đẩy số ca mắc mới theo ngày ở Uttarakhand tăng từ 30-60 (vào tháng 2) lên 2.000-2.500 (vào tháng 4).
Các chuyên gia thế giới từ lâu đã cảnh báo về hiểm hoạ từ các sự kiện tâm linh tổ chức bất chấp đại dịch. Bà Irma Hidayana, đồng sáng lập kho dữ liệu độc lập Lapor-Covid-19, chỉ trích những quy định lỏng lẻo trong thời gian diễn ra lễ Eid.
“Chúng tôi lo ngại số ca nhiễm sẽ tăng đáng kể, nhưng chưa có dữ liệu vì cuối tuần qua, hầu hết các phòng thí nghiệm đã đóng cửa hoặc bị hạn chế hoạt động”, bà nói.