Bolero nở rộ trên truyền hình: Thiếu đột phá
Ba năm qua game show Bolero nở rộ trên sóng truyền hình nhưng các tiết mục biểu diễn chỉ dừng lại ở mức giải trí, thiếu đột phá, sáng tạo.
Bolero ra đời ở miền Nam cách đây 50 năm, nhưng hiện tại dòng nhạc này vẫn đang làm mưa gió trong làng nhạc Việt. Không chỉ các ca sĩ đua nhau ra MV, album, show diễn nhạc Bolero, trên sóng truyền hình cũng ngập tràn các chương trình gắn với Bolero.
Game show Bolero phủ sóng đài truyền hình
Đài Vĩnh Long với lượng người xem chủ yếu là khán giả miền Tây được cho là địa hạt màu mỡ của Bolero. Có hàng loạt game show được phát sóng trên đài này như Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Tình Bolero hoan ca và Kịch cùng Bolero.
Quán quân Solo cùng Bolero – Lâm Ngọc Hoa và ca sĩ Quang Linh. Ảnh: BTC.
Một số game show khác tuy không lấy chữ Bolero nhưng thí sinh đa số lựa chọn dòng nhạc này để tranh tài như Hãy nghe tôi hát, Người hát tình ca…
Theo thông tin từ nhà sản xuất Khang Media, việc họ sản xuất nhiều chương trình liên quan đến dòng nhạc này vì nhận được sự đón nhận của khán giả. Lượng rating các chương trình gắn với nhạc Bolero luôn đạt số điểm cao.
Được coi là khởi đầu cho những chương trình Bolero trên sóng truyền hình, Solo cùng Bolero đến nay đã bước sang mùa thứ 4 nhưng độ hot dường như vẫn chưa giảm.
Trong vòng sơ tuyển vừa qua, riêng ở TP.HCM đã có hơn 15.000 người đến dự thi. Tiếp đó, vòng sơ tuyển từ Hà Nội đến Cần Thơ luôn đông nghẹt người tham gia. Điều này chứng tỏ sân chơi Bolero này thu hút khán giả yêu nhạc Bolero từ mọi nơi, mọi nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau.
Trên sóng đài quốc gia như VTV3 cũng không thể thiếu vắng Bolero. Thành công và tạo tiếng vang nhất phải kể tới Thần tượng Bolero. Chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài, nên thu hút nhờ kết cấu kịch tính, sự chặt chém giữa 4 huấn luyện viên. Khi đó, mỗi tuần, mỗi vòng với sự đi, ở của thí sinh luôn khiến khán giả quan tâm, bình luận.
Ngoài các cuộc thi Bolero thuần túy thì không ít thí sinh tại các chương trình khác cũng ưu tiên chọn dòng nhạc này để tranh tài.
Ngọc Sơn hát cùng học trò Phương Liên. Ảnh: BTC.
Phương Trinh Jolie chiến thắng tại Hãy nghe tôi hát nhờ hát Bolero. Cuộc thi Ai sẽ thành sao nhí dù không giới hạn dòng nhạc nhưng đa số thí sinh lựa chọn Bolero. Vì thế, trong buổi ra mắt chương trình, báo chí tỏ ra e ngại khi dàn giám khảo không ai chuyên hát Bolero như Thủy Tiên, nhóm MTV, Thanh Thảo thì họ sẽ thẩm định và chấm điểm thế nào.
Thiếu sáng tạo, đột phá
Video đang HOT
Theo dõi các cuộc thi Bolero trên truyền hình, khán giả đều nhận ra sự đầu tư hoành tráng về sân khấu, còn âm nhạc chưa có nhiều đổi mới. Thay đổi làm sao khi quanh quẩn chỉ có nhiêu đó bài hát lặp đi lặp lại. Danh ca Phương Dung từng tiếc nuối khi kho tàng Bolero có tới 8.000 bản nhưng hiện chỉ được cấp phép ở Việt Nam 200 ca khúc.
Về hòa âm, phối khí, tất nhiên ca sĩ, giám đốc âm nhạc của các chương trình đều khoác chiếc áo mới cho các ca khúc cũ. Tuy nhiên để sự phá cách, đủ ấn tượng, chinh phục khán giả như bản Thành phố buồn của Hoài Lâm và Hà Lê thì hầu như không có.
Nhạc sĩ Minh Vy – Giám đốc âm nhạc của Thần tượng âm nhạc từng khẳng định dù thay đổi nhưng vẫn trung thành với những giai điệu nhẹ nhàng, đi vào lòng người của Bolero. Anh không chấp nhận sự phá cách nào mất đi vẻ đặc trưng đó.
Thu Hằng vẫn được nhớ tới là học trò Đàm Vĩnh Hưng hơn là danh hiệu quán quân. Ảnh: BTC.
Giám đốc âm nhạc đã có quan điểm như thế thì thí sinh tất nhiên không thể đi ra ngoài ranh giới ấy. Quan điểm của nhạc sĩ Minh Vy cũng dễ hiểu vì khán giả vốn đã quen với giai điệu của Bolero 50 năm qua. Sự thay đổi, làm mới chắc chắn sẽ gây nên tranh cãi, ý kiến trái chiều. Đó là lựa chọn nguy hiểm đối với một chương trình thực tế.
Tuy nhiên sự an toàn lại dẫn tới có hàng chục cuộc thi, hàng trăm ngàn thí sinh hòa vào trong dòng chảy Bolero nhưng dấu ấn của họ đọng lại chưa nhiều.
Mặc dù Solo cùng Bolero thành công liên tiếp ba mùa nhưng quán quân của chương trình vẫn chưa kịp được khán giả nhớ tên. Thu Hằng vẫn được nhắc tới là học trò của Đàm Vĩnh Hưng, được anh ưu ái trong show diễn của mình hơn là danh hiệu quán quân Solo cùng Bolero.
Tố My là một trong những ca sĩ bước ra khỏi cuộc thi Solo cùng Bolero thành công khi có nhiều chương trình, show diễn trong và ngoài nước. Nhưng cô vẫn bị nhắc tới như một bản sao của Như Quỳnh với những so sánh về giọng hát, cách xử lý giống giọng ca hải ngoại.
Tố My xinh đẹp, giọng hát tốt nhưng vẫn bị so sánh với Như Quỳnh.
Như vậy hát Bolero thì không khó nhưng tạo được dấu ấn lại không dễ chút nào.
Theo VNE
Bolero Việt - thể loại nhạc gây những cuộc tranh cãi 'nảy lửa'
Ở Việt Nam, Bolero gây tranh cãi ngay từ việc định danh. Nhiều nghệ sĩ cho rằng nó là một dòng nhạc, số khác lại khẳng định đó chỉ là một điệu nhạc du nhập từ nước ngoài.
Sau phát ngôn thẳng thắn của Tùng Dương, Bolero một lần nữa lại là chủ đề làm dư luận "sục sôi" những ngày qua. Trước đó, nhạc sĩ Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Bảo Yến cũng từng gây tranh cãi khi có những góc nhìn riêng về các vấn đề liên quan thể loại nhạc trữ tình này.
Với số đông công chúng Việt, Bolero là một tên gọi quen thuộc dù không thuần Việt. Thế nhưng, không phải khán giả trẻ nào cũng biết Bolero từ đâu đến, từng "làm mưa làm gió" như thế nào tại miền Nam và vì sao lại bùng nổ trở lại trong những năm gần đây.
Đáng nói hơn, lý do nào Bolero lại có thể tạo nên những cuộc tranh cãi trái chiều?
Những năm gần đây, Chế Linh thường xuyên về nước biểu diễn. Ảnh: Quang Minh.
Bolero có phải là một dòng nhạc?
Bolero vốn chỉ là một điệu nhạc chậm rãi có nguồn gốc Mỹ Latin, du nhập vào Việt Nam từ đầu thập niên 1950 và nhanh chóng phổ biến trong các bài hát tại miền Nam Việt Nam. Hầu hết các ca khúc Bolero đậm chất dân ca, giai điệu đều, chậm, lời ca vần, dễ thuộc, chủ đề đơn giản, ít có tính hình tượng và mang tính triết lý.
Với những đặc trưng như vậy, Bolero được nhiều người xem là một dòng nhạc ở Việt Nam thay vì chỉ là một điệu nhạc, tiết tấu nhạc như xuất xứ của nó. Trước năm 1975, Bolero từng ở vào thời kỳ hoàng kim, được đông đảo khán giả miền Nam yêu thích.
Sau đó, Bolero bị hạn chế một thời gian dài trước khi bùng nổ trở lại vào những năm gần đây. Nhiều ca sĩ Bolero hải ngoại như Giao Linh, Phương Dung, Hương Lan, Chế Linh,... về nước biểu diễn. Bolero được hát ở những sân khấu lớn, thậm chí trên cả truyền hình.
Một loạt cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế về Bolero ra đời như Thần tượng Bolero, Song ca cùng Bolero, Tình Bolero, Kịch cùng Bolero,... Một số game show khác như Người hát tình ca, Tuyệt đỉnh song ca... nhạc Bolero cũng áp đảo. Đến cả cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội cũng chấp nhận Bolero.
"Người người nhà nhà" hát Bolero. Dòng nhạc này được cho là phát triển chưa từng thấy từ năm 1975 trở lại đây. Nhiều ca sĩ chuyên trị nhạc trẻ cũng chuyển sang hát Bolero và gây dựng được tên tuổi, ví dụ tiêu biểu nhất là Lệ Quyên. Còn số lượng giọng ca trẻ theo đuổi Bolero cũng như "nấm sau mưa", "nhiều không kể xiết".
Danh ca Bảo Yến cho rằng Bolero cũng có hạng, không phải nhạc sĩ nào cũng như nhạc sĩ nào.
Bolero cũng được phân hạng
Bảo Yến - một giọng ca Bolero thành danh - từng chia sẻ Zing.vn rằng Bolero cũng có hạng, không phải nhạc sĩ nào cũng như nhạc sĩ nào. "Có người đẳng cấp, có người bình thường, không thể đánh đồng được, giống như ca sĩ cũng có hạng A, hạng B, hạng C, hạng D", nữ danh ca nhấn mạnh.
Theo Bảo Yến, ở dòng nhạc Bolero, Trúc Phương, Lam Phương được xem là "vua Bolero", là hạng trên vì lời ca đầy chất văn. Muốn viết được những ca từ như thế phải sống qua đau khổ, dày dạn gió sương, phải chắt lọc để tinh tế.
Trong khi, các ca khúc của nhạc sĩ Vinh Sử ở hạng thấp hơn. "Nhạc của Vinh Sử với những lời như 'Ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay' thì sao có thể gọi là vua. Nhạc của Vinh Sử chỉ dành cho người bình dân, ít học", giọng ca Bolero nêu quan điểm.
Trong khi đó, nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long phân loại Bolero của Trúc Phương, Lam Phương là "văn minh": "Nếu phải dùng mấy từ ngắn nhất để phân biệt với các ca khúc khác cùng thuộc dòng Bolero thì có thể dùng hai chữ văn minh", nam nhạc sĩ nói.
Tuy vậy, theo nhà phê bình Nguyễn Quang Long bên cạnh những ca khúc được tạm dùng từ "văn minh" của Trúc Phương, Lam Phương, một phổ biến với Bolero là các bài mang tính dân dã. Thấy gì, nghe gì, thích gì, nghĩ gì viết nấy. Không nhất thiết phải tuân theo quy luật, khúc triết, ca từ mỹ miều, có chiều sâu. Các sáng tác của nhạc sĩ Vinh Sử thuộc loại này.
"Như vậy, xét về phương diện thẩm mỹ nghệ thuật, ít nhất Bolero được phân hai tầng, một tầng hàm chứa sự văn minh nhất định và một tầng hết sức dân dã. Tạm gọi là 'văn minh' và 'bình dân'".
Có điều từ khi Bolero được Việt hóa từ nguồn gốc điệu nhảy ngoại nhập thành một điệu nhạc được gọi theo tên gốc và tên Việt hóa, sau đó có thêm các điệu nhạc khác khiến Bolero mang dáng dấp là một dòng nhạc Việt, thì Bolero đã là đại diện nhạc đại chúng bình dân.
Bình dân có nghĩa phổ cập, ai, tầng lớp và học thức nào cũng có thể nghe được. Nên dù có văn minh thì cũng là 'văn minh' trong bình dân hay 'bình dân' trong bình dân", nam nhạc sĩ phân tích.
Tùng Dương là tâm điểm dư luận những ngày qua vì phát ngôn thẳng thắn về Bolero.
Những cuộc tranh cãi không hồi kết
Không chỉ tranh cãi về sự định danh, sự phân cấp chia hạng, Bolero từng nhiều lần trở thành đề tài gây bão mạng xã hội, khiến báo chí - truyền thông "tốn nhiều giấy mực".
Từ vấn đề giọng Bolero thuần, việc làm mới Bolero đến những quan điểm riêng về dòng nhạc này đều dễ dàng nhận những ý kiến trái chiều. Có người ví Bolero như "tổ kiến lửa" mà bất cứ ai động vào sẽ trở thành tâm điểm của dư luận và bị ném đá không thương tiếc.
Khi nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng "Việc bùng nổ đêm nhạc Bolero là trì trệ, đau khổ với người sáng tạo", có ý kiến phản hồi "Tôi thà làm kẻ lạc hậu bên Bolero còn hơn nghe nhạc dị hợm". Lê Minh Sơn chọn cách im lặng sau đó.
Trước Lê Minh Sơn, nhạc sĩ Quốc Trung cũng từng gây tranh cãi khi đặt câu hỏi: "Những thanh niên trí thức trẻ tuổi, sành điệu nhưng lại đắm đuối với nhạc sến liệu có gọi là bình thường?". Một nhận định đã bị phản ứng dữ dội...
Mới đây nhất, Tùng Dương nêu quan điểm "Già trẻ lớn bé đều đắm đuối với Bolero thì đúng là sự thụt lùi trong âm nhạc". Thực tế Tùng Dương không có ý bài bác Bolero, bản thân anh cũng cho rằng "Bolero là kỷ niệm, là dòng nhạc có sức sống bền bỉ, không ai được phép khinh bỏ".
Nam ca sĩ đặt câu hỏi: "Nếu tất cả ca sĩ nhạc nhẹ đều chuyển sang hát Bolero để đắt show, để dễ kiếm tiền thì âm nhạc sẽ như thế nào". Và một cơn bão chỉ trích bùng lên nhắm vào Tùng Dương.
Những cuộc tranh cãi về Bolero là không có hồi kết. Nhưng hẳn sự tôn trọng đối với những quan điểm cá nhân là điều cần thiết trong mọi cuộc tranh luận.
Theo Zing
Nhạc Bolero bùng nổ: 'Thực sự phù hợp thì hãy đụng vào' Thủy Tiên chuẩn bị làm album Bolero để "đổi gió". Trước đó, nhiều ngôi sao nhạc trẻ như Phương Thanh, Hồ Quỳnh Hương và cả nhạc đỏ như Anh Thơ cũng dấn thân vào dòng nhạc này. Ca sĩ chạy theo trào lưu vốn không phải là biểu hiện xa lạ trong làng nhạc Việt. Vào giữa thập niên 1990 của thế kỷ...