Bồi thường đất cho dân với giá rẻ mạt, huyện thua kiện
Ngày 24/9, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam mở phiên tòa sở thẩm xét xử vụ kiện dân sự giữa nguyên đơn là một công dân và bị đơn là UBND huyện Núi Thành, Quảng Nam, về việc huyện Núi Thành ra quyết định thu hồi đất và đền bù với giá rẻ mạt.
Phiên tòa xét xử vụ kiện giữa ông Đặng Quang Công và huyện Núi Thành ngày 24/9
Kết quả, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tuyên yêu cầu huyện Núi Thành hủy quyết định bồi thường.
Theo đơn khởi kiện của ông Đặng Quang Công (SN 1992, trú thôn Nam Định, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, Quảng Nam), là chủ sử dụng đất đối với thửa đất diện tích 250m2, loại đất ở nông thôn được UBND huyện Núi Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số BR 472553 ngày 9/5/2014.
Ngày 27/6/2017, UBND huyện Núi Thành ban hành Quyết định số 5784/QĐ-UBND về việc công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Anh 1 (giai đoạn 1) tại xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành.
Theo đó, công nhận thêm cho ông Công 20,5m2 loại đất cây lâu năm với lý do đo đạc trước đây thiếu chính xác, đồng thời thu hồi diện tích này cùng với diện tích được ghi trên giấy CNQSDĐ nêu trên.
Ngày 21/7/2017, ông Công nhận được giấy mời của Trung tâm bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc Ban Kinh tế mở Chu Lai mời ông đến nhận tiền bồi thường. Theo biên bản tính giá trị bồi thường hỗ trợ ghi ngày 17/7/2017 thì ông Công được bồi thường về đất với số tiền là 85.231.000 đồng. Ngoài ra, ông Công không nhận được các quyết định về thu hồi, bồi thường hỗ trợ.
Ngày 11/9/2018, ông Công đã gửi đơn kiến nghị đến UBND huyện Núi Thành yêu cầu giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 20/12/2018, UBND huyện Núi Thành đã có công văn số 1315/UBND-VP gửi Giám đốc trung tâm Bồi thường và giải phóng mặt bằng thuộc Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai để yêu cầu giải quyết kiến nghị của ông Đặng Quang Công.
Tuy nhiên, sau đó ông Công không nhận được một bất kỳ văn bản trả lời nào. Ông Công cũng không được giao Thông báo thu hồi đất/Quyết định thu hồi/Quyết định hỗ trợ bồi thường.
Video đang HOT
Ngày 5/4/2019, ông Công phải trực tiếp liên hệ và đến Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng thì cán bộ tại đây mới bàn giao cho ông Quyết định số 5784/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 về việc thu hồi đất và Quyết định 6050/QĐ-UBND ngày 4/7/2017 về việc bồi thường của UBND huyện Núi Thành.
Nhận thấy trình tự thủ tục về bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Anh 1 của UBND huyện Núi Thành là trái quy định của pháp luật; đồng thời việc bồi thường nêu trên là không chính xác, xâm phạm đến quyền và lợi ích của công dân trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư nên Đặng Quang Công khởi kiện UBND huyện Núi Thành tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Ông Công yêu cầu Tòa tuyên hủy Quyết định số 6050/QĐ-UBND ngày 4/7/2017 của UBND huyện Núi Thành về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp của ông. Buộc UBND huyện Núi Thành bồi thường cho ông Đặng Quang Công bằng đất ở theo hình thức giao đất ở tại khu tái định cư theo quy định pháp luật.
Tại phiên tòa diễn ra ngày 24/9, căn cứ khoản 1,2 Điều 3; khoản 3,4 Điều 32; khoản 1 Điều 115; khoản 3 Điều 116; Điều 158; điểm b, khoản 2 Điều 193 của Luật Tố tụng hành chính; điểm a khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai 2013; điểm a, khoản 1 Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014; Điều 32 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
Theo đó, Tòa tuyên hủy Quyết định số 6050/QĐ-UBND ngày 4/7/2017 của UBND huyện Núi Thành về việc bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Đặng Quang Công để thực hiện công trình đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Anh 1 (giai đoạn 1, đợt 4) tại xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành.
Ngoài ra, Tòa buộc UBND huyện Núi Thành ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho ông Đặng Quang Công theo đúng quy định của pháp luật khi thu hồi đất của ông.
Theo Dân trí
Công an vào cuộc điều tra vụ đền bù "nhầm" hàng tỷ đồng tại Đắk Nông
Công an huyện Krông Nô cho biết đang vào cuộc, thu thập thông tin để điều tra, làm rõ những sai phạm xảy ra trong quá trình lập danh sách, phê duyệt đền bù bổ sung tại công trình thủy lợi Đắk Rồ (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).
Một phần lòng hồ thủy lợi Đắk Rồ.
Công an chính thức vào cuộc
Ngày 23/9, trao đổi với PV Infonet, Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn -Trưởng Công an huyện Krông Nô (Đắk Nông) cho biết, đơn vị đang thu thập, xác minh thông tin về những sai phạm trong quá trình triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ bổ sung tại Công trình thủy lợi Đắk Rồ, xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông mà Infonet đã có loạt bài phản ánh trong thời gian qua.
Theo lãnh đạo Công an huyện Krông Nô, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm, đơn vị sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
Trước đó, Infonet đã đăng tải loạt bài điều tra, phản ánh về những sai phạm trong quá trình lập danh sách, phê duyệt đền bù bổ sung tại công trình thủy lợi Đắk Rồ năm 2017.
Cụ thể, năm 2017, lực lượng chức năng huyện Krông Nô đã phê duyệt danh sách 19 hộ nằm trong diện thu hồi đất, được chi trả đền bù bổ sung để thực hiện Dự án thủy lợi Đắk Rồ với số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Cũng trong năm đó, UBND huyện Krông Nô đã đồng ý cho Trung tâm phát triển quỹ đất ứng 3,3 tỷ đồng từ Kho bạc Nhà nước để cho các hộ dân được tạm ứng. Tuy nhiên, việc chi trả đền bù đã phải ngưng lại vì một số hộ dân tố cáo cán bộ bắt tay với người được nhận đền bù, kê khống diện tích của nhiều người trong số 19 hộ được phê duyệt.
Sau đó, UBND huyện Krông Nô đã thành lập tổ công tác, tiến hành đo đạc, thẩm định lại diện tích thu hồi thực tế. Đến tháng 6/2019, UBND huyện Krông Nô đã ban hành quyết định điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng tại công trình thủy lợi Đắk Rồ.
Cuối cùng, theo danh sách mới nhất (được thẩm định lại-PV) chỉ còn 6 hộ đủ điều kiện nhận đền bù (loại 13 hộ). Số tiền đền bù giảm xuống còn 2,4 tỷ đồng (trước điều chỉnh là hơn 8 tỷ đồng), chênh lệch gần 6 tỷ đồng; diện tích đất thu hồi còn 40.385m2 (trước điều chỉnh là 143.094m2), giảm hơn 100.000m2.
Trong số 6 hộ đủ điều kiện nhận đền bù, hộ ông Ngô Doãn Thông, Phó Chi cục thuế huyện Krông Nô đã kê khai sai gần 2ha đất, nhận "thừa" hơn 400 triệu đồng. Sau đó, ông Thông đã phải trả lại tiền nhận "thừa" cho Ban quản lý Dự án huyện Krông Nô.
Lỗi do dân!?
Liên quan đến loạt bài phản ánh những sai phạm trong quá trình triển khai bồi thường bổ sung tại Công trình thủy lợi Đắk Rồ mà Infonet đã phản ánh, Ban Quản lý Dự án (BQLDA) huyện Krông Nô cũng có Văn bản, trả lời một số nội dung liên quan đến các nội dung Infonet đưa tin.
Văn bản trả lời của BQLDA huyện Krông Nô tới Infonet.
Cụ thể, BQLDA huyện Krông Nô đã phát đi thông báo lần 3 tới các hộ đã nhận "nhầm" tiền tạm ứng đền bù để đòi lại. Đến nay, đã có 4 hộ trả lại tổng cộng hơn 760 triệu đồng tiền nhận "nhầm", nhận "thừa", còn 7 hộ chưa trả với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, 4/7 hộ chưa trả lại tiền cũng đang làm đơn kiện "ngược" các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Krông Nô ra TAND tỉnh Đắk Nông.
Cũng theo văn bản trả lời của BQLDA huyện Krông Nô, nguyên nhân dẫn đến sai sót là do: "Phần lớn các hộ dân đã kê khai không trung thực diện tích đất bị ngập úng, cố tình chỉ vào diện tích đất của người khác đang sử dụng để nhận là đất của mình khi có lực lượng chức năng đến làm việc. Công tác đo đạc, xác định diện tích đất bị thiệt hại của các hộ dân chưa chính xác do thời điểm đo đạc, công trình đã đi vào vận hành, bị ngập nước, nên không xác định được ranh giới cụ thể".
Trước những sai sót này, ngày 15/6/2019, UBND huyện Krông Nô đã yêu cầu Phòng Nội vụ tỉnh Đắk Nông chủ trì, phối hợp với Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất, UBND xã Đắk Đrô kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện đền bù bổ sung tại Công trình thủy lợi Đắk Rồ.
Luật sư nói gì?
Trao đổi quan điểm về vụ việc, Luật sư Dương Lê Sơn-Trưởng văn phòng Luật sư Lê Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho biết, dấu hiệu vi phạm hình sự thể hiện rất rõ trong hồ sơ vụ việc.
Tờ trình của UBND huyện Krông Nô về công tác đền bù bổ sung tại Công trình thủy lợi Đắk Rồ.
Cụ thể, có 13 hộ dân được UBND huyện Krông Nô phê duyệt không đúng thực tế để nhận tiền đền bù, 1 hộ nhận thừa tiền vì kê khai vượt nhiều lần so với diện tích thiệt hại. Số tiền phê duyệt "nhầm", "thừa" lên tới gần 6 tỷ đồng từ nguồn vốn của Nhà nước là nghiêm trọng. Vì vậy, Cơ quan công an cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ.
Cũng theo Luật sư Lê Sơn, các đối tượng liên quan có dấu hiệu của "Tội vi phạm quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất", theo quy định tại Điều 230, Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng cần xem xét đến tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với các cán bộ có liên quan đến việc thẩm định, ký phê duyệt dự án tại Điều 179 (BLHS).
"Đối với những người dân không có đất, không bị thiệt hại, đã được đền bù trước đó nhưng vẫn ký khống hồ sơ để nhận tiền có dấu hiệu đồng phạm, cần phải được điều tra, xử lý", Luật sư Lê Sơn cho biết thêm.
Trần Nhân-Hải Dương
Theo infonet
Cụ ông 90 tuổi được bồi thường gần 400 triệu đồng Sau hơn chín tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã bồi thường cho ông Lê Công Thành (90 tuổi) gần 400 triệu đồng. Đây là số tiền mà UBND quận Bình Thạnh cho Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận tạm ứng để chi trả cho ông...