Bối rối khi con gái tuổi teen lười học mê làm đỏm
Con gái tôi học lớp 10. Gần đây tôi thấy cháu đòi ăn diện, thích sơn móng tay, móng chân màu mè, còn dùng mỹ phẩm bôi môi, kẻ mắt.
Cháu lại lười học, hay nói dối. Mỗi khi tôi xem đồ đạc của cháu, cất các đồ mỹ phẩm không cho cháu dùng, bảo cháu học là cháu lớn tiếng cãi lại mẹ và giờ đây quan hệ mẹ con rất xa cách, nặng nề. Cháu không nghe lời tôi nữa, bố cháu thì mải bận công việc làm ăn, ít thời gian dành cho gia đình. Tôi lo lắm mà chưa biết làm gì. (Ngọc Thi)
Ảnh minh họa: Ruchimani.blogspot.com.
Trả lời
Tôi rất thông cảm với sự lo lắng của chị và nhiều ông bố bà mẹ có con ở độ tuổi này. Chị ạ, cháu đang học lớp 10, có nghĩa là đã 15-16 tuổi. Đây là lứa tuổi dậy thì, cháu chưa hẳn là người lớn nhưng cũng không còn trẻ con nữa. Cháu muốn khẳng định mình ở nhiều mặt và ý thức được hình thức của mình. Nhu cầu làm đẹp cho bản thân cũng là điều hết sức bình thường, vì thế chị nên bình tĩnh để có cách giúp con phát triển theo hướng tích cực.
Video đang HOT
Khi cơ thể phổng phao trước suy nghĩ thì cũng là lúc các cháu bối rối về dáng vóc, mặt mũi cũng như các bộ phận khác trên cơ thể của mình. Nhiều cháu tuy rất xinh gái đẹp trai nhưng vẫn cho mình là xấu do chưa thích nghi kịp với những thay đổi nhanh chóng của cơ thể. Thêm vào đó là những xao xuyến, rung động đầu đời do sự thay đổi sinh lý kéo theo biến đổi tâm lý. Ngoài việc nói với cháu về tâm sinh lý tuổi dậy thì, chị cũng có thể mua thêm sách báo liên quan cho con học để biết về cơ thể và giữ gìn bản thân như thế nào.
Hãy cố gắng trò chuyện, trao đổi với cháu như một người bạn để cháu có thể chia sẻ với mẹ những băn khoăn thắc mắc của mình, chứ không phải cha mẹ như bề trên khiến con sợ sệt và xa lánh. Chẳng hạn, khi nhìn thấy cháu đang sơn móng tay màu khác thường, chị có thể lại gần cùng ngắm với cháu, khen là màu này đẹp nếu như là màu của chiếc váy hay quần nhưng có vẻ như không hợp với móng tay. Hay khi cháu đòi mua quần áo khác thường, chị cũng có thể đứng ngắm với cháu, khen nó sẽ đẹp nếu như ca sĩ hay người mẫu mặc khi biểu diễn nhưng không đẹp với con gái vốn đã xinh đẹp một cách tự nhiên…
Chị ạ, tôi hiểu do lo lắng mà chị lục lọi đồ của cháu hay cấm đoán con nhưng những việc này lại chạm tự ái của cháu. Vậy thì có thể không cần làm thế nữa mà chị vẫn có thể hoàn toàn dạy dỗ được cháu. Quan trọng nhất giữa mẹ con là sự tin tưởng, tôn trọng, chia sẻ, trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng và sự gần gũi. Lúc chị là chỗ dựa tinh thần của cháu thì phần lớn những việc cháu làm chị đều có thể biết.
Hãy cho các cháu tự do trong khuôn khổ nhất định chị ạ, việc cấm đoán ngặt nghèo thường gây ra phản ứng ngược lại. Chúc chị thành công.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Trịnh Thu Hà
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm
Theo VNE
Giải quyết xung đột giữa mẹ và con gái
Quan hệ giữa mẹ và con gái là một mối quan hệ đặc biệt chứa đựng những điều tuyệt vời nhưng cũng vô cùng phức tạp. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta hiểu câu chuyện giữa hai người phụ nữ không phải lúc nào cũng êm ả. Thỉnh thoảng nó lại diễn ra theo chiều hướng 'bằng mặt nhưng không bằng lòng' hay quát mắng om xòm.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới việc xung đột giữa mẹ và con gái chính là việc các bà mẹ luôn muốn làm mọi việc để kiểm soát cuộc sống của con. Bất kể con gái đã bao nhiêu tuổi, cao lớn bằng ngần nào thì trong mắt mẹ, vẫn chỉ là một cô nhóc cần được bao bọc, chở che. Vì thế, các bà mẹ vẫn thường đặt cho con gái mình những câu hỏi kiểu như: Tại sao con không làm ở công ty A mà lại chuyển đến văn phòng B? Tiền lương tháng này con tiêu vào những việc gì? Có để dành được không?... Và đương nhiên, chuyện yêu ai, kết thân với ai của con gái càng khiến mẹ tốn nhiều công sức tìm hiểu hơn cả.
Sau hàng loạt câu hỏi đó, có thể cô con gái sẽ ngay lập tức bộc lộ thái độ giận dữ, cáu kỉnh hoặc im lặng "ngậm bồ hòn làm ngọt" để mọi chuyện qua đi. Nhưng mọi chuyện không nên kết thúc bằng cách đó. Lời khuyên cho các bà mẹ trong trường hợp này là hãy để cho con gái mình tự lập và trao quyền quyết định nhiều hơn cho chúng. Còn với những vấn đề phức tạp hơn, nếu không thể cùng con giải quyết thì hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ phía các thành viên khác trong gia đình.
Dưới đây là một vài nguyên tắc mà các chuyên gia khuyên mẹ và con gái nên làm để giải quyết xung đột:
Dành cho mẹ: Thừa nhận sự khác biệt và lắng nghe
Tại sao bạn không thử tập trung lắng nghe những điều con gái thổ lộ? Không bắt buộc bạn phải đồng ý hoàn toàn với những điều đó nhưng thái độ lắng nghe của bạn sẽ khiến con gái cảm thấy được tôn trọng và việc chia sẻ những điều thầm kín trở nên dễ dàng hơn.
Dành cho con gái: Khẳng định quan điểm bản thân
Dành thời gian để nghe và hiểu những điều mẹ nói, sau đó mới bộc lộ thái độ của mình. Trên thực tế, nhiều cô gái vốn quen được chiều chuộng đã không thể kiên nhẫn nghe mẹ giải thích hết ngọn ngành vấn đề mà đưa ngay ra ý kiến của mình. Điều này không những chẳng làm cho sự việc ra ngô ra khoai mà còn khiến mẹ tức giận. Các cô gái có thể bắt đầu bằng cách nói: "Cón có một quan điểm khác...". Với cách này, bạn vừa nhấn mạnh được quan điểm của mình lại không "đổ thêm dầu vào lửa".
Dành cho mẹ và con gái
Trong trường hợp xấu nhất, không người nào chịu thừa nhận quan điểm của người kia thì hãy tìm ra một đường hướng chung, phù hợp nhất với cả hai và hành động theo nó. Việc có cùng mục đích sẽ dẫn đến có chung giải pháp.
Theo VNE