Bơi qua sông cứu diều, 1 người chết
Sáng nay 24.3, cơ quan chức năng quận Gò Vấp (TP.HCM) đã bàn giao thi thể anh Lê Thế Hiệp (46 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho gia đình đem về nhà lo hậu sự.
Theo thông tin ban đầu, chiều 23.3, anh Hiệp cùng nhóm bạn ra cánh đồng trống ở khu phố 3, phường 13, quận Gò Vấp thả diều.
Khoảng 17 giờ 40, con diều của anh Hiệp bất ngờ bị đứt dây bay qua sông rớt xuống phía bờ quận 12 (TP.HCM). Để cứu lấy con diều, anh Hiệp nhảy xuống sông bơi sang bờ phía quận 12 lấy diều.
Rất đông người hiếu kỳ vây theo dõi vụ việc. Ảnh: Ngọc Thọ
Trên đường bơi qua sông mang con diều về, khi ra đến giữa dòng nước chảy xiết thì anh Hiệp bị đuối sức, chìm xuống sông. Lúc này, có hai người dân phát hiện liền bơi ra cứu nhưng bất thành.
Nhận được tin báo, lực lượng cứu nạn cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM đã có mặt tại hiện trường tìm kiếm. Đến 21 giờ cùng ngày thi thể anh Hiệp được tìm thấy và đưa lên bờ.
Ngọc Thọ
Video đang HOT
Theo Thanhnien
Ai bảo 'Người Việt xấu xí'?
Thời gian qua một số báo đăng nhiều tin, bài phản ánh và bình luận về những hành vi không đẹp của một bộ phận người dân Việt Nam ta khi ở trong nước và khi ra nước ngoài, những hành vi đó được gộp trong cụm từ "Người Việt xấu xí".
Minh họa: DAD
Tôi không bênh vực gì những hành vi "xấu xí" của một số người Việt, như chuyện ra nước ngoài vào siêu thị "cầm nhầm" hàng, đi ăn buffet lấy nhiều rồi ăn không hết, vào phòng vệ sinh không dội nước, vứt rác, khạc nhổ nơi công cộng..., đó đều là những hành vi đáng phê phán. Nhưng nếu nhất định phải gắn tên "người Việt" vào các hành vi xấu đó để gọi chung là "Người Việt xấu xí", thì còn phải nói cả đến những "Người Việt trộm cướp", trộm cướp to là các quan chức tham nhũng, là bọn cướp của giết người, trộm cướp nhỏ là bọn trộm gà trộm chó. So với toàn dân, bọn họ chỉ là bộ phận rất nhỏ, sao có thể đem bọn họ ra làm tiêu biểu cho dân tộc! Chúng ta không đem cái tên "người Việt" gắn vào hành vi trộm cướp, sao lại đem cái tên người Việt gắn vào những hành vi "xấu xí" khác?
Tôi không hơi đâu tranh cãi với các vị trí thức đầy mặc cảm nhược tiểu lúc nào cũng coi khinh tổ tiên nòi giống mình, tôi chỉ hy vọng đây chỉ là sự thiếu cẩn trọng của những người Việt đàng hoàng khi dùng từ ngữ. Nhưng những bạn đàng hoàng này cũng cần phải nhớ, khi xưa các "ông chủ" thực dân vẫn gọi người Việt chúng ta một cách miệt thị như vậy, và ngày nay, các dân tộc thiểu số ở các nước Âu - Mỹ vẫn đang bị phân biệt đối xử cũng từ cách gọi tương tự, trong khi hầu hết người dân của các dân tộc này chẳng làm điều gì xấu xa.
Dân tộc này đủ sức, đủ lực và đủ tầm cỡ để có qua có lại với người ngoài. Khi mở cửa cho tự do giao thương, mỗi người dân sẽ tự biết mình phải làm gì, mỗi người sẽ tự chọn cho mình những đối tác ngang sức.
Chỉ có Nhà nước mới phải đối mặt với thách thức. Bởi vì quan hệ tự do giữa người dân Việt Nam với người dân các nước không có chuyện "dân lớn" hay "dân nhỏ", nhưng quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước sẽ gặp chuyện "nước lớn nước nhỏ" ngay.
Còn nói về văn hóa thì vô cùng lắm. Năm 2005, cơn bão Katrina tàn phá thành phố New Orleans và một số nơi khác ở miền đông nam nước Mỹ. Thế giới đã kinh ngạc khi thấy tình trạng cướp bóc, hôi của diễn ra kinh hoàng không kém gì sự kinh hoàng của cơn bão đó. Thiên tai đã "lật trái" nền văn hóa và thách thức nền chính trị nước Mỹ. Đến năm 2011, động đất và sóng thần khủng khiếp diễn ra ở Nhật Bản. Thế giới cũng đã kinh ngạc khi không thấy tình trạng cướp bóc hôi của diễn ra ở nước này. Những lời ca ngợi người Nhật vang lên trên các phương tiện truyền thông phương Tây, rằng sự lịch thiệp của người Nhật đang tỏa sáng, rằng ấn tượng về sức mạnh văn hóa của Nhật Bản còn hơn cả ấn tượng về công nghệ của họ.
Hãy nhìn nước Việt và người Việt chúng ta. Nước ta thiên tai không phải lâu lâu mới có, mà bão lụt diễn ra thường xuyên như cơm bữa. Năm nào cũng có hàng ngàn hàng vạn người màn trời chiếu đất, đói khổ bệnh tật không bút mực nào tả xiết, nhưng dân ta lá lành đùm lá rách, và thương hơn thế nữa, lá rách đùm lá nát, chẳng bao giờ thấy ai cướp giật miếng ăn của ai.
Dẫn ra câu chuyện trên không phải tôi thắc mắc vì sao truyền thông thế giới không ca ngợi sự lịch thiệp của người Việt, không ca ngợi ấn tượng về sức mạnh văn hóa của người Việt. Người Việt chúng ta, cả dân tộc "tay phải làm điều thiện không cần cho tay trái biết", thì quan tâm gì đến ba cái chuyện ngợi ca với chẳng ngợi ca.
Lời kêu cứu trên mái nhà của một người dân ở New Orleans, Louisiana (Mỹ) trong cơn bão Katrina hồi tháng 9.2005 - Ảnh: Reuters
"Tự chỉ trích" là một chuyện, tự miệt thị là một chuyện khác. Một tác giả người Hoa từng viết cuốn "Người Trung Hoa xấu xí" và nghe đâu một tác giả người Nhật cũng viết cuốn "Người Nhật ghê tởm", những cuốn sách tương tự cũng có ở Mỹ, ở Pháp... Đó là chuyện của người Hoa, người Nhật, người Mỹ, người Pháp, họ "tự chỉ trích" nhưng không tự cho mình là nhược tiểu, không tự miệt thị dân tộc mình. Ở Việt Nam, giáo sư Trần Quốc Vượng cũng từng có ý định "rủ" một số tác giả viết một cuốn sách nói về "một số tật xấu" của người Việt nhưng ông không nói "Người Việt xấu xí" và phản đối cách nói như vậy. Theo ông, dân tộc nào cũng có mặt tốt và mặt khiếm khuyết, ý định của ông là tìm tòi phân tích cội nguồn phát sinh những khiếm khuyết của người Việt chúng ta để có cách khắc phục. Đó là ý định nghiêm túc, tiếc rằng giáo sư Trần Quốc Vượng không sống lâu để thực hiện. Nhưng ngay cả cách đặt vấn đề nghiêm túc của giáo sư Trần Quốc Vượng, một học giả mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, cũng có vấn đề - vấn đề về chính cái vấn đề nghiêm túc đó.
Tóm lại, khi nước ngoài gọi "Người Việt xấu xí" ta nghe sặc mùi thực dân, còn khi người Việt gọi "Người Việt xấu xí" ta lại nghe sặc mùi nô lệ.
Trước hết, tôi và bạn, chúng ta là ai mà có tư cách phán xét cả một cộng đồng dân tộc mà chúng ta là phần tử? Và phán xét theo chuẩn mực nào? Không có dân tộc hư hỏng, chỉ có các cá nhân hư hỏng, xét trên các chuẩn mực truyền thống, tập tục và luật pháp của mỗi dân tộc. Không thể nào tìm ra được bất cứ "cơ sở khoa học" nào để đề cao hay hạ thấp một dân tộc. Về mặt khoa học, chỉ có thể phán xét cái tốt cái xấu một chính quyền của một quốc gia nhưng phán xét cái tốt cái xấu của cộng đồng người dân sống trong quốc gia đó là điều bất khả. Việc đề cao/tự đề cao hay hạ thấp/tự hạ thấp một dân tộc chỉ là sự tùy tiện cảm tính và đều dẫn đến hoặc là chủ nghĩa sô-vanh (chauvinist) nước lớn hoặc là tâm lý nhược tiểu phụ thuộc. Tóm lại, khi nước ngoài gọi "Người Việt xấu xí" ta nghe sặc mùi thực dân, còn khi người Việt gọi "Người Việt xấu xí" ta lại nghe sặc mùi nô lệ.
Các nhà nghiên cứu phương Tây đang lần theo các yếu tố truyền thống lịch sử và giáo dục để "giải mã" sức mạnh văn hóa và tính cách người Nhật. Có quá nhiều sách vở viết về người Nhật cũng như có quá nhiều tranh cãi xung quanh người Nhật. Phương Tây cũng có nhiều sách vở nghiên cứu về Việt Nam, chủ yếu để "giải mã" sức mạnh của người Việt trong các cuộc chiến tranh giữ nước. Những nghiên cứu này cũng chỉ nêu lên một số khía cạnh và được dùng để luận giải những nhận định cảm tính có sẵn, cho nên không thể coi đó là những kết luận khoa học.
Chúng ta đang hội nhập vào thế giới. Đã hội nhập thì mỗi nước phải có cái gì đó của riêng mình để góp vào, chẳng lẽ lại vô duyên bước vào bàn tiệc dọn sẵn để người ta kê thêm ghế dọn thêm bát đĩa? Từ đó đặt ra vấn đề thách thức. Nhưng ai phải đối mặt với thách thức?
Dĩ nhiên dân tộc Việt Nam chẳng gặp thách thức nào cả, dân tộc này có những cái mà thế giới cần và cần những cái thế giới có mà mình không có. Dân tộc này đủ sức, đủ lực và đủ tầm cỡ để có qua có lại với người ngoài. Khi mở cửa cho tự do giao thương, mỗi người dân sẽ tự biết mình phải làm gì, mỗi người sẽ tự chọn cho mình những đối tác ngang sức. Chỉ có Nhà nước mới phải đối mặt với thách thức. Bởi vì quan hệ tự do giữa người dân Việt Nam với người dân các nước không có chuyện "dân lớn" hay "dân nhỏ", nhưng quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước sẽ gặp chuyện "nước lớn nước nhỏ" ngay.
Trong bối cảnh bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế hiện nay, vượt qua được thách thức "nước nhỏ nước lớn" hoàn toàn không dễ. Muốn vượt qua, chỉ còn cách là Nhà nước giảm sự can thiệp của mình vào các hoạt động làm ăn buôn bán của người dân, ở trong nước cũng như trong quan hệ với nước ngoài, giảm nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Khi quan hệ quốc tế chủ yếu trở thành quan hệ giữa người dân nước này với người dân nước khác, khi đó sự bất bình đẳng "nước lớn nước nhỏ" sẽ mất dần. Tất nhiên, Nhà nước phải tập trung giữ vai trò độc quyền trong quan hệ quốc tế về bảo đảm sự toàn vẹn của chủ quyền quốc gia, vị thế của đất nước và lợi ích chung của dân tộc.
Đã diễn ra tình trạng là trong các cuộc đàm phán quốc tế, nhất là khi đàm phán WTO, các nhà đàm phán của ta cứ kỳ kèo với Mỹ và các nước lớn khác công nhận nước ta là "nước đang phát triển trình độ thấp", phải hạ mình xuống "trình độ thấp" mới hài lòng, với mục đích để họ chấp nhận việc chúng ta duy trì việc "đóng cửa" một số lĩnh vực và kéo dài lộ trình mở cửa một số lĩnh vực khác. Để kéo dài việc bảo hộ đối một bộ phận doanh nghiệp, chứ không phải vì lợi ích của quảng đại dân chúng, mà phải hạ mình kỳ kèo như vậy thì không thể nói là làm đẹp cho quốc thể được. Nếu cứ lặp đi lặp lại tình trạng đó thì nước Việt ta không thể nào "lớn" lên được.
Theo Thanh Niên
Khác biệt lối sống Á - Âu ở phòng chờ sân bay Trong phòng chờ máy bay, hành khách Châu Á thì chúi mũi vào chiếc smartphone, iPad, còn người Châu Âu trò chuyện với nhau, qua ống kính của nhiếp ảnh gia Yuen Sin tại sân bay Bangkok, Thái Lan. Yuen Sin đăng bộ ảnh này trên báo Zhejiang Daily. Trong các bức ảnh, người Châu Á có xu hướng say sưa trên các...