Bôi kem trị bệnh ngoài da: Lợi bất cập hại?
Việc phụ thuộc vào thuốc trị bệnh da dạng bôi đã khiến một số bệnh nhân quyết định cai nghiện. Quá trình này nhiều đau đớn nhưng đã mang lại những kết quả bất ngờ. Trong khi đó, các chuyên gia cũng đưa ra quan điểm trái ngược nhau về giải pháp này.
Từ khi 2 tuổi, Laura Stageman đã phải dùng kem steroid (corticoid) để điều trị chứng bệnh eczema theo đúng đơn kê của bác sĩ.
Ban đầu, loại thuốc chống viêm này tỏ ra có hiệu quả bất cứ khi nào làn da trở nên đau rát, kích ứng. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, Laura ngày càng phải cần tới loại kem bôi mạnh hơn và cách đây khoảng 4 năm, thuốc đã không còn tác dụng với vùng da bị tổn thương.
Trong tuyệt vọng, Laura, 32 tuổi, một doanh nhân (ở Hove, Mỹ) đã tìm kiếm các giải pháp thay thế và phát hiện ra phương pháp cai nghiện steroid tại chỗ (TSW).
Theo đó, Laura đã quyết định ngừng sử dụng kem steroid từ tháng 8/2014. Trong vòng 1 tuần sau đó, da cô đỏ rực, viêm loét. Mỗi sáng, cô thức dậy với làn da bong chóc, chảy mủ. Trong 2 tháng tiếp theo, Laura chỉ nằm trên giường, người quấn đầy băng gạc.
Trong quá trình “lột da” này, cô đã phải chịu đau đớn và mất ngủ đúng 1 tháng và rồi nhập viện trong tình trạng da phù thũng. Các bác sĩ đề nghị cô bôi kem steroid nhưng cô đã từ chối.
5 tháng sau, da của Laura đã có sự thay đổi đáng kể. “Thật bất ngờ là tôi có một làn da mới”, Laura nói.
3 năm sau khi ngừng dùng kem có steroid, làn da của Laura đã “sạch” cơ bản.
“Hầu hết các bác sĩ đã không nhận thấy vấn đề này. Tôi lo ngại nhiều người đã không được cảnh báo về những tác dụng phụ lâu dài khi sử dụng loại thuốc này”, Laura bày tỏ.
Vòng luẩn quẩn?
Trong khi đó, nhiều chuyên gia tin rằng việc bị nghiện kem steroid và khi ngừng sử dụng, sự kích ứng sẽ càng nặng nề hơn.
Video đang HOT
Theo lý thuyết, tình trạng da đau, ngứa, đỏ do bệnh eczema – 1 dạng bệnh tự miễn khiến da trở nên khô và dễ bị tổn thương như nứt, viêm, ngứa – sẽ kết thúc khi sử dụng kem có steroid.
Lần đầu tiên được mô tả vào năm 1979 trên tạp chí Da liễu Quốc tế, về lý thuyết, theo thời gian da sẽ bị “nghiện” steroid và khi ngừng sử dụng, tình trạng bệnh sẽ càng nặng hơn.
Theo một số chuyên gia, cách duy nhất bẻ gãy vòng luẩn quẩn này là ngừng sử dụng kem có steroid hoàn toàn.
TS Marvin Rapaport, chuyên gia da liễu ở California, người đã đặt tên cho căn bệnh “hội chứng da cháy đỏ” năm 2003 trên tạp chí Clinical Dermatology, cho biết ông đã hỗ trợ cho 4.000 bệnh nhân eczema ngừng sử dụng kem bôi steroid.
Theo Marvin, kem bôi steroid trị bệnh eczema bằng cách ngăn các tế bào da sản xuất ra các chất gây kích ứng với cơ chế thu co các mạch máu nuôi dưỡng vùng da đó.
Và việc dùng kem steroid, đặc biệt với liều cao trong nhiều năm có thể gây teo các mạch máu nuôi da và khiến da luôn kích ứng.
“Biểu hiện này đã khiến nhiều người nhầm lẫn là tình trạng bệnh chàm bội nhiễm bùng phát trở lại trong khi đây là vấn đề của mạch máu. Đó là nhu cầu da cần có steroid với biểu hiện đỏ và kích ứng”, TS Marvin nói.
Một bài báo trên Drug, Health and Patient Safety năm 2014 của các chuyên da da liễu Nhật Bản cho thấy ước tính cứ 8 người lớn có 1 người bị eczema và có thể cai nghiện được.
TS. Adam Friedmann, chuyên gia da liễu của TT Da liễu Harley Street cho biết ông hoài nghi về việc cai nghiện steroid tại chỗ nhưng quan điểm này đang bị thách thức khi 2 bệnh nhân của ông đã “cai” được và có làn da hoàn toàn mới.
“Các tác dụng phụ họ trải qua rất khủng khiếp vì vậy việc ngừng cho bệnh nhân sử dụng steroid là một vấn đề đạo đức”, Adam cảnh báo.
Các loại kem kháng viêm steroid là thuốc trị bệnh chủ yếu cho 6 triệu bệnh nhân mắc chàm bội nhiễm tại Anh. Một số loại có thể mua không cần đơn kê bác sĩ như HC45 Hydrocortisone Cream nhưng đa phần phải có đơn kê do liều steroid cao hơn. Chúng chỉ được dùng khi chàm bội nhiễm xuất hiện và không được khuyến cáo dùng hằng ngày.
TS. Rapaport thừa nhận, không phải tất cả các bệnh nhân eczema sẽ cai nghiện được steroid nhưng ông cũng cho rằng sự gia tăng của chàm bội nhiễm ở người trưởng thành là do kem steroid.
“Bệnh chàm bội nhiễm ít gặp ở người lớn những năm 50 của thế kỷ trước nhưng nó gia tăng khi steroid bắt đầu được kê đơn”, TS Rapaport nói.
Chứng bệnh này chưa được Hiệp hội Da liễu Anh (BAD) hay Hiệp hội Eczema quốc gia công nhận và cả 2 tổ chức này đều tuyên bố, nếu sử dụng kem steroid đúng cách sẽ cho hiệu quả cao.
Theo TS. Anton Alexandroff, phát ngôn viên của BAD, vấn đề không phải là da nghiện steroid mà bệnh này thường sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
“Các bệnh nhân của tôi ngừng dùng kem steroid lâu dài không làm cho tình trạng bệnh được cải thiện hơn”, chuyên gia da liễu Anton, nói.
Tại Việt Nam, theo TS.BS Lê Tuấn, thuốc bôi có corticoid cũng là đơn kê đầu tay cho bệnh nhân eczema, vảy nến… của các bác sĩ da liễu. Bởi các bệnh ngoài da khi bôi thuốc này đều sẽ đỡ ngay triệu chứng.
Nhân Hà
Theo Dân trí
Cần thay đổi cách tuyển sinh sư phạm
Cần thay đổi cách đánh giá thí sinh sư phạm như cho viết bài luận, phỏng vấn trực tiếp, nêu rõ lý do theo ngành sư phạm, đam mê tới mức độ nào...
Chỉ trong 1 tháng, liên tiếp nhiều vụ bạo hành về thể chất lẫn tinh thần của giáo viên đối với học sinh đã xảy ra. Trong khi đó, nhiều công văn khẩn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xử lý nghiêm mâu thuẫn thầy trò, phụ huynh - giáo viên khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên hiện nay.
Đã đến mức báo động
Nhận xét về những vụ bạo hành thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng loạt vụ thầy cô trách phạt quá tay hoặc ứng xử với học trò phản sư phạm thời gian qua như: Bắt trẻ uống nước vắt từ giẻ lau bảng, không giảng bài cho học trò nhiều tháng liền... là những hành động bạo hành khiến xã hội không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, PGS-TS Trương Văn Vỹ , giảng viên Xã hội học tội phạm - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, lưu ý không nên nhìn nhận đó là vấn đề điển hình của nền giáo dục. "Tôi không cho rằng điều này nằm ở vấn đề nhân lực của ngành sư phạm vì ngành nào cũng có vấn đề nhân lực. Đây thuộc về bản chất đạo đức của một vài cá nhân là thầy cô. Không thể lấy vài trường hợp này mà vẽ thành bức tranh của nền giáo dục. Vẫn còn rất nhiều thầy cô thương yêu học trò" - ông nói.
Tân sinh viên nhập học Trường ĐH Sư phạm TP HCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Còn TS Nguyễn Đức Danh, Trưởng Khoa Khoa học Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng hiện tượng này cho thấy không hẳn chứng minh quan hệ thầy - trò xuống cấp báo động mà có thể đâu đó, các thầy cô có những ứng xử chưa phù hợp trong các tình huống cụ thể với học sinh, chưa thật sự tôn trọng các em và dẫn đến các phản ứng bốc đồng, mất kiểm soát của các em. Từ đó, dư luận xã hội về sự việc tăng lên, cho rằng quan hệ thầy - trò xuống dốc đến mức báo động.
Không chỉ tuyển bằng điểm số
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm tổ chức cuộc thi năng lực cho thí sinh thi vào các trường sư phạm. Qua quá trình đào tạo sư phạm ở các trường, ông nhận thấy một bất cập là các trường sư phạm hiện nay đều tuyển bằng điểm theo khối mà không biết các em có đam mê hay không.
"Tình thương người, thương trẻ rất quan trọng, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học. Nếu khi vào trường, các em có tố chất này, mình đỡ phải lo lắng khâu đào tạo về sau" - ông khẳng định. Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nếu bản thân con người không ác độc, yêu thương đồng loại thì sẽ biết cách xử lý, kìm nén không để xảy ra các sự cố như thời gian vừa qua.
"Phải thay đổi cách đánh giá bằng việc ngoài bài thi từ các môn cơ bản, cần cho thí sinh viết bài luận, phỏng vấn trực tiếp, nêu rõ lý do mình theo ngành sư phạm, đam mê tới mức độ nào" - ông Dũng kiến nghị.
Còn PGS-TS Trương Văn Vỹ cũng thừa nhận đầu vào sư phạm quá thấp, tuyển sinh tràn lan trong những năm gần đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng trên. "Cần có những người ưu tú để đào tạo con người" - ông nói. Chuyên gia này đồng tình với việc đánh giá năng lực cá nhân thí sinh thi vào trường sư phạm, đồng thời tăng cường tính thực hành các môn đạo đức, tâm lý sư phạm trong nhà trường.
TS Nguyễn Đức Danh cho rằng chúng ta chưa có các chương trình bổ sung để sàng lọc, tuyển chọn thí sinh thi vào sư phạm như các nước phát triển, phương án xét tuyển vào các ngành sư phạm chỉ chủ yếu dựa trên kết quả học tập ở bậc THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết hợp cả hai như cách tuyển sinh của các trường ĐH khác.
"Ở những nước phát triển, các trường/khoa sư phạm đều yêu cầu thí sinh nộp kèm "xác nhận đáp ứng điều kiện làm việc với trẻ em" khi nhận vào học hoặc phải có xác nhận này trước khi xếp giáo sinh tham gia các hoạt động với học sinh như đi thực tế, thực tập tại trường phổ thông" - ông Danh thông tin.
Không phù hợp thì chuyển ngành sớm
Một nữ giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho biết trước đây, giao tiếp ứng xử sư phạm chỉ đưa vào như một chuyên đề. Từ năm 2016, giao tiếp ứng xử sư phạm trở thành môn học bắt buộc trong trường ĐH đối với sinh viên sư phạm. Theo giảng viên này, ở các nước tiên tiến, trước khi vào sư phạm, người ta có bài đánh giá năng lực đầu vào xem bạn có phù hợp với nghề giáo hay không. Điều này không có nghĩa người không phù hợp sẽ bị từ chối ngay. Trong 1-2 năm đào tạo tiếp theo, trường sẽ tiếp tục cho sinh viên làm bài kiểm tra năng lực, nếu nhiều lần vẫn không phù hợp thì có thể bị chuyển sang ngành khác.
Lê Thoa
Theo Người Lao Động
13 kỹ năng tự vệ giúp bạn thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc Không có gì quan trọng hơn tính mạng con người, vì thế các chị em hãy luôn năm vững 13 kỹ năng tự vệ cho từng tình huống, vị trí tấn công khi gặp nguy hiểm nhé. Sẽ không bao giờ là thừa nếu chúng ta thuộc nằm lòng những kỹ năng tự vệ cho bản thân bởi nguy hiểm có thể ập...