Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý: Điểm mới cần lưu ý
Bộ trưởng GD&ĐT vừa mới ban hành Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT về Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên.
Những thay đổi cụ thể của quy định này là gì? Địa phương cần lưu ý gì khi thực hiện?…
Công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh: NT
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) – trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại về những vấn đề trên.
Nhiều điểm mới
- Ông có thể nói rõ điểm mới trong quy định vừa ban hành về bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý?
- Những điểm mới của Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên (Thông tư 19) liên quan đến đối tượng bồi dưỡng thường xuyên (BDTX); thời lượng bồi dưỡng; việc cấp chứng chỉ; biên soạn và thẩm định tài liệu bồi dưỡng; bổ sung cơ chế phối hợp giữa sở GD&ĐT, phòng GD&DT với cơ sở thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên…
Về đối tượng BDTX: Bổ sung thêm đối tượng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Thông tư số 26 chỉ áp dụng đối với đối tượng giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông tư số 19 bao quát cả đối tượng cán bộ quản lý và giáo viên.
Về thời lượng bồi dưỡng: Thời lượng của chương trình BDTX giáo viên, cán bộ quản lý đã được thay đổi phù hợp với quy định của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Video đang HOT
Quy định trong Thông tư 19 cũng thay việc cấp giấy chứng nhận bằng cấp chứng chỉ hoàn thành kế hoạch BDTX (theo Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư số 01/2018/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức).
Đồng thời, bổ sung cơ chế phối hợp giữa sở GD&ĐT, phòng GD&DT với cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX trong việc thực hiện BDTX, như khảo sát nhu cầu, xây dựng và thẩm định tài liệu, tổ chức BDTX và đánh giá kết quả BDTX. Mục đích tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX nhằm đảm bảo chất lượng của công tác BDTX.
Điểm mới nữa là việc biên soạn tài liệu và thẩm định tài liệu giao cho cơ sở bồi dưỡng thực hiện nhiệm vụ BDTX. Việc lựa chọn cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX được giao cho sở GD&ĐT – cơ quan quản lý giáo dục địa phương, nhằm đảm bảo lựa chọn cơ sở bồi dưỡng đủ năng lực, để nâng cao chất lượng của công tác BDTX. Về báo cáo viên BDTX: Bổ sung thêm đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán.
Ông Phạm Tuấn Anh
Những lưu ý khi triển khai quy định mới
- Ông có lưu ý gì đối với các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện quy định mới về BDTX với giáo viên, cán bộ quản lý?
- Khi triển khai thực hiện quy chế mới, các sở GD&ĐT cần lưu ý:
Thứ nhất, về việc xây dựng kế hoạch: Căn cứ Quy chế và thực tiễn địa phương xây dựng và ban hành công văn hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch BDTX kịp thời, theo đúng quy định.
Thứ 2, việc biên soạn tài liệu: Cần phối hợp chặt chẽ với cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX để đảm bảo việc biên soạn tài liệu theo đúng quy định của Quy chế BDTX và Chương trình BDTX giáo viên, cán bộ quản lý.
Thứ 3, việc lựa chọn cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX: Căn cứ vào năng lực, tiêu chuẩn được quy định tại Điều 10 của Quy chế này để soi chiếu, trong đó có yêu cầu mới bổ sung so với quy định cũ: “Có cơ sở vật chất thiết bị, kỹ thuật, cơ sở thực hành đáp ứng được công tác bồi dưỡng, trong đó đảm bảo có hệ thống thông tin tích hợp để định kỳ thu thập và xử lý dữ liệu về báo cáo viên, giáo viên và cán bộ quản lý; có hệ thống ghi nhận và xử lý phản hồi từ các bên có liên quan về các tiến bộ trong bồi dưỡng nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; hệ thống phần cứng và phần mềm công nghệ được duy trì thường xuyên và luôn sẵn sàng để báo cáo viên và giáo viên, cán bộ quản lý có thể sử dụng hiệu quả”. Và chỉ ký hợp đồng hoặc giao nhiệm vụ cho những cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX đáp ứng được yêu cầu để việc BDTX đạt hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu.
Thứ 4, việc cấp chứng chỉ BDTX: Cần truyền thông để giáo viên, cán bộ quản lý hiểu đây là nội dung theo quy định của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và chứng chỉ có giá trị cao hơn giấy chứng nhận.
Thứ 5, về loại hình BDTX: Lựa chọn loại hình tổ chức BDTX giáo viên, cán bộ quản lý phù hợp với thực tiễn của địa phương; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong BDTX.
Thứ 6, về cơ chế phối hợp trong công tác BDTX: Thông tư số 19 đã quy định cơ chế phối hợp. Do vậy, cần thực hiện nghiêm túc cơ chế phối hợp với cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX trong việc khảo sát, tổ chức, biên soạn và thẩm định tài liệu, đánh giá BDTX.
Thứ 7, về đánh giá công tác BDTX: Cần đảm bảo chất lượng và theo đúng quy định của Quy chế BDTX.
Ngoài ra, địa phương cũng cần thực hiện chế độ báo cáo, chế độ chính sách đối với giáo viên theo quy định của Thông tư 19.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Nhung
Theo GDTĐ
Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông
Đây là mục tiêu của dự thảo Nghị quyết về thí điểm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập giai đoạn 2020-2025 đang được Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng để trình Chính phủ ban hành.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập giai đoạn 2020-2025.
Chủ trì cuộc họp thảo luận về dự thảo Nghị quyết với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và đại diện một số trường mầm non, phổ thông công lập đang thực hiện tự chủ đạt hiệu quả, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trong khi chưa thực hiện đại trà trong cả nước, cần thí điểm phân cấp, phân quyền đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có điều kiện. Đây không phải vì mục tiêu giảm áp lực ngân sách hay giảm biên chế giáo viên mà để khơi dậy được năng lực của các nhà trường, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Trao đổi về thực tiễn triển khai chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, đại diện các cơ sở giáo dục đều khẳng định, việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền đã mang lại thay đổi có tính chất bước ngoặt cho các nhà trường. Khi mục tiêu cao nhất của nhà trường là thu hút được người học thì theo đó, cơ sở vật chất được đầu tư, chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng cao, chất lượng giáo dục được đẩy mạnh, phụ huynh học sinh tin tưởng lựa chọn cho con em theo học.
Cũng từ thực tiễn thực hiện tăng cường phân cấp, phân quyền, các cơ sở giáo dục cho rằng, việc có một văn bản tầm Chính phủ với những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế là cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay mà mỗi nhà trường khi mạnh dạn tự chủ đang gặp phải như liên kết, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, cơ chế tài chính, cơ chế tuyển dụng, sử dụng đội ngũ... Tuy nhiên, theo đại diện một số cơ sở giáo dục, chủ trương này khi ban hành cần phải tính toán đến lộ trình, thời gian và số lượng cơ sở giáo dục thực hiện nhằm đảm bảo tính hiệu quả khi triển khai trong thực tế.
Triển khai Luật Giáo dục 2019, các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng Nghị quyết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập giai đoạn 2020-2025.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết này. Dự thảo Nghị quyết sẽ được xây dựng dựa trên những luận cứ khoa học, kết quả đánh giá thực tiễn, có sự tham gia góp ý của các cơ sở giáo dục công lập đã thành công với mô hình tự chủ và xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng xác định "Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng".
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng xác định "Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ Đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.", "Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Theo GDTĐ
Cần khảo sát mức độ lãng phí trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề cả nước Hà Giang họ cần dạy nghề, nhưng Vĩnh Phúc lại cần giáo dục thường xuyên, vậy nên phải có đặc thù riêng. Đã làm Chính sách thì phải thật chuẩn, không thể ồ ạt. Đến dự buổi Tọa đàm "Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề", do Báo điện tử...