Bồi đắp đảo nhân tạo có thể dẫn đến xung đột trên Biển Đông
Trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông.
Trên đây là ý kiến được các học giả, chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh trong ngày làm việc thứ hai (18/11) của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” diễn ra tại Đà Nẵng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trong ngày làm việc thứ hai cũng là ngày làm việc cuối cùng của hội thảo, các chuyên gia, học giả đã tập trung thảo luận về vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế; các yêu sách tại Biển Đông và tranh chấp biển; quy chế lãnh thổ, vùng biển và vùng trời trong quy định của luật pháp quốc tế.
Tại hội thảo, các học giả đặc biệt nhấn mạnh rằng trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi “nguyên trạng” tại Biển Đông.
Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, với triển vọng biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để khẳng định yêu sách của mình, không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.
Một số ý kiến của các học giả tại hội thảo cho rằng với tầm quan trọng chiến lược, Biển Đông đã trở thành không gian cạnh tranh chiến lược gián tiếp giữa các cường quốc; làm phức tạp các nỗ lực đàm phán tìm ra giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông.
Video đang HOT
Bức tranh địa chính trị châu Á trở nên phức tạp thêm với sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực ngày càng trở nên gay gắt, làm vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp và khó giải quyết.
Tuy nhiên, một số học giả cho rằng tình hình phức tạp ở Biển Đông cũng mở ra các cơ hội để các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN trong và ngoài khu vực đóng vai trò tích cực hơn trong hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Biển Đông.
Điển hình như Liên minh châu Âu, một đối tác ASEAN có nhiều lợi ích chiến lược tại Biển Đông và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc phòng chống, quản lý xung đột, sáng lập và thực hiện các quy tắc luật quốc tế, có thể chia sẻ các kinh nghiệm của mình, giúp các nước trong khu vực Biển Đông quản lý và giải quyết tranh chấp tại khu vực.
Nhiều học giả đã nêu đề xuất giảm thiểu căng thẳng bằng cách thành lập những cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển mới và khuyến khích tất cả các bên liên quan có thái độ hợp tác linh hoạt, tìm những cách áp dụng và giải thích luật pháp quốc tế phù hợp, được công nhận rộng rãi để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.
Phát biểu tại phiên bế mạc hội thảo vào chiều 18/11, Đại sứ Đặng Đình Quý – Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nêu lại một số chủ đề lớn và mới nổi lên trong quá trình thảo luận mà ý kiến còn khác nhau như: Hiểu rõ hơn và minh bạch hóa môi trường chiến lược ở Biển Đông; Hiện trạng và cách giữ nguyên trạng Biển Đông; Hiểu rõ và thống nhất “luật chơi” chung ở Biển Đông
Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ kỳ vọng: “Tại Hội thảo, vấn đề Biển Đông đã được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau như địa chính trị, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế. Nhiều đóng góp tâm huyết, rất có giá trị từ các học giả trong và ngoài khu vực đã được đưa ra, tất cả với chung một mục đích giúp tăng cường hiểu biết, lòng tin và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Biển Đông.
Chúng tôi tin tưởng rằng, các khuyến nghị và ý kiến đóng góp tâm huyết đó sẽ được chuyển tới các bên hữu quan, các cơ quan chức năng qua các kênh và con đường khác nhau, để biến các mong muốn và ý nguyện chung của chúng ta thành hiện thực”.
Khánh Hiền
Theo Dantri
Gần 200 học giả quốc tế thảo luận về diễn biến ở biển Đông
Trong hai ngày hội thảo, gần 200 học giả trong và ngoài nước sẽ trao đổi, phân tích về những diễn biến gần đây, lợi ích và chính sách của các bên liên quan và "hiến kế" gìn giữ hoà bình, ổn định ở biển Đông.
Sáng 17/11, hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 6 với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông đã khai mạc tại Đà Nẵng.
8 vấn đề lớn sẽ được các học giả đến từ Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc... trao đổi. Trong đó, trọng tâm là các phiên bàn về nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề biển Đông; tình hình chung ở biển Đông và chính sách của các bên liên quan; quan hệ quốc tế và trật tự ở biển Đông; Luật biển quốc tế...
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nói, những năm qua các học giả quốc tế cũng như trong nước đã nghiên cứu, kiến nghị nhiều chính sách giúp người dân hiểu rõ bản chất của tranh chấp, những đúng sai trong các diễn biến trên biển Đông.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 6. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhận định năm 2014 có lẽ là một trong những năm tình hình biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua. "Tình hình càng phức tạp thì càng gia tăng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế", ông nói.
Ông Quý mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo tiếp tục phát huy tinh thần "thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị" để trao đổi sâu về những diễn biến gần đây; về lợi ích và chính sách của các bên liên quan và đưa ra kiến nghị mới nhằm đóng góp thiết thực hơn vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông.
Ông Myint Thu, Phó vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar - nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, cho rằng chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Khu vực" là rất kịp thời và phù hợp vì duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở biển Đông là mối quan tâm của tất cả cả thế giới.
"Trong năm chủ tịch của Myanmar, vấn đề biển Đông luôn là một ưu tiên cao của ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc sáu điểm của ASEAN trong vấn đề biển Đông", ông Myint Thu nói.
Ông cũng nhắc lại yêu cầu của các ngoại trưởng ASEAN về việc các bên liên quan cần kiềm chế, không đe dọa và sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp và đẩy nhanh đàm phán để hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông COC. Tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 vừa qua đã tiếp tục khẳng định mong muốn trên của ASEAN.
Hội thảo sẽ diễn ra trong trong hai ngày 17 và 18/11.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Trung Quốc không có khả năng thống trị châu Á, vẫn muốn bành trướng Còn lâu Trung Quốc mới có thể đưa ra được các giá trị văn hóa và chính trị mà được cộng đồng quốc tế chào đón. Lính Trung Quốc trong đội danh dự quân đội căng dây cho thẳng hàng để đón Thủ tướng Đức Merkel bên ngoài Đại lễ đường Nhân Dân. he Straits Times ngày 9/7 đăng bài phân tích của...