Bội chi ngân sách thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao
Ngày 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011. Theo tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 với tổng số thu cân đối là 962.982 tỷ đồng. Tổng số chi là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012).
Theo đó, bội chi ngân sách Nhà nước 2011 là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.772 tỷ đồng), thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao (5,3%).
Theo Kiểm toán Nhà nước, trong khi một số dự án được cấp bảo lãnh nộp phí bảo lãnh chậm, chưa đầy đủ, một số dự án khả năng hoàn trả vốn vay kém vẫn được cấp bảo lãnh nên dẫn đến việc ứng trả nợ thay cho các dự án được cấp bảo lãnh tiếp tục có xu hướng gia tăng… Nhìn nhận về cơ cấu thu – chi – nợ, với số thu tăng đến 21,3%; vượt 126.804 tỷ đồng và số chi cũng tăng tới 8,5%; vượt 61.954 tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn, đáng lẽ nợ phải giảm chứ không phải tăng và việc tăng thu tới 21,3% mà vẫn tăng nợ là không hợp lý, cần được xem xét để rút kinh nghiệm.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Theo ANTD
Bộ Tài nguyên Môi trường cũng vi phạm sử dụng đất
Kiểm toán Nhà nước nêu tên 8 bộ, ngành vi phạm trong việc sử dụng đất như lấn chiếm, cho thuê trái phép, sử dụng không đúng mục đích, để hoang hóa... trong phiên họp của UB Thường vụ QH sáng nay. Bộ Tài Nguyên - Môi trường cũng bị nhắc tên.
Kiểm toán về việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản, Kiểm toán Nhà nước báo cáo UB Thường vụ QH việc một số đơn vị tại một số bộ, ngành, địa phương được kiểm toán về quản lý tài sản thiếu chặt chẽ, còn để xảy ra các sai phạm.
Cụ thể, nhiều đơn vị, địa phương khác bị "điểm danh" trong những vi phạm về việc mua sắm tài sản công như mua sắm không đúng quy định của luật đấu thầu, sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, chưa xử lý kịp thời tài sản khi kết thúc dự án như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nội vụ, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, tỉnh Phú Yên...
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, có 8 bộ ngành có vi phạm trong việc sử dụng nhà đất không đúng mục đích, cho thuê trái phép, cho mượn sai quy định, bị lấn chiếm, tranh chấp hoặc để hoang hóa. Danh sách các bộ ngành này có cả Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Y tế, Nội vụ, NN&PTNT, LĐ-TB&XH, Văn phòng Chính phủ... cũng "dính" tên trong danh sách này.
Tình hình cũng thể hiện trong các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý sử dụng đất gắn với phát triển nhà và đô thị. Kiểm toán nhà nước đánh giá, cơ bản các địa phương đã tuân thủ quy định về quản lý sử dụng đất đai song còn khá nhiều tồn tại. Hầu hết các địa phương được kiểm toán đều có việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm, không phù hợp. Công tác giao đất, cho thuê đất còn sai thẩm quyền, không tuân thủ quy định, chưa đủ điều kiện. Giao đất không qua đấu giá đối với đất đủ điều kiện đấu giá. Nhiều cá nhân, hộ gia đình vi phạm nhưng chưa được kiểm tra, xử lý...
Về việc thực hiện cải cách tiền lương, có 18/28 địa phương chưa trích đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định (tổng cộng hơn 4.100 tỷ đồng). Trong đó, Hà Nội đứng đầu danh sách với gần 2.500 tỷ đồng, Quảng Ninh hơn 1.100 tỷ đồng...
Theo Dantri
'Dự án bô xít vừa làm vừa nghiên cứu điều chỉnh' Cho rằng Bô xít Tây Nguyên là dự án mang tính thử nghiệm, đại diện Chính phủ cho rằng trong quá trình thực hiện sẽ có xem xét, điều chỉnh. Theo đó, việc dừng đầu tư cảng Kê Gà ở giai đoạn hiện nay là hợp lý. Quyết định dừng đầu tư cảng Kê Gà cũng như tính hiệu quả của dự án...