Bối cảnh phim Việt ngày càng lãng mạn và đẹp mắt
Không chỉ được trau chuốt về nội dung, nhiều phim Việt gần đây còn được đầu tư kĩ lưỡng về khâu hình ảnh, bối cảnh, trang phục…
Có thể nói, mấy năm gần đây đặc biệt là năm 2015, ghi nhận nhiều sản phẩm điện ảnh Việt Nam khá chất lượng, được lòng người hâm mộ. Một trong những yếu tố tạo nên thành công của những tác phẩm ấy chính là bối cảnh của phim được đầu tư kỹ lưỡng và có sự hấp dẫn về phần nhìn. Hãy cùng điểm qua một vài phim Việt sở hữu bối cảnh nên thơ đến say lòng người.
Chuyện của Pao (2006)
Không chỉ là một tác phẩm chất lượng của điện ảnh Việt Nam, Chuyện của Pao còn là bước đệm nâng tầm tên tuổi diễn viên Đỗ Hải Yến và đạo diễn Ngô Quang Hải, giúp họ tạo dựng ảnh hưởng trong nghề và ghi điểm trong lòng người hâm mộ.
Chuyện của Pao được dựng lên dựa theo truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thuỷ. Phim là câu chuyện về gia đình một người H’Mong trên miền thượng du Việt Bắc với những bí mật ẩn giấu của mỗi thành viên và được kể lại qua cô con gái Pao. Có thể nói đây là một tác phẩm đẹp từ cấu tứ, ý nghĩa cho đến diễn xuất, đặc biệt là phần nhìn vô cùng đẹp mắt.
Bối cảnh phim thu hình vùng đất đẹp Hà Giang – địa đầu Tổ quốc. Ít ai biết những khuôn hình đẹp như mơ của phim được quay tại làng văn hóa Lũng Cẩm – nơi sở hữu những thung lũng thơ mộng, những ngôi nhà cầu thang gỗ, tường trình bằng đất, bờ rào đá đặc trưng vùng núi phía Bắc, nơi có những vựa hoa cải vàng tươi bạt ngàn…
Nụ hônthần chết (2008)
Đây là một sản phẩm điện ảnh ăn khách của màn ảnh rộng Việt Nam với doanh thu hàng tỷ đồng, đã đưa tên tuổi siêu mẫu Thanh Hằng và diễn viên Johnny Trí Nguyễn đến gần hơn với khán giả. Cũng nhờ tác phẩm này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trở thành một trong những nhà làm phim ăn khách nhất Việt Nam vào mỗi mùa phim Tết về.
Nụ hôn thần chết sở hữu câu chuyện tình cảm động, khá hấp dẫn cộng với bối cảnh lãng mạn đã thu hút khán giả. Xem phim, bạn sẽ có dịp “ du lịch” qua những miền đất xinh đẹp của Đà Lạt và Sài Gòn như: nhà thờ lung linh ánh nến, cánh đồng cỏ ngợp hoa và bướm lượn…
Cánh đồng bất tận (2010)
Cánh đồng bất tận dựa theo nguyên tác văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Câu chuyện bi kịch của tác phẩm đã được biết trước, do đó khán giả chỉ chờ đợi các nghệ sĩ làm phim sẽ biến truyện ngắn vốn rất nổi tiếng thành phim như thế nào? Không làm người hâm mộ thất vọng, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và cộng sự của anh đã có một tác phẩm tốt, chỉn chu và có chiều sâu.
Video đang HOT
Bối cảnh của phim rất đẹp, được ghi hình tại vùng sông nước 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ là Long An, Đồng Tháp và Cần Thơ. Gần như xuyên suốt phim, khán giả được chiêm ngưỡng những góc quay đẹp đến bất ngờ, nao nao lòng người… Những nét đẹp đặc trưng của vùng sông nước như những bờ kênh, rạch mênh mông nước, những vựa lúa trải dài đến bất tận, những đàn vịt ráo rác tìm thức ăn…được đạo diễn tô vẽ ghi hình sinh động tạo dấu ấn đối với mỗi người xem.
Và anh sẽ trở lại (2013)
Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn sinh năm 1987 Đinh Tuấn Vũ. Phim khởi quay khá âm thầm và khi ra rạp không đạt được thành công như mong đợi. Bỏ qua yếu tố thất bại về doanh thu, có thể nói đây là một sản phẩm ổn khi đáp ứng được phần nhìn khá đẹp với câu chuyện tình yêu trai tây – gái bản.
Phim kể về hành trình đi tìm một cô gái người Mông của chàngtrai Tây, với mục đích gửi đi món quà và lời nhắn gửi yêu thương từ một người bạn thân hiện không thể trở lại Việt Nam. Tại đây, anh đã gặp cô gái trẻ tên Mai và dần nảy sinh tình cảm…
Phim lấy bối cảnh vùng núi Tây Bắc thời hiện đại, với những cảnh quay đẹp nao lòng người. Tất cả những cảnh vật hoang sơ xuất hiện trên phim đều đọng lại cho người xem sự ham muốn muốn khám phá, muốn được đến đó chiêm ngưỡng. Những con suối trong lành chảy qua các làng bản của người H’Mông, các con đường ngợp bóng cây, ngôi nhà gỗ bập bùng ánh lửa hồng, những vạt hoa cỏ dại… đã mang đến cho tác phẩm những thước phim có tông màu trong trẻo làm “mát mắt” người xem.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015)
Năm 2015 vừa qua, khán giả điện ảnh cả nước bị thu hút bởi bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Phim tạo ra một làn sóng hâm mộ rộng khắp, rầm rộ trên cả các trang mạng xã hội lẫn đời thực, đồng thời đạt doanh thu 78 tỷ đồng (kinh phí bỏ ra là 20 tỷ đồng).
Ngoài cốt truyện, diễn xuất, công tác biên kịch, đạo diễn… được đánh giá cao, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh còn cuốn hút người xem bởi bối cảnh đẹp lung linh mê hồn. Câu chuyện phim diễn ra vào những năm 80 của thế kỷ trước, giai đoạn đất nước còn trong chế độ bao cấp. Tìm kiếm lại cảnh vật của hơn 30 năm trước thật không dễ dàng, song đạo diễn Victor Vũcùng ê-kíp vẫn tạo dựng thành công. Phim được ghi hình chủ yếu tại tỉnh Phú Yên với nhiều cảnh sắc đẹp mắt.
Thưởng thức tác phẩm, người xem như lạc vào những miền quê cổ tích với bạt ngàn cây xanh, những cơn mưa trút nước nặng hạt, những mái nhà ngói, con vật… đã đi vào ký ức tuổi thơ bao người. Khi tới rạp xem Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đã có nhiều khán giả rơm rớm nước mắt, có người thổn thức và bật khóc khi bất chợt gặp lại hình ảnh chính mình của ngày xưa.
Cuộc đời của Yến (2015)
Ra rạp sau bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vài tháng, Cuộc đời của Yến cũng ghi dấu bởi bối cảnh đẹp đẽ, đáp ứng được phần nhìn ngay cả với khán giả khó tính.
Bộ phim là câu chuyện của Yến – một cô bé nông thôn xinh xắn phải về nhà chồng khi mới mười tuổi. Kể từ đó, cuộc đời Yến gắn liền với những thăng trầm, biến cố của gia đình nhà chồng, với Hạnh – người chồng kém cô một tuổi.
Phim lấy bối cảnh làng quê Bắc Bộ những năm giữa thế kỉ trước, do đó thật khó cho ê-kip khi tìm kiếm và phục dựng.Tuy nhiên, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cùng cộng sự của mình đã thành công khi tạo nên những bối cảnh chân thật với khung cảnh, đạo cụ, phục trang… đều phù hợp với không gian, hoàn cảnh thời bấy giờ. Vì vậy, khán giả dễ dàng dung nhập vào không gian làng quê Bắc Bộ năm xưa, nơi còn tồn tại nạn tảo hôn và nhiều hủ tục.
Cuộc đời của Yến là một trong số ít những tác phẩm điện ảnh Việt Nam “làm ăn đứng đắn”, không nhảm nhí, nhưng thật tiếc khi khán giả nội địa ít đón nhận. Nó là tác phẩm khá hoàn thiện, dung dị, bình yên và đầy tình người.
Theo Minh Lê / Trí Thức Trẻ
'Cuộc đời của Yến' - Sự hoài cổ đáng trân trọng
Tác phẩm điện ảnh thắng giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam 2015 đánh dấu sự trở lại của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ. Phim lấy lòng người xem nhờ câu chuyện cảm động và đầy hoài niệm.
Cuộc đời của Yến giống như cuốn hồi ký sống động về người phụ nữ Việt Nam năm xưa, khi lấy bối cảnh trải dài từ trước cho tới sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Phim mở đầu khi Yến bị sắp đặt lấy chồng lúc chỉ mới 10 tuổi, qua đó gián tiếp nói lên vấn nạn tảo hôn trong quá khứ.
Cuộc đời của Yến kể lại những gian truân của nhân vật chính tên Yến trong cuộc sống khó khăn và mối hôn nhân sắp đặt từ thuở nhỏ với "ông giáo" Hạnh.
Thế rồi, cuộc đời thăng trầm của cô Yến cùng mối quan hệ hôn nhân với "ông giáo" Hạnh cứ thế tiếp diễn, trải qua nhiều quãng thời gian lịch sử dân tộc. Biến cố xảy đến khi Hạnh bị vu oan giá họa ở hợp tác xã, khiến anh bỏ đi làm kinh tế mới. Bốn mẹ con Yến ở nhà ngày đêm ngóng trông trụ cột gia đình trở về, trong khi tin đồn "ông giáo" có vợ lẽ nơi phương xa cứ ngày một lan rộng.
Với Cuộc đời của Yến, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ thành công tái dựng bối cảnh lịch sử Việt Nam qua nhiều giai đoạn. Từng đạo cụ, khung cảnh, phục trang được nhà làm phim sinh năm 1987 cùng các cộng sự chuẩn bị công phu, tỉ mỉ. Nhờ đó, khán giả như được dung nhập vào không gian làng quê Bắc Bộ năm xưa, nơi còn đó nhiều hủ tục hay giá trị truyền thống chưa tàn phai. Những câu chuyện tưởng chừng chỉ còn trên sách vở nay được Đinh Tuấn Vũ kể lại trên màn ảnh đầy mộc mạc, chân chất và đẹp đẽ.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ thành công tái dựng hình ảnh miền Bắc Bộ Việt Nam qua nhiều thời kỳ khác nhau với câu chuyện đời cô Yến.
Cũng bởi Đinh Tuấn Vũ là con trai Cục trưởng Cục Điện ảnh, giải thưởngNữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 2015 của Thúy Hằng từng bị nhiều người đặt dấu hỏi, nhất là do khi ấy, Cuộc đời của Yến chưa được trình chiếu rộng rãi.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách công bằng, ngoại trừ phần đài từ còn thiếu sống động, Thúy Hằng đã thành công thể hiện vai diễn Yến lúc trưởng thành. Chị có đôi mắt như biết nói, biểu cảm tinh tế, không bị quá đà hoặc cứng nhắc, thể hiện thành công hình ảnh người phụ nữ tuy không biết chữ nhưng luôn luôn chịu thương, chịu khó, đảm đang và sẵn sàng nhẫn nhục vì chồng con. Đây có thể là mô-típ nhân vật cũ kỹ, nhưng nếu đặt vào bối cảnh thời gian câu chuyện lại là điều hoàn toàn hợp lý.
Ban giám khảo LHP Việt Nam 2015 có lý khi trao giải cho Thúy Hằng. Chị thành công thuyết phục người xem về tính cách và tâm lý của nhân vật Yến thời trưởng thành.
Từ cách Yến nghe lời chồng đến khi cô nghe tin đồn "ông giáo" Hạnh có vợ lẽ, hay tận mắt chứng kiến cuộc sống mới của chồng, nhân vật đều hành xử đoan trang. Cái tài của Thúy Hằng là thuyết phục được người xem đặt mình vào hoàn cảnh và tính cách của Yến, để họ chấp nhận cái cách mà nhân vật xử lý tình huống đầy nhân văn. Thêm một lần nữa, phải khẳng định rằng cách sống của Yến hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ người phụ nữ còn phải gánh chịu nhiều khó khăn và bất công thời bấy giờ.
Một điểm cộng khác của Cuộc đời của Yến đến từ phần nhạc phim da diết, thấm đẫm cảm xúc do Lê Cát Trọng Lý thực hiện. Đó là giai điệu của hai ca khúc Đi qua bóng đêm và Tám chữ có. Cứ mỗi lần ngân lên, chúng như tôn thêm nỗi đau mà các nhân vật phải trải qua trong câu chuyện.
Tuy nhiên, cũng giống như Và anh sẽ trở lại - bộ phim trước của Đinh Tuấn Vũ, Cuộc đời của Yến còn mắc phải khuyết điểm chuyển cảnh chưa hợp lý và thiếu nhuần nhuyễn. Mạch phim ở đoạn giữa bỗng đột ngột tập trung hoàn toàn cho "ông giáo" Hạnh, khiến người xem cảm thấy có phần mất phương hướng về câu chuyện.
Diễn xuất và thời lượng dành cho các giai đoạn tuổi chưa thực sự cân bằng, khiến phân đoạn thời thiếu niên yếu hơn hẳn so với hai giai đoạn còn lại. Cách giải quyết khúc mắc mà Đinh Tuấn Vũ lựa chọn cũng hơi đơn giản và diễn ra chóng vánh, khiến cuộc ngoại tình giữa "ông giáo" Hạnh và nhân vật Lanh không có được sức nặng để đối trọng với những gì cô Yến phải trải qua.
Trailer bộ phim 'Cuộc đời của Yến'
Tại Liên hoan phim Việt Nam 2015, ngoài giải thưởng Bông sen Bạc, tác phẩm còn giành chiến thắng ở các hạng mục vốn là điểm mạnh của phim, như Nữ diễn viên chính, Âm nhạc, Quay phim và Thiết kế sản xuất.Chặng đường làm phim điện ảnh của Đinh Tuấn Vũ hẳn còn rất dài, và một tác phẩm đậm nét hoài cổ như Cuộc đời của Yến chính là bước tiến quan trọng đối với cá nhân anh.
Cuộc đời của Yến hiện được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Zing.vn đánh giá: 3/5
Theo Zing
Cuộc Đời Của Yến - Chuyện khó nói được kể rất dịu dàng "Cuộc Đời Của Yến" là một bộ phim có đề tài hay nhưng khó: tảo hôn và số phận người phụ nữ nông thôn; được truyền tải khá dễ chịu. Giành 5 giải thưởng danh giá ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 19 - năm 2015 với chủ đề "Điện ảnh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo và...