‘Bohemian Rhapsody’ ra rạp Trung Quốc sau khi loại hết cảnh đồng tính?
Sau khi giành chiến thắng tại Oscar, “ Bohemian Rhapsody” nhận tấm giấy thông hành tới các rạp tại Trung Quốc. Song, bản phim nhiều khả năng không còn nguyên vẹn.
Trailer bộ phim ‘Bohemian Rhapsody: Huyền thoại ngôi sao nhạc rock’ Tác phẩm tiểu sử về Freddie Mercury – giọng ca huyền thoại của nhóm nhạc rock Queen – dưới sự thể hiện của Rami Malek.
Giành đến 4 tượng vàng Oscar từ 5 đề cử có được hồi đầu tuần, bộ phim tiểu sử về Freddie Mercury (Rami Malek) và nhóm nhạc Queen chuẩn bị ra rạp tại Trung Quốc.
Đơn vị phát hành Bohemian Rhapsody tại quốc gia tỷ dân mới đưa ra thông báo và gây ra nhiều ngạc nhiên bởi đây là thị trường vốn không cởi mở với các tác phẩm liên quan tới cộng đồng LGBTQ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, hoán tính, dị tính).
Theo Douban – trang dữ liệu điện ảnh lớn của Trung Quốc, Bohemian Rhapsody dự kiến ra rạp tại Trung Quốc dưới diện hạn chế từ 22/3. Nếu như phim đông khách, đơn vị phát hành sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trình chiếu cho tác phẩm.
Những cảnh quay thế này nhiều khả năng không còn hiện diện trong bản phim chiếu tạp tại Trung Quốc của Bohemian Rhapsody. Ảnh: Fox.
Một người dùng Weibo lập tức trích dẫn câu hát nổi tiếng trong ca khúc Bohemian Rhapsody của Queen rằng: “Liệu đây có phải là sự thật? Hay chỉ là ảo tưởng?” (Is this the real life? Is this just fantasy), để bình luận về sự kiện.
Tuy nhiên, số đông nhận định rằng hãng Fox sẽ buộc phải lược bỏ toàn bộ những cảnh miêu tả đời sống đồng tính của Freddie Mercury trong phim nếu muốn tác phẩm ra rạp. “Liệu bản phim có thể trọn vẹn không? Làm ơn đừng cắt gì cả, dù chúng tôi hiểu khả năng này là rất lớn”, một người dùng Weibo khác bình luận.
Việc Bohemian Rhapsody được trình chiếu tại Trung Quốc còn gây ngạc nhiên bởi mới hồi đầu tuần, nhà đài Trung Quốc buộc phải chỉnh sửa bài phát biểu khi giành tượng vàng Oscar hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc của Rami Malek với chính bộ phim.
Anh nói: “Chúng tôi đã thực hiện tác phẩm về một người đàn ông đồng tính, một người nhập cư. Ông ấy đã sống trọn cuộc đời mình. Và việc hôm nay tôi có cơ hội đứng đây cho thấy công chúng luôn trông đợi những tác phẩm như vậy”.
Đài Trung Quốc chỉnh sửa bài phát biểu của Rami Malek khi giành tượng vàng Oscar bởi tài tử nhắc đến người đồng tính. Ảnh: Weibo.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, khán giả bức xúc khi Mango TV – một kênh nổi tiếng của Trung Quốc – đã chạy dòng phụ đề thay thế chữ “người đàn ông đồng tính” thành “người đặc biệt”.
Cũng mới năm 2018, chính Mango TV bị chỉ trích khi họ loại bỏ một phần trình diễn trong cuộc thi Eurovision. Đó màn dự thi của đại diện đến từ Ireland, khi một nhóm vũ công nam nắm lấy tay nhau và phất lá cờ cầu vồng biểu tượng của cộng đồng LGBTQ.
Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc không có điều luật rõ ràng dành cho các nội dung văn hóa liên quan đến cộng đồng LGBTQ. Song, đây luôn bị cho là chủ đề nhạy cảm, cấm kỵ, và không còn được lên sóng, cả trên truyền hình lẫn các nền tảng trên mạng Internet, từ khoảng 2017.
Sự cứng rắn của chính quyền Trung Quốc dành cho cộng đồng LGBTQ từng được thể hiện qua việc một buổi chiếu bộ phim đồng tính nổi tiếng Call Me by Your Name trong khuôn khổ LHP Quốc tế Beijing 2018 bị hủy bỏ vào phút chót. Hay series chiếu mạng Go Princess Go bị gỡ bỏ với không một lời giải thích khi có nhân vật song tính.
Tuy nhiên, cũng có lúc nhà cầm quyền tỏ ra “mềm mỏng” hơn, như khi cho phép trình chiếu nguyên vẹn Beauty and the Beast (2017), dù bộ phim chứa đựng một cảnh quay gợi ý về tình cảm mà nhân vật LeFou (Josh Gad) dành cho Gaston (Luke Evans), và suýt nữa bị cấm chiếu tại Nga cùng Malaysia ngay trước đó.
Trong năm 2018, bộ phim Looking for Rohmer được cho là tác phẩm đồng tính đầu tiên có cơ hội ra rạp rộng rãi tại Trung Quốc. Song, chủ đề này trong phim chỉ đóng vai trò thứ yếu và được nhắc đến thoáng qua.
Cũng trong năm trước, mạng xã hội Weibo đưa ra thông báo họ sẽ cấm toàn bộ nội dung liên quan tới cộng đồng LGBTQ trên nền tảng của mình. Song, quyết định rốt cuộc bị rút lại bởi sự phản đối dữ dội từ phía người dùng.
Theo zing.vn
Phim 'Bohemian Rhapsody' về Queen khác bao nhiêu so với sự thật?
Để tăng thêm độ kịch tính hoặc đơn giản hóa một số sự kiện cho bộ phim "Bohemian Rhapsody" mới đây, các nhà làm phim đã đưa ra nhiều chi tiết khác xa so với đời thực.
Trailer bộ phim 'Bohemian Rhapsody: Huyền thoại ngôi sao nhạc rock' Tác phẩm tiểu sử về Freddie Mercury - giọng ca huyền thoại của nhóm nhạc rock Queen - dưới sự thể hiện của Rami Malek.
Đội hình của Queen không đơn giản: Bộ phim Bohemian Rhapsody cho thấy Freddie Mercury tới dự một buổi diễn của Smile - nhóm nhạc có sự tham gia của Brian May và Roger Taylor - vào năm 1970. Sau đó, cây bass kiêm ca sĩ Tim Staffell quyết định rời Smile, và Mercury nhanh chóng thuyết phục May cùng Taylor chấp nhận mình vào trị trí thay thế nhờ giọng ca đầy nội lực. Ngoài đời thực, Freddie Mercury là bạn thân của Tim Staffell, và là fan ruột của Smile từ lâu. Huyền thoại thực tế cũng đã quen Brian May và Roger Taylor từ trước và nhiều lần bày tỏ ý định muốn tham gia nhóm. Tuy nhiên, chuyện chỉ xảy ra khi Tim Staffell rời Smile vào năm 1970.
John Deacon không xuất hiện từ sớm: Trong phim, ngay sau khi chiêu mộ Freddie Mercury, nhóm nhạc của Brian May và Roger Taylor còn lập tức tuyển được John Deacon cho vị trí chơi bass. Và đây chính là đội hình huyền thoại của Queen suốt nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, ngoài đời thực, họ mất nhiều thời gian hơn để tìm thấy Deacon, và cây bass chỉ chính thức gia nhập nhóm vào năm 1971 sau khi ba người đã bị từ chối trước đó.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Freddie Mercury và Mary Austin: Mary Austin là người phụ nữ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc đời của Freddie Mercury, dù huyền thoại là người song tính. Bộ phim đã thể hiện được phần nào điều đó, với khởi điểm là cuộc gặp gỡ giữa hai người ngay trước khi Mercury ra bãi xe để gặp gỡ Brian May và Roger Taylor với lời xin gia nhập nhóm nhạc. Câu chuyện ở ngoài đời thực phức tạp hơn một chút, bởi Mary Austin từng có quãng thời gian hẹn hò với Brian May. Cô chỉ thực sự gặp gỡ Freddie Mercury khi huyền thoại chính thức trở thành ca sĩ của nhóm.
Nhân vật Ray Foster không có thật: Bộ phim Bohemian Rhapsody gây thích thú khi danh hài Mike Myers có màn hóa thân lột xác thành Ray Foster - một nhân viên cấp cao tại hãng thu âm EMI. Ông tin tưởng ở nhóm Queen, để rồi sau đó tỏ ra khó chịu với album A Night at the Opera (1975), và đặc biệt là bản thu âm Bohemian Rhapsody. Từ chối phát hành ca khúc huyền thoại dưới dạng đĩa đơn, Ray Foster cũng đánh mất luôn mối quan hệ với Queen. Nhân vật được cho là lấy cảm hứng từ Roy Featherstone - một lãnh đạo của hãng EMI ở ngoài đời thực. Ông vốn là fan ruột của Queen, nhưng chuyện Bohemian Rhapsody gặp khó khăn khi phát hành là thật bởi thời lượng ca khúc lên tới 6 phút. Tuy nhiên, Ray Foster nhìn chung vẫn là nhân vật mang tính hư cấu.
Bạn trai Jim Hutton của Freddie Mercury không phải là bồi bàn: Trong Bohemian Rhapsody, Freddie Mercury lần đầu gặp gỡ Jim Hutton - người bạn đời của ông sau này - sau một cuộc ăn chơi túy lúy tại nhà riêng. Khi ấy, Hutton thuộc nhóm nhân viên phục vụ cho bữa tiệc. Ở ngoài đời, Jim Hutton vốn là một thợ làm tóc, làm việc tai khách sạn Savoy. Hai người lần đầu gặp nhau là tại một hộp đêm.
Queen chưa bao giờ tan rã: Ở nửa sau của bộ phim Bohemian Rhapsody, Freddie Mercury ký hợp đồng trị giá 4 triệu USD cho hai album solo, và muốn rời khỏi Queen một thời gian. Hành động của ông bị các cộng sự lên án dữ dội, và nhóm nhạc gần như đã tan rã. Sự thật là đầu năm 1983, sau một thập kỷ đỉnh cao, cả Mercury, Roger Taylor, Brian May và John Deacon đều cảm thấy họ cần một quãng thời gian nghỉ ngơi. Nhưng chuyện đó kéo dài không lâu, bởi chỉ đến cuối 1983, nhóm đã bắt đầu thu âm album The Works. Có một điều thú vị rẳng Roger Taylor - người lớn tiếng nhất khi Mercury tiết lộ kế hoạch thu âm album solo trong phim - mới là thành viên đầu tiên của Queen có đĩa nhạc cá nhân mang tên Fun in Space vào năm 1981.
Buổi diễn Live Aid '85 không phải là cuộc tái ngộ: Các nhà làm phim muốn tạo ra cao trào cho bộ phim Bohemian Rhapsody ở đoạn kết và biến màn trình diễn huyền thoại tại Live Aid '85 của họ thành một cuộc tái ngộ hoành tráng. Nhưng sự thật thì hoàn toàn khác xa. Queen hoàn thành và tung ra album The Works vào đầu năm 1984, rồi đi lưu diễn vòng quanh thế giới. Buổi diễn gần nhất của Queen trước Live Aid '85 chỉ diễn ra trước đó đúng hai tháng, chứ không phải như những gì bộ phim trình bày.
Đằng sau buổi diễn Live Aid '85: Trong Bohemian Rhapsody, Queen tập luyện rất chăm chỉ trước khi có mặt tại sân vận động Wembley. Họ suýt chút nữa đã không kịp đề tên mình vào danh sách nghệ sĩ tham gia sự kiện bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Led Zeppelin, Elton John, David Bowie, U2, Madonna... Song, sự thật lại rất khác biệt. Chính Bob Geldof - người sở hữu ý tưởng tổ chức Live Aid '85 để gây quỹ chống nạn đói ở châu Phi - thực tế đã phải thuyết phục Freddie Mercury và Queen để họ tham gia. Ý tưởng ban đầu là nhóm nhạc sẽ trình diễn cuối cùng. Nhưng Queen yêu cầu cho họ biểu diễn lúc 6:40 tối, khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày.
Thời điểm Freddie Mercury phát hiện mình nhiễm HIV: Bộ phim Bohemian Rhapsody đưa ra một tình tiết hư cấu khác nhằm tăng kịch tính cho màn trình diễn Live Aid '85. Freddie Mercury đi thử máu và biết rằng mình đang phải đối diện với căn bệnh thế kỷ AIDS. Sau đó, trong một buổi tập trước thềm Live Aid '85, ông tiết lộ bệnh tình với Brian May, Roger Taylor và John Deacon. Nhiều tài liệu cho thấy ở ngoài đời thực, Freddie Mercury lần đầu đi thử máu và xét nghiệm virus HIV vào khoảng thời gian 1986-1987, tức sau buổi diễn Live Aid '85 khá lâu. Ông cùng cộng sự đã mang đến màn trình diễn 20 phút đầy bùng nổ, nhưng hoàn toàn không có gánh nặng nào về bệnh tật hay thời gian.
Theo zing.vn
Fan của Queen có nhận ra 7 chi tiết sai lệch sự thật của "Bohemian Rhapsody" Dù được người hâm mộ yêu mến nhưng "Bohemian Rhapsody" lại chưa truyền tải được toàn bộ sự thật xung quanh nhóm nhạc đình đám một thời. Sau Venom thì Bohemian Rhapsody ( Huyền Thoại Ngôi Sao Nhạc Rock) là một trường hợp người hâm mộ và giới phê bình mâu thuẫn gay gắt khác. Song, điều này cũng không có gì là...