“Bóc trần” phi vụ làm ăn kinh điển của nhóm bầu Kiên
Dưới sự dẫn dắt của “ nhạc trưởng” bầu Kiên, hàng nghìn tỉ đồng đã được ông bầu cùng bộ chóp của Ngân hàng ACB điều khiển cực kì điêu luyện qua các phi vụ làm ăn. Tuy nhiên nó đã bị cơ quan CSĐT lật tẩy.
Dòng tiền nhảy múa dưới tay bầu Kiên
Nắm bắt về giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang có diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lời, thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB chấp thuận cấp hạn mức 700 tỉ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua cổ phiếu. Nguyễn Đức Kiênvới vai trò Chủ tịch Hội đồng đầu tư đã được thường trực Hội đồng quản trị ủy quyền cho trực tiếp việc đầu tư này.
Bầu Kiên và phi vụ buôn cổ phiếu “kinh điển”.
Theo cơ quan điều tra, biết pháp luật không cho phép Cty ACBS mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB vì Cty ACBS là công ty chứng khoán do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Cty ACBS kí Hợp đồng hợp tác đầu tư với Cty CPĐT Á Châu ( Cty ACI và Cty ACI-HN), do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên để đầu tư mua cổ phiếu ACB.
Hồ sơ pháp lí hợp tác làm ăn trong phi vụ này được sự đồng ý của Hội đồng đầu tư ACBS gồm những ông: Lê Vũ Kỳ, Đỗ Minh Toàn, Nguyễn Ngọc Chung, kí thông qua Nghị quyết và được Nguyễn Đức Kiên phê duyệt.
Để Cty ACBS có khoản tiền mua cổ phiếu mà không “mang tiếng” là lấy tiền từ “ông anh” ACB, Nguyễn Đức Kiên dùng chiêu rút tiền từ Ngân hàng ACB ra để cho 2 Ngân hàng khác vay, rồi sau đó lấy tiền từ 2 Ngân hàng này và chuyển lại cho Cty ACBS.
Cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, Ngân hàng ACB đã cho Kienlongbank vay liên ngân hàng số tiền 1.000 tỉ đồng và Vietbank vay 500 tỉ đồng với lãi suất từ 9,8%-11,7%/năm.
Sau đó, Kienlongbank và Vietbank cho Cty ACBS vay lại số tiền 1.500 tỉ đồng nói trên qua hình thức mua trái phiếu của Cty ACBS, với lãi suất 11,05%-14%/năm.
Đến hạn thanh toán, Cty ACBS trả cho Kienlongbank và Vietbank số tiền lãi là 539 tỉ đồng (tính chẵn). Kienlongbank và Vietbank sau đó trả cho ACB 479 tỉ đồng.
Theo tài liệu điều tra, Ngân hàng ACB chuyển tiền cho Cty ACBS thông qua Kienlongbank và Vietbank dẫn đến việc Ngân hàng ACB bị thiệt hại số tiền trên 60 tỉ đồng do chênh lệch lãi suất.
Video đang HOT
Tương tự phi vụ làm ăn trên, thực hiện Hợp đồng hợp tác đầu tư, Cty ACBS chuyển số tiền 1.500 tỉ đồng (từ nguồn phát hành trái phiếu) và vốn tự có của Cty vào tài khoản công ty ACI, ACI-HN, để 2 Cty này mua hơn 51.732 cổ phiếu ACB trên sàn giao dịch chứng khoán với số tiền trên 1.544 tỉ đồng.
Tháng 7/2010, Cty Kiểm toán PwC đã phát hiện việc hợp tác đầu tư mua cổ phiếu trên là trái pháp luật và yêu cầu Cty ACBS phải loại bỏ số cổ phiếu ACB ra khỏi danh mục hợp tác đầu tư. Theo đó, Cty ACI và ACI-HN phải trả lại số tiền đã đầu tư cổ phiếu ACB cho Cty ACBS.
Để 2 Cty ACI và ACI-HN có tiền trả cho Cty ACBS, Ngân hàng ACB cho Vietbank vay hơn 1.693 tỉ đồng với lãi suất 9,8%-11,7%/năm. Sau đó Vietbank cho 2 công ty ACI và ACI-HN vay lại toàn bộ số tiền trên với lãi suất 11,05% – 14,6%/năm.
Đến thời kì trả lãi, Cty ACI và ACI-HN đã trả cho Vietbank số tiền lãi hơn 425 tỉ đồng. Sau đó Vietbank trả lãi cho Ngân hàng ACB hơn 412 tỉ đồng. Do đó Ngân hàng ACB bị thiệt hại hơn 12 tỉ đồng do chênh lệch lãi suất.
Đến thời điểm khởi tố vụ án , 2 Cty ACI và ACI-HN vẫn còn nợ Vietbank 1.193 tỉ đồng do đó Vietbank nợ lại Ngân hàng ACB cũng với số tiền 1.193 tỉ đồng. Như vậy thông qua Vietbank, Ngân hàng ACB chuyển cho 2 công ty ACI và ACI-HN số tiền 1.693 tỉ đồng để trả tiền mua hơn 52 nghìn cổ phiếu ACB. Đến thời hạn thanh toán, Cty ACI và ACI-HN còn nợ 1.193 tỉ đồng nhưng chỉ còn lại hơn 19 nghìn cổ phiếu Ngân hàng ACB có giá trị hơn 578 tỉ đồng (tính giá bình quân cổ phiếu mua vào là 29.566 đồng/cổ phiếu). Do đó Ngân hàng ACB chưa thu hổi được số tiền trên 614 tỉ đồng.
Nhóm chóp bu của Ngân hàng ACB biết luật vẫn phạm luật
Lại nói về chuyện bầu Kiên cùng bộ chóp bu của Ngân hàng ACB sau khi gửi 718 tỉ đồng vào Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TPHCM bị “siêu lừa” Huyền Như nẫng trọn.
2 trong số những người cầm đầu ở Ngân hàng ACB đã bị bắt.
Ngoài ra, theo tài liệu điều tra, ngày 26/1/2011 – 22/9/2011, Ngân hàng ACB dưới sự lãnh đạo của nhóm bầu Kiên đã ủy thác cho các nhân viên dưới quyền gửi tiền vào 22 Ngân hàng khác với số tiền lên đến 28.379 tỉ đồng (tính chẵn) với lãi suất là 7,5% – 22%/năm và 71 nghìn USD (tính chẵn) với lãi suất 3%-6%/năm.
Số tiền gửi VND đã thu được lãi là 1.162 tỉ đồng (tính chẵn). Trong đó lãi vượt trần là 243 tỉ đồng và số tiền USD mang đi gửi thu được lãi là 1.271 USD (không có lãi vượt trần).
Theo tài liệu điều tra, việc Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi tại 22 Ngân hàng và hành vi chỉ đạo, tổ chức việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB là “ cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lí kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, cơ quan điều tra khởi tố các bị can về tội “cố ý làm trái…” gồm: Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải.
Cơ quan CSĐT cũng tiến hành kê biên 3 bất động sản của Nguyễn Đức Kiên gồm nhà và đất tại TP HCM. Ngoài ra cơ quan CSĐT cũng đề nghị Ngân hàng ACB phong tỏa, quản lí toàn bộ số cổ phiếu, cổ phần do Nguyễn Đức Kiên và người thân sở hữu tại Ngân hàng ACB.
Theo Dân trí
Bầu Kiên gian lận kinh doanh lắt léo qua 6 công ty
Lập ra hàng loạt công ty, bầu Kiên bị cáo buộc đã sử dụng chúng để kinh doanh vàng trái phép qua mạng với giá trị hàng chục triệu USD; đầu tư tài chính trái phép, mua cổ phần của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp từ Bắc vào Nam.
Ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) lập Công ty Cổ phần phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại B&B, Công ty Cổ phần đầu tư tập đoàn tài chính ACB Hà Nội - ACBI, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội - ACI HN, Công ty Cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu - AFG và Công ty Cổ phần đầu tư Á Châu. Chức Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng thành viên của 6 công ty này đều do ông Kiên nắm giữ.
VKSND Tối cao quy kết, lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng ACB, thông qua 6 công ty trên, bầu Kiên đã thực hiện hàng loạt các hành vi phạm tội.
Cụ thể, Công ty Thiên Nam kinh doanh sản xuất hàng hoá may mặc, thêu ren; tư vấn đầu tư trong nước về thương mại, công nghiệp, xây dựng và bất động sản... với vốn điều lệ 11 tỷ đồng. Ngày 30/11/2009, Tổng giám đốc Thiên Nam là Lê Quang Trung ký văn bản thoả thuận về việc nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietinbank với Ngân hàng ACB. Theo thoả thuận, Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam với khối lượng bán là 150.000 ounce, trị giá hơn 152 triệu USD, tương đương hơn 2.900 tỷ đồng; khối lượng trạng thái mua là 6.250 ounce, trị giá hơn 7,4 triệu USD, tương đương hơn 141,5 tỷ đồng.
Thực hiện thoả thuận trên, Công ty Thiên Nam đặt 5 lệnh bán 6.250 ounce vàng để hoàn tất trạng thái mua cùng số lượng này. Ngày 5/12/2009, HĐQT uỷ quyền cho bầu Kiên thực hiện giao dịch trạng thái vàng của công ty thông qua hệ thống điện thoại ghi âm tại Ngân hàng ACB. Các giao dịch qua điện thoại sau khi đã khớp lệnh sẽ được thể hiện bằng các phiếu xác nhận do ông Lê Quang Trung ký kết với ACB.
5 ngày sau, ông Trung đại diện ký hợp đồng giao dịch vàng trạng thái với ngân hàng ACB, quy mô là 150.000 ounce, hạn mức chặn lỗ là 10 triệu USD. Hợp đồng này thay thế Hợp đồng uỷ thác đầu tư tài chính giữa Vietinbank với ngân hàng ACB. Cùng ngày, bầu Kiên đặt một lệnh mở bán vàng với số lượng 45.000 ounce, trị giá hơn 52,6 triệu USD. Ngày 5/2/2010, bầu Kiên đặt 3 lệnh mua với số lượng 30.000 ounce, trị giá hơn 31,4 triệu USD để tất toán trạng thái bán vàng. Tiếp đó, trong các ngày 1/3 và 28/4/2010, bầu Kiên bán 30.000 ounce (hơn 33,5 triệu USD), mua 45.000 ounce (hơn 52,7 triệu USD).
Do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đóng trạng thái giao dịch vàng tài khoản ở nước ngoài nên ngày 30/7/2010, Công ty Thiên Nam phải đặt 49 lệnh uỷ thác mua tổng số 150.000 ounce (hơn 175,4 triệu USD, tương đương hơn 3.351 tỷ đồng) để tất toán toàn bộ trạng thái bán vàng.
VKSND Tối cao cho rằng, Thiên Nam đã mua bán 462.500 ounce, trị giá gần 513 triệu USD, tương đương gần 9.800 tỷ đồng. Sau khi tất toán, công ty này bị lỗ gần 414 tỷ đồng. Ngân hàng ACB phải ứng tiền để thanh toán cho đối tác nước ngoài khoản lỗ này và ghi nợ phải thu của Công ty Thiên Nam. Ngoài ra Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước với Ngân hàng ACB và bị lỗ gần 20 tỷ đồng.
VKSND Tối cao cáo buộc Công ty Thiên Nam không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái nhưng bầu Kiên đã chỉ đạo để kinh doanh gây thua lỗ hơn 433 tỷ đồng.
Không chỉ thương vụ đầu tư vàng, theo VKSND Tối cao, các công ty trên của bầu Kiên còn kinh doanh tài chính dù không được cấp phép. Cáo buộc của VKSND Tối cao cho hay Công ty B&B đã dùng hơn 2.300 tỷ đồng để mua cổ phần và góp vốn với Công ty CP bất động sản Hoà Phát Á Châu, Vietbank, Công ty cổ phần đầu tư INB, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Bắc Qua... Công ty AFG đầu tư 4.068 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng ACB và góp vốn vào các Công ty ACI, ACI - HN. Công ty ACBI đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu của Techcombank, Eximbank.
Cũng với việc dùng vốn để kinh doanh tài chính trái phép, bầu Kiên đã chỉ đạo Công ty ACI dùng hơn 451 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Nhà Rồng, Công ty cổ phần dịch vụ hàng hoá Sài Gòn và Công ty Sabeco; sử dụng hơn 1.400 tỷ đồng của công ty ACI - HN để góp vốn và mua cổ phiếu ngân hàng ACB, DaiAbank, Vietbank, KienLongbank và Eximbank.
Theo VKSND Tối cao, các hoạt động đầu tư tài chính trên của 6 công ty của bầu Kiên là trái phép.
Bị can Nguyễn Đức Kiên.
Ngoài hành vi kinh doanh trái phép, bầu Kiên bị truy tố tội Trốn thuế.Theo uỷ quyền của bầu Kiên, bà Đặng Ngọc Lan (Tổng giám đốc Công ty B&B, vợ ông Kiên) ký hợp đồng uỷ thác đầu tư với Ngân hàng ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng ACB mở trạng thái vàng bằng 117 lệnh (gồm 29 lệnh mua, 88 lệnh bán), tổng khối lượng giao dịch là hơn 440.000 ounce. Thương vụ này, Công ty B&B thu lãi hơn 100 tỷ đồng.
Với mục đích trốn thuế, bầu Kiên để bà Lan ký Hợp đồng uỷ thác đầu tư tài chính với bà Nguyễn Thuý Hương (em gái ông Kiên và là cổ đông của B&B). Theo đó, bà Hương uỷ thác cho B&B đầu tư vào kinh doanh vàng ghi sổ với số lượng mua/bán 600.000 lượng vàng SJC. Bà Hương không phải đặt cọc nhưng phải trả cho B&B 1% phí uỷ thác lợi nhuận gộp (sau khi trừ các khoản chi phí vốn, lãi vay ngân hàng ACB).
Sau đó, theo biên bản Phụ lục hợp đồng được ký bởi bà Hương, bà Lan và bầu Kiên, Công ty B&B được uỷ thác lại cho ngân hàng ACB thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng. Bà Hương được hưởng lợi tức hoặc chịu lỗ từ kết quả hoạt động đầu tư tài chính... Do không có đăng ký kinh doanh nhận uỷ thác đầu tư và kinh doanh vàng trên hợp đồng ở nước ngoài nên Hợp đồng và Phụ lục hợp đồng uỷ thác đầu tư tài chính giữa bà Hương và công ty B&B là không hợp pháp. Cơ quan điều tra xác định, bà Hương đã thụ hưởng không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỷ đồng.
Cơ quan công tố xác định, bầu Kiên với tư cách là chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Công ty B&B nên phải chịu trách nhiệm về hành vi trốn thuế. Bà Lan ký các hợp đồng uỷ thác và phân chia lợi nhuận với em chồng trong thời gian chuẩn bị sinh con nên không biết về hoạt động kinh doanh vàng của B&B.
Bà Hương dù ký hợp đồng uỷ thác đầu tư tài chính với B&B nhưng không trực tiếp đặt lệnh mua bán vàng hàng ngày với ngân hàng ACB. Năm 2009, bà Hương hai lần ký biên bản phân chia lợi nhuận với công ty B&B nhưng đã chuyển toàn bộ số tiền này cho công ty. Cơ quan chức năng cho rằng trong quá trình điều tra, bà này khai báo thành khẩn nên không cần thiết phải xử lý hình sự.
VKSND Tối cao truy tố bầu Kiên về 4 tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định nhà nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép. Khung hình phạt truy tố cao nhất lên tới tù chung thân. Liên quan vụ án còn có 4 lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng ACB bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định nhà nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gồm các ông: Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải. Ông Trần Ngọc Thanh (giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo VNE
Cách thức chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng của bầu Kiên Ông Kiên bị cáo buộc đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng. Bị can Nguyễn Đức Kiên. Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội - ACBI do ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) làm chủ tịch HĐQT, sở hữu gần 30 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát. Ngày 11/5/2010, bầu Kiên chỉ đạo Trần...