Bóc mẽ loạt chiêu trò của “giáo viên ôn thi online rởm”: Dạy sai kiến thức, show ảnh phản cảm nhưng sao vẫn HOT, thu nhập 50 – 60 triệu/tháng?
Không bằng cấp Sư phạm, bày trò lố lăng trên mạng… nhưng tại sao “ giáo viên online rởm” vẫn có hàng trăm nghìn follow, vẫn có những học sinh bỏ cả triệu bạc theo học?
Tình trạng bát nháo dạy online từ những “giáo viên” không bằng cấp
“Khóa học online”, “giáo viên online”. .. đã trở thành cụm từ không còn xa lạ với học sinh từ cấp 1 cho đến cấp 3 ôn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Khoảng 5 – 6 năm trở lại đây, học sinh học qua Internet tăng cao. Chỉ tốn khoảng 1 – 2 triệu là có được khóa học, bao gồm đầy đủ combo cho cả bài giảng, tài liệu ôn tập và thậm chí được add vào group có cả đội ngũ trợ giảng.
Nhưng nếu ngày xưa chỉ có thầy cô (những người trực tiếp giảng dạy ở trường lớp) chuyển qua dạy trực tuyến, ngày nay ai cũng có thể trở thành “giáo viên online”.
Trong số đó, nhiều người không có bằng cấp hay bất cứ chứng chỉ Sư phạm. Họ dựa vào thành tích học tập chút ít của mình, là cái mác “9.5 điểm Văn”, “8.0 IELTS”… Thậm chí nếu trình độ hạn hẹp, nhiều người vẫn có thể “lòe” thiên hạ bằng việc fake bảng điểm.
Kết quả là có những vụ việc bóc phốt giáo viên online mà chỉ khi học trò đã tốn hàng chục triệu đồng học tập thì mới… vỡ lẽ ra.
Cách đây 1 năm, cộng đồng học IELTS xôn xao vụ cô P.Q (giáo viên online Tiếng Anh nổi tiếng) đến từ trung tâm IELTS Tuấn Quỳnh bị tố photoshop bảng điểm từ 6.5 lên 8.0 IELTS, dạy sai kiến thức cơ bản. Người này có chiến lược PR bài bản, đã lừa học sinh bằng việc xóa đi những bình luận chỉ trích, chỉ để lại comment khen ngợi bản thân trong group do mình quản trị.
Gây thất vọng chẳng kém là Minh Thu – nhân vật tự nhận là cô giáo livestream “dạy Vật lý kiểu Gen Z”. Nổi lên nhờ ngoại hình xinh xắn, song Minh Thu khiến nhiều người phẫn nộ với loạt hành động dạy học chẳng giống ai. Từ chửi bậy, dụ học trò chơi game… cho đến cả nhận tiền donate của học sinh. Sau cùng, người ta mới phát hiện trình độ dạy học của Minh Thu chẳng có mấy, chưa tốt nghiệp Sư phạm Vật lý, liên tục sai kiến thức cơ bản nhưng lại luôn rao giảng bản thân dạy ở ngưỡng điểm 8 , 9 thi đại học.
Và mới đây nhất là P.T – nữ giáo viên dạy Văn online nổi tiếng đứng sau loạt phốt chửi từ học sinh cho đến đồng nghiệp, show ảnh bộ phận nhạy cảm, đạo tài liệu của các giáo viên khác.
Điểm chung của những giáo viên trên đều không có bằng cấp, có những hành động lố lăng trên sóng online. Không trình độ, không có kỹ năng Sư phạm… nhưng tại sao những người này vẫn có hàng trăm nghìn follow, vẫn có những học sinh bỏ cả triệu bạc theo học?
P.T – nữ giáo viên dạy Văn online nổi tiếng bị tố gửi ảnh phản cảm cho học sinh
Loạt chiêu trò của giáo viên online trình độ kém nhưng vẫn có hàng nghìn học sinh theo học để ôn thi vào các kỳ thi quan trọng
Thực tế, mức thu nhập của giáo viên online thuộc hàng khủng, có thể lên đến 50 – 60 triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng.
Nguồn thu của giáo viên online thường đến từ 3 nguồn chính: Bán khóa học, bán sách lậu/tài liệu và kiếm lời nhờ dạy học trực tiếp. Trong đó:
Video đang HOT
- Mỗi khóa học online: Thường dao động từ 500k – 3,5 triệu/combo/năm (bao gồm tài liệu học, các video dạy online…). Mỗi khóa lại được chia thành nhiều cấp độ như khóa Nền tảng, Nâng cao, Chuyên Sâu, VIP 9 … Càng về cuối năm thi đại học, những khóa tổng ôn được dịp “hét giá” lên trời.
- In và bán sách lậu/tài liệu: Thường được gửi dưới dạng file tập nén qua gmail, trung bình từ 200.000 – 300.000 đồng/tài liệu. Đối với sách trẻ em có thể rẻ hơn, từ 100.000 – 200.0000 đồng. Cũng có nhiều giáo viên online sẽ viết sách rồi tự in, với giá lên đến cả triệu đồng/cuốn.
- Bên cạnh đó, họ cũng sử dụng danh tiếng online trên mạng để dạy học sinh trực tiếp . Và tất nhiên, những lớp học này thường có học phí cao hơn cả giáo viên chính thống.
So với việc học thêm trên trường lớp, các khóa học online cả năm rẻ gấp 4 – 5 lần, lại không có giáo viên thúc ép hay kèm cặp nên ngày càng nhiều học sinh ưa chuộng loại hình học này.
Một giáo viên truyền thống mất cả chục năm gây dựng tên tuổi ở trường. Họ mất 4 năm luyện tập trong môi trường Sư phạm chính quy, khi đi dạy rồi vẫn phải tập huấn vài lần trong năm.
Nhưng ở trên mạng xã hội, nhiều giáo viên online nổi lên chỉ sau 1 đêm . Họ chạy quảng cáo khóa học, nhờ các đội ngũ seeding khắp các group khiến học sinh nhầm tưởng rằng đây là giáo viên uy tín có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề.
Nạn nhân của cô giáo P.T – bạn T.T (trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội) cho hay: “Mình biết đến cô P.T khi lướt mạng xã hội thì thấy các bài đăng quảng cáo. Mình thấy giọng cô hay, cô quảng cáo được 9.5 điểm Văn, cũng làm MC nổi tiếng. Mình đã tin theo và đóng được 2 lần với tổng chi phí là 1.1 triệu đồng. Tuy nhiên khi theo học rồi mới thấy kiến thức ít, mỗi buổi livestream chưa đến 1 tiếng trong khi bọn mình chỉ được học 15/60 buổi online. Nhiều lần mình nhắc cô về giờ học lẫn lịch dạy thì bị quát mắng, còn dọa sẽ cho out nhóm nếu mình ý kiến nhiều lời”.
Trình độ giảng dạy của những giáo viên này mới là điều đáng nói. Những tài liệu giáo viên online dạy chưa chắc 100% do kinh nghiệm họ có được . Nhiều người đã bị tố cóp nhặt từ những giáo viên nổi tiếng trên mạng để cho ra thành phẩm của mình.
1 giáo viên Văn nổi tiếng ở Hà Nội bị tố đạo tài liệu của người khác
Một điều đáng nói ở mô hình dạy online này là thiếu đi sự tương tác trực tiếp từ học sinh và giáo viên. Một giáo viên chính thống khi dạy offline phải rất để ý câu từ của mình, bởi nếu dạy không đúng còn có thể bị phụ huynh đến nhà khiển trách, bị nhà trường kỷ luật.
Nhưng giáo viên online ở xa hàng trăm cây số, liệu có học trò nào đến tận nơi phản ánh cho được? Kể cả khi có những bài phốt, nhiều giáo viên cũng có thể nhờ đội ngũ của mình report, xóa bài. Chỉ sau một thời gian, những bài phốt cũng chìm dần và những người này vẫn có thể tiếp tục công việc dạy học của mình.
Nhờ những mưu mẹo này mà không ít giáo viên online có trình độ hạn chế (đôi khi chỉ là được 9 điểm thi đại học, được 7.0 IELTS), biết chiêu trò quảng cáo và cả khéo mồm một chút đều có thể trở thành “giáo viên online trên mạng xã hội”.
Không phải ai dạy online cũng xứng đáng với 2 chữ “giáo viên”!
Nhân xét về hiện tượng bát nháo trong làng dạy online, thầy P.K.N (Phó Hiệu trưởng trường chuyên cấp 3 nổi tiếng) cho hay: “Hiện nay có khá nhiều người tự xưng là giáo viên, dạy online nhưng không có bằng cấp hay chứng chỉ nghiệp vụ Sư phạm.
Học trò phải qua một số buổi học thì mới có thể nhận biết được. Mà có khi nếu được quảng bá rầm rộ phải mất đến nhiều tháng học thì học sinh mới có thể nhận ra. Vấn đề này tương tự hàng giả, hàng thật trên thị trường hóa, người tiêu dùng khó phân biệt và đó cũng là những người luôn chịu thiệt nếu không tinh ý phát hiện”.
So với giáo viên chính thống, giáo viên online không có bằng cấp thường vướng mắc 1 vấn đề: Chỉ giải được bài tập chứ ít khi hiểu được bản chất sự việc . Bên cạnh đó, “giáo viên online” cũng sẽ không có kinh nghiệm dạy học, không kịp thời nắm được những thay đổi trong cách dạy ngành giáo dục.
Thầy P.K.N cho biết thêm: “Giáo viên có bằng cấp thì được học nghiệp vụ, có kiến thức bài bản nên có nhiều lợi thế. Giáo viên không qua đào tạo thì có nhiều khó khăn về chuyên môn lẫn nghiệp vụ. Đặc biệt, giáo viên truyền thống thì được tập huấn thường xuyên nên bắt kịp với các thay đổi trong ngành giáo dục. Người ngoài ngành tiếp cận vấn đề mới thường chậm hơn và sẽ không có cơ hội tập huấn, nâng cao kĩ năng nghề nghiệp trong ngành”.
Điển hình như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018, nhiều môn học đã thay đổi quy chế thi từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm, thời gian bị thu hẹp (môn Toán, Vật lý, Hóa học…). Những giáo viên truyền thống sẽ có sự chủ động hơn khi được đi tập huấn thường xuyên, có nền tảng vững để dạy mẹo bấm trắc nghiệm nhanh nhất. Còn với các giáo viên online không bằng cấp, sẽ phần nào hạn chế cho họ khi không có sự cập nhật thường xuyên các thay đổi trong ngành giáo dục.
Nhiều giáo viên online không bị bó buộc bằng cấp và môi trường giáo dục nên không ý thức được giá trị của 2 chữ “giáo viên” . Họ mặc sức có những hành động phản giáo dục, từ chửi bậy cho đến rủ học sinh chơi game, vào bar… Với lý do muốn gần gũi hơn các em, nhiều giáo viên online đang ngày càng làm sai lệch về tiêu chuẩn nhà giáo.
Làm sao để ngăn chặn tình trạng bát nháo trong làng dạy online?
Thực tế, vẫn chưa có quy chế rõ ràng nào trong những hành động bị ngăn cấm trên sóng dạy online. Theo nhiều giáo viên, rất cần ban hành giấy phép dạy online (được cấp bởi cơ quan chức năng) hoặc đưa ra một bộ khung quản lý dạy học trên mạng xã hội thì mới có thể chấm dứt hẳn tình trạng này.
Còn ở hiện tại, trước khi quyết định đăng ký khóa học, học sinh cần phải hết sức tỉnh táo trước những chiêu trò marketing, lôi kéo học sinh của những “giáo viên online rởm”. Nếu học sinh không kỹ lưỡng trong chuyện học tập của chính mình thì vừa mất tiền oan, lại khiến những giáo viên online kia có dịp trục lợi.
Cô Trần Hằng (giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) cho biết khi đi học online, cần phải để ý 3 điều trước khi quyết định đăng ký khóa học nào đó:
“Điều đầu tiên, mình thường khuyên các em chọn học trung tâm uy tín, giáo viên có tên tuổi ở ngoài đời. Nếu định học giáo viên không có bằng Sư phạm, cần phải học thử ít nhất 4 – 5 buổi và được cung cấp tài liệu, bài tập đi kèm để xem năng lực bạn đó dạy đến đâu.
Nếu chỉ là khóa học Nền Tảng thì cũng không cần băn khoăn quá nhiều. Nhưng đối với các khóa Nâng cao, dạng tổng ôn cuối cùng thì lại càng không được cho qua dễ dàng.
Ngày nay có nhiều hội nhóm review ảo về tình trạng dạy học online. Nên đây cũng chỉ là 1 kênh tham khảo cho học sinh. Các em nên cho các thầy cô dạy mình xem trước để đánh giá chất lượng người dạy thế nào, hoặc hỏi những anh chị mà mình quen biết” .
Không phủ nhận, cũng có rất nhiều giáo viên dạy online tốt dù có bằng cấp Sư phạm hay không. Nhưng vẫn cần có một khung quy chế rõ ràng khi dạy trên MXH để đảm bảo công bằng cho những giáo viên chính thống, và cũng khiến môi trường giáo dục được trả về với đúng giá trị của nó.
Còn trước hết, học sinh cần tự bảo vệ bản thân bằng việc lựa chọn kỹ lưỡng những khóa học online của mình.
Design: Mai Linh
Sinh viên và những câu 'dối lòng' kinh điển, cứ phải lên bậc đại học thì mới thấm
Có lẽ phải bước chân vào giảng đường, bạn mới hiểu được những câu nói dối kinh điển của sinh viên như 'chụp lại bài giảng để về học lại', hay 'con vẫn ổn, con vẫn còn tiền sinh hoạt'.
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển Đại học có lẽ là ngày vui nhất của các cô cậu học trò sau 12 năm đèn sách miệt mài. Tuy nhiên cuộc sống đại học dường như là một thế giới hoàn toàn khác, buộc bạn phải chủ động trong mọi vấn đề, cũng như đòi hỏi bạn phải thực sự nghiêm túc với việc học tập.
Thay vì mang cả đống sách vở tới trường, đợi thầy cô, cán bộ lớp kiểm tra việc ghi chép bài, làm bài tập như trước kia, thì khi lên đại học, sẽ chẳng ai quan tâm bạn như thế nữa. Do đó để tránh quên béng mất kiến thức vừa học, sinh viên thường sẽ 'chụp lại bài giảng' của thầy cô rồi tự nhủ với nhau 'về nhà phải nhớ mở ảnh lên dể học đấy'. Đi học thì cần gì mang nhiều đồ dùng. Đôi khi chỉ cần một chiếc bút, một 'thứ gì đó' có thể viết lên được và điện thoại - vật bất ly thân - là có thể ung dung ngồi tới hết tiết.
Điện thoại phủ đầy hình ảnh của bài học nhưng... có ai học bao giờ (Ảnh: Lan Anh)
Thầy cô viết gì, chiếu gì lên bảng, chỉ cần cầm điện thoại lên và bấm tách một cái. Bạn bè chép gì quan trọng vào vở, cũng cầm điện thoại lên bấm là xong. Mỗi mùa thi đến, mở album ảnh trên điện thoại ra là thấy chi chít toàn ảnh bài giảng, ảnh slide, ảnh giáo trình...
Tuy nhiên, câu tự nhủ 'về nhà phải nhớ mở ảnh lên dể học đấy' thường xuyên bị lãng quên và trở thành một trong những lời 'dối lòng' siêu kinh điển của sinh viên nhà mình. Nhiều sinh viên cũng khẳng định rằng, việc chụp lại bài giảng chỉ mang lại cho họ cảm giác yên tâm, rằng mình 'không hề bỏ lỡ kiến thức nào' chứ chẳng chứng minh được mấy phần chăm học.
'Hồi mới lên đại học, mình cũng sửa soạn ghê lắm, sắm hẳn mấy quyển vở, ngày đầu còn ghi riêng từng môn, học được nửa học kì là một quyển viết 5 môn, vài hôm sau đi học không mang sách vở luôn, vác được cái thân đi học là mừng lắm rồi. Bài giảng chỉ cần chụp lại, nhưng thú thật đó là hành động 'dối mình dối người' mà đúng là phải lên đại học thì bạn mới hiểu được. Mình còn chẳng buồn mở điện thoại ra để ôn bài... ' - Bạn V.U kể lại câu nói dối kinh điển mà sinh viên nào cũng nhủ thầm trong đầu.
'Đã tốt nghiệp đại học được 1 năm nhưng giở điện thoại ra khéo vẫn còn lưu những ảnh chụp bài giảng ' - Bạn A.L bình luận.
Thế nhưng để kể tới câu nói dối mà sinh viên sống xa nhà nào cũng từng nói qua ít nhất một lần, không thể bỏ quên câu 'con ổn, con vẫn còn tiền sinh hoạt, nhà mình không phải lo cho con đâu'.
Niềm vui đỗ đại học cũng đi kèm với những khó khăn, lo toan của gia đình
Câu nói dối kinh điển nhất, quen thuộc nhất này của sinh viên xa nhà thường xuất hiện vào những ngày cuối tháng, khi chúng ta không cân đối được chi tiêu và rơi vào cảnh 'cạn túi'. Trong đợt dịch Covid-19 đầy căng thẳng này, nó xuất hiện nhiều hơn. Khi việc bước chân ra đường, đi chợ mua thực phẩm đã là việc khó khăn, thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cũng khiến câu nói 'con ổn' thêm phần xót xa hơn. Dẫu rằng bản thân đang cố gắng vật lộn với việc học, với sự đảo lộn cuộc sống do dịch bệnh, nhưng sinh viên xa nhà chẳng nỡ khiến gia đình lo lắng thêm.
' Riêng câu 'con ổn' này, vừa thật, mà cũng vừa không. Có thời điểm mình ổn thật, cũng như rất vui vẻ với cuộc sống tự lập. Có lúc thì chẳng ổn chút nào, chỉ muốn bắt xe về quê rồi ôm rịt lấy mẹ. Nhưng mà, cuộc sống đại học, cuộc sống trưởng thành không cho phép mình tạo thêm âu lo cho cha mẹ nữa .' - Bạn D.L tâm sự.
Phỏng vấn cô giáo Minh Thu sau 5 ngày nổi tiếng: Hứa sẽ không nói bậy nữa, tự tin dạy học sinh được 8+, tiết lộ lương tháng siêu cao Nổi tiếng nhanh cũng đi kèm tai tiếng, cô giáo Minh Thu hiện tại thế nào? Cô giáo Minh Thu - cái tên hot nhất mạng xã hội bởi ngoại hình xinh xắn, phong cách dạy Vật lý hài hước đúng kiểu Gen Z. Song đi kèm sự nổi tiếng, cô nàng cũng nhận về nhiều bình luận phản cảm 18 , bị...