Bóc mẽ đường dây cho vay nặng lãi liên tỉnh, bắt “ông Trùm” cho vay với lãi suất 226%/năm
Ngày 25-4, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Quang Anh (26 tuổi, hộ khẩu ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội; trú tại chung cư Khang Nam, huyện Bình Chánh, TP HCM) về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Trịnh Quang Anh tìm gặp Nguyễn Thái Hoàng (30 tuổi, ngụ phường Quang Trung, thị xã Tây Sơn, Hà Nội) và thống nhất cung cấp tiền để Hoàng đến địa bàn Quảng Bình hoạt động cho vay nặng lãi.
Đối tượng Trịnh Quang Anh tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình
Tháng 10-2018, Hoàng cùng Nguyễn Anh Đức (27 tuổi, trú tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Vũ Linh (23 tuổi, ngụ thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và Trần Tuấn Long (20 tuổi, ngụ thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) cùng vào địa bàn Quảng Bình thuê nhà ở chung, làm tờ rơi có in số điện thoại và đi rải ở các khu dân cư, chợ, nơi công cộng để tìm kiếm người vay liên lạc.
Khi đường dây này đi vào hoạt động, Hoàng có vai trò điều hành, quản lý, chi, thu tiền và trực tiếp tổ chức cho vay. Các đối tượng Đức, Linh và Long có nhiệm vụ giao dịch cho vay và trực tiếp đòi nợ.
Tháng 6-2019, Nguyễn Thái Hoàng rời khỏi địa bàn tỉnh Quảng Bình và giao lại cho Linh quản lý.
Nhóm đối tượng trên đã cho vay trả góp gốc và lãi hàng ngày với lãi suất cao, không thế chấp tài sản. Chúng chia thành nhiều gói với số tiền vay và thời gian trả, thời gian đáo hạn khác nhau, như: với gói vay 10 triệu, thời gian vay 42 ngày, trả gốc và lãi 300.000 đồng/ngày. Tiền thu lợi bất chính là hơn 2,3 triệu đồng, tương đương lãi suất 226%/năm.
Ngày 21-4, Công an tỉnh Quảng Bình đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Trịnh Quang Anh tại chung cư Khang Nam (huyện Bình Chánh, TP HCM).
Theo điều tra, Trịnh Quang Anh còn tổ chức các nhóm hoạt động cho vay lãi nặng tại nhiều tỉnh, thành phố khác với thủ đoạn hết sức tinh vi. Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an các địa phương để tiếp tục đấu tranh, mở rộng chuyên án.
Liên quan đến vụ việc, trước đó Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án hình sự “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” xảy ra tại Quảng Bình và khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thái Hoàng.
Hoàng Phúc
Băng nhóm cho vay nặng lãi chỉ tuyển nhân viên là 'thánh chửi'
Tuyển các "thánh chửi" làm nhân viên thu hồi nợ. Khi con nợ chậm trả tiền thì chính họ và những người thân bị nhóm cho vay nặng lãi "khủng bố" đến suy sụp tinh thần.
Công an TP.HCM vừa khởi tố, bắt tạm giam Tu Long (28 tuổi) Yuan Deng Hui (29 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc), Chề Ngọc Trinh (25 tuổi; quê Đồng Nai), Lâm Cảm Quyền (30 tuổi, ngụ quận 5) và Lài Thế Hùng (26 tuổi, ngụ quận Bình Tân) về tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Nhân viên chỉ cần biết chửi
Theo điều tra, L. và M. (cùng quốc tịch Trung Quốc) điều hành đường dây cho vay nặng lãi qua ứng dụng trên điện thoại di động (app). Họ thuê 3 người Việt Nam đứng tên công ty 3 công ty tư vấn dịch vụ, tài chính và thuê Tu Long và Yuan Dang Hui làm quản lý với mức lương 35 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, Tu Long và Yuan Dang Hui có trách nhiệm quản lý nhân viên, thẩm định hồ sơ và nhắc nợ, đòi nợ.
L. và M. thuê Chề Ngọc Trinh làm kế toán kiêm phiên dịch với mức lương 15 triệu đồng/tháng; thuê Lài Thế Hùng và Lâm Cẩm Quyền làm phiên dịch riêng cho Tu Long và Yuan Dang Hui với mới mức lương 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Quyền còn đảm nhiệm thẩm duyệt hồ sơ cho vay, Hùng làm nhiệm vụ quản lý danh sách người vay đến hạn thanh toán để giao cho bộ phận nhắc nợ, đòi nợ.
Nhóm cho vay nặng lãi bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Công an cung cấp.
Bộ phận xét duyệt hồ sơ vay tiền gồm 8 người, làm việc tại căn nhà trên đường 30, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.
Riêng bộ phận thu hồi nợ gồm 30 nhân viên, tất là đều là người Việt Nam. Để được nhận vào làm bộ phận này, những người ứng tuyển không cần trình độ học vấn mà chỉ cần chửi hay, mắng giỏi.
"Khi vào phỏng vấn tuyển dụng, các nhân viên sẽ chửi xối xả cho Lài Thế Hùng nghe, miễn sao anh ta thấy 'sướng tai' là được nhận", một cán bộ điều tra cho biết.
Nạn nhân khắp 63 tỉnh thành
Sau khi chuẩn bị xong phần nhân sự, L. và M. tạo ra các ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động như: "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online" rồi quảng cáo rầm rộ trên Internet, Facebook.
Khách hàng muốn vay phải tạo 1 tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, CMND, số tài khoản ngân hàng). Một trong 7 điều khoản mà người vay phải chấp nhận là phải cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động.
Khách hàng vay qua ứng dụng "Vaytocdo" thì được vay tối thiểu là 1,7 triệu đồng và tối đa là 2,75 triệu đồng. Mức vay 1,7 triệu đồng nhưng thực chất người vay chỉ nhận được 1,42 triệu đồng vì trừ phí dịch vụ hết 272.000 đồng. Nhận tiền xong, 8 ngày sau, người vay phải trả vốn lẫn lãi là 2,04 triệu đồng. Nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt 102.000 đồng.
Yuan Dang Hui tại trụ sở công an. Ảnh: Công an cung cấp.
Nếu khách hàng vay qua ứng dụng "Moreloan" và "VD online" chỉ vay tối đa được 1,5 triệu đồng nhưng con nợ chỉ nhận 900.000, còn 600.000 là phí dịch vụ và tiền lãi trả trước của một tuần. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, trả chậm phạt mỗi ngày từ 2-5%. Tính ra, mức cho vay qua app là 3%/ngày, 90%/tháng.
"Khi gần đến hạn trả nợ, nhân viên thu hồi nợ sẽ gọi điện nhắc nhở. Nếu khách hàng không trả nợ đúng hạn, chúng không chỉ gọi điện nhắn tin đe dọa mà còn gửi thông tin cho nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ nhằm làm mất uy tín và danh dự của con nợ. Nhiều người không chịu nổi áp lực phải nhanh chóng xoay tiền để trả cho chúng", thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng PC02, chia sẻ.
Theo cảnh sát, chỉ sau gần 6 tháng hoạt động nhóm đã có đến 60.000 người vay trên khắp 63 tỉnh/thành, với tổng số tiền lên đến 100 tỷ đồng. Nếu trừ đi "nợ xấu", số tiền thu lợi bất chính của kẻ chủ mưu lên đến hàng chục tỷ đồng.
Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC02, Công an TP.HCM), cho biết dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của người dân, nhưng đây là thời cơ để loại hình cho vay qua app hoạt động.
Nhóm cho vay nặng lãi đã nắm bắt được tâm lý của người vay là muốn thủ tục nhanh gọn, đơn giản, thanh khoản tốt, chính những điều này đã khiến con nợ rơi vào tròng của bọn cho vay nặng lãi.
Thượng tá Nam nhìn nhận cách nhóm cho vay nặng lãi đòi tiền không dã man theo hình thức bạo lực, mà nhóm người này chủ yếu khủng bố tinh thần con nợ, người thân, bạn bè của con nợ .
Với hình thức này, băng nhóm này đã làm không ít người phải khổ sở và hoảng loạn. Chính vì vậy, người dân cần cảnh giác và tỉnh táo trước khi quyết định vay tiền từ những loại hình tương tự.
Gia đình người vay lãi 90%/tháng qua app bị nhân viên gọi điện nhục mạ
Người vay tiền qua các app Vaytocdo, Moreloan và VDonline trên điện thoại bị nhân viên của ứng dụng này gọi điện chửi rủa, thóa mạ khi chưa trả tiền.
Lê Trai
TP.HCM: Bắt nhóm người Trung Quốc cho vay lãi suất hơn 1.000%/ năm Khách không trả nợ đúng hạn thì nhóm đối tượng sẽ gọi điện, nhắn tin đe dọa mà còn gửi thông tin cho nhiều người thân khác nhằm làm mất uy tín và danh dự của khách. Nhiều người không chịu nổi áp lực phải nhanh chóng xoay tiền để trả cho chúng. Ngày 20/4, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an...