‘Bốc hỏa’ vì nắng nóng
Sài Gòn những ngày nắng như đổ lửa, con người cũng dễ dàng trở nên cáu kỉnh, như thể muốn bốc hỏa theo.
1. Hơn nửa tiếng quần thảo giữa ngôi chợ nóng hầm hập, chị muốn khóc khi ra bãi giữ xe, thấy chiếc xe mình kẹt cứng giữa hàng chục chiếc khác. Chị ngoắc người trông xe cầu cứu.
Người đàn ông chạy đến, cộc lốc: “Chiếc nào?”. Chị chỉ tay chiếc màu đỏ. Đảo mắt lục ví lấy năm ngàn lẻ, chị ngước lên: “Không anh, chiếc màu đỏ kia kìa!”. Người đàn ông đổ quạu: “Tôi lạy mấy bà, hành người ta vừa thôi”. “Tôi chỉ đúng, là anh dắt nhầm chiếc” – nóng, mệt, chị bất ngờ “trả đũa”. “Đúng thì vào mà lấy đi. Đừng cong cớn” – người đàn ông gằn giọng. “Anh nói gì đấy?” – chị không dưng lớn tiếng… Chị rời chợ với chiếc xe trầy một vệt dài do người đàn ông cố tình va quệt. Sau lớp khẩu trang dày cộm, đôi mắt chị nhòe nước, cảm giác tổn thương dâng đầy sau cuộc cãi cọ không đáng có.
Sài Gòn những ngày nắng như đổ lửa, con người cũng dễ dàng trở nên cáu kỉnh, như thể muốn bốc hỏa theo. Mấy chị bán rau trong chợ, bình thường đon đả mời gọi; mấy hôm nay, dưới cái hầm hập của mái tôn lợp chợ chẳng còn buồn chào khách. Ai ghé mua gì, hỏi giá ba lần mới mở miệng, chửi đổng lên khi người ta chê đắt, không mua. Ngoài đường, người người chen nhau chạy, cú hích nhẹ vào đuôi xe trong khi dừng đèn đỏ cũng có thể tạo một cuộc om sòm. Bác xe ôm mọi ngày ai hỏi đường đều nhiệt tình giúp đỡ, hôm qua dựng luôn tấm bảng “cấm hỏi đường” ngay chỗ dựng xe; ai mặc kệ, ghé hỏi, bác hậm hực quay mặt giả vờ không nghe thấy…
Chị soạn mớ đồ vừa mua ở chợ, chuẩn bị bữa trưa. Chồng chị “giao lại” cho nhân viên tiếp chuyện vị khách hơn hai tiếng không ngừng càm ràm chiếc điện thoại mới mua, từ cửa hàng, anh chạy vào mở tủ lạnh. “Gặp trúng “thằng khách” điên” – anh làu bàu. “Ủa, hết nước dừa rồi à em?”. “Ừ, mà em quên mua rồi”. “Đã bảo những thứ đó mùa này không thể thiếu, em chợ búa kiểu gì vậy” – anh gắt nhẹ. Cơn tổn thương vừa ở chợ về chưa tan, chị bất ngờ nổi nóng: “Anh giỏi thì chợ búa đi, chờ tôi phục vụ thôi sao”.
Video đang HOT
2. Cô đăng trên Facebook: “Người hiểu biết chẳng ép rượu bia người khác; nhưng bạn là người thế nào mới chơi với đám người ấy”. Dòng trạng thái ngự được sau năm phút, hơn mười “lai” cô đã tháo xuống. Trưa qua, vợ chồng cô đi dự tân gia. Trời nóng hầm, càng oi nồng bởi nhiệt tỏa từ miếng bạt được giăng tạm ngoài hiên che nắng. Tiệc diễn ra tầm một tiếng, cu Bi – 4 tuổi, con trai chị đòi về. Thằng nhỏ quen máy lạnh, không chịu được nóng bức. Cô sờ lưng áo đẫm mồ hôi của con, sốt ruột nhìn chồng. Anh ngó lơ. Thằng nhỏ chạy lại phái ba, níu tay đòi về. Anh nhìn chị cười cười: “Hay hai mẹ con về trước?”. Cô… cười cười đáp lại: “Không sao đâu”.
Bữa tiệc chỉ tan sau thêm hai tiếng đồng hồ. Ngồi sau yên xe anh chồng đã mềm oặt vì bia, 3g chiều, nắng rọi thẳng vô mặt, cô bực dọc: “Thứ người gì thấy người ta không muốn nhậu, mượn cớ đi toilet cũng chạy theo canh, vì sợ về”. “Thì họ quý mình mà em”. “Bợm nhậu chứ quý gì. Em cực kỳ ghét loại người cứ thúc ép người khác rượu bia”. “Thôi, đủ rồi, im đi” – anh cắt ngang. Chiếc xe lảo đảo. Cô la lên: “Anh hại mẹ con tôi luôn đi!”. Anh quát: “Đủ chưa?”. “Biến giùm tôi đi” – cô quắc mắt. Anh bật điện thoại, gọi cho vợ chiếc taxi rồi lên xe phóng đi.
Bạn bè vào hỏi thăm dòng trạng thái đã gỡ, cô giả lả: “Đăng giùm một đứa bạn sau khi nghe tâm sự của nó thôi mà! Cũng tại nắng nóng quá nên nó không kiềm được bức xúc”.
3. Nếu là ngày khác, chị chẳng bao giờ để mình rơi vào tình huống gây gổ với người lạ, huống hồ lớn tiếng đáp trả người trông xe, rồi ôm mớ tổn thương, bực bội về gây với chồng. Là ngày khác, cô chẳng giận dữ đến mức hành mình, huống hồ… giữa đường vạch áo cho người xem lưng. Trời nóng, tâm trạng hiếm khi đủ điềm tĩnh, kiềm lòng để giải quyết một tình huống không thuận ý. Trời nóng, thi nhau trút, tuôn ra những lời khó chịu. Nhưng suy cho cùng, thời tiết chỉ là tác nhân, không là nguyên nhân của mọi ứng xử. Định luật Festingenr (đặt theo tên tác giả – một nhà tâm lý học người Mỹ) có lẽ hơn lúc nào hết cần khuyên nhau áp dụng: cuộc sống hình thành từ 10% sự việc, tình huống xảy ra, 90% là thái độ, phản ứng.
Tiêu Kiếm
Theo phunuonline.com.vn
Đang yên đang lành tự nhiên lại... Tết
Dạo qua mạng xã hội, thỉnh thoảng lại bắt gặp những dòng trạng thái như thế: "Đang yên đàng lành, tự nhiên lại tết". Hình như càng lớn, người ta càng bớt đi những háo hức mong chờ. Hình như càng ngày mọi người càng có chút e ngại khi tết đến.
Với nhiều chị em phụ nữ đã làm dâu, nói đến tết là nói đến nỗi ám ảnh bếp núc. Quê tôi ở miền trung, ngày tết chỉ làm một mâm cỗ đón giao thừa, hết tết chỉ làm một mâm cỗ đốt tết. Vậy nên năm đầu tiên làm dâu đất Bắc tôi cảm thấy phong tục đúng là mỗi nơi mỗi khác.
Suốt mấy ngày tết, sáng nào mẹ chồng cũng giục dậy sớm làm mâm cơm cúng, ngày nào cũng như ngày nào. Cỗ cúng xong rồi cả nhà ngồi ăn xong mới chia nhau đi chúc tết bà con.
Nhưng như nhà chồng tôi, mỗi ngày làm một mâm cỗ còn đỡ. Như bà chị dâu họ bên nhà chồng tôi mới là nỗi ám ảnh. Mồng một tết năm nào chúng tôi đến chúc tết cũng thấy chị đứng trong bếp. Chị thì ở dưới bếp, chồng chị thì ở trên nhà. Nhà chồng chị có truyền thống, mồng một khách đến nhà là cứ phải ăn cơm. Ai đến là dọn mâm, ai đến là phải ngồi xuống ăn một chút uống một chút mới được. Năm mới, gặp phải gia chủ nhiệt tình, không khách nào nỡ từ chối. Vậy là cả ngày hết đoàn khách này đến đoàn khách khác, mâm này chưa kịp thu dọn thì đã phải lo bày ra mâm khác.
Chị nói, "bảy năm làm dâu, mồng một tết năm nào chị cũng tất bật trong bếp từ sáng đến khuya, đến nỗi cứ nghĩ đến mồng một tết là sợ. Thôi thì cả năm có một ngày, cái lệ nhà chồng như thế thì cũng cố cho xong để mồng hai còn về tết ngoại". Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi nếp. Là tôi nghĩ, ngày tết đến thăm anh em bà con mỗi nhà mỗi tý, chúc nhau lời chúc sức khỏe, ngồi hỏi han chuyện trò dăm ba câu, uống chén trà, ăn tý mứt là vui là khỏe. Mỗi lần đến nhà bác, thấy chị tất bật mâm bát, mình ăn vừa thấy phiền vừa thấy ngại. Rồi anh em rượu vào, cà kê có khi mất cả nửa buổi trời. Lúc đang tỉnh táo thì vui, có chút men vào người có khi nói lời thất thố khó nghe.
Tết đến, các cô gái lỡ thì, các chàng trai "quá băm" chưa có vợ thì ám ảnh nhất là về quê phải đối diện với câu hỏi "bao giờ thì lấy chồng/lấy vợ?". Cô bạn tôi cũng "băm mấy nhát" rồi nhưng chưa chịu gật đầu một ai. Nàng ấy nói nhiều khi cảm giác tết không phải là về nhà để vui vầy sum họp mà là dịp để kiểm điểm và chấn chỉnh tình trạng hôn nhân. Về nhà người nhà hỏi, ra đường hàng xóm hỏi, lên mạng bạn bè hỏi, tựa như tết cũng chẳng có gì đáng nói hơn là chuyện chồng con, tựa như việc mình chưa lấy chồng làm cả thiên hạ thấy bất ổn vậy.
Cứ đến hẹn lại lên, năm nào cũng có tết một lần chứ đâu phải bất thình lình là tết đâu. Vậy mà có nhiều người cứ hối hả vội vàng mỗi khi tết đến. Như thể tết bất ngờ đuổi ở đằng sau. Như thể ngày tháng đang bình yên rồi bỗng nhiên tết về gây xáo trộn. Nào là tết nội tết ngoại, nào là công việc trong ngoài, nào chợ búa sắm sanh rồi thì quà cáp lễ lạt. Nhiều người coi tết là dịp nghỉ ngơi, nhưng với nhiều người tết về thêm những bận rộn mệt mỏi, để đủ đầy trọn vẹn, để không bị trách móc xét nét từ việc nhỏ việc to.
Nhưng nói gì thì nói, tết vẫn là dịp để vui. Không phải bởi người đi làm có thêm tháng lương mười ba để mua áo quần cho lũ nhỏ, không phải bởi những quà cáp, tiệc tùng, mà bởi người đi xa có dịp để trở về nhà, bởi ánh mắt cha mẹ sáng bừng niềm vui ngày những cánh chim bay về tổ, bởi những nhọc nhằn hối hả sẽ được nhường chỗ cho những ấm áp sum vầy, để ai xa sẽ trở về gần, ai gần rồi thì gần nhau thêm chút nữa.
Tết vì thế, không chỉ là niềm háo hức cho lũ nhỏ, không chỉ niềm vui cho người già, Tết là để những người đã cứng cáp trưởng thành cảm giác như mình được quay về thời ấu dại. Còn gì tuyệt vời hơn được bên mẹ cha, bên gia đình, nói cười hân hoan mặc kệ những nỗi buồn đã qua, mặc kệ những buồn lo còn chực chờ phía trước.
Mi Mi
Theo dantri.com.vn
Bắt được tin nhắn chồng "à ơi" tán gái, vợ đăng đàn kêu nhớ người yêu cũ để "trả thù" Vợ tôi từng nói: "Em biết anh đào hoa nhưng em sẽ không ghen tuông vớ vẩn. Đáp lại, anh cũng nên nghiêm túc trong các mối quan hệ, đừng để em thất vọng". Tôi đã cố gắng để làm một người chồng ưu tú, người cha mẫu mực trong suốt 7 năm qua. Rồi bỗng dưng mọi cố gắng ấy một ngày...